Cầm khiên và giáo vào đồng cỏ, ép sư tử chiến đấu rồi đoạt mạng
Trước khi đi săn, các chiến binh đôi khi phải đối đầu với chính đồng đội để tranh giành vinh dự đi săn "vua đồng cỏ".
Các chiến binh Maasai săn sư tử. Ảnh: MinNews
Trên thế giới, có những bộ lạc khiến người khác phải chú ý đến vì kỹ năng đỉnh cao khi đối đầu với thú dữ, rắn độc mà không cần đến súng đạn. Các kỹ năng đỉnh cao này là gì? Và loại thú dữ mà các bộ lạc phải đối đầu ghê gớm ra sao? Loạt bài lần này sẽ giúp giải đáp các thắc mắc đó. |
"Solo" hoặc theo nhóm
Đối mặt với một con sư tử ở thảo nguyên châu Phi là một trải nghiệm nhớ đời. Với các chiến binh Maasai (đàn ông trưởng thành, khỏe mạnh) chủ yếu sống ở vùng thảo nguyên Đông Phi, cuộc sống của họ kể từ ngày đó sẽ thay đổi mãi mãi. Săn sư tử là một truyền thống thú vị nhưng đầy nguy hiểm của người Maasai. Nhiều người thắc mắc các chiến binh Maasai săn sư tử để làm gì?
Theo trang Maasai Association, bộ lạc Maasai coi việc săn sư tử là biểu hiện của lòng dũng cảm và chiến tích cá nhân. Trong quá khứ, khi số lượng sư tử còn nhiều, bộ lạc này khuyến khích các chiến binh một mình đối đầu với sư tử.
Khi số lượng quần thể sư tử suy giảm, chủ yếu do dịch bệnh, người Maasai chấp nhận quy định tắc mới, cho phép chiến binh săn sư tử theo nhóm. Việc này cũng góp phần giúp duy trì các quần thể sư tử ở môi trường hoang dã.
Hướng dẫn viên Andrew King'Ori từng chia sẻ trên tờ The West Australian rằng, người Maasai mạnh mẽ và khéo léo đến nỗi sư tử sợ hãi, lánh xa khi thấy họ.
"Nếu thấy bóng dáng họ, lũ sư tử sẽ bỏ chạy", Andrew chia sẻ. "Chúng sợ người Maasai".
Quy tắc săn sư tử
Các chiến binh Maasai không được phép săn một con sư tử ốm yếu, bị trúng độc hay dính bẫy. Ảnh minh họa: MinNews
Theo luật tục của người Maasai, các chiến binh không được phép săn một con sư tử không đủ khỏe mạnh do thiếu ăn, bị dính bẫy hay đầu độc. Người Maasai cũng không cho phép các chiến binh săn sư tử cái vì họ coi sư tử cái là sinh vật mang lại sự sống cho muôn loài. Các chiến binh chỉ có thể săn sư tử cái khi nó gây ra mối đe dọa với gia súc hoặc tính mạng con người.
Người Maasai hiểu rõ rằng sư tử rất quan trọng với hệ sinh thái của thảo nguyên châu Phi. Vì vậy, họ rất thận trọng khi săn sư tử. Các chiến binh Maasai không được phép đi săn bừa bãi mà phải tuân theo các quy tắc.
Kinh nghiệm săn sư tử cho phép các chiến binh Maasai thể hiện khả năng chiến đấu với thú hoang. Cứ mỗi 10-15 năm, các chiến binh sẽ đếm số sư tử săn được, sau đó đối chiếu với các con đã săn được trước đó. Mục đích là để so sánh số sư tử săn được ở các mốc tuổi khác nhau của chiến binh.
Khi săn sư tử theo nhóm, Empikas (đoàn săn sư tử) sẽ lên kế hoạch đi săn từ nhiều ngày trước. Kế hoạch được thực hiện bí mật. Không ai trong bộ lạc, trừ các chiến binh, được biết về ngày đi săn sư tử.
Khác với săn theo nhóm, săn sư tử một mình diễn ra ngẫu nhiên, không cần lên kế hoạch trước. Việc săn sư tử một mình không phải nhiệm vụ dễ dàng nhưng không ít chiến binh Maasai đã làm được. Những người tự tin và có đầy kinh nghiệm đi săn có tỷ lệ thành công cao.
Theo trang MinNews, cơ thể con người dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể tránh khỏi bị tổn thương khi đối đầu với sư tử đực trưởng thành. Vì vậy, chiến binh Maasai khi đi săn một mình thường chọn các con sư tử là những con mới chớm trưởng thành, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, người Maasai khi săn sư tử còn sử dụng khiên để phòng thủ và giáo để tấn công. Đặc biệt, ở mũi ngọn giáo, chiến binh Maasai bôi một loại nhựa cây curare, chứa nhiều chất ức chế thần kinh. Nếu trúng chất độc này, con sư tử sẽ bị tê liệt và dần tắt thở. Nếu không chết vì trúng độc, khả năng chiến đấu của con sư tử cũng giảm đáng kể.
Hành trình săn "vua đồng cỏ"
Chiến binh Maasai sẽ dùng giáo để đối đầu với sư tử. Ảnh minh họa
Chuyến đi săn bắt đầu từ lúc bình minh, khi người già, trẻ nhỏ và phụ nữ vẫn còn say giấc. Các chiến binh Maasai lẻn ra khỏi làng để tránh đụng mặt người già, phụ nữ (theo tục lệ).
Các chiến binh sau đó sẽ gặp nhau tại một địa điểm gần làng. Từ đây, họ di chuyển tới một địa điểm đã xác định trước - nơi được cho là sẽ có sư tử. Người Maasai thường xác định vị trí của sư tử bằng cách theo dõi dấu chân của chúng hoặc theo dõi loài ăn xác thối (thông thường các loài ăn xác thối hay tập trung để ăn ké bữa ăn của sư tử).
Vài phút trước khi xuất phát, các chiến binh phải trải qua quá trình phân loại để biết ai là chiến binh cấp thấp (Ilbarnot) và cấp cao (Ilmorijo). Theo truyền thống, những chiến binh cấp cao nắm quyền quyết định. Họ sẽ lựa chọn một nhóm đồng đội khỏe mạnh, dũng cảm, có kỹ năng săn bắn công phu để đối đầu với sư tử. Nhóm này được gọi là Ilmeluaya (chiến binh dũng mãnh) - những người dám đi săn mà không màng tới sống chết.
Các chiến binh cấp thấp bị loại sẽ phải trở về làng. Nhưng không phải lúc nào họ cũng dễ dàng chấp nhận điều này. Việc phân loại chiến binh thường gây ra một cuộc chiến giữa các chiến binh cấp thấp và cấp cao. Họ đối đầu với nhau bằng gậy, giáo và khiên. Các chiến binh cấp thấp thường gặp bất lợi nhưng họ vẫn muốn thử.
Việc phân loại chiến binh đôi khi cũng gây ra bất đồng trong nhóm chiến binh cấp cao: Khi bảo vệ các chiến binh cấp thấp thuộc gia tộc, một chiến binh cấp cao có thể làm trái ý các chiến binh cấp cao khác. Tình trạng này thường khiến việc phân loại càng thêm căng thẳng. Sau đó, mọi chuyện sẽ được giải quyết bằng sức mạnh.
Dù về nhà, các chiến binh cấp thấp vẫn không được tiết lộ kế hoạch đi săn sư tử của nhóm cấp cao cho tới khi cuộc đi săn kết thúc.
Sư tử có rất nhiều ở vùng đất mà người Maasai sinh sống. Nơi sinh sống của chúng thường là đồng cỏ và rừng sâu. Các chiến binh Maasai mất khoảng 20 phút đến 10 tiếng để tìm được con sư tử phù hợp.
Khi xác định được con mồi, các chiến binh sẽ đuổi theo và chọc tức nó bằng tiếng chuông lạch cạch. Khi con sư tử khó chịu, nó buộc phải đối đầu với nhóm chiến binh.
Chiến đấu với một con sư tử ở khu vực thảo nguyên hay rừng sâu rất nguy hiểm. Sư tử thông minh và di chuyển trong bụi rậm nhanh hơn con người. Vì vậy, các chiến binh Maasai sẽ dụ chúng ra vùng đất bằng. Họ chỉ được phép dùng khiên và giáo để đối đầu "vua đồng cỏ".
Kinh nghiệm đi săn, sự bản lĩnh, dũng cảm và phối hợp ăn ý giúp họ thành công.
Sự phối hợp ăn ý giữa các chiến binh Maasai giúp họ có cơ hội thành công cao hơn khi đi săn sư tử. Ảnh minh họa
Kamunu Saitoti, một chiến binh Maasai dày dặn kinh nghiệm săn sư tử, đã kể lại một lần anh cùng nhóm chiến binh Maasai đi săn sư tử. Saitoti cùng nhóm chiến binh nấp dưới một gốc cây chờ đàn sư tử ngủ say.
Sau đó, cả nhóm chạy như bay về phía đàn sư tử và dùng giáo tấn công. Những con sư tử bị bất ngờ nhưng vẫn chống trả quyết liệt. Chúng gầm gừ rồi lao vào các chiến binh Maasai.
Đúng thời điểm chúng gầm lên, nhóm chiến binh của Saitoti dùng giáo đâm xuyên miệng lũ sư tử, khiến chúng bị tổn thương nội tạng và chảy máu trong. Những con sư tử không còn sức gầm gừ, bị ngạt thở và khạc ra máu cho đến khi gục ngã.
Saitoti và các chiến binh khác không vội vàng lao tới. Họ đợi để chắc chắn rằng lũ sư tử đã chết. Nếu chúng giả chết, hậu quả sẽ khôn lường.
Khi các chiến binh cấp cao trở về nhà với một con sư tử, lễ ăn mừng sẽ được tổ chức kéo dài một tuần trong khu vực. Phụ nữ từ nhiều làng khác nhau của bộ lạc sẽ ôm hôn các chiến binh đâm chết sư tử.
Các chiến binh này sau đó nhận được Imporro - một dây đeo vai có đính hạt trang trí hai mặt, thường trao cho người có chiến công. Chiến binh sẽ đeo dây này trong suốt tuần lễ ăn mừng.
Thành công của cuộc đi săn sư tử mang lại sự phấn khích và lòng biết ơn trong bộ lạc Maasai. Thành tích này được ca ngợi thông qua các bài hát và điệu nhảy. Các chiến binh cũng có biệt danh riêng.
Người Maasai không ăn thịt sư tử mà chỉ lấy 3 bộ phận: Bờm, đuôi và móng vuốt. Chiếc bờm sư tử được các phụ nữ Maasai kết lại rồi trao cho một chiến binh đại diện. Người này sẽ đội chiếc bờm sư tử trên đầu vào những dịp đặc biệt. Phần đuôi được các chiến binh kéo căng rồi trao cho các phụ nữ để xử lý trước khi đưa lại cho các chiến binh. Họ giữ lại phần đuôi sư tử một thời gian trước khi vứt bỏ.
Những năm gần đây, người Maasai dần bỏ truyền thống săn sư tử khi số lượng sư tử ở khu vực họ sinh sống giảm sút. Để chứng tỏ bản lĩnh, các chiến binh Maasai giờ đây thi đấu tại Thế vận hội Maasai (cuộc thi do bộ lạc Maasai tổ chức). Tại đây, họ tranh tài ở các môn như ném lao hay điền kinh.
"Ở thời của chúng tôi, mọi người giết sư tử nhưng không được thêm lợi ích gì. Nhưng bây giờ, các chiến binh trẻ thi chạy và ném lao. Họ nhận được vinh quang và tiền thưởng. Trước đây, chúng tôi không có gì. Bây giờ, họ có thể có tiền chu cấp cho gia đình", hãng tin AP dẫn lời một người Maasai từng săn rất nhiều sư tử.
--------------------
Hổ Bengal, một trong những phân loài hổ lớn nhất thế giới, không phải loài dễ bị hạ gục. Thế nhưng khi gặp phải một bộ lạc ở Ấn Độ, loài này thường phải nhận kết cục thảm. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo, đăng trên mục Thế giới, lúc 15h ngày 23/1 (mùng 2 Tết) để tìm hiểu về bộ lạc "khắc tinh" của hổ Bengal.
Người Pardhi được mệnh danh là những thợ săn hổ giỏi nhất ở Ấn Độ, nhưng ít ai biết rằng bộ lạc này từ lâu đã bị coi là "những kẻ ngoài vòng pháp luật".
Nguồn: [Link nguồn]