Cuộc đua tên lửa đạn đạo liên lục địa: Nga, Mỹ, hay Trung Quốc mạnh nhất?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Trong cuộc đua vũ trang hiện đại, ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) là biểu tượng của sức mạnh quân sự tối thượng. Với khả năng mang đầu đạn hạt nhân có sức hủy diệt và vươn tới mọi điểm trên thế giới, ICBM của các cường quốc như Nga, Mỹ và Trung Quốc đã định hình cán cân quyền lực toàn cầu.

Cuộc đua tên lửa đạn đạo liên lục địa vẫn diễn ra không ngừng. Ảnh minh họa: Youtube Red Side

Cuộc đua tên lửa đạn đạo liên lục địa vẫn diễn ra không ngừng. Ảnh minh họa: Youtube Red Side

Ngày 29/10, Nga khởi động một cuộc tập trận hạt nhân và phô diễn sức mạnh của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars. Hai ngày sau, Triều Tiên được cho là phóng thử thành công một ICBM mới, tuyên bố lập kỷ lục vượt qua mọi cuộc thử nghiệm trước đó.

Trong cuộc đua khốc liệt của các cường quốc và một số nước có tiềm lực quân sự lớn, ICBM trở thành biểu tượng của sức mạnh, năng lực răn đe và bảo vệ quốc gia.

Loạt bài này sẽ đưa người đọc đi vào tâm điểm của cuộc cạnh tranh đó, với những chi tiết về sức hủy diệt khủng khiếp của ICBM và những toan tính chiến lược phía sau.

Cuộc chạy đua ICBM giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một cuộc cạnh tranh về công nghệ vũ khí, mà còn là sự thể hiện quyền lực và sức mạnh quân sự trên phạm vi toàn cầu.

Ba cường quốc này đang không ngừng đầu tư và phát triển các loại ICBM mới với khả năng vượt mặt hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất, và mỗi nước đều có tham vọng dẫn đầu trong cuộc đua hủy diệt này.

Nga: Lực lượng tên lửa đáng gờm

Nếu có một quốc gia nào có thể thách thức thế giới bằng kho vũ khí ICBM, đó chính là nước Nga. Kế thừa di sản khổng lồ từ Liên Xô, Nga sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn bậc nhất thế giới và những ICBM như RS-28 Sarmat – được mệnh danh là “Satan 2” – là đỉnh cao trong số đó. Nhưng đây cũng chỉ là một phần của kho tên lửa hạt nhân khổng lồ mà Nga đang phát triển.

Moscow đang nâng cấp các hệ thống ICBM như RS-24 Yars – loại tên lửa có thể phóng từ các bệ di động, tạo ra sự linh hoạt và bất ngờ trong việc triển khai. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng không ít lần nhấn mạnh khả năng tấn công và phòng thủ của Nga đang vượt xa các đối thủ, trong khi Moscow vẫn thường xuyên có những chương trình nâng cấp ICBM.

Tên lửa RS-28 Sarmat. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tên lửa RS-28 Sarmat. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tên lửa quỷ "không thể đánh chặn"

RS-28 Sarmat không chỉ là một trong những ICBM mạnh nhất từng được chế tạo, mà còn là biểu tượng cho tham vọng duy trì sự răn đe hạt nhân tuyệt đối của Nga.

Theo Sputnik, dù NATO gọi tên lửa RS-28 Sarmat là 'SS-X-29' hoặc 'SS-X-30', nhưng các phương tiện truyền thông phương Tây thường gọi nó bằng cái tên 'Satan II'. Tên này xuất phát từ 'SS-18 Satan' - mật danh NATO sử dụng để gọi hệ thống tên lửa R-36M (Liên Xô) mà Sarmat thay thế. 

Biệt danh 'Satan II' dựa trên hình ảnh đáng sợ của quỷ Satan, gợi liên tưởng đến sự tàn phá và hủy diệt lớn, thu hút sự chú ý của cả giới truyền thông và công chúng.

Với chiều dài lên tới 35 mét và trọng lượng hơn 200 tấn, RS-28 Sarmat không chỉ mang trong mình khả năng tấn công tầm xa mà còn có sức công phá đáng sợ. Được thiết kế để thay thế tên lửa R-36M Voyevoda (Satan I) từ thời Liên Xô, RS-28 Sarmat tiếp tục sứ mệnh đảm bảo khả năng tấn công trả đũa ngay cả trong tình huống Nga bị tấn công hạt nhân.

Kích thước khổng lồ của tên lửa RS-28 Sarmat của Nga. Ảnh: 112 Ukraine

Kích thước khổng lồ của tên lửa RS-28 Sarmat của Nga. Ảnh: 112 Ukraine

Theo Euro News, sức mạnh của RS-28 Sarmat không chỉ đến từ kích thước khổng lồ mà còn từ khả năng mang từ 10 đến 16 đầu đạn hạt nhân MIRV (mỗi đầu đạn có thể tấn công một mục tiêu khác nhau). 

Điều này cho phép một tên lửa duy nhất có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu trên diện rộng, biến RS-28 Sarmat thành một vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian ngắn. 

Với sức công phá tối đa lên tới 500 kiloton, chỉ một đầu đạn từ RS-28 Sarmat cũng có thể xóa sổ một vùng rộng lớn. Để dễ hình dung, con số đó gấp 33 lần sức phá hủy (15 kiloton) của quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Một trong những yếu tố đáng kinh ngạc nhất của RS-28 Sarmat là tốc độ siêu thanh của nó. Tên lửa có thể đạt tốc độ lên tới Mach 20, tương đương hơn 24.000 km/h, khiến cho việc phát hiện và ngăn chặn gần như không thể thực hiện được.

Về tầm bắn, RS-28 Sarmat có thể tấn công mọi mục tiêu trên toàn cầu với khoảng cách lên tới 18.000 km. Điều này có nghĩa là các thành phố lớn ở Mỹ hay bất kỳ khu vực nào trên thế giới đều nằm trong tầm ngắm của Nga. 

Ngay cả khi Moscow bị tấn công hạt nhân, họ vẫn có khả năng đáp trả và gây ra thiệt hại lớn cho đối thủ​ nhờ khả năng cơ động của RS-28 Sarmat.

Tầm bắn xa, tốc độ siêu thanh kết hợp với các biện pháp đối phó tinh vi như bắn ra các vật thể giả để làm nhiễu radar, RS-28 Sarmat được xem là mục tiêu "không thể ngăn chặn" với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nào​. Đó cũng là thông điệp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang năm 2018.

Theo một số chuyên gia, nếu RS-28 Sarmat được phóng vào Mỹ, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Washington khó có thể chống đỡ hiệu quả trước sức mạnh và khả năng vượt phòng thủ của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân này.

Mỹ: Cải tiến là sống còn

Mỹ, với danh tiếng là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, cũng không chịu lép vế trong cuộc đua ICBM. Dù hệ thống ICBM chính của họ – Minuteman III – đã có từ những năm 1970, nhưng Washington đang không ngừng nâng cấp để đảm bảo vũ khí này luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Minuteman III đã trải qua hàng chục năm cải tiến với hàng tỷ USD được đổ vào các dự án nâng cấp, bao gồm việc cải thiện hệ thống dẫn đường và khả năng phóng chính xác.

Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của Mỹ không chỉ nằm ở những gì họ đang có, mà còn ở tương lai với hệ thống ICBM mới – Ground Based Strategic Deterrent (GBSD), được ví như "vệ binh" chiến lược tương lai của Mỹ.

ICBM mới này, dự kiến thay thế Minuteman III vào khoảng năm 2029, sẽ đem đến khả năng răn đe hạt nhân tối ưu hơn, với các cải tiến vượt trội về khả năng tấn công và sự sống sót trong môi trường chiến tranh hiện đại.

Khả năng linh hoạt, tốc độ và chính xác của GBSD sẽ biến nó thành “con át chủ bài” trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, khiến đối thủ phải dè chừng.

Sự khó lường của Minuteman III

Theo trang web NPS của chính phủ Mỹ, tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III là một trong những vũ khí chiến lược mạnh mẽ và tiên tiến nhất của Mỹ, biểu tượng cho sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự và công nghệ hiện đại.

Tên gọi "Minuteman" xuất phát từ tên của lực lượng dân quân trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ (1775 - 1783), những người có thể sẵn sàng tập hợp chiến đấu ngay khi cần (thời gian tập hợp chỉ tính bằng phút). Cái tên này cũng phù hợp với khả năng phản ứng nhanh của tên lửa: Từ khi nhận lệnh phóng đến khi tên lửa rời khỏi silo (nơi chứa tên lửa) chỉ mất khoảng một phút.

Được triển khai từ năm 1970, Minuteman III là tên lửa đầu tiên của Mỹ có khả năng mang theo nhiều đầu đạn tách rời (MIRV), cho phép tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc với độ chính xác cao.

Ban đầu, tên lửa này có thể mang 3 MIRV, mỗi đầu đạn có sức nổ 170-350 kiloton, có thể nhắm tới các mục tiêu cách xa nhau hàng km. Tuy nhiên, do các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và răn đe chiến lược, từ năm 2011, tất cả các tên lửa Minuteman III đều được thiết kế chỉ để mang một đầu đạn.

