Vụ nã pháo "tai tiếng nhất thế kỷ 20" khi Israel đáp trả Hezbollah
Trong giới quân sự, đây được xem là vụ bắn pháo tai tiếng nhất thế kỷ 20. Thậm chí, nhiều quốc gia gọi đây là một vụ thảm sát.
Người dân Lebanon lũ lượt sơ tán khỏi thành phố Tyre, miền nam đất nước, sau khi Israel pháo kích năm 1996. Ảnh: Getty
Vào một ngày tháng 4/1996, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cảnh báo dân thường Lebanon sơ tán khỏi các thị trấn gần biên giới với Israel. Vì IDF chuẩn bị mở một chiến dịch lớn nhằm vào lực lượng Hezbollah.
Nhiều dân thường Lebanon đã sơ tán tới thị trấn Qana (miền nam Lebanon) vì ở đây có một cơ sở của Liên Hợp Quốc. Họ cho rằng ở đó sẽ rất an toàn, nhưng họ đã lầm.
Chiến dịch "Chùm nho thịnh nộ"
Đầu năm 1996, Hezbollah leo thang căng thẳng khi liên tục bắn rocket vào phía bắc Israel và có các hoạt động nhằm vào IDF từ miền nam Lebanon.
Chu kỳ bắn rocket và tấn công quân sự của Hezbollah lên đến đỉnh điểm khi đó bằng loạt rocket gây thương vong cho 38 người Israel. Vụ việc này là cái cớ để Israel quyết định mở chiến dịch "Operation Grapes of Wrath" (tạm dịch: Chiến dịch Chùm nho thịnh nộ).
Israel dùng lựu pháo tự hành M109 (Mỹ sản xuất) để nã vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền nam Lebanon vào tháng 4/1996. Ảnh: Getty
Ngày 11/4/1996, IDF được "bật đèn xanh" để tấn công Hezbollah ở Lebanon. Quân đội Israel ngay lập tức nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng và các trung tâm của Hezbollah ở miền nam Lebanon bằng pháo và chiến đấu cơ. Hải quân Israel cũng hỗ trợ và kiểm soát hiệu quả vùng biển giữa thủ đô Beirut và thành phố Tyre của Lebanon.
Theo Irish Times, IDF không muốn triển khai lực lượng bộ binh đến miền nam Lebanon, nơi họ chắc chắn trở thành “con mồi” cho các tay súng được tổ chức tốt của Hezbollah. Thay vào đó, họ chọn một chiến dịch công nghệ cao, được thực hiện phần lớn trên máy tính và từ các vị trí cách xa hàng km bên trong Israel.
Máy bay không người lái (UAV) được trang bị camera, chuyển tiếp hình ảnh và tọa độ về các sở chỉ huy ở miền bắc Israel. Thông tin được vi tính hóa và được sử dụng để tự động chỉ đạo các cuộc tấn công bằng pháo, chiến đấu cơ.
Người Israel cũng có thiết bị phát hiện điểm bắn (nơi đặt bệ phóng) của rocket Katyusha do Hezbollah bắn ra. Hệ thống "tìm lửa" của Mỹ sản xuất sẽ xác định tọa độ của điểm bắn và chỉ đạo pháo, chiến đấu cơ tấn công vào đó. Hoạt động đáp trả các cuộc tấn công rocket Katyusha diễn ra sau vài phút.
Hezbollah cũng thích nghi nhanh với tác động từ công nghệ mới của Israel. Để tránh bị hệ thống "tìm lửa" phát hiện, họ bắn rocket bằng ngòi nổ hẹn giờ. Khi rocket Katyusha bắn ra và vài phút sau hỏa lực của Israel đáp trả xuống điểm bắn, các tay súng Hezbollah đã tới vị trí an toàn.
Thời điểm đó, Israel liên tục giám sát miền nam Lebanon, bất kể ngày đêm. Các UAV, trực thăng Cobra và Apache, chiến đấu cơ F-16 và các máy bay tấn công khác đều được trang bị thiết bị nhìn ban đêm. Thiết bị "tìm lửa" cũng hoạt động cả ngày lẫn đêm. Một số cuộc tấn công bằng rocket và pháo dữ dội nhất đều diễn ra khi màn đêm buông xuống.
IDF cố gắng cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự vào miền nam Lebanon bằng cách đưa tàu chiến hải quân bắn phá giao thông trên tuyến đường ven biển chính vào Lebanon và chiến đấu cơ ném bom các tuyến đường tỏa ra từ bờ biển vào nội địa Lebanon.
Hai binh sĩ Israel bị thương được đưa xuống khỏi trực thăng sau chuyến bay từ miền nam Lebanon về một căn cứ ở miền bắc Israel ngày 12/5/1996. Ảnh: Getty
Bất chấp chiến dịch của Israel, Hezbollah vẫn có thể nã rocket vào miền bắc Israel.
Refworld - cơ sở dữ liệu trực tuyến do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) quản lý - cho biết, giới lãnh đạo chính trị của Hezbollah công khai tuyên bố, lực lượng này có quyền tấn công quân sự nhằm vào Israel để trả đũa “những cái chết của dân thường Lebanon mà IDF gây ra”.
Vào đầu chiến dịch của Israel, thủ lĩnh Hezbollah al-Sayyid Hassan Nasrallah cảnh báo sẽ trả thù nhằm vào phía bắc Israel.
"Khi người dân Lebanon bị tấn công, người dân Israel cũng phải chịu cảnh tương tự. Chúng tôi sẽ đáp trả việc Israel tấn công vào Lebanon bằng cách bắn phá các khu định cư ở phía bắc Israel", ông Nasrallah tuyên bố năm 1996.
Ngày 14/4/1996, một phát ngôn viên của Hezbollah nói với hãng tin Reuters rằng: "Chúng tôi đã bắn hàng chục quả rocket Katyusha vào các khu định cư Israel. Các khu định cư phía bắc Israel sẽ bị tấn công liên tục và dữ dội. Chúng tôi sẽ biến nơi đó thành địa ngục".
Theo Refworld, tổng cộng 639 rocket Katyusha được Hezbollah bắn vào lãnh thổ Israel trong thời gian nước này thực hiện chiến dịch "Chùm nho thịnh nộ" ở Lebanon. Các vụ nã rocket được thực hiện sau mỗi lần IDF tấn công, gây thương vong ở Lebanon, Refworld cho hay.
Các cuộc tấn công bằng rocket Katyusha của Hezbollah trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân miền bắc Israel và buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Vụ "thảm sát" chấn động
Trẻ em Lebanon mang theo mô hình rocket Katyusha, hô vang khẩu hiệu chống Israel trong cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng Liên Hợp Quốc ở thủ đô Beirut năm 2006. Cuộc biểu tình diễn ra vào dịp kỷ niệm 10 năm vụ "thảm sát Qana". Ảnh: Getty
Theo trang web của quân đội Mỹ (Army.mil), trong giới quân sự, vụ Israel bắn vào cơ sở Liên Hợp Quốc ở Qana khi thực hiện chiến dịch “Chùm nho thịnh nộ” được xem là vụ bắn pháo tai tiếng nhất thế kỷ 20.
Vào khoảng 11h sáng 18/4/1996, các nhân chứng quan sát thấy một số tay súng Hezbollah thiết lập một vị trí bắn súng cối ở thị trấn Qana do lực lượng này kiểm soát. Vị trí bắn súng cối cách khu phức hợp tị nạn của Liên Hợp Quốc khoảng 220m về phía tây nam.
Chiều cùng ngày, lực lượng tuần tra của đơn vị Maglan (thuộc IDF) đã cài bẫy mìn trên một con đường dẫn đến Qana.
Nhân chứng cho biết, vào khoảng 13h52, các tay súng Hezbollah mặc áo khoác chống đạn của Liên Hợp Quốc đã bắn 8 quả đạn cối vào lực lượng tuần tra Maglan.
Nhân chứng cũng cho biết, sau khi bắn xong, các tay súng này đã chạy vào khu phức hợp tị nạn của Liên Hợp Quốc. Vài phút sau, lực lượng định vị của Israel xác định điểm bắn của súng cối tại nghĩa trang gần một ngã tư ở Qana, cách khu phức hợp của tiểu đoàn Fiji thuộc Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) 170m.
Theo trang web Army.mil, thời điểm đó, khu phức hợp có khoảng 800 người tị nạn Lebanon. Lực lượng tuần tra Maglan (Israel) đã gọi cho tiểu đoàn pháo binh M109A2 (được bố trí ở Lebanon, với 3 khẩu đội, mỗi khẩu đội có 4 pháo), đề nghị hỗ trợ hỏa lực.
Lệnh bắn được truyền đến một khẩu đội. Trong 5 phút, khẩu đội này bắn 36 quả đạn pháo vào vị trí được cung cấp.
Trang web Army.mil cho hay, cả 36 quả đạn pháo đều không trúng địa điểm có súng cối của Hezbollah. Nhưng 13 quả đạn pháo đã trúng khu phức hợp của Liên Hợp Quốc, khiến 106 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Người dân và binh sĩ của Liên Hợp Quốc đưa thi thể một nạn nhân khỏi đống đổ nát ở Qana. Ảnh: Getty
Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế nhanh chóng lên án động thái của Israel, đồng thời yêu cầu nước này chấm dứt ngay chiến dịch quân sự ở Lebanon. Nhiều quốc gia gọi vụ việc ở Qana là một vụ thảm sát.
Israel tuyên bố cuộc tấn công vào khu phức hợp ở Qana là một tai nạn không mong muốn. IDF cho rằng họ đang nhắm vào các vị trí của Hezbollah và không biết những người tị nạn đang trú ẩn ở khu phức hợp.
Sau vụ việc ở Qana, Mỹ đã bắt đầu làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa Israel, Lebanon và Syria. Cuộc hòa giải dẫn đến Thỏa thuận Grapes of Wrath, ký ngày 26/4/1996, chính thức chấm dứt chiến dịch "Chùm nho thịnh nộ" của Israel.
Theo thỏa thuận này, tất cả các bên phải hạn chế hình thức lôi kéo dân thường vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Hezbollah phải ngừng bắn rocket vào Israel, trong khi IDF cũng dừng không kích và nã pháo vào miền nam Lebanon. Thỏa thuận cũng kêu gọi thành lập một ủy ban giám sát tất cả các bên trong việc thực thi.
Theo Ynet News, chiến dịch "Chùm nho thịnh nộ" bị chỉ trích nặng nề ở Israel khi nhiều người tin chiến dịch này sẽ thất bại. Thỏa thuận ngừng bắn sau đó cũng không phát huy hiệu quả khi Israel và Hezbollah khiếu nại với ủy ban giám sát về sự vi phạm của mỗi bên.
----------------------
Mùa hè 2006, một cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hezbollah đã làm bùng nổ cuộc chiến giữa Israel và thế lực ở Lebanon. Chỉ trong vài giờ, những diễn biến nhanh chóng đã đưa hai bên vào vòng xoáy bạo lực tàn khốc. Điều gì khiến Israel, một cường quốc quân sự trong khu vực, phải đối mặt với những thất bại đau đớn và chấp nhận rút lui sau hơn một tháng giao tranh? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng tối 27/8 để có lời giải đáp.
Nguồn: [Link nguồn]
Khách sạn sang trọng Dorchester ở Anh nằm cách xa quốc gia Trung Đông Lebanon, nhưng một sự kiện chấn động ở khách sạn này đã khiến giới chức Israel động binh ngay lập tức.