Đại phá quân Mông Cổ - trận đánh làm thay đổi mãi mãi lịch sử nước Nga
Trước quân Mông Cổ hung tàn, trận Kulikovo là lần đầu tiên người Nga cho thấy họ có thể vùng lên mạnh mẽ và trở thành một phần quan trọng của lịch sử châu Âu.
Là một trong những nước thành lập muộn nhất ở châu Âu và bị đế chế Mông Cổ chèn ép hơn 100 năm, vì sao Nga có thể vươn lên trở thành cường quốc, sở hữu lãnh thổ rộng nhất thế giới như ngày nay? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu phần nào về những diều đã xảy ra trong quá trình đó. |
Nga và nhiều nước châu Âu phải chịu khuất phục trước Mông Cổ trong hơn 100 năm (tranh: Russia Beyond)
“Người Nga đến chiến trường Kulikovo như công dân của nhiều nước khác nhau nhưng trở về với tư cách là một quốc gia Nga thống nhất”, Lev Gumilev – nhà sử học nổi tiếng người Nga – bình luận về trận đánh Kulikovo.
Sau hàng loạt chiến dịch xâm lược của Mông Cổ từ năm 1235 – 1240, nước Nga bị đánh bại, chia cắt thành nhiều vùng và phải chịu khuất phục trước Hãn quốc Kim Trướng (một phần của đế chế Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn sáng lập). Vào thời điểm cường thịnh nhất, Hãn quốc Kim Trướng bao gồm lãnh thổ Nga ngày nay, Ukraine, Moldova, Kazakhstan và nhiều khu vực thuộc phía bắc dãy Kavkaz, theo Russia Beyond.
Hơn 100 năm sau đó, tình hình khu vực Đông Âu và phía tây Nga rơi vào hỗn loạn do chính sách “chia để trị” của Hãn quốc Kim Trướng. Lãnh chúa ở các khu vực này liên tục gây xung đột và đánh chiếm địa bàn của nhau. Tất cả đều là chư hầu và phải cống nạp cho Hãn quốc Kim Trướng.
Đến những năm 1360, Đại công quốc Moscow đã từng bước trở nên mạnh mẽ sau khi đánh bại công quốc Ryazan và chiếm được Kolomna (thành phố ở phía Tây Nga ngày nay). Dưới sự lãnh đạo của thân vương Dmitry Ivanovich, Moscow quyết tâm xóa bỏ ảnh hưởng của Hãn Quốc Kim Trướng ở châu Âu. Cùng thời điểm này, Hãn quốc Kim Trướng xảy ra lục đục nội bộ khi Mamai – viên tướng không phải hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn – âm mưu chiếm trọn quyền lực của Hãn quốc, theo Prlib.
Nắm binh quyền trong tay, Mamai ép Hãn (vua) của Hãn quốc Kim Trướng trở thành bù nhìn và mạnh tay trấn áp các thế lực chống đối. Quan điểm đòi độc lập và từ chối cống nạp của Đại công quốc Moscow khiến Mamai tức giận. Ông quyết tâm đè bẹp Moscow như một cách để cảnh cáo những thế lực bất tuân và phô trương sức mạnh Hãn quốc.
Dmitry Ivanovich – thân vương đầu tiên của Moscow dám chống lại Hãn quốc Kim Trướng (tranh: Britannica)
Theo nhà sử học Nga Vasily Klyuchevsky, cuộc xâm lược của Mông Cổ vào thế kỷ 13 đã tàn phá nghiêm trọng nước Nga. Nhưng đến năm 1380 (thời điểm xảy ra trận đánh Kulikovo), 2 thế hệ người Nga đã lớn lên mà không hề biết e sợ trước khả năng gieo rắc nỗi kinh hoàng của vó ngựa Mông Cổ.
Hầu hết các nhà sử học ngày nay cho rằng, trận Kulikovo là lần đầu tiên Nga đứng lên chống lại ách thống trị của Mông Cổ sau 150 năm, đánh dấu khởi đầu của quá trình giải phóng dân tộc Nga.
Năm 1378, Mamai điều một đội quân Mông Cổ tấn công Đại công quốc Moscow nhưng bị lực lượng của Dmitry Ivanovich đánh bại trên bờ sông Vozha. Quyền lực của Mamai lần đầu tiên bị thách thức.
Năm 1380, Mamai đích thân dẫn lực lượng lớn nhằm tiêu diệt Moscow vì tội “bất tuân”. Đồng minh của Mamai bao gồm quân đội của công quốc Ryazan và công quốc Litva. Bấy giờ, 2 công quốc này được xem là “kẻ thù không đội trời chung” với Đại công quốc Moscow, theo Topwar.
2 viên tướng của Moscow và Hãn quốc lao vào nhau trong trận đánh Kulikovo (tranh: Russia Beyond.)
Trước sự uy hiếp của Hãn quốc Kim Trướng, thân vương Dmitry Ivanovich đã nhờ đến sự trợ giúp của lãnh chúa từ các vùng Smolensk, Thượng Oka, Novgorod, Pronsk, Murom, Yelets… Dưới sự lãnh đạo của Dmitry Ivanovich, lực lượng liên minh với khoảng 60.000 người tiến đến sông Đông (đông nam Moscow ngày nay). Đối mặt với họ là khoảng 150.000 quân Hãn quốc Kim Trướng.
Một số nhà sử học cho rằng, Dmitry Ivanovich đã tham gia một “ván cược lớn” khi tuyên chiến với thế lực mạnh hơn là Hãn quốc Kim Trướng. Ông muốn tước hiệu thân vương Moscow là của riêng người Nga mà không cần “xin phép” Hãn quốc. Nếu Dmitry Ivanovich thắng, con và cháu ông có thể thừa kế ngôi vị một cách độc lập và từng bước đưa Moscow trở thành quốc gia lớn mạnh.
Ngày 8/9/1380, quân Moscow và quân Hãn quốc Kim Trướng đối mặt nhau trên cánh đồng Kulikovo gần sông Đông. Dmitry Ivanovich chia lực lượng của mình thành 6 cánh quân, bao gồm quân tiên phong, quân tuần tra, 2 cánh quân bên phải, bên trái, trung quân ở giữa đội hình và một cánh quân phục kích trong rừng, theo Britannica.
Trận chiến dữ dội nổ ra. Mamai chứng tỏ ông không phải viên tướng kém cỏi bằng cách điều 2 cánh quân nhỏ tập kích vào sườn trái và đánh úp quân Moscow từ phía sau. Đội hình của Dmitry Ivanovich đứng trước nguy cơ tan vỡ nhưng ông vẫn bình tĩnh chỉ huy binh sĩ cầm cự.
Một tài liệu lịch sử Nga mô tả trận đánh Kulikovo như sau: “Xác chết đổ gục xuống xác chết".
Trận ác chiến Kulikovo (tranh: Tothesoundoftheguns)
Quân Moscow bị quân Hãn quốc bao vây. Trong giờ phút nguy cấp, Dmitry Ivanovich phát tín hiệu triệu đến cánh quân phục kích của mình. Bị tấn công bất ngờ, quân Hãn quốc rơi vào hoảng loạn. Quân Moscow phối hợp từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào buộc quân Hãn quốc phải bỏ chạy, theo Britannica.
Sau khi ổn định đội hình, Dmitry Ivanovich ra lệnh cho quân Moscow truy đuổi quân Mông Cổ tới hơn 50 km, đến sông Krasivaya Mecha (gần thành phố Tula của Nga ngày nay) mới dừng lại.
Dmitry Ivanovich dẫn đội quân chiến thắng của mình quay về Moscow. Ông đánh đuổi lực lượng công quốc Litva và ép công quốc Ryazan thành chư hầu. Moscow trở thành công quốc mạnh nhất vùng đất phía tây Nga. Về phần Mamai, ông bị các thế lực chống đối lật đổ sau thất bại trước Đại công quốc Moscow.
Nhà sử học Lev Gumilev nhận xét, chiến thắng Kulikovo là bước ngoặt của lịch sử, đặt nền móng cho độc lập và thống nhất của nước Nga hàng trăm năm sau đó.
“Trận chiến đã thay đổi suy nghĩ của những người thuộc dân tộc Nga. Họ bắt đầu xem mình như một phần của nước Nga thống nhất”, Gumilev bình luận.
Sau khi qua đời năm 1389, Dmitry Ivanovich là thân vương đầu tiên của Moscow để lại ngôi vị cho con trai mà không cần xin phép Hãn quốc Kim Trướng. Sự nghiệp của Dmitry Ivanovich đã truyền cảm hứng cho chắt của ông – Ivan Đại đế – tiếp tục công cuộc thống nhất và mở rộng lãnh thổ nước Nga.
Ivan Đại đế (hay Ivan III) thừa kế danh hiệu thân vương Moscow từ năm 1462. Ngay từ khi mới lên ngôi, ông đã thể hiện tư tưởng muốn mở rộng lãnh thổ Moscow và loại trừ ảnh hưởng của Hãn quốc Kim Trướng giống người cụ của mình.
Năm 1471, sau khi chinh phạt và sáp nhập các công quốc nhỏ như Yaroslav, Vereya (2 thành phố thuộc nước Nga ngày nay), Ivan Đại đế mở cuộc tấn công vào Cộng hòa Novgorod nhằm mở rộng thế lực đến vùng phía bắc sông Dvina. Trước sự uy hiếp của Moscow, Novgorod tìm đến sự trợ giúp của Ba Lan và công quốc Litva (2 đối thủ lớn của Moscow).
Ivan Đại đế đuổi sứ giả của Hãn quốc Kim Trướng (ảnh: History)
Nổi giận trước liên minh của Novgorod, Ivan Đại đế tấn công và giành thắng lợi quyết định trong trận chiến ở bờ sông Shelon vào tháng 7/1471. Đáng chú ý, trong trận này, Ivan Đại đế chỉ huy động khoảng 5.000 quân đấu với hơn 30.000 quân Novgorod. Sau thất bại trong trận Shelon, Novgorod phải cống nạp và trở thành chư hầu của Moscow. Năm 1478, Ivan Đại đế tấn công Novgorod một lần nữa và sáp nhập Novgorod và lãnh thổ Moscow. Ngày nay, Novgorod là một tỉnh của Nga.
Ngoài Novgorod, một số công quốc nhỏ khác như Rostov, Tver cũng bị Moscow thôn tính.
Sau khi Đại công quốc Moscow trở nên lớn mạnh, Ivan Đại đế tuyên bố Moscow không còn là chư hầu của Hãn quốc Kim Trướng. Tháng 11/1480, 2 bên dàn quân trên bờ sông Ugra. Trước lực lượng hùng hậu của Moscow, quân Hãn quốc Kim Trướng phải rút lui và để tránh lặp lại thất bại trong trận Kulikovo. Moscow từ đây cắt đứt hoàn toàn ảnh hưởng của Hãn quốc và trở thành một cường quốc ở miền tây Nga.
____________
Vùng đất Siberia rộng hơn 13 triệu km vuông với nhiều tài nguyên phong phú nay thuộc chủ quyền của Nga. Điều đặc biệt là Nga có được vùng đất khổng lồ này mà không phải gây chiến với bất cứ nước nào. Vì sao Nga có thể làm được như vậy? Mời bạn đọc đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau, đăng sáng sớm 25/12/2022 trên mục Thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân số đông gấp hơn 4 lần nhưng các binh sĩ của Peter Đại đế lại bất ngờ bại trận trước đội quân của vị vua trẻ Thụy Điển - Charles XII - trong trận đánh mở đầu của...