Ông chủ tịch ngồi xe lăn giúp cuộc sống người khuyết tật “đổi màu” bằng linh vật SEA Games 31
Những con Sao La nhồi bông – linh vật của SEA Games 31 đang hằng ngày được xuất xưởng bởi đôi bàn tay khéo léo của những người khuyết tật.
Trong cuộc sống, rất nhiều người không may mắn khi vừa sinh ra hoặc lớn lên mà không được hưởng đầy đủ hương vị cuộc sống như một người bình thường. Họ bị khiếm khuyết một phần cơ thể hoặc tinh thần khiến họ trở thành người khuyết tật. Tuy nhiên, thay vì trở thành gánh nặng của gia đình, của xã hội, nhiều người khuyết tật đã vươn lên mạnh mẽ bằng nghị lực phi thường, vượt qua mọi nghịch cảnh, vượt lên số phận, giúp đỡ gia đình, giúp đỡ mọi người, làm đẹp cho đời… Họ như những "vầng trăng khuyết", vẫn tỏa sáng và sống đúng tinh thần “tàn nhưng không phế”. |
Thú nhồi bông Sao La “cháy hàng”
Những ngày diễn ra SEA Games 31, xưởng sản xuất của công ty Kym Việt (Hà Nội) luôn sáng đèn và tất bật tiếng máy khâu. Hơn 10 công nhân cặm cụi chủ yếu làm một mặt hàng duy nhất đó là thú nhồi bông Sao La – linh vật của SEA Games 31.
Anh Phạm Việt Hoài sáng lập ra Kym Việt tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật
Anh Phạm Việt Hoài (SN 1973) – Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi sản xuất được khoảng 100 con thú nhồi bông, tuy nhiên, số lượng đó chỉ đáp ứng được khoảng 60% số lượng hàng đặt. Các đơn hàng, chúng tôi cam kết giao hàng trong vòng 7 ngày từ ngày đặt.
Đặc thù của doanh nghiệp tôi là các công nhân đều là người khuyết tật, sức khỏe không cho phép làm nhiều nên số lượng hàng làm ra có hạn. Mặc dù, những ngày gần đây chúng tôi đã tăng ca làm đến 21h nhưng sản phẩm thú nhồi bông Sao La luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Linh vật của SEA Games 31 đang là mặt hàng “hot” tại Kym Việt
Chủ doanh nghiệp Kym Việt cho biết thêm, những chú Sao La này không phải linh vật chính thức của SEA Games 31 mà đây là một sản phẩm đồng hành, được BTC SEA Games 31 cấp phép cho Kym Việt sản xuất với độc quyền thiết kế về mẫu. Sản phẩm không được in hình logo SEA Games, thay vào đó là in cờ Việt Nam.
Sản phẩm Sao La của Kym Việt là sản phẩm đồng hành cùng SEA Games 31
Trước đó, Kym Việt đã liên lạc với Ban tổ chức SEA Games để xin phép sản xuất búp bê Sao La. Nhằm lan tỏa tinh thần SEA Games 31 "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" đến cộng đồng và khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành, tuyên truyền quảng bá cho SEA Games 31, góp phần vào thành công của Đại hội.
Thú nhồi bông Sao La được thiết kế độc quyền và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ
Từ giữa tháng 4/2022, trước khi SEA Games 31 khai mạc, những chú Sao La nhồi bông của Kym Việt đã ra mắt thị trường và nhanh chóng nhận được sự yêu thích của khách hàng. Các chú Sao La được thiết kế bằng vải da lộn với khoảng 37 chi tiết cắt may. Mọi đường kim, mũi chỉ đều được thực hiện tỉ mỉ dưới đôi bàn tay của những người khuyết tật khiếm thính, khuyết tật vận động.
Vượt lên số phận, tự tìm lối đi riêng
Là một người khuyết tật nên anh Phạm Việt Hoài hiểu được những khó khăn, thiệt thòi mà những người khuyết tật khác phải trải qua, vì thế, anh luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và mong muốn tạo ra một cơ sở để giúp đỡ những người khuyết tật khác.
Ngồi tâm sự với PV, anh Phạm Việt Hoài chia sẻ, năm anh lên 7 tuổi thì trải qua một vụ tai nạn “thập tử nhất sinh”. Trải qua 2 năm trong bệnh viện, anh hồi phục nhưng sức khỏe yếu, còn đôi chân của anh bị đứt tủy sống nên liệt hoàn toàn.
Anh nỗ lực vươn lên học tập tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bố anh - một thầy giáo. Sau đó, anh hoàn thành các chương trình học như một người bình thường, tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và đỗ Đại học.
Nói về con đường kinh doanh của mình, anh Hoài bảo, con đường nào mà chẳng có những chông gai, mấy ai khởi nghiệp mà đã thành công ngay từ đầu. Ban đầu, anh Hoài cùng bạn mở một cửa hàng photocopy nhưng thất bại thảm hại, còn mất luôn cả tình bạn. Sau đó, anh kinh doanh hàng rào bê tông đúc sẵn, cửa hàng đĩa phần mềm, thiết bị công nghiệp… tuy nhiên, tất cả đều không thành công như mong đợi.
Mãi đến tháng 12/2013, anh Hoài cùng 2 người bạn khuyết tật của mình là Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh lập nên Kym Việt, với sản phẩm chủ đạo là thú nhồi bông. Xưởng sản xuất ban đầu chỉ là 2 chiếc máy khâu với 1 máy vắt sổ, hoạt động trong khoảng sân 5m2 nhà thờ họ của một thành viên công ty.
Anh cùng các bạn mình mang những sản phẩm đầu tay đến các hội chợ, các gian hàng lưu niệm ở các khu du lịch trên khắp cả nước để chào hàng. Những ngày tháng ban đầu, tìm đầu ra cho sản phẩm là một cuộc thử thách thực sự với những người khuyết tật như anh Hoài và các bạn.
Thế rồi, bằng sự kiên trì đi kèm là chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo, mặt hàng của Kym Việt dần len lỏi vào thị trường và được nhiều người yêu thích.
Bên cạnh Sao La là sản phẩm mới, Kym Việt còn sản xuất hàng chục mẫu thú nhồi bông khác
“Chúng tôi luôn đặt ra tiêu chí đẹp về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng để được thị trường chấp nhận. Tuyệt đối chúng tôi không lấy cái khiếm khuyết của mình ra để lấy lòng thương của khách hàng, càng không lấy cái khiếm khuyết để kêu gọi hỗ trợ, quảng bá cho công ty, cho sản phẩm. Chúng tôi sẽ tự đi lên bằng chính khả năng của mình, khả năng đến đâu làm đến đó”, anh Hoài bộc bạch.
Về dự định sắp tới, anh Hoài cho hay, do thị trường mới trở lại sau thời gian dịch bệnh nên mục tiêu trước mắt là duy trì sản xuất. Sau đó, mong ước lớn hơn của anh là đưa các sản phẩm của công ty ra nước ngoài, đến được tay nhiều hơn với bạn bè quốc tế.
Mái nhà chung của nhiều người khuyết tật
Hiện nay, Kym Việt đã trở thành một công ty lớn mạnh với 3 cơ sở kinh doanh cà phê, trong đó 1 cơ sở kết hợp với sản xuất thú nhồi bông. Xưởng may, làm thú nhồi bông của Kym Việt đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 người, chủ yếu là người khuyết tật khiếm thính (câm điếc), một số là khuyết tật vận động và thiểu năng trí tuệ với mức lương dao động từ 3-8 triệu đồng, có chỗ ăn, chỗ ngủ.
Các sản phẩm đều được sản xuất bởi bàn tay của những người khuyết tật còn khả năng lao động
Chị Lê Thị Vân (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những người đầu tiên làm ở xưởng may Kym Việt từ khi thành lập. Là một người câm điếc, trước đây chị đã đi xin việc ở nhiều nơi nhưng không được chấp nhận hay có đi làm ở vài nơi nhưng cũng không được lâu do công việc và môi trường không phù hợp.
Đến với Kym Việt, chị Vân được giúp đỡ nhiều, được sống và làm việc trong môi trường của những người cùng cảnh ngộ nên có sự cảm thông.
“Tôi coi đây như mái nhà thứ 2 của mình vậy. Ở đây, tôi có công việc ổn định, mức lương đủ sống và mọi người đối xử rất tốt với nhau”, chị Vân chia sẻ.
Chị Vân – một người câm điếc làm việc tại xưởng may Kym Việt
Chị Hà Mai Hòa, một người câm điếc đến từ Nghệ An là một trong những tay may chính của Kym Việt. Chị xuất thân từ một gia đình nghèo ở xứ Nghệ, gia đình chỉ làm nông nghiệp lại đông con nên cuộc sống rất vất vả.
Trước khi đến đây, chị từng là gánh nặng của gia đình nhưng giờ đây chị đã có thể tự nuôi sống được bản thân. Bên cạnh đó, chị còn dành dụm được tiền để mua xe máy, gửi về cho gia đình phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học…
Thú nhồi bông đa dạng về mẫu mã, tinh xảo và đảm bảo về chất lượng
Là một trong 2 người thuộc dạng khuyết tật thiểu năng trí tuệ tại xưởng may Kym Việt, chị Nguyễn Minh Thúy (quận Hà Đông, Hà Nội) nhiều lúc nhớ nhớ quên quên, chân tay chậm nên không thể ngồi bàn may. Thay vào đó, chị được bố trí các công việc phụ trợ như cắt, ép vải, nhồi bông…
Với mức lương khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, chị Thúy đã có thể tự nuôi sống bản thân mà không phải phụ thuộc vào gia đình.
Ngoài ra, còn rất nhiều người khuyết tật khác vẫn đang hằng ngày lao động hăng say tại Kym Việt để tạo ra những sản phẩm thú nhồi bông tinh xảo. Họ thầm cảm ơn Kym Việt vì đã cho họ một mái nhà, một công việc, một cuộc sống đúng với bản ngã của mình.
-----------------------------------
Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: Cú lội ngược dòng thần kỳ của chàng trai bị liệt toàn thân sau trận bóng đá vào lúc 0h30 ngày 23/5.
Hàng trăm chú Sao La đặc biệt lại được làm bằng chính những đôi bàn tay của những người kém may mắn sản xuất mỗi ngày trong một xưởng nhỏ nhằm hướng tới ngày hội thể...
Nguồn: [Link nguồn]