Hai cường quốc châu Âu từng suýt nổ ra chiến tranh ở châu Phi ra sao?
Hai cường quốc châu Âu là Anh và Pháp từng suýt chút nữa xảy ra chiến tranh trong cuộc khủng hoảng ở châu Phi vào năm 1898.
Bức tranh minh họa cuộc gặp giữa tướng Anh Horatio Kitchener và sĩ quan Pháp Jean-Baptiste Marchand ở Fashoda (nay là Nam Sudan).
Anh và Pháp là hai cường quốc châu Âu có nhiều duyên nợ trong lịch sử. Từ năm 1793 - 1815, dưới thời vua George III, Vương quốc Anh là một trong những đối thủ lớn nhất của Pháp. Quân Pháp dưới thời Napoleon khi đó bị Anh và đồng minh đánh bại.
Chưa đầy 100 năm sau, Anh và Pháp lại xảy ra căng thẳng. Lần này là ở châu Phi, nơi các cường quốc châu Âu đua nhau xâm chiếm thuộc địa.
"Nếu chiến tranh Pháp - Anh nổ ra vào năm 1898, nó sẽ gây ra hậu quả to lớn cho quan hệ quốc tế và làm thay đổi hoàn toàn thế giới trong thế kỷ 20”, sử gia người Anh Saul David nói, theo History Extra.
Cuối thế kỷ 19, các cường quốc châu Âu cơ bản đã phân chia xong thuộc địa ở châu Phi, ngoại trừ Liberia (độc lập dưới sự bảo trợ của Mỹ) và Ethiopia (độc lập sau khi đánh bại quân đội Italia).
Anh và Pháp là hai cường quốc châu Âu kiểm soát phần lớn diện tích lãnh thổ châu Phi. Mục tiêu tiếp theo của hai cường quốc là kết nối các thuộc địa với nhau. Anh muốn xây tuyến đường sắt kết nối Nam Phi với Ai Cập, còn Pháp muốn mở tuyến đường từ Đông Phi tới Tây Phi. Hai quốc gia âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch mà không tham vấn nhau.
Nằm ở giữa tham vọng của Anh và Pháp là một thị trấn nhỏ mang tên Fashoda thuộc vùng thượng lưu sông Nile (nay thuộc Nam Sudan). Pháp muốn đưa quân tới kiểm soát thị trấn này trong khi Anh đang gây chiến với Sudan trên danh nghĩa bảo trợ cho Ai Cập.
Năm 1896, một đoàn thám hiểm khởi hành từ Gabon gồm khoảng 150 người, trong đó có 11 sĩ quan Pháp và các binh sĩ Senegal trung thành với Pháp. Chỉ huy đoàn thám hiểm là sĩ quan Pháp Jean-Baptiste Marchand.
Trong chuyến đi dài xuyên qua vùng Trung Phi (giai đoạn này chưa có máy bay), nhóm thám hiểm của Pháp liên tục bị lạc, phải kéo thuyền băng qua đất liền. Nhóm thám hiểm mất 2 năm mới tới được thị trấn Fashoda vào ngày 10/7/1898.
Khi đến nơi, đoàn thám hiểm Pháp nhận thấy khu vực này chỉ còn là một pháo đài cổ bị bỏ hoang. Sĩ quan Marchand nhanh chóng củng cố sự hiện diện của Pháp ở khu vực. Kiểm soát thị trấn Fashoda giúp Pháp mở ra tuyến đường thương mại từ Djibouti ở Đông Phi tới các thuộc địa ở Tây Phi.
Cũng trong giai đoạn này, Thủ tướng Anh khi đó là Lord Salisbury, ra lệnh cho một lực lượng dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Horatio Herbert Kitchener, tiến về phía nam dọc theo sông Nile. Uy danh của tướng Kitchener tăng lên đáng kể sau khi đánh bại quân bản địa ở Sudan, kiểm soát thủ đô Khartoum. Anh tuyên bố các vùng lãnh thổ của Sudan (bao gồm Nam Sudan ngày nay), đều thuộc Ai Cập.
Pháp muốn mở đường kết nối thuộc địa ở Tây và Đông Phi (nét đứt, màu xanh), trong khi Anh tuyên bố kiểm soát khu vực sau khi thôn tính Sudan.
Tướng Kitchener chỉ huy đội quân gồm 1.500 người, bao gồm quân Anh, Sudan và Ai Cập, tới thị trấn Fashoda vào ngày 18/9/1898, chậm hơn người Pháp 2 tháng.
Để chi viện cho lực lượng của tướng Marchand, Pháp huy động lực lượng bổ sung từ Djibouti. Nhưng đội quân này buộc phải quay về vì không thể đi qua lãnh thổ Ethiopia.
Điều này khiến quân Pháp trấn giữ Fashoda bị quân Anh áp đảo với tỉ lệ 1/10. Tướng Kitchener nêu quan điểm của chính phủ Anh, rằng Sudan đã thuộc lãnh thổ Ai Cập nên sự hiện diện của Pháp ở thị trấn Fashoda là không thể chấp nhận được.
Tướng Kitchener không muốn phải chĩa súng về phía những người châu Âu khác nhưng khẳng định sẽ không lùi bước. "Tôi không muốn tranh cãi với các ông, nhưng tôi khuyên các ông nên nhìn nhận thực tế, trước ưu thế về lực lượng của chúng tôi", tướng Kitchener nói với quân Pháp. Sĩ quan Marchand không nhượng bộ, nói rằng khu vực này không được Anh ngó ngàng tới kể từ khi chiếm đóng lãnh thổ Sudan.
Hai bên sau đó dựng trại gần nhau để chờ tín hiệu từ phía chính phủ ở châu Âu. Sự kiện này được ghi nhận trong lịch sử là cuộc khủng hoảng Fashoda.
Thông tin về việc quân Anh và Pháp chạm mặt nhau ở thị trấn Fashoda trở thành cuộc khủng hoảng chính trị ở quê nhà của hai nước. Báo chí hai bên liên tục đăng tải các bài viết nhấn mạnh lòng yêu nước, sẵn sàng chiến tranh.
Hải quân Hoàng gia Anh được đặt trong tình trạng báo động và hạm đội Anh ở Địa Trung Hải đã sẵn sàng hành động. Ở Quốc hội Anh, một số nghị sĩ cho rằng, cần phải chiến tranh với Pháp. Trong khi đó, Pháp cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga để đối phó Anh nhưng không thành công.
Khi Thế chiến 1 nổ ra vào năm 1914, Anh và Pháp trở thành đồng minh.
Có một sự kiện xảy ra vào giai đoạn này đã trực tiếp tác động đến cuộc khủng hoảng trấn Fashoda. Ở Paris, chính phủ Pháp sụp đổ vì những bê bối trong nước. Tướng Kitchener vui mừng ra mặt khi biết tới nhữngbất ổn ở Pháp, đưa cho sĩ quan Marchand xem những tin tức cập nhật trong trang báo được chuyển tới từ Cairo.
Chính phủ mới của Pháp được thành lập vào ngày 2/11/1898, không sẵn sàng để tuyên chiến với Anh. Ngày hôm sau, họ chấp nhận lùi bước, ra lệnh cho sĩ quan Marchand rút lực lượng khỏi thị trấn Fashoda.
Trước khi quân Pháp rời đi, tướng Kitchener mở tiệc chiêu đãi các binh sĩ Pháp, thậm chí mở cả bài quốc ca Pháp La Marseillaise. Các binh sĩ Pháp dĩ nhiên không hề vui vì coi đây là sự xuống thang đầy ê chề
Theo sử gia David, cuộc khủng hoảng ở Fashoda đã kết thúc trong êm đẹp. Bởi nếu có biến cố xảy ra khiến quân Anh và Pháp đối đầu nhau, hậu quả có thể sẽ hết sức tồi tệ.
Nếu xảy ra đọ súng, quân của sĩ quan Marchand chắc chắn sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề. Một chiến thắng trong giao tranh ở Fashoda là đủ để Anh hài lòng, nhưng người Pháp sẽ không dễ gì bỏ qua. Hai bên có thể lôi kéo đồng minh để mở một cuộc chiến tranh toàn diện, sử gia David nhận định.
Lịch sử ghi đó sẽ rất khác vì Anh và Pháp sẽ không có mối quan hệ hòa hoãn để sau này ký hiệp ước Entente Cordiale (hiệp ước thân mật) vào năm 1904.
Hiệp ước đưa Anh và Pháp xích lại gần nhau hơn, giải quyết các tranh chấp thuộc địa ở Bắc Phi. Thông qua hiệp ước, Anh và Pháp đã thiết lập nền tảng cho một liên minh. Đây là cơ sở để hai quốc gia đứng chung một chiến tuyến trong Thế chiến 1 nhằm đối phó sự trỗi dậy của Đức.
Bỉ, quốc gia có diện tích khiêm tốn ở tây bắc châu Âu, từng tham gia cuộc chạy đua xâm chiếm lãnh thổ châu Phi trong giai đoạn cuối thế kỷ 19. Đây là giai đoạn Bỉ chịu ảnh...
Nguồn: [Link nguồn]