Quốc gia châu Phi duy nhất không trở thành thuộc địa nhờ đánh bại cường quốc châu Âu

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Ở thời đại mà các cường quốc châu Âu đua nhau xâm chiếm châu Phi, có một quốc gia hiếm hoi đánh bại quân đội một nước châu Âu, khiến người châu Âu phải nhìn bằng con mắt khác.

Tranh vẽ vua Ethiopia Melenik II.

Tranh vẽ vua Ethiopia Melenik II.

Cuộc tranh giành châu Phi là giai đoạn 7 cường quốc châu Âu chiếm hầu hết các nước châu Phi làm thuộc địa. Với chỉ 2 quốc gia có thể duy trì nền độc lập.

Giai đoạn lịch sử này có những dấu ấn đáng chú ý mà loạt bài dài kỳ này sẽ đề cập.

Trong giai đoạn thế kỷ 19, các nước châu Âu đua nhau đưa quân sang châu Phi thâu tóm thuộc địa và sự kiện này được sử sách gọi là "Cuộc tranh giành Châu Phi".

Năm 1870, 10% diện tích châu Phi thuộc quyền kiểm soát của các nước châu Âu nhưng con số này tăng lên đến 90% vào năm 1914. Hai quốc gia châu Phi hiếm hoi không bị châu Âu biến thành thuộc địa gồm Ethiopia và Liberia.

Con đường độc lập Liberia khá suôn sẻ. Năm 1821, người Mỹ đặt chân tới Liberia và duy trì kiểm soát quốc gia châu Phi này suốt 17 năm. Đến những năm 1840, Liberia trở thành gánh nặng tài chính của Mỹ và Washington muốn tập trung hơn cho các vấn đề trong nước, dẫn đến việc Liberia được thúc đẩy để trở thành nước độc lập vào ngày 26/7/1847.

Sau này, các cường quốc châu Âu vẫn coi Liberia là nước chịu ảnh hưởng của Mỹ nên bỏ qua quốc gia này trong Cuộc tranh giành Châu Phi" để tránh gây căng thẳng với Washington, theo trang mạng ThoughtCo.

Nhưng Ethiopia thì khác, quốc gia Đông Phi này từng trải qua cuộc chiến ác liệt với Italia. Ý chí quyết tâm của người dân Ethiopia đã tạo nên cơn địa chấn. Đó là đánh bại một cường quốc châu Âu để giành độc lập hoàn toàn.

Quốc gia châu Phi có vị vua tài ba

Ethiopia (tên cũ Abyssinia) là một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới. Tồn tại từ những năm 400 trước Công Nguyên, Ethiopia xuất hiện trong Kinh Thánh với tên gọi là Vương quốc Axum. Cùng với La Mã, Ba Tư và Trung Hoa, Axum là một trong 4 thế lực mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Tong suốt hàng ngàn năm lịch sử, sự đồng lòng của người dân Ethiopia, từ nông dân cho đến vua chúa, tất cả đều đoàn kết chống lại ngoại xâm.

Năm 1885, "Cuộc tranh giành Châu Phi" bắt đầu khi Anh, Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đem quân xâm lược châu Phi.

Italia được Anh khuyến khích, đem quân chiếm cảng Massawa bên bờ Biển Đỏ. Quân đội Italia tiến công dọc theo vùng Sừng châu Phi, thành lập thuộc địa Eritrea (vùng đất trước đây do Ethiopia kiểm soát) và chiếm giữ phần lớn vùng đất mà ngày nay thuộc Somalia.

Italia bổ sung hàng ngàn binh sĩ tới châu Phi sau một trận chiến với lực lượng bản địa vào năm 1887. Trong trận đánh này, khoảng 500 binh sĩ Italia thiệt mạng, chủ yếu do bị phục kích.

Đầu thế kỷ 20, các cường quốc châu Âu cơ bản đã phân chia xong thuộc địa ở châu Phi.

Đầu thế kỷ 20, các cường quốc châu Âu cơ bản đã phân chia xong thuộc địa ở châu Phi.

"Ở thời điểm đó, một quốc gia chỉ có thể được coi là cường quốc nếu có ít nhất 2 yếu tố. Thứ nhất là hải quân và thứ hai là thuộc địa", Haile Larebo, phó giáo sư tại Morehouse College ở Mỹ, người chuyên về lịch sử thuộc địa châu Phi, nói trên trang History.com. Italia khi đó chỉ đơn giản là bắt chước cách người Anh và Pháp xâm chiếm châu Phi.

Sau vài năm giao tranh đầu tiên, năm 1889, Italia ký hiệp ước với vua Ethiopia là Menelik II. Nhà vua Ethiopia chấp nhận nhượng vùng lãnh thổ Eritrea (phía bắc Ethiopia) cho Italia để đổi lấy vũ khí và tiền bạc.

Nhưng hai bên có quan điểm khác biệt về hiệp ước ký kết. Italia muốn trở thành quốc gia bảo trợ cho Ethiopia, còn vua Menelik II cương quyết nói không.

Vua Menelik II, người tự nhận là hậu duệ của vua Solomon và nữ hoàng Sheba trong Kinh thánh, cùng với vợ là người phản đối chủ nghĩa bành trướng châu Âu, đã âm thầm chuẩn bị cho chiến tranh.

Ngoài việc thu thập vũ khí hiện đại, vua Menelik II còn mở chiến dịch tuyên truyền với sự hỗ trợ từ những người châu Âu ủng hộ Ethiopia.

Alfred Ilg, kỹ sư gốc Thụy Sĩ, được vua Menelik II bổ nhiệm làm cố vấn, là người đã đóng vai trò giúp Ethiopia hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Trong các chuyến đi tới châu Âu, Alfred Ilg luôn phác họa Ethiopia là "Thụy Sĩ của châu Phi". Vua Menelik II cũng mô tả mình là "người giúp mở rộng Thiên Chúa giáo ở châu Phi".

Trước cuộc chiến quyết định với Italia, vua Menelik II nổi tiếng đến mức từng trao đổi thông điệp với Nữ hoàng Anh Victoria (1837 - 1901).

"Menelik II là một vị vua rất có tầm nhìn. Ông ấy rất biết cách thu hút sự chú ý", Haile nhận định.

Khi mới lên nắm quyền, vua Menelik II sẵn sàng đàn áp phe đối lập, xóa sổ các nhà thờ Hồi giáo. Tuy nhiên, khi xuất hiện mối đe dọa từ bên ngoài, vua Ethiopia đã khéo léo giảng hòa, bắt tay với các thế lực đối lập.

Trận đánh quyết định gây chấn động ở châu Phi

Minh họa thời khắc quân Ethiopia rời thủ đô lên đường nghênh chiến quân đội Italia.

Minh họa thời khắc quân Ethiopia rời thủ đô lên đường nghênh chiến quân đội Italia.

Sau lời kêu gọi tổng động viên vào tháng 9/1895, vua Menelik II đã chiêu mộ được đội quân lên tới 120.000 người, hầu hết đến từ các vùng và nhóm dân tộc ở Ethiopia. Ở thời điểm đó, quân Italia đang tiến về thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, cách khoảng 400km.

Vua Menelik II lựa chọn cách chủ động dẫn quân lên phía bắc, nghênh chiến quân Italia. Từ tháng 12/1895 - 1/1896, quân Ethiopia đã đánh bại một đội quân tiên phong của Italia tại Amba Alage (phía bắc Ethiopia) và sau đó bao vây một pháo đài của Italia tại Mekele (gần biên giới Eritrea). Quân Italia cố thủ trong pháo đài phải ra đầu hàng sau khi bị cắt nguồn cung cấp nước.

Quân Ethiopia sau đó tiếp tục tiến công. Xuyên suốt cuộc hành quân, vua Menelik II ra lệnh cho binh sĩ phao tin, hạ thấp quy mô và sự gắn kết trong quân đội nhằm đánh lừa người Italia. "Đây có thể được coi là một trong những chiến dịch chống ngoại xâm vĩ đại nhất thế kỷ 19", Raymond Jonas, tác giả cuốn “Trận chiến Adwa: Chiến thắng ở châu Phi trong thời đại đế chế", nói.

Nhận thức được vấn đề thiếu lương thực, nước uống và hạn chế vì không có bản đồ chính xác ở địa bàn khu vực, tướng chỉ huy Italia là Oreste Baratieri đã cân nhắc việc rút quân về lãnh thổ Eritrea để bảo toàn lực lượng.

Nhưng vào ngày 25/2/1896, tướng Baratieri nhận được một bức điện từ Thủ tướng Francesco Crispi. Nội dung công điện cơ bản là thúc giục quân đội Italia hành động, khuất phục vua Menelik II.

Các tướng cấp dưới cũng chủ trương đánh một trận quyết định để bắt sống vua Menelik II nhằm "đem nhốt vào lồng và đưa về Italia", theo History.com.

Trong trận đánh quyết định diễn ra vào ngày 1/3/1896 ở khu vực gần làng Adwa, quân Ethiopia áp đảo hoàn toàn quân tinh nhuệ Italia và các lực lượng châu Phi đồng minh.

Theo các nhà sử học châu Âu, vua Menelik II tung vào chiến trường khoảng 100.000 quân, gấp 5 lần quân tinh nhuệ của Italia. 80.000 quân trong số này được trang bị súng trường, 20.000 quân còn lại là lính giáo và lính cầm kiếm.

Trong trận đánh quyết định, quân Ethiopia đã đánh bại quân đội một cường quốc châu Âu khi đó.

Trong trận đánh quyết định, quân Ethiopia đã đánh bại quân đội một cường quốc châu Âu khi đó.

Trước trận đánh quyết định, quân đội Italia có 29.700 binh sĩ và 14.000 quân thuộc lực lượng đồng minh bản địa. Nhưng Italia phải phân tán lực lượng trấn giữ các khu vực hiểm yếu, nên số quân thực tế tung vào trận Adwa chỉ vào khoảng từ 14.500 - 17.700. Mặc dù có số quân tham chiến ít hơn nhưng Italia có lợi thế về hỏa lực với khoảng 58 khẩu pháo.

Sau một ngày giao tranh ác liệt, vua Menelik II cơ bản đánh bại quân Italia, bắt sống 3.000 tù binh, thu giữ hàng chục khẩu pháo.

"Trận đánh này chứng minh tài cầm quân của vua Menelik II. Ông ấy thông minh và đánh bại người Italia về mọi mặt", phó giáo sư Haile cho biết.

Phụ nữ Ethiopia cũng góp sức vào chiến đấu với vai trò hậu cần, y tế, canh giữ tù binh. Hoàng hậu của vua Menelik II cũng có một đội quân riêng toàn là nữ chiến binh.

Người Ethiopia khiến quân Italia thương vong tới 70% trong trận Adwa.

Người Ethiopia khiến quân Italia thương vong tới 70% trong trận Adwa.

Nhìn chung, quân Ethiopia hứng chịu tổn thất đáng kể nhưng cũng khiến đối phương chịu thương vong tới 70% quân số. Ở thời đại mà các bên giao tranh chủ yếu sử dụng súng và pháo, thương vong cao là điều thường xảy ra.

Những tù binh Italia sau đó bị đưa về thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và bị đem đi diễu hành. "Sự kiện này đánh dấu một sự đảo ngược, trong đó tù binh da trắng hi vọng được người da đen thương xót", Jonas viết.

Vua Menelik II đối xử tốt với các tù binh người Italia và sau này trả tự do cho họ. Ngược lại, những người châu Phi tham gia chiến đấu cùng quân đội Italia được cho là đã bị tra tấn dã man.

Thất bại ở trận Adwa khiến chính phủ của Thủ tướng Italia Crispi sụp đổ. Tướng Baratieri bị đưa ra xét xử (sau này được tha bổng). Italia buộc phải công nhận nền độc lập của Ethiopia.

Thắng lợi này giúp vua Menelik II tiến tới đàm phán với các cường quốc châu Âu khác để xác lập lãnh thổ Ethiopia, dù phải từ bỏ vùng Eritrea ở phía bắc.

Thắng lợi của vua Menelik II được coi như một cơn địa chấn ở châu Phi. Người châu Âu trước đó nghĩ rằng người dân châu Phi sống như bộ lạc nguyên thủy. Nhưng sau những gì xảy ra ở Ethiopia, châu Âu đã phải "nghĩ về châu Phi một cách sâu sắc và nghiêm túc hơn", phó giáo sư Haile nói.

Tướng Italia Oreste Baratieri.

Tướng Italia Oreste Baratieri.

Quân đội Italia sau này còn quay trở lại Ethiopia một lần nữa dưới thời nhà độc tài Benito Mussolini. Mục tiêu chính của Mussolini là báo thù cho quốc gia sau thất bại trong trận Adwa.

Quân Italia vượt trội hơn về công nghệ nhờ có máy bay và các vũ khí công nghệ cao, đã chiếm đóng hoàn toàn Ethiopia vào ngày 9/5/1936. Trong Thế chiến 2, Italia dưới thời Mussolini nằm trong phe Trục, bên cạnh Đức và Nhật Bản.

Những thất bại liên tiếp của Mussolini trước phe Đồng minh cuối cùng khiến Italia mất quyền kiểm soát Ethiopia. Vào ngày 5/5/1941, Ethiopia chính thức khôi phục lại nền độc lập.

_____________________

Vị vua của một quốc gia châu Âu từng gây sửng sốt thể hiện sự quyết tâm giành lấy thuộc địa đến mức biến cả một quốc gia châu Phi thành vùng lãnh thổ của cá nhân ông. Vị vua này là ai và điều gì khiến ông ta tự mình kiểm soát một quốc gia rộng lớn? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2, xuất bản lúc 19h ngày 17/9/2023.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Điều bất ngờ trong chiến dịch đặc nhiệm Mỹ đổ bộ bắt tướng quân đội ở quốc gia châu Phi

Quân đội Mỹ từng huy động lực lượng đặc nhiệm đổ bộ ở một quốc gia châu Phi nhằm bắt một tướng chỉ huy có ảnh hưởng lớn nhất nhằm có thể sớm chấm dứt nội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Châu Âu xâm chiến thuộc địa ở châu Phi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN