Mỹ cấm vận, Israel chống phá, Iran phát triển tên lửa, hạt nhân như thế nào?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc
XEM THÊM CÁC KỲ
1

Dù đang đối mặt với hàng loạt lệnh cấm vận khắc nghiệt, Iran được cho là vẫn kiên quyết tiến gần đến khả năng sở hữu bom hạt nhân. Có thông tin cho rằng, Tehran chỉ cần 'vài tuần' để sản xuất loại vũ khí này - điều có thể khiến Israel "mất ăn mất ngủ".

Mohsen Fakhrizadeh - người được mệnh danh là "cha đẻ chương trình hạt nhân Iran". Ảnh: IRNA

Mohsen Fakhrizadeh - người được mệnh danh là "cha đẻ chương trình hạt nhân Iran". Ảnh: IRNA

Iran, một quốc gia đối mặt với hàng loạt lệnh cấm vận khắc nghiệt từ Mỹ và sự phá hoại bí mật từ Israel, vẫn không ngừng phát triển sức mạnh quân sự, trở thành một cường quốc quân sự hàng đầu khu vực với khả năng có vũ khí hạt nhân trong tầm tay. Iran dựa vào đâu để làm được điều đó? Loạt bài này sẽ cùng độc giả tìm hiểu sâu hơn về nhiều khía cạnh làm nên sức mạnh quân sự của Iran.

Chiều 27/11/2020, Mohsen Fakhrizadeh, "cha đẻ chương trình hạt nhân Iran," lái xe cùng vợ về thị trấn Absard mà không hay biết mình đang tiến vào một cái bẫy chết người. Dù đã nhận nhiều cảnh báo, ông vẫn tự lái xe mà không có sự bảo vệ chặt chẽ.

Nhóm sát thủ, được cho là do Mossad dàn dựng, đã chuẩn bị kỹ lưỡng với một khẩu súng máy điều khiển từ xa giấu trong xe bán tải, kết nối qua vệ tinh. Khi đoàn xe của Fakhrizadeh đến gần, loạt đạn đầu tiên đã buộc xe phải dừng lại.

Không biết mình là mục tiêu ám sát từ xa, ông bước ra khỏi xe và bị loạt đạn chí mạng bắn trúng vai và xương sống. "Họ muốn giết tôi, bà phải rời đi ngay" – đó là những lời cuối cùng ông nói với vợ.

Vụ ám sát diễn ra chớp nhoáng, trong chưa đầy một phút, được cho là một phần trong chiến dịch của Israel nhằm ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một mối đe dọa đối với an ninh Israel. Nhiều nhà khoa học Iran khác cũng đã trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công tương tự.

Israel phá hoại, Mỹ và nhiều nước cấm vận

Theo DW, ngoài các vụ ám sát, Israel còn được cho là thực hiện loạt vụ phá hoại và chiến tranh mạng nhằm vào chương trình hạt nhân Iran. Israel sử dụng ám sát, chiến tranh mạng, và các hoạt động phá hoại khác là vì chương trình hạt nhân của Iran, trải rộng trên nhiều cơ sở và được bảo vệ nghiêm ngặt dưới lòng đất, nên các cuộc không kích của Israel không còn hiệu quả.

Một trong những vụ phá hoại tinh vi và bí ẩn nhất trong lịch sử là sự cố hàng loạt máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran vào năm 2010. 

Ban đầu, các kỹ thuật viên chỉ nhận thấy những máy ly tâm bắt đầu gặp trục trặc khó hiểu: Chúng bất ngờ quay nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường, dẫn đến hư hỏng mà không ai giải thích được. 

Cả hệ thống dường như dần tan rã mà không có dấu hiệu cảnh báo. Chỉ sau nhiều tuần điều tra căng thẳng, người ta mới phát hiện ra thủ phạm ẩn mình: Stuxnet, một loại virus cực kỳ tinh vi. 

Được cho là vũ khí mạng do Mỹ và Israel phối hợp phát triển, Stuxnet đã xâm nhập âm thầm và phá hoại từ bên trong. Khi sự thật được hé lộ, khoảng 1.000 trong số 5.000 máy ly tâm tại Natanz đã bị hư hỏng nghiêm trọng, một thiệt hại lớn mà Iran phải gánh chịu.

Dù Israel chưa bao giờ chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công mạng, nhiều nguồn tin cho rằng vụ tấn công mạng năm 2010 là sự hợp tác giữa Mỹ và Israel. Chiến dịch có tên mật danh là Thế vận hội Olympic (Olympic Games), bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush và tiếp tục dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng chỉ một số ít quốc gia như Israel mới có chuyên môn kỹ thuật để phát triển các loại vũ khí mạng tiên tiến như vậy.