Điểm nổi bật của Minuteman III nằm ở tính linh hoạt chiến lược. Khác với các phiên bản trước, tên lửa này được thiết kế theo lý thuyết "đáp trả linh hoạt", cho phép nó phóng độc lập và tấn công nhiều mục tiêu tiềm tàng. 

Minuteman III không cần sức công phá khổng lồ như trước để tiêu diệt mục tiêu, nhờ hệ thống dẫn đường cải tiến có độ chính xác cực cao, chỉ sai số khoảng 120m. Tên lửa này có tầm bắn lên đến 13.000 km, đủ để tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới, và tốc độ bay đạt tới Mach 23 (khoảng 28.000 km/h), theo trang Military Today.

Quân nhân Mỹ đang lắp đặt một đường dây cáp mới cho một mẫu tên lửa Minuteman III cũ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Quân nhân Mỹ đang lắp đặt một đường dây cáp mới cho một mẫu tên lửa Minuteman III cũ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Trải qua nhiều đợt nâng cấp và cải tiến, Minuteman III vẫn đang đóng vai trò “xương sống” trong lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Từ năm 2002 đến 2012, Mỹ đã chi khoảng 7 tỷ USD để nâng cấp và kéo dài “tuổi thọ” cho 450 tên lửa Minuteman III, đảm bảo chúng có thể hoạt động đến năm 2030.

Hiện tại, có khoảng 400 tên lửa Minuteman III được bố trí tại các căn cứ không quân ở các bang Montana, North Dakota, và Wyoming, sẵn sàng triển khai trong vài phút sau khi nhận lệnh.

Hãy tưởng tượng viễn cảnh tên lửa Minuteman III được phóng thẳng về phía các quốc gia đối thủ. Đó sẽ là một cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa kẻ tấn công và những hệ thống phòng thủ hiện đại nhất thế giới.

Nga, với các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân như A-135 và A-235 Nudol (đang phát triển), được cho là có khả năng đánh chặn ICBM. Nhưng ngay cả với những hệ thống được đánh giá cao này, việc ngăn chặn hoàn toàn một đợt tấn công từ Minuteman III vẫn là một dấu hỏi lớn.

Với tốc độ siêu thanh, khả năng mang đầu đạn giả đánh lừa radar, Minuteman III trở thành vũ khí cực kỳ khó lường.

Trung Quốc cũng không ngoại lệ khi đã triển khai hệ thống HQ-19 để bảo vệ bầu trời. Nhưng với khả năng thay đổi quỹ đạo giữa không trung và tốc độ kinh hoàng của Minuteman III, việc đánh chặn nó đòi hỏi sự phối hợp chính xác và công nghệ phòng thủ hàng đầu - thứ mà ngay cả các cường quốc quân sự cũng khao khát sở hữu.

Kịch bản Mỹ phóng Minuteman III về phía Nga, Trung Quốc có thể không bao giờ xảy ra, nhưng sự phức tạp và khó khăn trong việc ngăn chặn hoàn toàn tên lửa này là điều có thể thấy rõ.

Trung Quốc: Sức mạnh đang lên

Trong khi Mỹ và Nga từ lâu đã thống trị cuộc chơi ICBM, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm. Với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và tham vọng phát triển, Bắc Kinh đang không ngừng mở rộng và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân. DF-41, tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới nhất của Trung Quốc, được xem là một trong những ICBM hiện đại và mạnh mẽ nhất thế giới.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trong buổi diễu hành ngày 1/10/2019. Ảnh: Getty

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trong buổi diễu hành ngày 1/10/2019. Ảnh: Getty

Điều đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc đang đẩy mạnh các chiến lược triển khai ICBM di động, nhằm tăng khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân trước các đợt tấn công phủ đầu. Họ cũng đầu tư vào công nghệ tên lửa siêu thanh, khiến khả năng phòng thủ của đối thủ gặp khó trước sự linh hoạt và tốc độ của vũ khí này.

Không dừng ở đó, Bắc Kinh đang phát triển một lực lượng hạt nhân chiến lược đa dạng hơn, với cả tàu ngầm và máy bay mang tên lửa, tạo ra một hệ thống răn đe hạt nhân 3 tầng, tương tự như Mỹ và Nga. Với chiến lược dài hơi và sự quyết tâm, Trung Quốc đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với Nga và Mỹ.

“Lá bài” quan trọng DF-41

Theo SCMP, DF-41 – ICBM thế hệ thứ tư của Trung Quốc - là vũ khí mạnh nhất trong kho tên lửa của nước này.

Ra mắt năm 2017, DF-41 là một trong những tên lửa thuộc dòng Đông Phong, loạt tên lửa đạn đạo đất đối đất nổi tiếng của Bắc Kinh. Cái tên "Đông Phong" bắt nguồn từ một bài phát biểu của Chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1957, khi Liên Xô chuyển giao tên lửa R-2 để hỗ trợ chương trình phát triển tên lửa của Trung Quốc. Khi ấy, ông Mao nói: “Hiện nay, trên thế giới có 2 luồng gió: gió đông (đông phong) và gió tây”.

DF-41 có thể đạt tầm bắn từ 12.000 km đến 15.000 km, đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ với tốc độ tối đa Mach 25 (khoảng 30.000 km/h). Khả năng này khiến DF-41 trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với các đối thủ của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ. 

Ưu thế lớn của DF-41 không chỉ nằm ở tầm xa, mà còn ở việc nó có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân độc lập (MIRV), mỗi đầu đạn có thể nhắm vào một mục tiêu khác nhau. 

Các chuyên gia ước tính DF-41 có thể mang tới 10 đầu đạn MIRV, giúp nó vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa dễ dàng hơn nhờ việc phân tán và đánh lừa các hệ thống này.

Tên lửa Quốc gia Tầm bắn (km) Số đầu đạn Đặc điểm nổi bật

RS-28 Sarmat

Nga 10.000 - 18.000 10 - 16 Tên lửa hạng nặng, sử dụng nhiên liệu lỏng, có khả năng mang nhiều đầu đạn MIRV, đầu đạn hạt nhân và đầu đạn siêu vượt âm, được coi là một trong những tên lửa mạnh nhất thế giới.

Minuteman III

Mỹ  13.000 1 Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với độ chính xác cao. Là tên lửa lâu đời nhất trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

DF-41

Trung Quốc 12.000 - 15.000 10 Có khả năng mang nhiều đầu đạn MIRV, được triển khai ngầm, có công nghệ hiện đại nhằm xuyên thủng các hệ thống phòng thủ.

So sánh các chỉ số cơ bản của 3 loại tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho là mạnh nhất của Nga, Mỹ và Trung Quốc

Một yếu tố khác khiến DF-41 vượt trội là việc sử dụng nhiên liệu rắn, giúp tên lửa này dễ dàng triển khai hơn trong thời gian ngắn, giảm nguy cơ bị phát hiện và tiêu diệt trước khi phóng. 

Trong khi các phiên bản trước như DF-5 sử dụng nhiên liệu lỏng, cần nhiều thời gian chuẩn bị thì DF-41 có thể được phóng ngay từ các địa điểm di động trên đường bộ, đường sắt hoặc từ hầm chứa cố định, tạo nên sự linh hoạt và khó đoán.

Trong một kịch bản giả thuyết, nếu DF-41 được phóng về phía Mỹ, liệu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể đứng vững trước mối đe dọa này? 

Theo các chuyên gia, đây là một giả thuyết phức tạp.

Một số chuyên gia cho rằng, hệ thống phòng không của Mỹ, bao gồm các hệ thống như Aegis và Terminal High Altitude Area Defense (THAAD), có thể gặp khó khăn trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công từ DF-41. 

Điều này chủ yếu do tốc độ và quỹ đạo bay của tên lửa này, cho phép nó tấn công vào mục tiêu theo nhiều hướng khác nhau, làm cho việc dự đoán và phát hiện trở nên khó khăn hơn.

Dù vậy, một số chuyên gia lại tỏ ra lạc quan hơn. Theo một báo cáo của tổ chức tư vấn CSIS (trụ sở ở Mỹ) vào cuối năm 2023, các cải tiến trong công nghệ phòng thủ tên lửa của Mỹ, như hệ thống radar mới và công nghệ bắn chặn tầm cao, có thể tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công từ tên lửa mang MIRV như DF-41. 

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận rằng những công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa thể triển khai trong ngắn hạn.

Với sức mạnh vượt trội và khả năng phóng từ nhiều địa điểm khác nhau, DF-41 là một phần quan trọng trong chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc. 

Tham vọng tăng cường sức mạnh hạt nhân của Bắc Kinh, kết hợp với sự phát triển nhanh chóng của các ICBM hiện đại như DF-41, tiếp tục thách thức vị thế quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương

----------------------------

Dù chịu nhiều lệnh cấm vận, Triều Tiên vẫn phát triển chương trình ICBM với những bước tiến ấn tượng, khiến cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ cũng phải e ngại. Đặc biệt, dòng tên lửa Hwasong, với tầm bắn lên tới 15.000 km, mở ra khả năng bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Vậy sức mạnh thực sự của ICBM Triều Tiên như thế nào khi đặt cạnh những ICBM uy lực hàng đầu từ Nga, Mỹ, và Trung Quốc? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài tiếp theo, đăng sáng 2/11. 

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Dù bị cấm vận kinh tế, Triều Tiên vẫn có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Để độc giả dễ hình dung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/H) ([Tên nguồn])
Sức mạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN