Nếu Iran dùng "tất tay" vũ khí, Israel sẽ chống đỡ ra sao?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vì Iran và Israel cách nhau hơn 1.000 km nên bất kỳ cuộc xung đột nào giữa 2 nước này có khả năng sẽ không liên quan đến chiến dịch trên bộ mà thay vào đó là các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Iran được cho là sở hữu kho vũ khí khổng lồ. Ảnh minh họa: Milsim Gacor

Iran được cho là sở hữu kho vũ khí khổng lồ. Ảnh minh họa: Milsim Gacor

Loạt vũ khí “chết chóc” của Iran

Trước khi xét đến khả năng Iran sử dụng toàn bộ kho vũ khí, chúng ta cần điểm qua xem kho vũ khí ấy có những loại đáng gờm nào.

UAV tấn công Shahed-149

Iran đang theo kịp xu hướng phát triển của thế giới bằng việc phát triển các phương tiện bay không người lái (UAV). Theo trang Topwar, các sản phẩm UAV mới nhất của Iran cho thấy rõ việc sao chép công nghệ, chủ yếu từ các mẫu UAV trinh sát và tấn công của Mỹ mà Tehran đã thu được bằng nhiều cách khác nhau.

Năm 2012, Iran giới thiệu UAV Shahed-129. Đến năm 2021, mẫu này được cải tiến thành Shahed-149 "Gaza", một máy bay không người lái tấn công, được đặt tên theo Dải Gaza. Về ngoại hình, UAV này giống với máy bay trinh sát và tấn công Predator MQ-1 và Reaper MQ-9 của Mỹ.

UAV Shahed-149 "Gaza". Ảnh: imamedia

UAV Shahed-149 "Gaza". Ảnh: imamedia

Shahed-149 là phiên bản lớn hơn và hiện đại hơn so với phiên bản trước của nó. Trọng lượng cất cánh của nó là 3.100 kg, sải cánh dài 21 mét và có thể bay ở độ cao tối đa 10.000m. UAV này được giới thiệu vào tháng 5/2021, có thể mang theo 13 quả đạn có điều khiển để tấn công các mục tiêu di động, với phạm vi bay hơn 2.000 km. Ngoài các tên lửa và bom, Shahed-149 còn có thể mang theo 400kg thiết bị trinh sát.

Thời gian bay của Shahed-149 kéo dài tới 35 tiếng. Tốc độ bay hành trình của UAV này là 350 km/h, được cải thiện nhờ động cơ mạnh mẽ và hiện đại.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil-2

Tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran là mối quan ngại lớn đối với quân đội Mỹ và Israel. Dòng tên lửa Sejjil được Iran phát triển trong giai đoạn 2008-2009. Sejjil-2 là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn hai tầng, lần đầu tiên được phóng thử vào tháng 5/2009.

Tầm bắn của Sejjil-2 đã được tăng lên ở mức 2.400-2.500 km. Tên lửa này đã nhiều lần được thử nghiệm thành công, bao gồm cả việc phóng ở tầm bắn tối đa ra Ấn Độ Dương. So với các mẫu đầu tiên, Sejjil-2 có tầm bắn xa hơn và độ lệch mục tiêu nhỏ hơn.

Tải trọng tối đa của Sejjil-2 được ước tính là 1.000 kg. Các chuyên gia cho rằng bằng cách giảm trọng lượng đầu đạn, tầm bắn của tên lửa có thể được tăng thêm.

Việc chuyển sang sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn là một bước tiến quan trọng đối với Iran, vì trước đó quân đội Iran chỉ có các mẫu nhiên liệu lỏng, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị trước khi phóng.

Xe tăng chủ lực Karrar

Xe tăng Karrar là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của Iran, được công bố vào năm 2017. Iran tuyên bố rằng đây là sản phẩm tự phát triển, mặc dù nó dựa trên thiết kế của Liên Xô/Nga. Xe tăng này có nhiều nét giống với T-90AM của Nga và là phiên bản cải tiến của T-72, một dòng xe tăng phổ biến ở Đông Âu.

Karrar có trọng lượng 51 tấn, được bọc giáp kỹ càng, trang bị súng nòng trơn 125mm và hệ thống bảo vệ chủ động, đi kèm các thiết bị hiện đại như máy ảnh nhiệt và máy đo laser.

Xe tăng Karrar. Ảnh: Wikipedia

Xe tăng Karrar. Ảnh: Wikipedia

Tên lửa Emad

Theo Economic Times, tên lửa Emad là một bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa của Iran, với tầm bắn khoảng 1.700 km và khả năng mang đầu đạn nặng tới 750kg. Đây là phiên bản cải tiến của tên lửa Shahab-3, được cho là dựa trên khuôn mẫu tên lửa Nodong của Triều Tiên. Emad là tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Iran có hệ thống dẫn đường chính xác, được trang bị đầu đạn có khả năng thay đổi quỹ đạo thông thường của tên lửa, giúp tăng độ chính xác lên đến 500 mét khi tấn công mục tiêu. Điều này khiến nó trở thành mối đe dọa đối với các nước Trung Đông và Trung Á lân cận, đặc biệt là Israel.

Tên lửa Shahab-3

Shahab-3 là tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng, có khả năng cơ động trên đường, do Iran phát triển và dựa trên tên lửa Nodong-1 của Triều Tiên. Tên lửa này có tầm bắn 1.000km khi mang theo đầu đạn 1.200 kg, và tầm bắn lên tới 2.000 km khi mang đầu đạn nhẹ hơn. Shahab-3 chủ yếu hiệu quả trong việc tấn công các mục tiêu lớn, không có hệ thống bảo vệ mạnh, chẳng hạn như thành phố hay sân bay quân sự. Iran đã áp dụng công nghệ dẫn đường của Trung Quốc để cải thiện độ chính xác của tên lửa trong các phiên bản sau này.

Tên lửa Shahab-3 do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vận hành, không thuộc quyền kiểm soát của quân đội chính quy của Iran.

Tên lửa Fattah-2

Fattah-2 là phiên bản mới của tên lửa siêu thanh được Iran phát triển, bao gồm sự kết hợp giữa phương tiện lướt siêu thanh (HGV) và tên lửa hành trình siêu thanh (HCM). Tên lửa này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và dự kiến sẽ có nhiều phiên bản khác được sản xuất trong tương lai. Fattah-2 sử dụng cấu hình của tên lửa hành trình siêu thanh, với động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng. Tầm bắn của tên lửa từ 1.500 đến 1.800 km, được thiết kế để có khả năng cơ động và tấn công mục tiêu mà không bị phát hiện. Tên lửa này có thể mang đầu đạn nặng 500kg.

Tên lửa Fattah-2 bao gồm hai phần: phần thứ nhất là bộ đẩy nhiên liệu rắn Fattah, mang tên lửa lên độ cao nhất định trong không gian; phần thứ hai là đầu đạn lướt tách ra từ bộ đẩy và sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng.

Tên lửa Fattah-2. Ảnh: Press TV

Tên lửa Fattah-2. Ảnh: Press TV

Hình dạng tổng thể của đầu đạn lướt Fattah-2 tương tự với tên lửa Boeing X-51, nhưng khác ở chỗ hệ thống lấy khí đã được loại bỏ và thay bằng động cơ tên lửa.

Tên lửa Fattah-2 được thiết kế như một vũ khí chiến lược của Iran, có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao và né tránh sự phát hiện. Loại tên lửa này được Iran tuyên bố sử dụng trong vụ tấn công vào Israel hôm 1/10/2024. Tuy nhiên, phía Israel cho rằng không có dấu hiệu của tên lửa siêu thanh trong vụ tấn công.

Haj Qasem

Tên lửa Haj Qasem là tên lửa đạn đạo tầm trung do Iran phát triển, có tầm bắn 1.400 km và trọng lượng đầu đạn 500 kg. Tên lửa này được công bố vào ngày 20/8/2020, và được đặt theo tên cố Tư lệnh Iran, Qasem Soleimani, người đã bị Mỹ sát hại vào tháng 1/2020.

Tên lửa Haj Qasem được coi là phiên bản mới của tên lửa Fateh-110, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tên lửa này được thiết kế để cơ động và tấn công mục tiêu mà không bị phát hiện, với trọng lượng 7 tấn, chiều dài 11 mét và tốc độ tối đa Mach 12.

Tên lửa này đã được đưa vào sử dụng từ ngày 20/8/2020.

Nếu Iran phóng tên lửa hàng loạt, "lá chắn thép" của Israel sẽ bị chọc thủng?

Theo CBC, chiến lược tấn công tên lửa của Iran dựa trên kho vũ khí đa dạng và quy mô lớn, bao gồm hàng ngàn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với nhiều tầm bắn khác nhau. 

Trong số đó, tên lửa Shahab-3, Ghadr, và Emad là những vũ khí chủ lực, được thiết kế để có thể mang theo đầu đạn lớn, từ 760 đến 1.200 kg. 

Dù các tên lửa này có khả năng gây thiệt hại đáng kể, độ chính xác vẫn là thách thức lớn. Biến thể Shahab-3, với tầm bắn tới Israel, được coi là nền tảng quan trọng trong chiến lược tấn công của Iran. 

Tuy nhiên, các cuộc tấn công trước đây cho thấy, mặc dù có thể xuyên thủng một số hệ thống phòng không, chúng thường chỉ gây thiệt hại hạn chế do độ chính xác thấp.

Iran còn sở hữu tên lửa siêu thanh Fattah, được nước này tuyên bố có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tiên tiến như Vòm sắt của Israel. Tốc độ siêu thanh của các tên lửa này là yếu tố khiến chúng khó bị đánh chặn hơn. 

Trong khi đó, khả năng phòng thủ của Israel được đánh giá khá cao khi nước này sở hữu một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, với cấu trúc phòng thủ nhiều tầng. 

Ở tầng thấp nhất, hệ thống Vòm sắt (Iron Dome) được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa từ các loại pháo và tên lửa tầm ngắn. Từ khi ra mắt vào đầu thập kỷ trước, Vòm sắt đã đánh chặn hàng nghìn rocket, đặc biệt trong các cuộc xung đột với Hamas và Hezbollah.

Trong trường hợp xảy ra xung đột với Iran, Israel sẽ dựa vào các hệ thống phòng thủ tiên tiến hơn. David's Sling là hệ thống phòng thủ tầm trung, chuyên đối phó với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình. 

Ở cấp độ cao hơn, các hệ thống phòng không Arrow-2 và Arrow-3 được thiết kế để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa, đặc biệt là từ Iran. Các hệ thống này có khả năng hoạt động ở độ cao lớn, giúp "xử lý" các tên lửa mà không gây nguy hiểm cho khu vực dân cư.

Ngoài ra, Israel còn đang phát triển hệ thống phòng thủ bằng laser, giúp tiêu diệt các mối đe dọa như UAV hay tên lửa với chi phí cực thấp, chỉ khoảng 2 USD cho mỗi lần đánh chặn.

Nếu Iran tấn công quy mô lớn bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng thủ của Israel sẽ phải chịu sức ép cực lớn. Ảnh minh họa: Milsim Gacor

Nếu Iran tấn công quy mô lớn bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo, hệ thống phòng thủ của Israel sẽ phải chịu sức ép cực lớn. Ảnh minh họa: Milsim Gacor

Dù được đánh giá là tiên tiến, hệ thống phòng thủ của Israel cũng có những giới hạn nhất định. Trong trường hợp Iran triển khai một cuộc tấn công bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, khả năng hệ thống phòng không của Israel bị quá tải là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi số lượng tên lửa phóng đi vượt quá năng lực đánh chặn, nguy cơ gây ra tổn thất lớn sẽ tăng lên.

"Trong một cuộc tấn công có số lượng lớn tên lửa được phóng cùng lúc, các hệ thống phòng thủ tên lửa có thể không đối phó hiệu quả được với thách thức này", Fabian Hinz, chuyên gia về tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định.

Vụ tấn công đêm 1/10/2024 là minh chứng mới nhất cho nhận định trên. Một số lượng lớn tên lửa của Iran đã vượt qua được hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Israel.

Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng việc dựa vào tên lửa không thể giúp Iran giành chiến thắng trong một cuộc chiến tổng lực. 

Khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không gây thiệt hại là có, nhưng sự hạn chế về độ chính xác của tên lửa tầm xa Iran và sức phòng thủ mạnh mẽ của Israel (cộng thêm sự hỗ trợ của các đồng minh như Mỹ, Anh) khiến việc Tehran nhắm vào mục tiêu chiến lược của Israel gặp khó khăn.

Ngày 13/10/2024, Lầu Năm Góc thông báo quyết định gửi một tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel. Mỹ hiện chỉ có 7 tổ hợp THAAD và việc gửi một tổ hợp tới Israel trực chiến được coi là diễn biến bất thường.

Hệ thống THAAD được cho là sẽ giúp ích đáng kể cho Israel trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo, đặc biệt là từ Iran. Hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa trong và ngoài bầu khí quyển, bổ sung một lớp phòng thủ cho các hệ thống hiện tại của Israel như Vòm Sắt, David's Sling và Arrow.

Tuy nhiên, việc triển khai quân đội Mỹ để vận hành THAAD có thể khiến Washington bị kéo vào xung đột nếu xảy ra thương vong đối với binh sĩ Mỹ tới vận hành THAAD.

-----------------------

Iran được cho là đã chi khoảng 16 tỷ USD kể từ năm 2012 để hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm trong "trục kháng chiến" đối đầu Israel ở Trung Đông. Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Ali Fadavi, từng nói số tiền này là "không đáng kể so với những thành tựu đã đạt được". Vậy các thế lực trong "trục kháng chiến" của Iran gồm những tổ chức nào và điều gì khiến Israel phải lo ngại? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng sáng sớm ngày 17/10.

Nếu sở hữu bom hạt nhân, vị thế của Iran và bối cảnh chính trị Trung Đông sẽ thay đổi lớn. Mỹ và Israel cũng sẽ "không ngồi yên" nếu khả năng đó xảy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Sức mạnh quân sự của Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN