Vụ ám sát táo tợn tại Anh thổi bùng cuộc chiến của Israel ở nước láng giềng
Khách sạn sang trọng Dorchester ở Anh nằm cách xa quốc gia Trung Đông Lebanon, nhưng một sự kiện chấn động ở khách sạn này đã khiến giới chức Israel động binh ngay lập tức.
Hiện trường nơi Đại sứ Israel tại Anh Shlomo Argov bị ám sát ở London ngày 3/6/1982. Ảnh: Getty Images
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah đang leo thang, một lần nữa nhắc nhở thế giới về sự hỗn loạn ở khu vực Trung Đông. Những cuộc tấn công qua lại liên tiếp giữa hai bên không chỉ là hệ quả của mâu thuẫn hiện tại mà còn là sự tiếp nối của một chuỗi xung đột kéo dài nhiều thập kỷ. Để hiểu rõ hơn về căng thẳng hiện nay, mời độc giả cùng tìm hiểu 3 cuộc tấn công lớn của Israel vào Lebanon - định hình mối quan hệ thù địch giữa Israel và Hezbollah ngày nay. |
Vụ ám sát táo tợn
Một đêm tháng 6 năm 1982, hàng chục nhà ngoại giao tập trung tại khách sạn Dorchester - một trong những khách sạn sang trọng nhất thế giới lúc đó - để tham dự một sự kiện thường niên. Gần nửa đêm, ông Shlomo Argov, Đại sứ Israel tại Anh và là nhân vật được kính nể ở Israel, rời khách sạn.
Đơn vị bảo vệ của Shin Bet (Cơ quan Tình báo nội địa Israel) không được phép hoạt động ở Anh, vì vậy ông Argov được vệ sĩ người Anh Colin Simpson bảo vệ. Hai người đi bộ đến một chiếc Volvo bọc thép của đại sứ quán đỗ gần bên ngoài khách sạn Dorchester.
Vài phút trước, trong phòng vệ sinh nam của khách sạn Hilton gần đó, một cuộc gặp bí mật đã diễn ra. Ở đó, Marwan al-Banna, thành viên của tổ chức cực đoan Abu Nidal (ANO, hoạt động ở Lebanon), đã lấy ra chiếc túi màu nâu có giấu một khẩu súng tiểu liên thu nhỏ WZ-63 do Ba Lan sản xuất kèm theo 2 băng đạn rồi đưa cho đồng phạm Hussein Said.
Said rời đi vào khoảng 23h và phục kích gần nơi đỗ xe của ông Argov. Khi vị Đại sứ Israel bước lên xe, Said nhảy ra, nổ súng về phía mục tiêu rồi bỏ trốn.
Trong cuốn sách "The Master Terrorist: The True Story Behind Abu Nidal" (Kẻ khủng bố già dơ: Câu chuyện thật đằng sau Abu Nidal), phóng viên Yossi Melman, người đã tường thuật về vụ ám sát và các phiên tòa sau đó, dẫn lời vệ sĩ Colin Simpson: "Ông ấy cúi người xuống và chuẩn bị vào xe. Khi ông ấy chuẩn bị cúi đầu vào trong, tôi nghe thấy một tiếng động sau lưng mình. Ngài Đại sứ ngã xuống vỉa hè. Tôi nhìn xuống và thấy vết thương cực kỳ nghiêm trọng."
Vệ sĩ Simpson đẩy Đại sứ Argov lên xe và bảo tài xế lái đến bệnh viện. Sau đó, vệ sĩ này đuổi theo và bắn trúng phần dưới tai của Said nhưng không giết được tên này. Said bắn trả suýt trúng vào đầu của Simpson. Theo phóng viên Melman, các điều tra viên sau đó phát hiện ra rằng khẩu súng tiểu liên của Said đã được cài đặt chế độ bắn từng viên một, nếu không Simpson có thể đã bị trúng nhiều phát đạn.
Đại sứ Argov kém may mắn hơn vệ sĩ. Một viên đạn đã xuyên qua não ông khiến vị Đại sứ bị hôn mê trong nhiều tháng và bị liệt, phải nằm trên giường bệnh suốt hàng thập kỷ.
Said và đồng bọn bị bắt giữ khoảng hơn 40 phút sau vụ tấn công. Tại London, kẻ nổ súng vào Đại sứ Israel tại Anh bị kết án 30 năm tù.
Đại sứ Israel tại Anh Shlomo Argov. Ảnh: SFS
Vài giờ sau vụ ám sát, một cuộc họp khẩn cấp của nội các Israel đã kết thúc với quyết định tấn công 11 mục tiêu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Lebanon, hai trong số đó ở thủ đô Beirut.
Trong cuộc họp, Thủ tướng Israel Menachem Begin nhấn mạnh rõ sự cấp bách của hành động trên. Theo nhà sử học quân sự Shimon Golan, tác giả của công trình toàn diện nhất mô tả các quá trình ra quyết định cấp cao trong Chiến tranh Lebanon lần thứ nhất, ông Begin nói rằng "Israel không thể chờ đợi kết luận của cảnh sát London về tổ chức đứng sau những kẻ ám sát; Israel phải tấn công ngay lập tức vào trung tâm của những kẻ khủng bố ở Lebanon..."
Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Rafael Eitan đã đề xuất các mục tiêu ban đầu để tấn công. Ông Begin chấp nhận các đề xuất và nhấn mạnh Israel phải cẩn thận để tránh thương vong dân sự, đồng thời chuẩn bị cho phản ứng tất yếu, bao gồm các cuộc tấn công đáp trả của PLO.
Ngay sau các cuộc không kích ban đầu, Israel tiếp tục nã rocket vào các mục tiêu PLO ở Lebanon. Giới lãnh đạo Israel khi đó chuyển từ thảo luận cách đáp trả sang quyết định thời điểm thuận lợi nhất để khởi động một cuộc tấn công mặt đất. Cuộc chiến kéo dài hàng tháng sau đó, được biết tới với tên gọi Chiến tranh Lebanon lần thứ nhất (hay Chiến dịch Hòa bình cho Galilee - vì khi đó PLO liên tục tấn công vùng Galilee của Israel, buộc hàng nghìn người phải sơ tán).
Một điều khiến nhiều người thắc mắc là PLO không liên quan đến vụ ám sát Đại sứ Israel tại Anh nhưng Israel vẫn tấn công vào các mục tiêu của PLO ở Yemen. Nhóm ám sát Đại sứ Israel là thành viên của tổ chức cực đoan ANO - nhóm đối lập với PLO ở Yemen. Theo trang Tablet Magazine, điều này càng chứng tỏ, Israel đã âm thầm chuẩn bị kế hoạch tấn công vào Lebanon và vụ ám sát Đại sứ Israel ở Anh chỉ là cái cớ.
Cuộc chiến gây tranh cãi nhất của Israel
Theo trang web của Anti-Defamation League (Liên đoàn chống phỉ báng), một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, Chiến tranh Lebanon lần thứ nhất là cuộc chiến gây tranh cãi nhất của Israel thời điểm đó.
Cuộc chiến diễn ra trong bối cảnh giữa những năm 1970 khi Lebanon đang có nội chiến và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mở rộng sự hiện diện tại đây. PLO thành lập các trung tâm huấn luyện quân sự và tăng cường các cuộc tấn công bằng pháo và tấn công xuyên biên giới vào miền bắc Israel.
Sau vụ Đại sứ Israel bị ám sát hụt tại London, Israel đã tấn công các mục tiêu của PLO tại Lebanon vào ngày 4/6/1982. PLO đáp trả bằng các loạt pháo và rocket, và Israel đã trả đũa bằng cách đưa quân vào Lebanon, trong một nhiệm vụ mang tên "Chiến dịch Hòa bình cho Galilee". Chiến tranh Lebanon lần thứ nhất giữa Israel với liên quân PLO, Syria và các nhóm dân quân Lebanon chính thức bắt đầu.
Binh sĩ Israel ở Lebanon năm 1982. Ảnh: IDF
Theo MERIP (Dự án Nghiên cứu và Thông tin Trung Đông - tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ), ngày 6/6/1982, khoảng 40.000 binh sĩ IDF, cùng hàng trăm xe tăng và xe bọc thép chở quân, đã vượt qua biên giới tiến vào miền nam Lebanon.
Trong khi đó, liên quân PLO - Lebanon ở miền nam Lebanon chỉ có khoảng 10.000 quân cùng một số xe tăng cũ như T-34 và T-55 - "có thể bắn nhưng gần như không di chuyển được".
Hải quân Israel đổ bộ lên bờ biển Lebanon tại thành phố Sidon và gần cửa sông Zahrani, trong khi không quân Israel tiếp tục không kích dữ dội vào các trại của người Palestine ở phía nam và xung quanh Beirut.
Quân đội Israel chia làm 3 mũi tiến công. Ở phía đông, một nhóm quân với thiết giáp di chuyển về phía thung lũng Bekaa, nơi quân đội Syria và tên lửa phòng không của Lebanon tập kết. Một mũi tiến công khác di chuyển từ khu vực do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UNIFIL) tuần tra đến lâu đài Beaufort, miền nam Lebanon. Mũi tiến công đông quân nhất của Israel di chuyển dọc theo con đường ven biển đến thành phố Tyre, cách biên giới Israel khoảng 20km về phía bắc.
Mũi tiến công đầu tiên chủ yếu là để thu hút sự chú ý của đối phương. Người Israel đã "đánh lừa" người Syria trong 2 ngày và sau đó tổ chức một cuộc tấn công chớp nhoáng từ bờ biển, khiến người Syria không kịp trở tay. Ở các khu vực trung tâm và phía đông, lực lượng liên quân PLO và Lebanon áp dụng chiến thuật đánh du kích, khiến quân Israel bối rối.
Ở các cứ điểm xung quanh thành phố Tyre và Sidon, Israel đã huy động thêm lực lượng tới đè bẹp các cuộc kháng cự của liên quân PLO, Syria và Lebanon.
Trong 4 ngày từ 6/6 đến 9/6, IDF chiếm được khu vực phía nam Lebanon.
Một trụ sở của IDF ở thành phố Tyre (Lebanon) bị tấn công vào năm 1982. Ảnh: IDF
Từ ngày 9/6 đến ngày 11/6, liên quân PLO - Syria - Lebanon thiết lập một phòng tuyến lớn ở Beirut và thực tế ngăn chặn được phần nào bước tiến của Israel. Tuy nhiên, vào ngày 11/6, nhà hòa giải người Mỹ Philip Habib đã sắp xếp để có một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Syria.
Lệnh ngừng bắn này được đưa ra sau khi Israel xóa sổ các vị trí tên lửa phòng không của Syria tại thung lũng Bekaa và phá hủy hơn 60 máy bay phản lực chiến đấu của Syria chỉ trong vòng 2 ngày.
Với việc người Israel ở đã tiến sát thủ đô Beirut (nơi PLO đặt trụ sở chính) và người Syria ngừng tham gia cuộc chiến, áp lực ngày càng gia tăng lên liên quân PLO - Lebanon.
Giao tranh dữ dội giữa 2 bên tiếp tục diễn ra tới ngày 25/6, IDF với ưu thế quân số, trang thiết bị đã chiếm lợi thế. PLO bị bao vây ở Beirut.
Theo Jerusalem Post, cuộc bao vây kéo dài 2 tháng và PLO sau đó phải rời Lebanon sang Tunisia vào tháng 9. Ở thời điểm này, chiến dịch đã thành công đáng kể với Israel và có thể xem là đã kết thúc.
Vụ thảm sát rúng động
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ariel Sharon. Ảnh: Flash90
Ngày 16/9/1982, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ariel Sharon và Tham mưu trưởng IDF Rafael Eitan đã cho phép lực lượng Phalange (Lebanon) - đồng minh của Israel có tư tưởng chiến đấu chống lại các phe phái Hồi giáo và người Palestine - lùng sục trong 2 trại tị nạn Shatila và Sabra ở phía tây thủ đô Beirut để truy tìm lực lượng PLO còn ẩn náu.
Tuy nhiên, Phalange đã thảm sát dã man thường dân Palestine trong trại. Có khoảng 2.000 đến 3.500 người bị giết trong 2 ngày (16/9 đến 18/9). Nhiều người Israel đã kinh hoàng trước vụ việc.
Ngày 24/9, hơn 400.000 người đã tập trung tại thành phố Tel Aviv để biểu tình phản đối Chiến tranh ở Lebanon. Tháng 2/1983, giới chức điều tra Israel phát hiện ông Sharon "gián tiếp chịu trách nhiệm" về vụ thảm sát ở Shatila và Sabra. Ông Sharon sau đó đã từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Israel.
Năm 1983, Israel đã ký một thỏa thuận với Lebanon chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa 2 nước. Một năm sau, dưới áp lực từ chính phủ Syria, Lebanon đã từ bỏ thỏa thuận.
Quân đội Israel đã hoàn thành việc rút quân khỏi Lebanon theo từng giai đoạn vào tháng 6/1985 và tạo ra một vùng đệm an ninh rộng 14km ở miền nam Lebanon dọc theo biên giới. Khu vực này nhằm mục đích bảo vệ các khu định cư dân sự của Israel ở Galilee khỏi các cuộc tấn công xuyên biên giới. Quân đội Israel khi đó vẫn hiện diện ở vùng đệm này.
Tháng 3/2000, nội các Israel đã bỏ phiếu nhất trí rút toàn bộ quân khỏi Lebanon (kể cả vùng đệm) vào tháng 7 năm đó vì nhiều binh sĩ Israel ở vùng đệm bị tấn công. Thủ tướng Israel Ehud Barak khi đó ra lệnh cho quân đội rút quân sớm 2 tháng so với quyết định ban đầu.
Cuộc chiến để lại hậu quả nghiêm trọng cho Lebanon, bao gồm thiệt hại lớn về người và của, cũng như sự gia tăng của các lực lượng dân quân khác nhau. Cuộc chiến cũng dẫn đến sự xuất hiện của Hezbollah như một lực lượng nổi dậy kiểm soát nhiều khu vực ở Lebanon, trong đó có thủ đô Beirut.
--------------------------
Trong những ngày căng thẳng nhất của tháng 4/1996, khi Hezbollah và Israel đều dồn lực vào cuộc xung đột khốc liệt, hàng trăm người dân Lebanon nghĩ rằng họ đã tìm được nơi an toàn ở thị trấn Qana vì ở đây có một cơ sở của Liên Hợp Quốc. Nhưng tất cả đã nhầm. Một sự kiện chấn động đã xảy ra ở đây, gây ra thảm kịch. Mời độc giả cùng đón đọc bài tiếp theo đăng tối 26/8 để tìm hiểu về thảm kịch này.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong giới quân sự, đây được xem là vụ bắn pháo tai tiếng nhất thế kỷ 20. Thậm chí, nhiều quốc gia gọi đây là một vụ thảm sát.