Sa hoàng biến Nga thành cường quốc, dẫn quân đánh 2 đế quốc hùng mạnh
Đương đầu với 2 đế chế mạnh bậc nhất thế giới và nếm nhiều thất bại, hoàng đế đầu tiên của Nga thể hiện tinh thần không bỏ cuộc và quyết thực hiện đến cùng ước mơ đưa Nga vươn ra biển lớn.
Peter Đại đế - Sa hoàng vĩ đại của Nga (tranh: Amazon)
Năm 1682, Sa hoàng Peter lên ngôi trong bối cảnh Nga rơi vào khủng hoảng và bị 2 đế chế hùng mạnh thời bấy giờ ở châu Âu là Thụy Điển và Ottoman (phần lớn diện tích ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) uy hiếp.
Một trong những lý do khiến Nga dần suy yếu là sự lũng loạn của giới quý tộc. Vào thế kỷ 17, quý tộc Nga nắm hầu hết vị trí quan trọng trong chính quyền và quân đội. Họ có đặc quyền ngay từ lúc mới ra đời khi chỉ con cái của các gia đình quý tộc mới có quyền thừa kế tước vị do ông cha để lại, bất chấp việc nhiều người trong số này không có tài cán gì, theo Russia Beyond.
Peter Đại đế rất coi thường những kẻ nhờ thế lực gia đình mới được làm quan. Ông quyết tâm chấm dứt tình trạng này bằng các biện pháp cứng rắn. Năm 1698, Peter ra lệnh xử tử nhiều cựu tướng lĩnh và quý tộc âm mưu lật đổ ông.
Sa hoàng Peter huấn luyện quân đội (tranh: Thecollector)
Năm 1701, Sa hoàng Nga ra lệnh chỉ những quý tộc có khả năng phục vụ nhà nước mới được quyền sở hữu nhiều đất đai và nông nô. Ông buộc các quý tộc Nga phải đăng ký phục vụ trong quân đội hoặc các cơ quan dân sự, không cho phép họ nhàn rỗi. Peter cũng phong danh hiệu nam tước hoặc bá tước cho những người lập công với đất nước mà không quan tâm đến xuất thân của họ.
Để phát triển kinh tế Nga, Peter ra sức cải cách văn hóa và mở mang dân trí người dân theo hướng Âu hóa. Ông ra lệnh cho người dân trong nước mặc Âu phục như các nước ở Tây Âu và Anh. Sa hoàng Nga cũng cho phép hàng nghìn người ngoại quốc vào Nga để lao động và dạy học. Các nhà máy, xưởng đóng tàu, doanh nghiệp, nông trường ở Nga mọc lên như nấm sau những quyết sách sáng suốt của Sa hoàng Peter.
Theo Thecollector, trước khi Sa hoàng Peter lên ngôi, một số nước mạnh ở châu Âu như Anh, Pháp đã tiến hành cải cách và thu được kết quả tốt. Công cuộc cải cách ở Nga diễn ra khá muộn, nhưng là kịp thời để giúp nước này vực dậy vị thế cường quốc.
Kiểm soát Biển Baltic là khao khát của nhiều Sa hoàng Nga (tranh: Brewminate)
Trong khi tích lũy nguồn lực trong nước, Sa hoàng Peter cũng bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ của mình – đưa lãnh thổ Nga vươn ra Biển Đen và Biển Baltic. Đây là tham vọng mà các đời Sa hoàng tiền nhiệm của Nga chưa ai thực hiện được, dù tốn nhiều xương máu.
Thời điểm Peter lên ngôi, Nga chỉ có cảng Arkhangelsk ở Biển Trắng (thuộc Bắc Băng Dương, tây bắc Nga) là cảng thương mại lớn duy nhất. Tuy nhiên, cảng này chỉ có thể hoạt động vào 6 tháng mùa hè bởi nước biển sẽ đóng băng vào 6 tháng mùa đông. Để phát triển kinh tế Nga, việc tìm đường thông ra Biển Baltic và Biển Đen có ý nghĩa sống còn.
Mục tiêu đầu tiên của Sa hoàng Peter là kiểm soát bằng được pháo đài Azov (án ngữ Biển Azov thông ra Biển Đen). Vào thế kỷ 17, biển Azov nằm trong tầm kiểm soát của Hãn quốc Krym (phần lớn diện tích thuộc bán đảo Crimea ngày nay) dưới sự bảo hộ của đế quốc Ottoman.
