Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên: Sức mạnh uy hiếp khiến Mỹ phải dè chừng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Dù bị cấm vận kinh tế, Triều Tiên vẫn có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Để độc giả dễ hình dung hơn, bài viết dưới đây sẽ so sánh ICBM Triều Tiên với ICBM của Nga, Mỹ và Trung Quốc - 3 cường quốc hàng đầu về tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Video: Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 năm 2022. Nguồn: KCNA

Các ICBM đáng gờm nhất của Triều Tiên

Triều Tiên đã không ngừng mở rộng chương trình tên lửa, từ tên lửa tầm ngắn đến tầm xa với năng lực liên lục địa. Những bước tiến đáng kể trong công nghệ ICBM bắt đầu từ cuối thập niên 1990 và tiếp tục mạnh mẽ hơn trong các thập kỷ tiếp theo đến tận ngày nay.

Theo trang web của tổ chức phi lợi nhuận Missile Defense Advocacy Alliance (trụ sở ở Mỹ), từ thập niên 60, Triều Tiên được cho là nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Liên Xô và Trung Quốc về phát triển tên lửa. Sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên đẩy mạnh các cuộc thử nghiệm và phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo, điển hình là các vụ phóng thử thành công ICBM sử dụng nhiên liệu rắn.

Triều Tiên hiện sở hữu một số loại ICBM với khả năng nhắm mục tiêu ở các khu vực cách xa hàng nghìn km. Trong số đó, đáng chú ý nhất là dòng tên lửa Hwasong.

Hwasong-14 (KN-20): Tên lửa hai tầng có khả năng bay xa hơn 10.000 km, được thử nghiệm lần đầu vào ngày 4/7/2017. Đây là một bước ngoặt khi đánh dấu khả năng của Triều Tiên trong việc tấn công các mục tiêu tầm xa (có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ).

Hwasong-15: Với thiết kế để mang được đầu đạn lớn, Hwasong-15 là tên lửa có hệ thống động cơ "gimbal" đầu tiên của Triều Tiên, giúp điều hướng chính xác hơn. Nó có tầm bay xa khoảng 14.000 km. Trong lần phóng thử vào ngày 29/11/2017, Hwasong-15 bay trong 53 phút, đạt độ cao 4.500 km và bay được 960 km.

Hwasong-17: Ra mắt năm 2020, Hwasong-17 là tên lửa lớn nhất của Triều Tiên, với tầm bắn lên tới 15.000 km, về lý thuyết có thể vươn tới mọi điểm trên lãnh thổ Mỹ. Vụ phóng thử ngày 24/3/2022 xác nhận khả năng của Hwasong-17 trong việc mang đầu đạn hạt nhân, gia tăng áp lực lên Mỹ trong việc xây dựng chiến lược phòng thủ. 

Hwasong-18: Có thông tin Triều Tiên đã phát triển Hwasong-18 nhưng chưa có nhiều chi tiết cụ thể về ICBM này ngoài việc nó sử dụng nhiên liệu rắn và được triển khai trên xe di động đường bộ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán Hwasong-18 sẽ có uy lực lớn hơn các ICBM khác của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) cùng các quan chức đi phía trước một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) cùng các quan chức đi phía trước một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: KCNA

ICBM Triều Tiên có thể uy hiếp thành phố nào của Mỹ?

Với tầm bắn và tốc độ ấn tượng, ICBM Triều Tiên đã đạt đến ngưỡng có thể đe dọa các thành phố lớn của Mỹ.

Theo tờ Independent (Anh), tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15 có tầm bắn ước tính tới 10.000km - 14.000km, đủ khả năng vươn tới thành phố Mỹ như Los Angeles, Chicago, New York và cả Boston. 

Đặc biệt, mẫu tên lửa Hwasong-17 – lớn nhất và mạnh nhất của Triều Tiên – có tầm bắn lên tới 15.000 km, bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ, từ bờ Tây đến thủ đô Washington D.C. 

Theo chuyên gia David Wright, làm việc tại tổ chức tư vấn Union of Concerned Scientists (trụ sở ở Mỹ), Hwasong-14 có thể mất khoảng 38 phút để chạm tới thành phố Los Angeles (bờ Tây), 39 phút 30 giây để đến thành phố Chicago (Trung Tây), 40 phút 30 giây để tới thành phố New York (bờ Đông) và 41 phút để vào Washington D.C (bờ Đông).

Những tính toán này dựa trên tốc độ tối đa 4,8 đến 6,7 km/giây mà Hwasong-14 đạt được trong thử nghiệm năm 2017, và lợi thế từ chuyển động quay của Trái Đất khi phóng tên lửa theo hướng đông (tên lửa bay cùng chiều quay của Trái đất - từ tây sang đông), giúp Hwasong-14 đi xa hơn nữa.