Một cuộc tấn công của Israel vào tháng 4/2024 được cho là đã làm hư hại hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 (được triển khai để bảo vệ địa điểm hạt nhân gần căn cứ không quân Shekari của Iran). Ảnh: Rasane TV

Một cuộc tấn công của Israel vào tháng 4/2024 được cho là đã làm hư hại hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 (được triển khai để bảo vệ địa điểm hạt nhân gần căn cứ không quân Shekari của Iran). Ảnh: Rasane TV

Ngoài các vụ ám sát, một số vụ nổ và sự cố tại các địa điểm hạt nhân của Iran, bao gồm vụ nổ năm 2020 tại cơ sở hạt nhân Natanz, được cho là do hành động phá hoại của Israel. Một lần nữa Israel không chính thức nhận trách nhiệm về những vụ việc này, nhưng tờ DW cho rằng các hành động này phù hợp với chiến lược rộng hơn của Israel là sử dụng các biện pháp phi truyền thống để cản trở sự phát triển hạt nhân của Iran.

Dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu , Israel từ lâu đã phản đối Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.

Theo thỏa thuận, Iran đồng ý duy trì tính minh bạch bằng cách cho phép thanh tra quốc tế kiểm tra các địa điểm hạt nhân của mình theo khuôn khổ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Netanyahu lập luận rằng thỏa thuận JCPOA không đủ mạnh để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Netanyahu thậm chí còn công khai vận động chống lại thỏa thuận, và bất đồng quan điểm với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Obama. Động thái của ông Netanyahu vấp phải sự chỉ trích từ nhiều người ở cả Israel và Mỹ. 

Năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA, làm gián đoạn nỗ lực ngoại giao để kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sau đó, Mỹ không chỉ khôi phục các lệnh cấm vận mà còn áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới, gây áp lực lớn lên nền kinh tế Iran.

Mỹ có cách tiếp cận khác Israel trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran. Washington chọn cách duy trì lệnh trừng phạt toàn diện, nhắm vào các lĩnh vực chủ chốt như ngân hàng, năng lượng và vận tải biển – những nguồn thu quan trọng cho chương trình hạt nhân Iran.

Những lệnh trừng phạt này không chỉ tác động đến Iran mà còn tác động đến các công ty hoặc cá nhân nước ngoài giao dịch với các lĩnh vực bị nhắm đến, khiến họ có nguy cơ bị phong tỏa tài sản và bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ, bao gồm đồng USD.

Bên cạnh sức ép từ Mỹ và Israel, Iran còn phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc và các đồng minh của Mỹ, như EU, liên quan đến cấm vận vũ khí, tài chính, dầu mỏ và đầu tư.

Bí mật sau những lò phản ứng hạt nhân Iran

Năm 1985, Iran bí mật khởi động chương trình làm giàu uranium trong nước, sử dụng công nghệ máy ly tâm. Đây là bước đầu tiên trong việc phát triển hạt nhân của nước này.

Để đẩy nhanh tiến độ phát triển, Iran tìm kiếm sự hỗ trợ của nước ngoài. Năm 1987, Iran tiếp cận chính phủ Pakistan để tìm kiếm sự giúp đỡ về chương trình hạt nhân. Hai nước đã ký một thỏa thuận chính thức trong năm đó bao gồm đào tạo ít nhất 6 nhà khoa học Iran tại Viện Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Pakistan. 

Thời điểm đó, giới lãnh đạo Pakistan phản đối việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân nhưng ủng hộ Tehran phát triển chương trình hạt nhân dân sự. Đó là lý do họ quyết định hợp tác với Tehran.

Tuy nhiên, thoả thuận hợp tác trên không mang lại nhiều lợi ích cho Iran. Nước này tiếp tục tìm kiếm các phương án khác để tiếp cận công nghệ hạt nhân của Pakistan.

Các phương pháp thúc đẩy chương trình hạt nhân của Iran rất đa dạng. Ảnh minh họa: Getty/Newsweek

Các phương pháp thúc đẩy chương trình hạt nhân của Iran rất đa dạng. Ảnh minh họa: Getty/Newsweek

Theo trang Iran Watch, những nỗ lực này đã dẫn đến việc Iran tiếp cận với nhóm chợ đen của Abdul Qadeer Khan (AQ Khan) - nhà khoa học hạt nhân và kỹ sư đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình hạt nhân của Pakistan. Ông Khan được cho là đã đến Iran vào năm 1986 để thăm lò phản ứng Bushehr và kiểm tra thiệt hại do bom đạn của Iraq gây ra với lò phản ứng này.

Trong một cuộc họp năm 1987, nhóm của ông Khan đã đưa ra một lời đề nghị dưới dạng một lá thư viết tay dài một trang cho người Iran. Lời đề nghị bao gồm một danh sách các mặt hàng như máy ly tâm P-1 đã tháo rời, bản vẽ và thông số kỹ thuật cho một nhà máy ly tâm hoàn chỉnh và vật liệu để sản xuất 2.000 máy ly tâm.

Iran không mua tất cả những thứ trong danh sách nhưng đã mua một hoặc hai máy ly tâm tháo rời cùng với bản vẽ và thông số kỹ thuật. Iran cũng thừa nhận đã sử dụng danh sách đó để mua các mặt hàng còn thiếu từ các nhà cung cấp khác.

Một thỏa thuận thứ hai với nhóm của ông Khan đã thành hiện thực vào giữa thập niên 90. Từ năm 1994 đến năm 1995, Iran nhận được khoảng 500 máy ly tâm P-1 đã tháo rời cũng như các bản vẽ cho máy ly tâm P-2.

Iran đã nói với IAEA vào năm 2003 rằng những máy này được sản xuất trong nước, nhưng dấu vết uranium trên các máy ly tâm đã cho phép IAEA xác định chúng có liên quan tới Pakistan. Theo Iran Watch, sau đó Tehran đã thừa nhận nguồn gốc nước ngoài của số máy ly tâm này.

Nhưng nhóm của ông Khan không phải là nguồn duy nhất của Iran. Theo IAEA, Iran thừa nhận đã nhận được tổng cộng khoảng 2.000 thành phần máy ly tâm và một số bộ phận của máy từ nước ngoài trong giai đoạn 1985 - 1997.

Iran cũng có thể đã nhận được sự giúp đỡ đáng kể từ các chuyên gia nước ngoài trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân cấp tốc của nước này. 

Theo trang Atomic Archive, hơn 10 nhà khoa học nước ngoài có thể đã hỗ trợ Iran trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Nhưng trang này không nêu quốc tịch của các nhà khoa học đó.

"Lách luật" và sự hỗ trợ của nước ngoài

Iran cũng được cho là đã cố mua trái phép các mặt hàng lưỡng dụng (sử dụng cho cả quân sự và dân sự) từ các công ty nước ngoài mà không nêu mục đích sử dụng thực sự.

Năm 2013, ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu bật một trường hợp Iran đã cố gắng nhập khẩu các van chất lượng cao, có nhiều ứng dụng công nghiệp khác nhau, từ Đức và Thụy Điển. Để có được các van này, Iran đã sử dụng tài liệu vận chuyển giả và các phương pháp che đậy khác. Cuối cùng, ủy ban đã xác định rằng các van này được dự định sử dụng trong lò phản ứng nước nặng ở Arak.

Các mặt hàng khác mà Iran cố gắng mua sắm "lách luật" bao gồm bơm chân không, bộ chuyển đổi tần số cao, bộ trao đổi nhiệt, nhôm cường độ cao, và sợi carbon. Để mua được các mặt hàng này, Iran đã sử dụng các công ty bình phong, che giấu chủ nhân thực sự, và và làm giả tài liệu để qua mặt các nhà cung cấp và né tránh các lệnh trừng phạt cũng như quy định kiểm soát xuất khẩu.

Iran cũng nhận được sự hỗ trợ chính thức từ nước ngoài cho chương trình hạt nhân của nước này. Dưới thời Shah (vua Iran) Mohammad Reza Pahlavi, Mỹ đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân (phục vụ nghiên cứu dân sự) công suất nhỏ 5 megawatt tại Đại học Tehran, bắt đầu hoạt động từ năm 1967 và vẫn còn được sử dụng cho đến năm 2023. 

Shah Pahlavi cũng đã theo đuổi các thỏa thuận với các nhà cung cấp châu Âu, ký hợp đồng với Kraftwerk Union (sau này là Siemens) để xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân công suất 1.200 megawatt tại Bushehr và đàm phán với công ty Pháp Framatome về 2 lò phản ứng công suất 900 megawatt khác.

Vào thập niên 90 (dưới thời Cộng hòa Hồi giáo), Iran đã tìm đến Nga và Trung Quốc để hợp tác trong chương trình hạt nhân. Cụ thể, vào năm 1995, Iran đã ký một thỏa thuận với Nga để hoàn thành việc xây dựng lò phản ứng tại Bushehr và có thể cung cấp một nhà máy làm giàu uranium. 

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: Reuters

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: Reuters

Công ty hạt nhân nhà nước của Nga, Rosatom, đã hoàn thành lò phản ứng Bushehr vào năm 2011 và tiếp tục cung cấp nhiên liệu uranium làm giàu thấp cho lò phản ứng này. Sau đó, nhiên liệu đã qua sử dụng được trả lại cho Nga xử lý nhằm đảm bảo Iran không thể sử dụng nó cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhà máy làm giàu uranium đã không được Nga bàn giao cho Iran như dự tính ban đầu.

Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) - hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 -  cũng có các điều khoản về hợp tác hạt nhân quốc tế với Iran. Nhờ thỏa thuận đa phương này, vào năm 2017, Iran đã ký một thỏa thuận với công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc để tái thiết kế và xây dựng lại lò phản ứng nước nặng ở thành phố Arak.

Ngoài sự giúp đỡ của nước ngoài, Iran chú trọng chiến lược tự lực về công nghệ và nguồn lực trong nước. Tehran đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa nội địa. Các nhà khoa học và kỹ sư Iran đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân cũng như phát triển các loại tên lửa tầm ngắn, trung, và dài.

Iran xây dựng các cơ sở hạt nhân và quân sự tại các địa điểm ngầm dưới lòng đất hoặc phân tán, nhằm tránh bị phá hoại hoặc tấn công. Điều này giúp Iran duy trì khả năng phát triển vũ khí và tên lửa bất chấp những đợt phá hoại từ Israel và các lệnh cấm vận quốc tế.

Ngoài ra, Tehran còn chú trọng xây dựng và phát triển các trường đại học cùng các nhà khoa học hạt nhân.

Theo Iran Watch, các trường đại học và nhà khoa học hạt nhân Iran là một trong những mắt xích giữa các bên dân sự và quân sự của chương trình hạt nhân. Đại học Shahid Beheshti đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Iran và tổ chức nghiên cứu hạt nhân AEOI. Đại học Công nghệ Malek Ashtar trực thuộc Bộ Quốc phòng Iran đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt vì đã đóng góp vào nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Iran. 

Các nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng của Iran bao gồm Fakhrizadeh (trước khi bị ám sát năm 2020), Mohammad Mehdi Tehranchi và cựu giám đốc AEOI Fereidoun Abbasi-Davani vẫn duy trì mối liên hệ với các trường đại học kể trên và các trường đại học khác.

Tên lửa đạn đạo của Iran. Ảnh: Reuters

Tên lửa đạn đạo của Iran. Ảnh: Reuters

Về phát triển tên lửa, theo trang First Post, cuộc xung đột Iran-Iraq (1980-1988) đánh dấu bước ngoặt với Iran khi nước này có được tên lửa Scud-B của Liên Xô để trả đũa các cuộc tấn công của Iraq.

"Kinh nghiệm đó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho giới lãnh đạo Iran, những người kết luận tên lửa là phương tiện trả đũa hiệu quả và là yếu tố phòng thủ quan trọng", John Krzyzaniak, làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận WPNAC (trụ sở Mỹ), nói.

“Iran thiếu lực lượng không quân hiện đại vì không thể nâng cấp máy bay chiến đấu của mình trong vài thập kỷ qua, vì vậy họ đã bù đắp bằng cách chế tạo tên lửa”, ông Krzyzaniak nói thêm.

Theo Farzan Sabet, làm việc tại Đại học Graduate Institute (Thụy Sĩ), Syria, Libya là các nước được cho là cung cấp tên lửa cho Iran. Sau đó, Tehran tìm đến một số quốc gia khác.

Hiện nay, “không rõ Iran nhận được bao nhiêu sự hỗ trợ từ bên ngoài,” First Post dẫn lời chuyên gia Binnie, làm việc tại công ty tình báo Janes (trụ sở ở Anh), nói hồi tháng 1/2024.

“Sự hỗ trợ này có thể chỉ ở cấp độ cung cấp thành phần hơn là thiết kế và phát triển toàn diện (tên lửa),” ông Binnie nói.

Thực tế, nhiều loại vũ khí “có thể sử dụng các linh kiện có sẵn trên thị trường, bởi người Iran rất khéo léo trong việc tích hợp các sản phẩm thương mại vào tên lửa và máy bay không người lái của họ,” ông Binnie nói.

Các chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhiều nước khác chỉ làm cản trở và gia tăng chi phí cho chương trình tên lửa và chương trình hạt nhân của Iran chứ không hoàn toàn loại bỏ được chúng.

------------------------------

Ở Iran, có một đội quân quyền lực hơn cả quân đội chính quy, được xem là "cơn ác mộng" với Israel và các đồng minh phương Tây. Họ là ai và tầm ảnh hưởng lớn tới cỡ nào. Mời độc giả đón đọc trong bài tiếp theo đăng sáng sớm ngày 14/10.

XEM THÊM CÁC KỲ
1

Nguồn: [Link nguồn]

Tháng 2/1979, một máy bay của hãng hàng không Air France, tới từ Pháp, đã hạ cánh xuống Tehran, chở theo vị chính khách làm thay đổi đáng kể nền chính trị Iran những năm sau đó. Đây cũng là người khiến quan hệ Israel - Iran "từ bạn hóa thù".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Sức mạnh quân sự của Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN