Món vũ khí kỳ lạ và đáng sợ của người Ấn Độ, dùng không khéo có thể lấy mạng chủ nhân
Từ những năm 300 TCN, người Ấn Độ đã chế tạo ra thứ vũ khí tàn bạo có thể khiến những chiến binh, dù là gan lỳ nhất, phải gục ngã.
Một võ sư Ấn Độ sử dụng 2 thanh Urumi (ảnh: Owlcation)
Urumi (kiếm roi)
Urumi có lẽ là loại vũ khí kỳ lạ nhất mà người Ấn Độ từng chế tạo, theo Owlcation – trang tin khoa học Mỹ.
Nhìn bề ngoài, Urumi vừa ngoạn mục vừa đáng sợ. Thứ vũ khí này gồm một chuôi kiếm (tương tự như chuôi kiếm thông thường) và hàng chục lưỡi kiếm cực mỏng, sắc cạnh.
Urumi có thể được xem như một chiếc roi phiên bản lưỡi kiếm và thường được sử dụng bằng cả 2 tay. Nó có nguồn gốc từ các thành phố phía nam Ấn Độ vào thời Đế chế Mauryan (322 TCN – 184 TCN).
Theo Owlcation, mỗi lưỡi kiếm của Urumi dài khoảng 122 – 168cm (thậm chí có phiên bản dài 3 – 5 mét), làm bằng sắt hoặc đồng và cực kỳ sắc bén. Thông thường, Urumi có khoảng 4 – 6 lưỡi kiếm. Ở Sri Lanka (đảo quốc vùng Nam Á), một số phiên bản của Urumi có tới 32 lưỡi kiếm và cực kỳ khó sử dụng.
Nhiều chuyên gia đánh giá Urumi là một trong những vũ khí cận chiến nguy hiểm nhất lịch sử nhân loại, không chỉ đối với kẻ thù mà còn với cả chính người sử dụng.
Khi chiến đấu, các chiến binh thường sử dụng Urumi như một chiếc roi để vung và quật mạnh về phía đối thủ. Rất khó để phòng thủ khi bị hàng chục lưỡi kiếm của Urumi tấn công cùng lúc.
Theo Owlcation, chỉ với một đòn đánh, chiến binh sử dụng Urumi có thể gây ra hàng chục vết thương sâu, thậm chí là khiến đối thủ mất mạng ngay lập tức. Urumi được đánh giá là thứ vũ khí đặc biệt hiệu quả khi chiến đấu cùng lúc với nhiều kẻ thù.
Nhược điểm của Urumi là khá “cồng kềnh” và cực kỳ khó sử dụng.
Theo World History, thời trung cổ Ấn Độ, chỉ những chiến binh tài giỏi nhất mới được phép luyện tập Urumi. Sử dụng loại vũ khí này đòi hỏi sức mạnh của đôi tay, sự tập trung và khéo léo.
Nếu không cẩn thận, những lưỡi kiếm với quỹ đạo khó lường của Urumi có thể gây ra vết thương chí mạng cho chủ nhân. Trong võ thuật cổ truyền Ấn Độ, Urumi được xem là loại vũ khí khó thành thạo nhất.
Chính vì nhược điểm này, Urumi không được các chiến binh Ấn Độ đem ra chiến trường mà chỉ dùng trong những trận đấu tay đôi.
Khi không sử dụng, người dùng có thể cuộn Urumi lại hoặc quấn quanh hông.
Chakram và cách tấn công đặc biệt (ảnh: World History)
Chakram – vòng tròn tử thần
Theo Story Pick (trang tin Ấn Độ), các chiến binh Ấn Độ đã sử dụng Chakram (luân xa) từ thế kỷ thứ 5 TCN.
Chakram có dạng hình tròn, đường kính khoảng 12 – 30cm, được làm bằng sắt, thép hoặc đồng, cạnh ngoài mài sắc. Chakram là vũ khí ném, đôi khi cũng có thể sử dụng để đánh cận chiến. Với Chakram, chiến binh có thể sát thương đối thủ từ khoảng cách 40 – 60 mét, thậm chí là 100 mét.
Chakram lần đầu tiên được đề cập trong sử thi Mahabharata (Ấn Độ), nó là vũ khí của Vishnu – vị thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo.
Duarte Barbosa (1480 – 1521) nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha từng viết về Chakram như sau:
“Các chiến binh Ấn Độ có thứ vũ khí gọi là Chakram, bề ngoài giống như một chiếc bánh xe làm bằng thép, cạnh ngoài sắc như dao, cạnh bên trong thì nhẵn. Mỗi chiến binh Ấn Độ được trang bị 7 – 8 cái Chakram, đeo ở bên tay trái. Khi gặp kẻ thù, họ quay Chakram bằng ngón trỏ tay phải nhiều vòng rồi phóng về phía đối thủ. Cánh tay, chân hoặc cổ, Chakram có thể cắt đứt tất cả. Các chiến binh Ấn Độ sử dụng chúng rất khéo léo”.
Kỹ thuật sử dụng Chakram cơ bản gọi là “tajani”. Theo đó, các chiến binh Ấn Độ quay Chakram bằng ngón trỏ để tạo đà rồi vung mạnh về phía đối thủ. Kỹ thuật chiến đấu này đòi hỏi người dùng phải có cổ tay khỏe và khéo léo.
Theo Story Pick, Chakram có sức sát thương hàng đầu trong các loại vũ khí ném. Khả năng tấn công tầm xa của Chakram có thể phát huy tối đa trên lưng ngựa hoặc voi. Do có hình tròn nên nó không dễ bị gió làm lệch hướng.
Nhược điểm lớn nhất của Chakram là không có khả năng xuyên giáp và phải vung nó khá lâu mới có thể tấn công.
Katar – thanh kiếm phát huy hiệu quả bằng cách… đấm (ảnh: Owlcation)
Katar – kiếm đấm
Nếu như Chakram không thể phá giáp, thì Katar lại được xem là “khắc tinh” của các loại áo giáp và khiên.
Theo Owlcation, Katar (kiếm đấm) là món vũ khí được nhiều chiến binh ở khu vực phía nam Ấn Độ sử dụng từ thế kỷ 14, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đế chế Vijayanagara (1336–1646) hùng mạnh.
Điểm đặc biệt của Katar là phần tay cầm hình chữ H, tạo ra một vị trí bám chắc chắn và lưỡi kiếm hình tam giác cân, khá dày và cứng cáp. Thiết kế này nhằm tối ưu lực đâm và giúp lưỡi kiếm Katar (dài 30 – 90 cm) không bị gãy khi va chạm với áo giáp.
Katar không thuận lợi nếu dùng để chém hoặc cắt. Khi chiến đấu, các chiến binh cầm Katar sẽ đâm mạnh lưỡi kiếm về phía đối thủ trước mặt. Với thiết kế đặc biệt, loại vũ khí này có thể xuyên thủng áo giáp và phá vỡ khiên chắn.
Để bảo vệ cánh tay và bàn tay cầm Katar, các chiến binh Ấn Độ có thể trang bị thêm giáp tay hoặc găng tay dày.
Theo Owlcation, Katar được thiết kế để tung ra những đòn đâm nhanh, mạnh, gây chết người. Nhưng nhược điểm của loại vũ khí này là kém linh hoạt (do gắn liền với cánh tay người dùng) và tầm đánh ngắn. Trước khi tung ra những cú đâm, chiến binh sử dụng Katar phải tìm cách áp sát đối phương.
Do các nhược điểm này, Katar ngày càng ít được sử dụng trên chiến trường.
Theo Owlcation, từ thế kỷ 17, Katar vẫn xuất hiện ở khu vực phía nam Ấn Độ, nhưng thường được dùng trong các nghi lễ hoặc trở thành món phụ kiện biểu tượng cho quyền lực của hoàng gia. Đôi khi, người ta sử dụng Katar trong những trận quyết đấu tay đôi.
Bagh naka – vũ khí sắc bén, hệt như móng vuốt của loài hổ (ảnh: Met Museum)
Bagh naka – vuốt hổ
Theo Met Museum, Bagh naka là món vũ khí làm bằng kim loại, có hình móng vuốt. Bagh naka được các chiến binh Ấn Độ sử dụng từ thế kỷ thứ 16, trên chiến trường hoặc những cuộc đấu tay đôi.
Cụm từ “bagh nakh” theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là “móng vuốt loài hổ”.
Bagh naka được thiết kế vừa vặn với lòng bàn tay của người sử dụng, với 2 lỗ tròn để xỏ ngón trỏ và ngón út. Khi người dùng nắm tay lại, 4 – 5 vuốt sắt của Bagh naka lộ ra ngoài, sẵn sàng đâm vào cơ thể đối phương.
Vũ khí Bagh naka gắn liền với tên tuổi của Marati Shivaji (1630–1680), vị vua sáng lập vương triều Maratha hùng mạnh.
Theo World History, Shivaji sinh ra vào thời điểm vương triều Hồi giáo Bijapur bành trướng ở khu vực tây nam Ấn Độ. Là một chiến binh dũng cảm, ông đấu tranh vì quyền tự do và bình đẳng của những tín đồ Ấn Độ giáo (bị vương triều Bijapur bóc lột và đàn áp).
Năm 1659, tướng Afzal Khan của vương triều Bijapur tới đàm phán với Shivaji. Nghi ngờ Afzal Khan âm mưu ám sát mình, Shivaji mặc sẵn áo giáp trong người và giấu một chiếc Bagh naka trong lòng bàn tay.
Khi 2 vị tướng ôm nhau (một cách chào hỏi truyền thống), Afzal Khan bất ngờ tấn công Shivaji bằng một lưỡi kiếm ngắn nhưng không thể hạ gục vị vua tương lai.
Bằng một chiếc Bagh naka, Shivaji kết liễu viên tướng của vương triều Bijapur với những nhát đâm chí mạng.
Theo World History, cái chết của tướng Afzal Khan dẫn đến cuộc chiến tổng lực giữa lực lượng của Shivaji với vương triều Bijapur. Năm 1674, Shivaji chiến thắng và sáng lập vương triều Maratha.
Vào thời điểm huy hoàng nhất (những năm 1750) vương triều Maratha kiểm soát khoảng 75% diện tích Ấn Độ.
Theo Met Museum, Bagh naka được nhiều chiến binh Ấn Độ ưa chuộng bởi đặc điểm nhỏ gọn và hiệu quả. Khi ra chiến trường, họ có thể cầm kiếm ở tay phải, tay trái đeo một chiếc Bagh naka và sẵn sàng tung ra những đòn đánh chí mạng nhằm vào kẻ thù.
Thời trung cổ, phụ nữ Ấn Độ cũng được khuyến nghị mang theo Bagh naka để phòng thân khi đi qua những khu vực vắng vẻ, nguy hiểm.
Loại vũ khí đặc biệt “tuy nhỏ nhưng có võ”, trong nháy mắt có thể lấy mạng người, thậm chí chặn được nhát chém của kiếm Nhật.
Nguồn: [Link nguồn]