Cú lội ngược dòng thần kỳ của chàng trai bị liệt toàn thân sau trận bóng đá
Cơ hội chỉ là 1% nhưng chàng trai quê Quảng Ninh đã hồi phục thần kỳ để có thể đi lại, chạy nhảy thậm chí có thể leo núi bằng chính đôi chân của mình.
Trong cuộc sống, rất nhiều người không may mắn khi vừa sinh ra hoặc lớn lên mà không được hưởng đầy đủ hương vị cuộc sống như một người bình thường. Họ bị khiếm khuyết một phần cơ thể hoặc tinh thần khiến họ trở thành người khuyết tật. Tuy nhiên, thay vì trở thành gánh nặng của gia đình, của xã hội, nhiều người khuyết tật đã vươn lên mạnh mẽ bằng nghị lực phi thường, vượt qua mọi nghịch cảnh, vượt lên số phận, giúp đỡ gia đình, giúp đỡ mọi người, làm đẹp cho đời… Họ như những "vầng trăng khuyết", vẫn tỏa sáng và sống đúng tinh thần “tàn nhưng không phế”. |
Liệt toàn thân sau trận bóng đá
Anh Nguyễn Xuân Khánh (SN 1980, quê Quảng Ninh) đang công tác tại Ban Thanh niên của Hội người khuyết tật TP Hà Nội là tấm gương sáng cho nghị lực vươn lên của những người khuyết tật. Từng bị bác sĩ kết luận sẽ phải ngồi xe lăn cả đời nhưng giờ anh đã có thể đi lại, chạy nhảy, thậm chí là theo đuổi đam mê leo núi của mình.
Anh Khánh hoạt động năng nổ trong công tác của người khuyết tật. Ảnh NVCC
Những ngày cuối tháng 5, trời Hà Nội nắng nóng, oi bức. Gặp anh tại một quán cà phê ven đường, tôi ngỡ ngàng khi xuất hiện trước mắt tôi là một người đàn ông khá to cao, rắn giỏi, đôi mắt sáng và nụ cười luôn nở trên khuôn mặt.
Anh cầm theo một chiếc nạng, loại nhỏ có thể gấp gọn lại, chân đi tập tễnh bước thấp bước cao. Anh bảo, mấy năm nay anh có thể đi lại mà không dùng đến nạng, có thời gian anh đến các phòng tập chạy bộ, chạy ở công viên hoặc đi leo núi…
Sau khi hồi phục thần kỳ, anh Khánh đã có thể đi lại và thực hiện những ước mơ của mình. Trong ảnh, anh Khánh chinh phục đỉnh Fansipan. Ảnh NVCC
Tuy nhiên gần đây, do hoạt động nhiều, đứng sân khấu tổ chức các chương trình cho người khuyết tật, cộng thêm việc leo cầu thang nhiều trong viện chăm vợ ốm… khiến gối anh bị tràn dịch nên anh phải dùng nạng để giảm tải áp lực cho đôi chân.
Kể về cuộc đời mình, anh Khánh nở nụ cười tươi nói: “Cuộc đời tôi giống như một câu chuyện thần thoại vậy. Có những thứ mà đến giờ tôi nghĩ lại cũng không ngờ mình vượt qua được”.
Anh kể, năm 1998, anh thi đỗ vào trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội. Vốn là chàng trai khỏe mạnh, năng động, anh rất đam mê với bộ môn bóng đá. Thế nhưng, vào một buổi chiều nọ, khi đang thi đấu trên sân, anh cảm thấy đau tức ngực. Nghĩ là do va chạm trong lúc đá bóng, nghỉ ngơi sẽ đỡ, nhiều ngày sau, cơn đau cứ kéo dài khiến anh Khánh lo lắng.
Anh vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Bác sĩ không phát hiện dấu hiệu gì nguy hiểm, chỉ chẩn đoán anh vận động mạnh nên đau cơ. Ấy thế nhưng, chưa đầy 1 tháng sau, anh liệt toàn thân, cả ngày nằm bất động, chân không còn cảm giác. Chàng trai trẻ rơi vào trạng thái hoang mang cực độ.
Bố mẹ anh tất tả từ quê lên Hà Nội đưa anh vào viện khám lại. Anh được viết giấy giới thiệu sang Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chụp cộng hưởng từ. Kết quả chụp phim cho thấy, trên cột sống của anh có khối u đang mọc rễ, chẩn đoán u ác tính, cần phải mổ gấp.
Trải qua ca phẫu thuật “thập tử nhất sinh”, bác sĩ thông báo ca mổ đã thành công, tuy nhiên, do khối u đã chèn làm tổn thương cột sống nên 2 chân của anh Khánh không còn khả năng vận động.
Cả bầu trời lúc đó như sụp đổ trước mặt chàng thanh niên mới tuổi đôi mươi. Những trận bóng, những buổi đến trường, những chuyến đi của tuổi trẻ giờ chỉ còn là ký ức trong anh. Bố mẹ anh cùng gia đình xúm vào động viên vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Việc học hành của anh Khánh tạm gác lại. Suốt 2 năm sau đó, bố mẹ anh thay phiên nhau nghỉ phép, đưa anh đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để điều trị tích cực, hy vọng có thể thắp lên một tia hy vọng cho đôi chân của con trai. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ lắc đầu và khuyên anh Khánh chấp nhận số phận, làm bạn với xe lăn.
Cú lội ngược dòng thần kỳ
Ở thời điểm hiện tại, anh Khánh nhiều lúc vẫn không nghĩ rằng mình có thể vượt lên số phận, phục hồi thần kỳ để lại được đi trên chính đôi chân của mình.
Anh nói: “Căn bệnh chấn thương cột sống này thì đa số sẽ bị liệt chân, liệt tay hoặc liệt toàn thân, chắc chỉ 1% có cơ hội phục hồi và tôi may mắn là người trong số 1% ấy”.
Nhớ lại quãng thời gian sau phẫu thuật, anh Khánh kể tiếp, đôi chân anh teo tóp, co quắp lại. Bố anh phải dùng những thanh gỗ cỡ lớn nẹp chân anh vào cho khỏi cong, hệt như gông cùm. Lớp gân co rút, vùng da chân tự nứt toác, máu tứa ra. Vùng da lưng hoại tử do nằm một chỗ quá nhiều.
Chữa Tây y không khỏi, bố mẹ anh đưa anh về quê tiếp tục bó lá thuốc của các thầy lang. Nghe ai mách có bài thuốc hay, bố mẹ anh đều tìm đến. Kinh tế gia đình cũng vì thế mà kiệt quệ. Bố mẹ anh phải bán căn nhà rộng rãi, mua ngôi nhà chật hẹp hơn để có tiền chữa bệnh cho con.
Những chuyến đi theo chân bố mẹ vào rừng, tìm đến các thầy lang để chữa bệnh khiến anh Khánh cảm thấy mệt mỏi và kiệt quệ. Những con đường lầy lội, đầy sỏi đá hay la liệt những “ổ voi”… khiến toàn thân anh như rụng rời nhưng anh chẳng dám hé răng kêu than vì sợ bố mẹ thêm lo.
Cứ vài ngày, bố anh lại chở anh đi đắp thuốc hay đi tập vật lý trị liệu. Còn anh thì luôn giữ tinh thần lạc quan và cố gắng từng ngày để không phụ công cha mẹ. Thế rồi điều thần kỳ đã xảy đến với anh Khánh.
Anh Khánh (ngoài cùng bên trái ảnh) tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện. Ảnh NVCC
Năm 2005, đôi chân anh bắt đầu có cảm giác trở lại. Anh mạnh dạn bỏ nẹp, tay bám vào thành giường từng bước tập đi hệt như những đứa trẻ. Chứng kiến giây phút ấy, cả nhà anh vừa mừng, vừa tủi ôm nhau khóc nức nở.
Tia hy vọng quay trở lại, anh Khánh càng có động lực để vượt lên. Hằng ngày, anh tập luyện chăm chỉ để mong đôi chân sớm có thể trở lại bình thường. Ngoài ra, anh cũng ôn thi với mong muốn cháy bỏng được trở lại trường học.
Một năm sau đó, anh thi đỗ vào trường ĐH Bưu chính viễn thông khi đã 27 tuổi. Chàng sinh viên “già” với đôi chân tập tễnh bước thấp bước cao tiếp tục cắp sách tới trường. Cô em gái học năm 2 trường Luật là chỗ dựa vững chãi và cũng như “đôi chân” thứ 2 của anh Khánh thời gian anh theo học.
4 năm sau, anh Khánh tốt nghiệp loại giỏi. Anh đi làm tại một công ty kim hoàn và tham gia tích cực vào các hoạt động hội nhóm của Hội người khuyết tật TP Hà Nội. Hiện tại, anh cùng bạn bè kinh doanh thiết bị công nghiệp và công tác tại Ban Thanh Niên của Hội.
Anh Khánh luôn là người lên kế hoạch tổ chức, đạo diễn kiêm luôn MC của các chương trình dành cho người khuyết tật. Ảnh NVCC
Mọi người đánh giá anh là người rất hòa đồng, năng động, nhiệt tình giúp đỡ người khác, đặc biệt là người khuyết tật. Anh tổ chức các khóa huấn luyện cho người khuyết tật định hướng cuộc sống, nâng cao năng lực nhận thức, hướng nghiệp… tổ chức các lớp học tình thương, xóa mù chữ cho trẻ em lang thang…
Mỗi sự kiện quy mô dù lớn dù nhỏ dành cho người khuyết tật, anh Khánh vừa lên kế hoạch tổ chức, đạo diễn, kịch bản và kiêm luôn vai trò MC.
Bên cạnh đó, anh còn lập kênh Youtube Talk to Us để làm sân chơi cho những người khuyết tật. Đó là nơi những người khuyết tật nói về người khuyết tật, giúp họ vượt qua những mặc cảm của bản thân, sống một cuộc sống của chính mình.
--------------------------------
Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Chàng trai bại liệt vượt khó đưa tiếng Anh miễn phí đến với người khuyết tật vào lúc 0h30 ngày 24/5.
13 năm đứng gác tại ngã tư "tử thần" ngay cạnh quốc lộ 5, ông lão khuyết tật trở thành "khắc tinh" của những vụ tai nạn giao thông đường sắt từng một thời...
Nguồn: [Link nguồn]