“Thế giới” phức tạp của tộc người ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Dù duy trì tín ngưỡng và văn hóa của Trung Quốc, nhưng người Peranakan vẫn được xem là một nhóm người khác biệt so với các nhóm người Trung Quốc di cư khác.

Một phụ nữ thử chiếc lược truyền thống của người Peranakan. Ảnh: National Geographic

Một phụ nữ thử chiếc lược truyền thống của người Peranakan. Ảnh: National Geographic

Ở khu vực Đông Nam Á, có một tộc người ngoại lai Trung Quốc đặc biệt, đó là người Peranakan. Thế giới họ sinh sống từng có thời điểm phát triển rực rỡ nhưng cũng trải qua không ít biến cố lớn. Loạt bài kỳ này sẽ giúp độc giả tìm hiểu phần nào những điểm thú vị và biến cố lớn mà người Peranakan gặp phải.

Theo trang Throughout History, người Peranakan, với nền văn hóa suy tàn từ lâu, giờ đang trỗi dậy ở Đông Nam Á, và tộc người bị lãng quên từ lâu này cũng dần tìm lại được "vị thế nổi bật" mà họ từng có dưới thời đế quốc Anh.

Người Peranakan sống ở một khu vực rất nhỏ trên thế giới: Singapore, thành phố Malacca (Malaysia), đảo Penang (Malaysia) và Indonesia. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi nhiều người chưa bao giờ nghe nói về họ. Tuy nhiên, cuộc sống và nền văn hóa của họ (dù có mai một) vẫn rất sống động.

Peranakan – tộc người đặc biệt

Một phụ nữ mặc trang phục Peranakan truyền thống ngồi khâu hạt trong xưởng thủ công ở Singapore. Ảnh: National Geographic

Một phụ nữ mặc trang phục Peranakan truyền thống ngồi khâu hạt trong xưởng thủ công ở Singapore. Ảnh: National Geographic

Peranakan là một từ trong ngôn ngữ Indo-Malay, có nghĩa là "con của...", "hậu duệ", "con lai", hoặc "được sinh ra tại địa phương", tùy từng ngữ cảnh. Nó được dùng để chỉ nền văn hóa "ngoại lai" Trung Quốc, từng phát triển rất rực rỡ ở Đông Nam Á.

Để hiểu đầy đủ nguồn gốc của người Peranakan, chúng ta cần quay trở lại thời điểm cách đây hàng trăm năm, khi các thương gia Trung Quốc thực hiện hoạt động mua bán giữa các tỉnh ở phía nam Trung Quốc đại lục và các đảo ở nam Thái Bình Dương.

Các thương gia đến từ miền nam Trung Quốc như ở Hong Kong hay thành phố Quảng Châu. Tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Quan Thoại, Phúc Kiến hoặc phương ngữ Quảng Đông. Họ đi thuyền dọc theo bán đảo Mã Lai, vòng quanh Indonesia, qua eo biển Malacca và eo biển Johore, men theo đường bờ biển của khu vực mà nay là Singapore, Malaysia và Indonesia.

Theo thời gian, các thương nhân này bám trụ tại Malacca và Penang (Malaysia), Singapore và các đảo Sumatra, Java (Indonesia). Sau đó, họ kết hôn với phụ nữ xinh đẹp ở địa phương và xây dựng gia đình.

Hậu duệ của các cuộc hôn nhân này là người Peranakan. Họ không phải người Trung Quốc, Malaysia, Indonesia hay Singapore. Họ là kết quả của sự lai tạp nhiều nền văn hóa, chủng tộc. Người Peranakan không sinh ra ở Trung Quốc nhưng lại nói tiếng địa phương của Trung Quốc. Họ nói tiếng Malaysia nhưng không phải là người Malaysia. Họ dùng đũa để ăn cơm nhưng cũng nấu những món ăn chưa từng có ở Trung Quốc đại lục. Ngôn ngữ, trang phục, phong tục, văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, đồ nội thất và mọi thứ khác về người Peranakan là sự kết hợp giữa văn hóa, truyền thống, phong tục của nhiều nước và chỉ được tìm thấy ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Indonesia. Tóm lại, thế giới của người Peranakan có thể diễn tả bằng 2 chữ: Phức tạp

Điều thú vị về gia đình của người Peranakan 

Một gia đình của người Peranakan. Ảnh: Coconuts

Một gia đình của người Peranakan. Ảnh: Coconuts

Theo trang Throughout History, có sự phân cấp trong mỗi gia đình người Peranakan. Mỗi người trong nhà đều có một cấp bậc đi kèm nghĩa vụ, và luôn phải tuân thủ sự phân cấp này.

Người đứng đầu gia đình là người cha (còn gọi là Baba). Người cha sẽ điều hành công việc kinh doanh, kiếm tiền và giữ cho gia đình đoàn kết.

Thứ hai là người mẹ (còn gọi là Bibik), sở hữu quyền lực chỉ sau người cha. Người mẹ nắm quyền quản lý, sai bảo người hầu trong gia đình, xử lý các khoản chi tiêu, tài chính trong nhà.  

Dưới người cha và người mẹ là các con, bao gồm cả con trai, con gái (chưa chồng), con dâu nhưng không có con rể.

Cấp bậc thấp nhất trong một gia đình Peranakan là người hầu (còn gọi là majie). Một majie thường là nữ giúp việc đã thề sống độc thân. Đồng phục của họ gồm dép, áo dài, áo cánh màu trắng và một chiếc quần đen. Họ làm mọi việc từ nấu nướng, dọn dẹp, nuôi dạy con cái của chủ, phục vụ đồ ăn thức uống, làm việc vặt và nhiều việc không tên khác khi chủ yêu cầu. Majie có thể sống ngay tại nhà chủ hoặc thuê một căn phòng rẻ tiền trong thị trấn hoặc thành phố.

Một gia đình Peranakan giàu sẽ có nhiều người hầu. Gia đình kém khá giả hơn thì cũng có ít nhất một người hầu, gọi là "yat kiok tek" - tiếng Quảng Đông có nghĩa là "đá một chân" - ngụ ý người này phải đảm đương mọi việc nặng nhọc trong nhà.

Đồ nội thất chạm khắc công phu tại một ngôi nhà của người Peranakan có niên đại từ thế kỷ 19. Ảnh: National Geographic

Đồ nội thất chạm khắc công phu tại một ngôi nhà của người Peranakan có niên đại từ thế kỷ 19. Ảnh: National Geographic

Cùng với việc phân cấp, mỗi người trong gia đình có nghĩa vụ và những kỳ vọng riêng. 

Người cha làm việc, kiếm tiền, đảm bảo tài chính và lo cho sự thăng tiến của gia đình. Người mẹ ở nhà, điều hành công việc trong gia đình, bao gồm quản lý người giúp việc và kiểm soát chi tiêu trong nhà từ khoản tiền mà chồng giao cho. Các khoản tiền lớn do người cha (trụ cột gia đình) quyết định, còn các khoản chi sinh hoạt hàng ngày là do người mẹ quán xuyến.

Con trai đủ tuổi có thể đi làm, phụ giúp công việc kinh doanh của cha hoặc đi học. Con gái phải học nhiều kỹ năng khác nhau như nấu ăn, dọn dẹp, may vá, xay gia vị... Việc thành thạo các kỹ năng này nhằm thể hiện họ là phụ nữ chu đáo, kiên nhẫn, sáng tạo và thông minh. Các yếu tố hoàn hảo để tiến tới hôn nhân trong tương lai.

Những cô gái chưa lập gia đình không được phép xuất hiện ở nơi đông người, ngoại trừ những dịp đặc biệt. Điều này chỉ kết thúc sau khi họ kết hôn.

Phần lớn các gia đình Peranakan, dù đã trải qua nhiều thế hệ kể từ khi những người đầu tiên được sinh ra, vẫn giữ tín ngưỡng của người Trung Quốc. Một số tín ngưỡng của người Peranakan như thờ cúng tổ tiên, tôn thờ Đạo giáo, Phật giáo hay hiếu thảo kiểu Nho giáo.

Người Peranakan thường quan tâm đến giao tiếp xã hội, may vá hoặc kết cườm (với phụ nữ), hút thuốc (nam giới) và nhai trầu (phụ nữ).

Dù duy trì tín ngưỡng và văn hóa của Trung Quốc, nhưng người Peranakan vẫn được xem là một nhóm người khác biệt so với các nhóm người Trung Quốc di cư khác. Theo trang Espoletta, người Peranakan xuất thân trong tầng lớp giàu sang hơn so với hầu hết các nhóm di cư người Trung Quốc. Họ sống trong điều kiện tốt hơn, có nhà đẹp, quần áo, đồ trang sức lộng lẫy.

Những tưởng “thế giới” của người Peranakan sẽ tiếp tục phát triển thì những bước ngoặt lớn bất ngờ xuất hiện, dẫn đến sự suy tàn của họ.

----------------------

Sau hàng trăm năm sống trong yên ổn và hưng thịnh, người Peranakan bắt đầu gặp các biến cố lớn trong thời kì thế giới có đại chiến. Bài tiếp theo đăng lúc 19h ngày 13/2 (mùng 4 Tết) sẽ nêu chi tiết về các biến cố lớn này. Mời độc giả đón đọc!

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Năm 1996 và 2024 đều là năm nhuận và bắt đầu vào thứ Hai, khiến lịch của hai năm này hoàn toàn trùng khớp. Nhưng đây không phải là lý do duy nhất khiến một bộ phận người Trung Quốc đổ xô đi mua lịch sản xuất cho năm 1996.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Tộc ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN