Món vũ khí “độc lạ” của Trung Quốc, khiến hàng vạn hải tặc từ Nhật Bản phải ôm hận
Kiếm Nhật (katana) là “khắc tinh” của nhiều loại vũ khí cán dài như giáo mác, kích nhưng lại bất lực trước “cây gậy phơi đồ” thời nhà Minh.
Nhiều vũ khí không chỉ có lịch sử xa xưa, sức sát thương ghê gớm mà còn có hình dáng kỳ lạ, vượt xa khả năng tưởng tượng thông thường của con người. Trên chiến trường và trong các trận tử chiến tay đôi, những loại vũ khí hình thù “kỳ quái” lại có thể phát huy ưu thế bất ngờ, nhưng nếu không khéo thì cũng có thể phản chủ. |
Nạn Oa khấu hoành hành ở vùng đông nam Trung Quốc thời nhà Minh (ảnh: Sohu)
Oa khấu hoành hành
Nhà Minh cai trị Trung Hoa từ năm 1368 đến năm 1644. Ngoài mối đe dọa từ phương Bắc do các bộ tộc Mông Cổ xâm lấn, nhà Minh còn phải đương đầu với nạn Oa khấu (có tài liệu chép là Nụy khấu) – hải tặc cướp phá khắp vùng biển phía đông nam.
Theo Sohu, Oa khấu là cách người Trung Quốc gọi những tay cướp biển xuất xứ từ Nhật Bản (thời cổ đại Nhật Bản còn gọi là Oa quốc), hoành hành khắp vùng biển phía đông nam Trung Quốc và cả bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ thứ 13.
Ban đầu, Oa khấu chủ yếu gồm các đào binh (binh sĩ bỏ trốn khỏi đội ngũ), ronin (samurai mất chủ thời phong kiến Nhật Bản) và các tay buôn lậu từ Nhật Bản. Từ thế kỷ 14, nhiều nhóm cướp biển Trung Quốc cũng tham gia lực lượng này.
Vào những năm 1550, lực lượng Oa khấu đã đông tới hàng vạn. Họ cướp bóc, buôn lậu khắp vùng biển Đông Á, thậm chí có lúc còn ngược sông Dương Tử đánh lên đất liền, quan lại vùng Phúc Kiến, Chiết Giang không sao ngăn chặn được.
Năm 1555, Thích Kế Quang (danh tướng thời Minh Thế Tông) được điều tới Chiết Giang, giữ chức tổng binh (quan quản lý quân sự cấp tỉnh thời Minh). Nhiệm vụ chính của ông là dẹp loạn Oa khấu, giành lại quyền kiểm soát vùng duyên hải phía đông nam cho triều đình.
Theo Qulishi, Thích Kế Quang xuất thân từ gia tộc có truyền thống võ thuật và binh nghiệp. Cụ tổ của Thích Kế Quang là Thích Tường, từng đi theo Chu Nguyên Chương (hoàng đế sáng lập nhà Minh) chinh chiến và được phong làm tướng quân.
Cha và em trai của Thích Kế Quang (Thích Cảnh Thông và Thích Kế Mỹ) cũng lần lượt giữ chức tướng quân Thần cơ doanh và tổng binh Quý Châu.
Thích Kế Quang – danh tướng thời Minh (ảnh: Sina)
Minh sử chép, Thích Kế Quang thời Gia Tĩnh Đế (Minh Thế Tông) giữ chức đô úy ở Sơn Đông, năm 1555 được điều tới tỉnh Chiết Giang chống Oa khấu. Ở Chiết Giang, ông phát hiện sức chiến đấu của lính triều đình rất kém cỏi, nhưng dân quân lại vô cùng hăng hái.
Ở Thiệu Hưng (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), Thích Kế Quang tuyển được hơn 3.000 người đưa về huấn luyện võ nghệ và trận pháp trong vòng 3 năm, gọi là “Thích gia quân”.
Dựa vào món vũ khí “trúc xoa” và trận pháp “Uyên Ương” do Thích Kế Quang sáng tạo, Thích Gia Quân trở thành nòng cốt trong lực lượng chống hải tặc ở tỉnh Chiết Giang và lập nhiều chiến công.
Tháng 4/1558, Thích Kế Quang dẫn quân vượt biển từ Chu Sơn tới bảo vệ Thai Châu (đều thuộc địa phận tỉnh Chiết Giang) và đánh bại một nhóm Oa khấu nhỏ.
Năm 1561, Oa khấu đổ bộ quy mô lớn vào Thai Châu, Thích Kế Quang dẫn quân chống lại, thắng liên tiếp 9 trận, danh tiếng lừng lẫy. Oa khấu buộc phải rút khỏi Chiết Giang.
Thích Kế Quang dẹp loạn Oa khấu (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)
Năm 1562, Thích Kế Quang được lệnh dẫn quân tới tỉnh Phúc Kiến để hỗ trợ chống Oa khấu. Trong một chiến dịch ở Bình Hải (thuộc Phúc Kiến) quân đội do Thích Kế Quang chỉ huy đã tiêu diệt hơn 2.000 hải tặc, giải cứu hơn 3.000 người.
Dọc bờ biển Phúc Kiến, Thích Kế Quang từng bước tiến đánh, phá hủy hàng loạt sào huyệt của Oa khấu. Đây là thành tích mà trong suốt hàng chục năm, quân đội nhà Minh không làm được.
Năm 1563, Thích Kế Quang được phong làm tả đô đốc, phụ trách quân sự 2 tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến.
Trong hơn 10 năm (1555 – 1568), Thích Kế Quang chỉ huy hơn 80 cuộc chiến lớn nhỏ chống Oa khấu ở Chiết Giang và Phúc Kiến, hầu hết đều giành thắng lợi.
Theo Qulishi, các chiến dịch liên tiếp do Thích Kế Quang chỉ huy giúp vùng duyên hải phía đông nam Trung Quốc được yên ổn suốt hàng chục năm. Từ những năm 1570 đến cuối thời Minh (1644), nạn Oa khấu đã không còn đáng kể.
Năm 1568, Thích Kế Quang được điều tới khu vực phía bắc Trung Quốc chống quân Mông Cổ. So với việc dẹp loạn Oa khấu, thời gian trấn thủ biên giới phía bắc của ông “êm đềm” hơn nhiều.
Trúc xoa do Thích Kế Quang sáng tạo (ảnh từ phim điện ảnh Trung Quốc)
Trúc xoa – “khắc tinh” của kiếm Nhật
Không chỉ là tướng lĩnh tài ba, Thích Kế Quang còn là bậc thầy về võ thuật, theo Sohu.
Thích Kế Quang được cho là sử dụng thành thạo nhiều loại vũ khí như côn, đao, kiếm, kích, thương, cung tên… Trong đó, ông nghiên cứu sâu về thương pháp và côn pháp.
Ngoài thương pháp, côn pháp “Thích gia” tổ truyền, Thích Kế Quang còn luyện thương và côn với nhiều danh sư đương thời như Đường Thuận Chi, Du Đại Du (đều là danh tướng triều Minh). Trong một lần tỉ thí, Thích Kế Quang còn thắng cả thầy mình là Du Đại Du.
Thích Kế Quang có tư chất võ thuật rất cao. Thương và côn pháp của ông là sự kết hợp của nhiều môn phái như Thiếu Lâm, Thanh Phong, Dương gia và Thích gia, theo Sohu.
Tuy nhiên, trong những trận chiến ở Chiết Giang và Phúc Kiến, thương và côn của Thích Kế Quang bị khắc chế bởi kiếm Nhật của Oa khấu.
Theo Sina, Oa khấu chủ yếu sử dụng kiếm Nhật, rất sắc bén, trong khi quân Minh thời đó chỉ được trang bị giáo, kích cán gỗ. Khi chiến đấu, hải tặc Nhật chỉ cần áp sát, vung kiếm là có thể chém gãy ngọn giáo của quân Minh.
Trong khi giao chiến với hải tặc, Thích Kế Quang cũng phát hiện kiếm Nhật mà đối phương sử dụng rất có giá trị trong thực chiến. Ông cũng thu được một quyển “kiếm phổ Nhật Bản”, từ đó kết hợp giữa đao pháp Trung Quốc với kiếm pháp Nhật Bản, tạo ra “đao pháp Tân dậu”, được đánh giá là có tính thực chiến cao.
Thích Kế Quang cũng tìm ra cách khắc chế kiếm Nhật. Ông sáng tạo trúc xoa (cây trúc dài có nhiều chạc) – loại vũ khí rất dễ sử dụng, lấy ý tưởng từ cây sào trúc dùng để phơi đồ của người Trung Quốc.
Theo Sina, trúc xoa được tạo ra từ những cây trúc dài (khoảng 5 mét), cứng cáp, ngọn có nhiều chạc (nhánh) đan xen. Trên mỗi nhánh trúc, Thích Kế Quang cho bịt đầu sắt nhọn hoặc nối thêm móc sắt, tua tủa như răng sói. Vì vậy, trúc xoa còn có tên gọi khác là lang xoa (gậy răng sói).
Người sử dụng trúc xoa đòi hỏi phải khỏe mạnh, do loại vũ khí này rất dài và nặng về phần đầu. “Chiêu thức” của trúc xoa khá đơn giản, chủ yếu có 3 cách tấn công là đâm, gạt và bổ.
Theo Sina, trúc xoa có hiệu quả khắc chế kiếm Nhật rất cao. Khi đối đầu với hải tặc cầm kiếm Nhật, lính nhà Minh chỉ việc dùng trúc xoa đâm tới. Kiếm Nhật chém vào chạc trúc có thể bị mắc kẹt, dù chém gãy một chạc trúc vẫn có thể bị nhiều móc sắt gây thương tích.
Sau này, người ta còn tẩm độc vào những móc sắt trên chạc trúc và nhồi vôi bột vào đầu ống trúc để tăng sát thương.
Trúc xoa dù bị chặt đứt vẫn có thể tạo thành đầu nhọn và đâm tới. Vôi bột trong đầu ống trúc bắn ra có thể làm mờ mắt, thậm chí gây mù đối phương.
Nhược điểm của trúc xoa là kém linh hoạt (do cán quá dài) và gần như không có tác dụng phòng thủ. Để khắc phục vấn đề này, Thích Kế Quang sáng tạo ra trận pháp “Uyên ương”.
Trúc xoa trong đội hình Uyên ương (ảnh: Sina)
Theo Sina, Uyên ương trận về cơ bản gồm 11 người chịu trách nhiệm chiến đấu, trong đó có một đội trưởng đi đầu. 10 người còn lại sẽ chia làm 2 đội, bao gồm 2 binh sĩ được trang bị khiên, 2 người phía sau sử dụng trúc xoa, 4 người tiếp theo sử dụng giáo dài và 2 người cuối cùng cầm đinh ba.
Trong đội hình này, 2 người dùng trúc xoa được che chắn ở phía trước, hai bên sườn và có thể thoải mái hành động. Trong trường hợp hải tặc đánh bại nhóm binh sĩ dùng kiếm, trúc xoa và giáo dài, 2 người cầm đinh ba đi sau cùng có thể kết liễu chúng.
Theo Sohu, trúc xoa và đội hình Uyên ương tỏ ra hiệu quả trong những chiến dịch vừa và nhỏ của Thích Kế Quang, bởi hải tặc thường chiến đấu theo từng nhóm nhỏ, không theo đội hình và chủ yếu được trang bị kiếm Nhật.
Đến thời nhà Thanh, quân triều đình thường xuyên tác chiến quy mô lớn, trúc xoa và đội hình Uyên ương không còn được sử dụng.
Bút giá xoa và thập thủ - món vũ khí chuyên khắc chế kiếm Nhật (ảnh: Kk News)
Bút giá xoa – món vũ khí “nhỏ nhưng có võ”
Ngoài trúc xoa, bút giá xoa (hay còn gọi là “thiết chỉ”) cũng là loại vũ khí chuyên dụng khắc chế kiếm Nhật.
Theo Sohu, bút giá xoa do người Trung Quốc sáng tạo, lưu truyền sớm nhất ở vùng Phúc Kiến, Quảng Đông, Tứ Xuyên và Trùng Khánh từ thế kỷ 16. Sau này, bút giá xoa được một số thương nhân Trung Quốc đưa vào Nhật Bản.
Về cơ bản, bút giá xoa gồm 2 phần: Xiên chính (thanh sắt thân tròn, đầu nhọn, dài khoảng 35 – 40cm) và xiên phụ (2 ngạnh sắt 2 bên, dài khoảng 10 cm). Xiên phụ của bút giá xoa có thể đỡ và khóa những nhát chém từ kiếm Nhật.
Bút giá xoa thường được chế tạo từ sắt, thép hoặc đồng. Khi sử dụng, người dùng có thể cầm ngược và cầm xuôi, cũng có thể dùng đơn hoặc cả đôi tùy thích. Các đòn thế của bút giá xoa bao gồm đâm, chém, gạt, khóa, bẻ và đỡ.
Khi cầm ngược, phần cán của bút giá xoa cũng có thể gây ra những đòn nội thương nghiêm trọng cho đối thủ.
Theo Sohu, để tiện mang theo bên người, các võ sĩ Nhật Bản đã bỏ bớt một ngạnh của bút giá xoa và đổi tên thành “thập thủ”. Vì mất đi một ngạnh nên khả năng phòng thủ của của thập thủ cũng suy giảm. Người dùng không khéo léo vẫn có thể bị kiếm Nhật chém trúng tay.
Dù đã cách tân bút giá xoa nhưng người Nhật không trang bị loại vũ khí này cho quân đội. Nhược điểm của bút giá xoa là không sắc bén, không gây ra những vết thương chí mạng cho đối thủ và không có khả năng phá giáp, nên không được ưa chuộng trên chiến trường.
Dù vậy, bút giá xoa vẫn được công nhận là số ít vũ khí có thể khắc chế kiếm Nhật một cách hiệu quả.
_____________
Ít người biết rằng, ngoài katana (kiếm Nhật), Nhật Bản còn nổi tiếng với loại vũ khí kỳ lạ, bề ngoài tuy mỏng manh nhưng vô cùng sắc bén, có thể đoạt mạng người trong nháy mắt. Mời quý độc giả tìm hiểu về loại vũ khí đặc biệt này trong bài kỳ sau, xuất bản lúc 19h ngày 1/9.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời hoàng đế Ung Chính (nhà Thanh), nhiều quan lại thường cảm thấy như bị rình rập từ phía sau bởi các thành viên của một tổ chức sát thủ đáng sợ.