Những người chuyên mang đến kết cục thảm cho chúa sơn lâm
Người Pardhi được mệnh danh là những thợ săn hổ giỏi nhất ở Ấn Độ, nhưng ít ai biết rằng bộ lạc này từ lâu đã bị coi là "những kẻ ngoài vòng pháp luật".
Một bộ lạc ở Ấn Độ nổi tiếng với kỹ năng săn hổ đỉnh cao. Ảnh minh họa
Rajesh chỉ mới 10 tuổi khi giết con hổ đầu tiên trong đời. Hơn 2 thập niên sau, ký ức đó vẫn không phai nhạt.
Cậu bé 10 tuổi Rajesh năm đó rất sợ hãi khi thấy con hổ bị mắc một chân vào bẫy, gầm gào giận dữ. Bố của Rajesh hét lớn về phía con trai rằng không còn thời gian để lưỡng lự.
Ban đầu, Rajesh dùng gậy đập vào đầu con hổ nhưng nó vẫn còn tỉnh táo. Các thợ săn đi cùng tấn công nhằm phân tán sự tập trung của con hổ, trong khi Rajesh đâm giáo xuyên miệng nó xuống tới cổ họng. Tiếp đó, cậu bé 10 tuổi đâm ngọn giáo qua xương sườn, nhằm vào trái tim, hạ gục con mãnh thú.
Sau khi giết con hổ, bộ tộc của Rajesh - một nhánh nhỏ thuộc bộ lạc Pardhi - bắt đầu xử lý xác hổ một cách thuần thục. Việc lột da là cả một nghệ thuật. Nếu làm quá mạnh tay, giá trị của tấm da hổ sẽ giảm. Nếu làm quá chậm, dân làng gần đó có thể phát hiện ra và sẽ không để họ mang con hổ đi.
Lũ trẻ trong bộ lạc được dặn phải giữ im lặng tuyệt đối. Người Pardhi, sống chủ yếu ở bang Maharashtra và một phần của bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, cũng tổ chức các chuyến đi săn vào ngày trăng tròn để đảm bảo họ có đủ ánh sáng nhìn vào ban đêm.
Tấm da được tách khỏi lớp thịt từ phần hàm, móng vuốt tới đuôi bằng những lưỡi cưa mỏng. Các cơ cũng được tách rời khỏi xương. Bộ xương được ngâm muối và bọc trong lớp da rồi giấu dưới gốc cây ít nhất 24 giờ.
Trong thời gian đó, bố của Rajesh đã gọi điện thoại để sắp xếp việc mua bán. Số tiền bán các bộ phận của con hổ được chia đều cho các thành viên trong bộ lạc.
Ngay đêm hôm đó, người Pardhi có bữa thịt hổ thịnh soạn. Theo quan niệm địa phương, để có được sức mạnh và sự chịu đựng, họ ăn phần tim hổ trước. Sau đó, người Pardhi ăn những phần mềm như: sườn, xương sườn và đùi. Những gì không thể "tiêu hóa" được, họ đều bỏ đi. Số tiền thu được trong mỗi vụ săn hổ giúp người Pardhi có thể mua thức ăn trong một khoảng thời gian.
Bộ tộc của Rajesh săn bắn bằng vũ khí thô sơ như tổ tiên họ đã làm. Đây được đánh giá là cách thức nguy hiểm nhưng hiệu quả.
Việc sử dụng súng đạn có thể tạo ra tiếng động lớn, thu hút sự chú ý. Ngoài ra, lỗ đạn làm giảm giá trị của tấm da hổ. Bắt hổ bằng cách đầu độc là phương pháp kinh tế, dễ dàng và thường được dân làng sử dụng để trả thù việc bị con hổ ăn thịt gia súc. Nhưng cách này sẽ làm hỏng bộ lông hổ.
Thay vào đó, người Pardhi sử dụng giáo và bẫy tự chế. Bộ lạc này luôn tự hào về kỹ thuật đi săn thầm lặng của họ vì hổ Bengal không phải loài dễ bị hạ gục. Loài này là một trong những phân loài hổ lớn nhất thế giới. Một con hổ Bengal trưởng thành nặng 100 - 226kg, và dài khoảng 2,1 - 2,7m.
Người Pardhi sử dụng bẫy tự chế để săn hổ. Ảnh: Nagaraj H.N
Trang India Today từng đề cập đến cách thức đi săn của người Pardhi, bộ lạc nổi tiếng với nghề săn trộm hổ. Đầu tiên, họ sẽ nhận được đơn đặt hàng: giết khoảng 60 con hổ mỗi năm để lấy da và các bộ phận khác.
Nhóm đi săn, có cả phụ nữ và trẻ em, sau đó đi tàu hỏa đến khu vực đã nhắm mục tiêu. Khi tới khu rừng có hổ, họ cắm trại ở khu vực lân cận, rồi dựng các cửa hàng bán đồ trang sức rẻ tiền làm vỏ bọc. Mất vài ngày, nhóm đi săn người Pardhi đã nắm rõ các hoạt động đi lại của hổ trong khu vực.
Sau đó, người Pardhi bày sẵn mồi nhử là thịt thú rừng để thu hút hổ và đặt sẵn những cái bẫy dọc theo tuyến đường dẫn đến chỗ có mồi nhử. Việc theo dõi các tuyến đường hổ hay qua lại cũng như thói quen tuần tra của kiểm lâm địa phương. Thông thường, đợt đi tuần cuối cùng diễn ra vào nửa đêm. Người Pardhi có thể thoải mái hoạt động từ thời điểm đó đến sáng hôm sau.
Tỷ lệ thành công trong những lần đi săn của người Pardhi là rất cao. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với kết cục thảm cho hổ Bengal.
Một con hổ bị dính bẫy. Ảnh: Bandu Dhotre
Cặp hàm bẫy sắt đóng lại với lực ép cực lớn, giữ chặt phần chân hổ. Các thợ săn người Pardhi sau đó lao đến, thọc một cây giáo nhọn và nhét thêm ít đất vào miệng hổ để đảm bảo con hổ chết nhanh mà không thể gầm rú gây náo động.
Nhóm thợ săn cần tới 12 người đàn ông khỏe mạnh mới có thể lấy được xác hổ ra khỏi cạm bẫy. Sau đó, họ dùng con dao sắc lẹm để lột da hổ tại chỗ rồi mổ lấy nội tạng. Những thứ này được bán sang Trung Quốc với giá cao.
Nhóm đi săn chôn phần còn lại của con hổ ở khu đất gần đó. Một tuần sau, họ trở lại để đào xương hổ. Họ có thể bắt và giết 5 con hổ trong cùng một khu rừng. Trong quá trình đó, nhóm đi săn còn săn cả báo hoa mai và gấu.
Theo trang Roadsandkingdoms, bộ lạc Pardhi từ lâu bị gắn với cái mác tội phạm và những người ngoài vòng pháp luật ở Ấn Độ.
Nhưng thực tế, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Người Pardhi từng được đánh giá cao nhờ kỹ năng đặc biệt khi săn động vật hoang dã và kiến thức về rừng rậm Ấn Độ. Vào thời kỳ người Anh cai trị Ấn Độ, người Pardhi đã hỗ trợ đắc lực các cuộc săn hổ của hoàng gia Anh và giúp huấn luyện báo săn châu Á.
Người Pardhi từng hỗ trợ đắc lực các cuộc săn hổ của hoàng gia Anh và giúp huấn luyện báo săn châu Á ở thời kỳ người Anh cai trị Ấn Độ. Ảnh: Slate
Ngày nay, khi việc săn bắn hổ là trái phép ở Ấn Độ, người Pardhi bị đẩy đến cuộc sống cơ cực. Phần lớn chuyển sang làm các công việc lương thấp ở các khu vực thành thị và nông thôn. Một số chuyển sang săn bắn hươu, lợn rừng, chim... để bán tại các chợ địa phương. Còn rất ít người theo nghề săn hổ.
Nhiều tổ chức địa phương đã mở các trường học, chương trình đào tạo, cung cấp sinh kế khác cho bộ lạc Pardhi, để giúp họ nhận ra sự sai trái của việc săn hổ. Đồng thời, các tổ chức này muốn tận dụng kiến thức của người Pardhi để ngăn chính các thợ săn hổ Pardhi.
Nhiều người Pardhi đã tham gia các chương trình trên, trong đó có Rajesh. Sự hiểu biết độc đáo về hành vi, môi trường sống của động vật kết hợp với các phương pháp theo dõi đặc biệt giúp người Pardhi ngăn chặn hiệu quả nhóm thợ săn trộm hổ tại các vườn quốc gia hoang dã của Ấn Độ .
Thay vì săn hổ, Rajesh giờ sẽ "săn" thợ săn hổ. Em gái và em trai là người có tác động lớn tới việc Rajesh chuyển từ săn hổ sang bảo vệ loài thú này. Rajesh cho biết đã cắt đứt quan hệ với một số thành viên bộ lạc khi họ vẫn cố chấp săn trộm hổ và đang thuyết phục các thành viên khác về việc dừng săn hổ.
------------------
Tôn vinh nữ thần liên quan tới rắn hổ mang nhưng một bộ lạc ở Ấn Độ có tới hàng chục nghìn người làm nghề bắt rắn độc. Ban đầu, họ bắt rắn để bán lấy da. Sau đó, một bước ngoặt lớn xảy ra khiến bộ lạc này chuyển sang tận dụng nọc độc rắn để cứu người. Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới, lúc 15h ngày 24/1 (mùng 3 Tết) sẽ cung cấp thông tin thú vị về bộ lạc này.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước khi đi săn, các chiến binh đôi khi phải đối đầu với chính đồng đội để tranh giành vinh dự đi săn "vua đồng cỏ".