Tộc ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á đón Tết như thế nào?
Tộc người ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á có một phong tục Tết rất thú vị, đó là phán đoán tương lai nhờ vào màu sắc của nấm mốc trên bát cơm cúng đầu năm. Ngoài ra, tộc người này có nhiều phong tục khác rất quen thuộc với người châu Á vào dịp Tết Nguyên đán.
Trẻ em Peranakan mặc trang phục khá cầu kỳ trong các dịp lễ lớn, trong đó có ngày Tết. Ảnh: NST
Đặc sắc Tết xưa của người Peranakan
Peranakan là một từ trong ngôn ngữ Indo-Malay, có nghĩa là "con của...", "hậu duệ", "con lai", hoặc "được sinh ra tại địa phương", tùy từng ngữ cảnh. Nó được dùng để chỉ nền văn hóa "ngoại lai" Trung Quốc, từng phát triển rất rực rỡ ở Đông Nam Á. |
Theo trang New Straits Times, vài tuần trước lễ sambot taon (chào đón năm mới) - ngày lễ quan trọng nhất của người Peranakan, tộc người ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á - các gia đình Peranakan giàu sang tặng quà bằng vải may mặc, đồ trang sức cho người thân và nhân viên như một cử chỉ thiện chí để chia sẻ thịnh vượng.
Điều này được coi là sự tiếp nối một phong tục ở Trung Quốc xưa, khi mọi người tặng nhau trà và trái cây hảo hạng trong dịp Tết Nguyên đán. Quà tặng là một số loại thực phẩm, hoa quả mang ý nghĩa biểu tượng với người Trung Quốc. Ví dụ, từ cam hoặc quýt có ngữ điệu giống như vàng trong hầu hết các phương ngữ Trung Quốc. Vì vậy, nhận được một giỏ đầy cam, quýt được xem như nhận một giỏ chứa đầy vàng, tượng trưng cho sự sung túc, tiền tài trong năm mới.
Việc chuẩn bị các món ăn cho lễ sambot taon được thực hiện nghiêm túc vào tối giao thừa. Đây là thời điểm những người phụ nữ Peranakan bận rộn nhất. Họ bày những vật phẩm cúng tế lên bàn thờ cũng như nấu nướng phục vụ bữa tối đoàn viên ngày 30 Tết.
Theo New Straits Times, trên bàn thờ chính thường bày 3 chiếc lược pisang raja theo kiểu hoa sen nở; 15 cây mía có chiều dài tương đương nhau, xếp thành hình kim tự tháp; và 12 quả quýt ngon, mọng nước nhất, xếp thành 3 tầng. Những lễ vật này sẽ được buộc bằng giấy đỏ cắt hình hoa văn đẹp mắt, trang trọng.
Bàn thờ của người Peranakan. Ảnh: Peranakan O
Sau bữa tối đoàn tụ, chủ nhà sẽ nấu một nồi cơm mới. Sau đó, người này múc phần cơm mới vào một cái bát, đặt trên bàn thờ. Phần cơm còn lại trong nồi được để qua giao thừa, tượng trưng cho sự dư giả từ năm cũ đến năm mới. Các thùng đựng gạo, thùng chứa nước trong các gia đình Peranakan cũng được đổ đầy trước giao thừa với ý nghĩa tương tự.
Người Peranakan có một phong tục rất thú vị, đó là phán đoán tương lai nhờ vào màu sắc của nấm mốc trên bát cơm cúng đầu năm, ngay trước khi bàn thờ được dọn sạch vào ngày mùng 4 Tết - ngày mà người Peranakan quan niệm là ngày ông Táo trở về sau khi lên chầu Ngọc hoàng. Nấm mốc có màu sáng được xem là may mắn, trong khi nấm mốc màu tối bị cho là kém may mắn. Nếu có cả 2 màu này thì là sự kết hợp cả may mắn và kém may mắn.
Sau buổi cúng tối 30, người Peranakan thay nến mới, quét dọn nhà cửa lần cuối vì họ kiêng quét nhà vào ngày Tết với quan niệm sẽ quét đi những may mắn và thịnh vượng trong nhà. Việc trả nợ trước Tết cũng được chú trọng.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, cửa chính của ngôi nhà sẽ được chốt chặt và chỉ mở ra khi giờ lành đến vào sáng mùng 1. Phong tục này được xem là lý do để mọi người đi ngủ sớm và thức dậy sảng khoái trong sáng đầu năm.
Thời gian để ăn mừng đón chào lễ sambot taon của người Peranakan khác nhau nhưng nhìn chung luôn trong vòng 2 tiếng, kể từ sau 6 giờ sáng mùng 1 Tết. Hành động đầu tiên sau khi chủ nhà thức dậy là bật toàn bộ đèn trong nhà, với ý nghĩa là thu hút may mắn. Sau khi tắm xong, các thành viên trong gia đình người Peranakan mặc quần áo mới và cùng người có cấp bậc cao nhất trong nhà mở cửa chính và thắp hương cầu nguyện trước bàn thờ.
Sau khi thắp hương và đốt vàng mã có hình thỏi vàng, mọi người sẽ tụ tập bên ngoài nhà để đốt pháo báo hiệu kết thúc buổi cầu nguyện và tạo không khí lễ hội náo nhiệt.
Trở vào trong nhà, các thành viên gia đình theo thứ tự từ lớn đến bé lần lượt bày tỏ lòng kính trọng với người lớn tuổi. Nam giới sẽ quỳ gối và cúi đầu, trong khi phụ nữ quỳ và chắp tay.
Sau đó, các thành viên trẻ hơn sẽ chúc người cao tuổi bằng những lời chúc hàm ý mong các cụ trường thọ. Người cao tuổi sẽ đáp lại bằng lời chúc mong con cháu khỏe mạnh, học tập giỏi, làm ăn phát đạt hoặc sớm lấy vợ.
Người cao tuổi cũng sẽ mừng tuổi cho con cháu trong gia đình, tiền mừng nhét trong phong bao đỏ (hồng bao). Cặp đôi mới cưới sẽ nhận được một cặp nến đỏ thay cho hồng bao để cầu may mắn.
Trẻ em của người Peranakan trong dịp Tết cũng thường chia sẻ các món ăn ngon với những người hàng xóm Malaysia và Ấn Độ. Đổi lại, chúng nhận về hộp đựng đầy trái cây và kẹo.
Một số gia đình Peranakan sẽ đến studio ảnh yêu thích của họ để chụp ảnh chân dung cả nhà trước khi đi thăm người thân và bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhiều người Peranakan thích chụp ảnh gia đình trong dịp Tết. Ảnh: NST
Người Peranakan ngày nay còn giữ được sắc Tết?
Người Peranakan ngày nay vẫn còn giữ một số tập tục văn hóa nhất định trong dịp Tết Nguyên đán như thờ cúng tổ tiên hay trang trí nhà cửa.
Annie Lim, thành viên của một gia đình Peranakan sống ở thành phố Malacca (Malaysia), chia sẻ: "Gia đình tôi có 6 thế hệ và hàng năm ông nội tôi đều mong đại gia đình đoàn tụ ở Malacca. Năm nào chúng tôi cũng làm như vậy. Khía cạnh quan trọng nhất là việc thờ cúng tổ tiên vào đêm giao thừa, nhằm bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Sau phần cúng tổ tiên là bữa cơm đoàn tụ".
"Chúng tôi thờ Quan âm Bồ tát và dâng hoa quả bọc trong giấy đỏ", Annie nói thêm. Ngoài lễ vật, gia đình Annie cũng đặt một bát cơm đầy, cắm thêm hoa mẫu đơn và hành lá, với ý nghĩa là báo trước mùa xuân đang đến và sự sống mới.
Mâm cỗ cúng tổ tiên của người Peranakan ngày nay. Ảnh: Annie Lim
Đồ ăn trong bữa tối đoàn viên được chuẩn bị từ sáng 30 Tết, có món chính và món phụ. Cả gia đình sau đó cùng nhau ăn uống vào 30 Tết để tình cảm gia đình thêm thắm thiết.
Giống với tổ tiên, người Peranakan ngày nay ưa chuộng sử dụng màu đỏ, tránh màu đen trong dịp Tết.
"Mọi người đều thích mặc đồ mới màu đỏ, từ đôi giày cho đến quần áo trong ngày đầu năm mới", Annie cho biết.
Cửa chính của ngôi nhà được người Peranakan rất xem trọng vì cho rằng mọi thịnh vượng cho năm mới sẽ đi qua đây. Annie cho biết, một chiếc rèm màu đỏ được treo ở lối vào và được buộc theo cách mà tổ tiên họ quy định.
Rèm đỏ treo ở cửa chính tại một ngôi nhà của người Peranakan ở Malaysia. Ảnh: Annie Lim
Lim Eng Leong, một người Peranakan, chia sẻ trên trang Malaysia Today, rằng dù Tết Nguyên đán là ngày lễ chung cộng đồng Peranakan nhưng không phải gia đình nào cũng có truyền thống và nghi lễ giống nhau.
Theo ông Leong, ngày 23 tháng Chạp, các thành viên trong gia đình ông sẽ quây quần dọn dẹp bàn thờ tổ tiên và làm sạch bình đựng tro cốt của tổ tiên.
Sau đó, họ dâng bánh kuih bakul - một loại bánh ngọt - để cúng ông Táo, vốn được xem là sẽ lên chầu Ngọc hoàng vào ngày này theo quan niệm dân gian.
"Bánh kuih bakul rất ngọt và dính. Khi được dâng lên cho ông Táo, người Peranakan cho rằng chất dính và ngọt trong bánh sẽ khiến ông Táo chỉ nói những điều ngọt ngào và không nói những điều xấu về gia chủ", ông Leong nói.
Nhà cửa được người Peranakan dọn dẹp gọn gàng trước khi năm mới đến. Ảnh: FMT Lifestyle
Theo ông Leong, nhiều người Peranakan ngày nay vẫn tuân thủ những điều cấm kỵ mà tổ tiên họ truyền lại như ngày Tết là dịp vui, các thành viên trong gia đình tránh cãi vã hoặc mặc đồ tang. Nhiều người cũng không quét nhà theo quan niệm tránh quét đi vận may dịp Tết.
Ông Leong cho biết, một số truyền thống xưa không còn duy trì trong dịp Tết của người Peranakan ngày nay như đặt mía sau cửa ra vào hay xông hương trước khi mở các cửa trong nhà.
"Vẫn có những gia đình giữ được phong tục như trước đây, nhưng việc duy trì đó phụ thuộc vào việc giới trẻ có tiếp nhận các phong tục đó hay không", ông Leong nói.
Nguồn: [Link nguồn]
"Thế giới" mà người Peranakan sống từng trải qua thời điểm được cho là "thập tử nhất sinh".