Theo Brewminate, tháng 1/1695, Sa hoàng Peter dẫn 13 vạn quân tấn công pháo đài Azov. Để đối phó với Nga, Hãn quốc Krym cho dựng nhiều đồn lũy xung quanh pháo đài Azov và xin Ottoman gửi quân tiếp viện. Quân đội Nga nhanh chóng thất bại khi chỉ có thể tấn công pháo đài Azov bằng đường bộ mà không có hải quân.
Sa hoàng Peter rất chú trọng xây dựng hải quân (tranh: History UK)
Sa hoàng Peter của Nga không phải người dễ bỏ cuộc. Hiểu được nguyên nhân thất bại, ông ra sức xây dựng lực lượng hải quân riêng của Nga. Từ tháng 9/1695, các xưởng đóng tàu liên tục mọc lên ở Nga với hàng chục nghìn công nhân. Đích thân Peter tới các công xưởng cầm búa và làm việc với người dân. Đến giữa năm 1696, Nga đã có khoảng 300 tàu chiến và hơn 1.300 tàu chở quân, tàu vận tải.
Tháng 5/1696, Nga tấn công pháo đài Azov lần 2. Với sức mạnh từ lực lượng áp đảo, đặc biệt là sự xuất hiện bất ngờ của hải quân, Nga nhanh chóng giành thắng lợi. Chiến thắng trước Hãn quốc Krym không chỉ giúp Nga vươn ra biển Azov mà còn “phục thù” trận thua năm 1571, khi quân Krym đột kích và đốt cháy thủ đô Moscow.
Sau khi kiểm soát pháo đài Azov, Nga phải vất vả phòng thủ vị trí này trước sự tấn công của quân Hãn quốc Krym và đế quốc Ottoman. Nga tạm thời chưa thể buôn bán qua Biển Azov.
Năm 1697, Sa hoàng Peter cải trang thành một người lính cấp thấp để gia nhập vào đoàn đại sứ Nga tới các nước Tây Âu. Đoàn ngoại giao có nhiệm vụ thiết lập một liên minh chống Ottoman và mua sắm vũ khí cho hải quân Nga, theo Russia Beyond.
Mục đích thành lập lực lượng đồng minh chống Ottoman không thành. Hầu hết các nước Tây Âu thời bấy giờ như Pháp, Áo, Anh đều đánh giá thấp sức mạnh của Nga và không bị cuốn vào cuộc chiến với cường quốc như Ottoman. Tuy nhiên, Sa hoàng Peter đã học hỏi được nhiều điều mới lạ sau chuyến đi Tây Âu, đặc biệt là nghề đóng tàu và cách tổ chức lực lượng hải quân của Anh, Hà Lan. Ông đem tất cả những gì học được dạy cho công nhân Nga và mời các chuyên gia nước ngoài tới Nga làm việc.
Sa hoàng Peter xây dựng thành phố cảng Saint Peterburg (tranh: Russia Beyond)
Khi tới Manchester (Anh), Sa hoàng Peter tỏ ra thích thú với một thành phố mang đậm phong cách Tây Âu. Ông quyết tâm xây dựng cho Nga một thành phố lớn như vậy, theo Topwar.
Peter không chỉ học hỏi người châu Âu, ông còn muốn đối đầu với đế chế mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ – Thụy Điển – để hoàn thành mục tiêu đưa Nga vươn ra Biển Baltic.
Theo ThoughtCo, vào thế kỷ 17, Thụy Điển là cường quốc thống trị vùng Biển Baltic với lực lượng hải quân mạnh nhất châu Âu. Trong những cuộc chiến liên tiếp từ năm 1618 – 1648, Thụy Điển giành chiến thắng và chiếm nhiều vùng đất của Đức, Phần Lan và Nga. Việc mở rộng lãnh thổ của Thụy Điển khiến Nga, Đan Mạch và Ba Lan bất mãn.
Năm 1661, Nga bại trận trước Thụy Điển và phải nhượng lại các vùng đất Karelia, Ingria, hồ Ladoga và các pháo đài Noteborg, Narva và Riga (phía đông bắc Nga). Sa hoàng Peter quyết tâm lấy lại những vùng này. Để chuẩn bị chiến tranh, ông ký hiệp ước liên minh với Ba Lan và Đan Mạch vào năm 1696. Nhằm ổn định tình hình phía nam, ông ký hòa ước với Ottoman.
Sai lầm của liên minh Nga, Đan Mạch và Ba Lan là không tấn công Thụy Điển cùng lúc.
Charles XII – đối thủ lớn nhất của Sa hoàng Peter (ảnh: Topwar)
Tháng 2/1700, quân Đan Mạch tấn công vùng Livonia của Thụy Điển, đại chiến Bắc Âu bùng nổ. Tháng 4/1700, vua Charles XII của Thụy Điển dẫn hạm đội gồm 38 chiến hạm, 14.000 quân phối hợp cùng 25 chiến hạm Anh, Hà Lan tấn công thẳng vào Đan Mạch, không cần ứng cứu các khu vực đang bị quân Đan Mạch bao vây, theo Thecollector.
Bị giáng đòn bất ngờ, vua Frederik IV của Đan Mạch (khi đó đang dẫn quân tấn công lãnh thổ Thụy Điển) phải về nước và ký thỏa thuận đầu hàng.
Tháng 8/1700, Nga ký xong hòa ước với Ottoman và tuyên chiến với Thụy Điển. Lịch sử gọi đây là cuộc đối đầu giữa 2 vị vua trẻ Peter (khi đó 28 tuổi) và Charles XII (khi đó 18 tuổi).
Tháng 9/1700, Nga điều khoảng 4 vạn quân tấn công Narva (nay là thành phố thuộc Estonia). Charles XII điều tới 1 vạn quân giải vây.
Ngày 20/10/1700, quân Thụy Điển kéo tới Narva giữa lúc trời đổ bão tuyết lớn. Một số tướng lĩnh khuyên Charles XII chờ bão tan mới tấn công nhưng ông không đồng ý vì nhận thấy gió đang thổi ngược về phía quân Nga. Lợi dụng bão tuyết, quân Thụy Điển bí mật áp sát và tấn công bất ngờ khiến quân Nga không kịp trở tay. Hàng chục nghìn lính Nga thương vong và bị bắt trong trận này. Quân Thụy Điển thắng lớn và Charles XII bắt đầu coi thường nước Nga, theo History UK.
Trận đại chiến ở Poltava (tranh: Thoughtco)
Thất bại tai hại ở Narva khiến Sa hoàng Peter nhận ra sai lầm và nỗ lực cải cách toàn diện quân đội Nga. Trong khi đó, Charles XII dẫn quân tấn công Ba Lan. Đến năm 1704, Charles XII mới thành công ép Ba Lan đầu hàng.
Lợi dụng quân Thụy Điển bận rộn ở Ba Lan, Sa hoàng Peter ra lệnh tuyển binh trên toàn quốc. Ông nhanh chóng có thêm hàng chục vạn quân. Để giải quyết vấn đề thiếu pháo, Peter cho kê khai số chuông trong các nhà thờ toàn quốc và sử dụng một phần chúng để đúc đại bác. Nga cũng tăng cường thu mua súng từ nước ngoài về trang bị cho quân đội. Sa hoàng Nga lúc này dồn toàn bộ chú ý vào việc chuẩn bị chiến tranh và huấn luyện hải quân.
Theo Thecollector, đầu năm 1702, quân Nga chiếm được pháo đài Noteborg ở cửa sông Neva (nay là thành phố Shlisselburg của Nga). Với chiến thắng này, tinh thần quân đội Nga được vực dậy. Tháng 7 cùng năm, khoảng 50.000 quân Thụy Điển bị đánh bại ở Livonia vùng đất giáp biển Baltic thuộc Latvia và Estonia ngày nay) và Nga kiểm soát vùng này.
Trong khi đó, Charles XII vẫn mải mê chinh phạt Ba Lan với niềm tin rằng khi ông trở về Thụy Điển, quân Nga sẽ nhanh chóng bị đánh bại.
Năm 1703, Sa hoàng Peter ra lệnh tấn công quân Thụy Điển ở Grodno (thành phố thuộc Belarus ngày nay) và thắng lớn. Để củng cố thắng lợi, ông cho xây dựng thành phố Saint Peterburg ở vùng cửa sông Neva (con sông lớn chảy ra Biển Baltic). Năm 1704, Nga kiểm soát Narva, xây dựng đồn lũy che chắn cho Saint Peterburg.
Khi Saint Peterburg dần thành hình, Sa hoàng Peter biết “cơn sóng dữ” Charles XII sắp ập đến.
Nga trở thành đế chế vĩ đại dưới thời Peter đại đế (ảnh: Russia Beyond)
Để bảo vệ “ước mơ” Saint Peterburg, Peter nỗ lực giảng hòa với Thụy Điển nhưng Charles XII bác bỏ. Tháng 8/1707, Charles XII tấn công lãnh thổ Nga với khoảng 40.000 quân. Thay vì giành lại đất đai ở Saint Peterburg, Charles XII muốn tấn công thẳng vào Moscow. Đây cũng là sai lầm chiến lược của ông, theo Russia Beyond.
Để bảo vệ Moscow, Sa hoàng Peter ra lệnh thực hiện chiến thuật “tiêu thổ” ở các hướng Thụy Điển có thể tiến quân. Mọi căn nhà, lương thực đều bị đốt sạch. Nga cũng huy động khoảng 60.000 quân thiết lập thế trận vòng cung đón đánh Thụy Điển.
Do hầu hết lãnh thổ là đồng bằng, nên Nga không thể chặn quân Thụy Điển ở những vị trí hiểm yếu. Bù lại, lực lượng mất đi của Nga nhanh chóng được thay thế.
Đến mùa xuân năm 1709, lực lượng của Charles XII dần tiêu hao và chỉ còn khoảng 25.000 quân. Charles XII cho quân vây hãm pháo đài Poltava (thị trấn cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 300km về phía đông nam) để làm nơi đồn trú và chờ quân tiếp viện từ Ba Lan. Để giải vây Poltava, Sa hoàng Peter dẫn khoảng 40.000 quân hành quân thần tốc.
Tháng 6/1709, Charles XII trúng đạn và bị thương nặng ở chân trái, tinh thần quân Thụy Điển sa sút nghiêm trọng. Cũng trong thời gian này, vua Thụy Điển nhận thông tin viện binh từ Ba Lan sẽ không đến, trong khi Ottoman không cho phép Hãn quốc Krym hợp tác với Thụy Điển, theo Battlefield Anomalies.
Trước nhiều bất lợi, Charles XII và phó tướng là Thống chế Rehnskiold vẫn nuôi hy vọng đánh bại quân Nga. Ngày 28/6, Charles XII phát lệnh tấn công để giành lợi thế bất ngờ. Lực lượng Thụy Điển nhanh chóng bị Nga áp đảo bằng số lượng và pháo binh.
Trong trận giáp lá cà cuối cùng, hơn 5.000 quân Thụy Điển phải đương đầu với khoảng 24.000 quân Nga cùng 70 khẩu đại bác.
Cho đến khi tẩu thoát tới được Ottoman, số quân đi theo Charles XII chỉ còn vỏn vẹn hơn 600 người. Sau chiến thắng Poltava, quân Nga thỏa mái tung hoành ở những vùng đất phía bắc để củng cố các vị trí phòng thủ cho Saint Peterburg.
Theo Thecollector, năm 1718, Charles XII tử trận khi đang tấn công Na Uy, Thụy Điển chính thức đánh mất vị thế của một cường quốc. Năm 1721, Thụy Điển ký hòa ước cắt cho Nga các vùng đất có ví trí chiến lược bao gồm Livonia, Ingria, Karelia và Estonia.
Sau khi mơ ước tiến ra Biển Baltic thành hiện thực, Peter tuyên bố trở thành hoàng đế của đế quốc Nga. Đế chế do ông sáng lập (tính cả những vùng đất ngày nay không còn thuộc Nga) có diện tích lớn thứ 3 trong lịch sử thế giới (sau Anh và Mông Cổ).
______________
Hết
Nếm trải tuổi thơ tủi nhục vì mất quyền lực, Sa hoàng đầu tiên của Nga quyết tâm trừng trị những kẻ bất tuân và đưa Nga trở thành đế chế mạnh nhất châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]