Theo trang Defense One, trước mối đe dọa từ ICBM Triều Tiên, Mỹ đã triển khai 44 hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GBI) tại các căn cứ ở Alaska và California. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, để bảo vệ bờ Tây, Mỹ có thể phải đánh chặn tên lửa khi nó vừa vào không phận của Nga – một bước đi phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tạo căng thẳng với Moscow. 

Tướng Lori Robinson, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) năm 2017 nhận định, việc quyết định đánh chặn không chỉ đòi hỏi độ chính xác cao mà còn phải tính toán kỹ phương hướng và thời điểm. 

Nếu thất bại ở Alaska, California sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng, nhưng khi đó xác suất thành công sẽ thấp hơn khi ICBM Triều Tiên đã lao xuống với tốc độ cực lớn.

Với sự ra đời của Hwasong-17 và Hwasong-18, cuộc đối đầu Mỹ - Triều đã bước vào một chương mới, buộc Washington phải đối mặt với những bài toán phòng thủ phức tạp hơn, đan xen cả những cân nhắc về ổn định quốc tế và nguy cơ leo thang căng thẳng với các cường quốc khác.

ICBM uy lực nhất Triều Tiên mạnh cỡ nào so với của Nga, Mỹ, Trung Quốc?

Ông Kim Jong Un chụp ảnh cùng các quân nhân Triều Tiên tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển Hwasong-17 năm 2022. Ảnh:  DPRK state media

Ông Kim Jong Un chụp ảnh cùng các quân nhân Triều Tiên tham gia chương trình nghiên cứu và phát triển Hwasong-17 năm 2022. Ảnh:  DPRK state media

Dù Triều Tiên đã có Hwasong-18 và Hwasong-19, nhưng trong bài viết này chỉ xét đến Hwasong-17 là ICBM mạnh nhất của Bình Nhưỡng vì 2 loại kia chưa có nhiều thông tin chính thức về các chỉ số để so sánh.

Theo trang Graphic News, Hwasong-17, “quái vật tên lửa” mà Triều Tiên phô diễn trong các cuộc duyệt binh những năm gần đây không chỉ là bước tiến về mặt công nghệ mà còn là đòn răn đe mạnh mẽ nhắm vào Mỹ.

Với tầm bắn ước tính 15.000 km, Hwasong-17 có thể bao phủ mọi thành phố trên đất Mỹ, từ New York đến Los Angeles và cả thủ đô Washington D.C. 

Được thiết kế để phóng từ các bệ phóng di động, Hwasong-17 mang khả năng đột kích bất ngờ vào các mục tiêu chiến lược. Theo các chuyên gia quân sự, Hwasong-17 mang được 3-4 đầu đạn độc lập MIRV và có thể phóng ra nhiều mồi nhử (đầu đạn giả) để đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương​.

Các thông số chính của Hwasong-17 dường như đã tiệm cận với ICBM của các cường quốc quân sự lớn, tuy nhiên các tên lửa này vẫn có sự khác biệt ở một số khía cạnh. RS-28 Sarmat của Nga, ICBM được mệnh danh là “Satan 2,” có sức hủy diệt vượt trội nhờ khả năng mang tới 10-15 đầu đạn MIRV cùng các công nghệ đánh lừa hệ thống phòng thủ. Với tầm bắn từ 11.000 đến 16.000 km, Sarmat có thể vươn tới bất kỳ đâu trên thế giới. 

Trong khi đó, LGM-30 Minuteman III - với tầm bắn 13.000 km và độ chính xác cao, sai số chỉ khoảng 120 mét - là ICBM mạnh nhất của Mỹ. Ban đầu, Minuteman III có thể mang 3 đầu đạn MIRV nhưng hiện tại chỉ được thiết kế mang 1 đầu đạn.

Trung Quốc có DF-41, ICBM hiện đại nhất của nước này, với tầm bắn 14.000-15.000 km và khả năng mang từ 6-10 đầu đạn MIRV, giúp tăng khả năng xâm nhập hệ thống phòng thủ​.

Một yếu tố đáng chú ý khi so sánh giữa ICBM Triều Tiên với Nga, Mỹ và Trung Quốc là nhiên liệu. Hwasong-17 sử dụng nhiên liệu lỏng – một điểm hạn chế so với các đối thủ dùng nhiên liệu rắn như DF-41 của Trung Quốc, Minuteman III của Mỹ và RS-24 Yars của Nga. 

Nhiên liệu rắn không chỉ giúp tên lửa dễ triển khai nhanh chóng mà còn giảm thời gian chuẩn bị trước khi phóng, yếu tố quan trọng để tránh bị phát hiện trong các tình huống khẩn cấp.

Dẫu vậy, sự khác biệt về việc sử dụng nhiên liệu của ICBM Triều Tiên với Nga, Mỹ và Trung Quốc dường như đã bị xóa bỏ. Sau vụ thử ICBM của Bình Nhưỡng ngày 31/10, quân đội Hàn Quốc công bố báo cáo ban đầu, cho biết Triều Tiên đã phóng một loại ICBM hoàn toàn mới sử dụng nhiên liệu rắn. Theo truyền thông Hàn Quốc, nếu được phóng theo quỹ đạo thông thường, mẫu ICBM mới này của Triều Tiên hoàn toàn có khả năng vươn tới Mỹ.

Theo trang web của tổ chức Missile Defense Advocacy Alliance (Mỹ), Hwasong-17 là một trong những tên lửa lớn nhất thế giới, nó có kích thước lớn bất thường đối với một ICBM cơ động trên đường bộ. 

Hầu hết các quốc gia đều làm cho ICBM cơ động trên đường bộ có kích thước vừa phải để giúp nó cơ động hơn và dễ che giấu hơn. Tuy nhiên, Triều Tiên lại đi ngược lại xu hướng này.

Có nhiều quan điểm bình luận về điều đó, bao gồm cả quan điểm cho rằng Triều Tiên chỉ muốn dọa các đối thủ bằng một ICBM khổng lồ. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, kích thước khổng lồ của Hwasong-17 là để tên lửa này chứa cả các đầu đạn MIRV và đầu đạn giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc có thể là một đầu đạn thật với sức công phá lớn hơn.

Tên lửa Hwasong-17 trong một lần phóng thử. Ảnh: KCNA

Tên lửa Hwasong-17 trong một lần phóng thử. Ảnh: KCNA

Một trong những điểm mạnh của Hwasong-17 là khả năng phóng từ bệ phóng di động. Dù kích thước khổng lồ gây khó khăn trong việc cơ động và ngụy trang, bệ phóng di động cho phép Hwasong-17 tiếp cận nhiều vị trí phóng khác nhau, tăng tính bất ngờ cho cuộc tấn công. 

Tương tự, các ICBM của Nga, như RS-24 Yars, và Trung Quốc, như DF-41, đều có khả năng triển khai từ bệ phóng di động hoặc các silo cố định, giúp bảo vệ tên lửa khỏi bị tiêu diệt trong các cuộc tấn công phủ đầu. Minuteman III của Mỹ thì được triển khai cố định trong các silo dưới lòng đất để tăng độ an toàn và bảo vệ​ cho tên lửa.

Dù vẫn còn hạn chế về nhiên liệu và độ chính xác so với ICBM của các cường quốc lớn, Hwasong-17 của Triều Tiên với khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ và tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ, đã nâng vị thế sức mạnh quân sự của Triều Tiên.

Ngày 1/11/2024, hãng thông tấn KCNA Triều Tiên đưa tin, Bình Nhưỡng thông báo đã thử thành công ICBM mới có tên “Hwasong-19” vào một ngày trước đó dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Kim Jong Un. Triều Tiên mô tả ICBM mới nhất là "phương tiện tấn công cực mạnh" và là phiên bản "tối thượng" của loạt tên lửa tầm xa. Điều này chứng tỏ năng lực phát triển tên lửa của Triều Tiên trong bối cảnh bị cấm vận.

Video: Triều Tiên thử tên lửa ICBM mới nhất "Hwasong-19" vào tháng 10/2024. Nguồn: KCNA/Al Jazeera

Hàn Quốc có ICBM không?

Hiện tại, Hàn Quốc không sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) - loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng bắn xa tối thiểu 5.500 km.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo Hyunmoo, đặc biệt là phiên bản Hyunmoo-V. Theo Army Recognition, với tầm bắn ước tính lên đến 3.000 km, Hyunmoo-V là bước tiến lớn trong năng lực tên lửa của Hàn Quốc, dù chưa đủ để xếp vào loại ICBM. 

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có các tên lửa Hyunmoo-II và Hyunmoo-III với tầm bắn từ 500 đến 1.500 km, cùng các biến thể khác có thể phóng từ tàu và tàu ngầm. 

Năm 2017, Hàn Quốc tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ triển khai trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, THAAD cung cấp lớp phòng thủ hiệu quả đối với các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chứ không phải phương án hiệu quả để đối phó với ICBM.

--------------------

Với tốc độ siêu vượt âm cùng khả năng mang đầu đạn hạt nhân, ICBM mang theo sức hủy diệt đáng sợ. Nhưng đừng nhầm lẫn rằng sự đáng sợ đó chỉ đến từ vụ nổ. Một trong những thảm họa của cuộc chiến ICBM (diễn ra sau vụ nổ) là hiện tượng mà giới khoa học mô tả như cơn ác mộng khí hậu khủng khiếp nhất có thể xảy ra. Mời độc giả tìm hiểu trong bài tiếp theo đăng sáng 3/11.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong cuộc đua vũ trang hiện đại, ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) là biểu tượng của sức mạnh quân sự tối thượng. Với khả năng mang đầu đạn hạt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Sức mạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN