Crimea từng được chuyển giao cho Ukraine như thế nào?
Khi đang thuộc quyền sở hữu của Nga, bán đảo Crimea bất ngờ được chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954.
Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo Liên Xô, có quyết định bất ngờ về bán đảo Crimea năm 1954. Ảnh: AP
Ở thế kỷ 18, đế chế Nga dưới thời Catherine Đại đế đánh bại đế chế Ottoman ở Crimea. Năm 1783, đế chế Nga sáp nhập Crimea.
Tới năm 1954, bán đảo Crimea từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Nga (RSFSR) lại được chuyển sang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine (UkrSSR). Vì sao có chuyện như vậy?
Lần đầu tiên vấn đề chuyển giao Crimea cho UkrSSR được nêu ra tại cuộc họp Đoàn chủ tịch BCH Trung ương ĐCS Liên Xô (sau này được gọi là Bộ chính trị) vào ngày 25/1/1954.
Kết quả, ban lãnh đạo đảng thông qua sắc lệnh “Về việc giao tỉnh Crimea từ RSFSR sang cho UkrSSR” và quyết định chuyển sắc lệnh sang cho Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô xem xét. Xô viết tối cao Liên Xô là cơ quan lập pháp tối cao của Liên Xô và là cơ quan có quyền sửa đổi Hiến pháp trong thời gian 1938-1991.
Tài liệu này được giữ bí mật: Các bản sao của nó được gửi tới các thành viên của Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Nga RSFSR, gồm Nikita Khrushchev, Kliment Voroshilov, Mikhail Tarasov và Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Ukraine UkrSSR Demian Corotchenco.
Ngày 5/2, Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Nga RSFSR ra nghị quyết Bộ chính trị. Và 14 ngày sau, Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô ra nghị quyết tán thành.
Nghị quyết nêu: “Tính đến sự đồng nhất kinh tế, tính gần gũi lãnh thổ và các mối quan hệ văn hoá, xã hội giữa Crimea và UkrSSR, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao RSFSR quyết định: chuyển tỉnh Crimea từ thành viên RSFSR sang thành viên UkrSSR”.
Đạo luật về việc sáp nhập tỉnh Crimea vào UkrSSR có hiệu lực kể từ khi được phê chuẩn tại kỳ họp Xô Viết tối cao Liên Xô ngày 26/4/1954 và xuất hiện trên báo chí trung ương.
Theo trang Wilson Center, có 2 lý do chính thức được nhắc đến trong việc sáp nhập Crimea vào UkrSSR. Thứ nhất là việc chuyển giao Crimea là "một hành động cao cả của người dân Nga" để kỷ niệm 300 năm ngày "Ukraine hợp nhất với Nga" và "khơi gợi lòng tin tưởng và tình yêu vô bờ bến của người dân Nga dành cho người Ukraine".
Thứ hai, việc chuyển giao là sự phát triển tự nhiên của "sự gần gũi về địa lý, những điểm tương đồng về nền kinh tế, cũng như mối quan hệ về nông nghiệp và văn hóa chặt chẽ giữa Crimea và UkrSSR".
Người dân trên bán đảo Crimea cầm quốc kỳ Nga và Ukraine trong một cuộc biểu tình. Ảnh: DPA
Tuy nhiên, vào tháng 6/2015, Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga đã xác nhận quyết định năm 1954 khi chuyển giao Crimea cho UkrSSR là vi hiến.
"Quyết định của Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô, thông qua năm 1954, về việc chuyển giao tỉnh Crimea thuộc RSFSR sang UkrSSR không tuân thủ Hiến pháp RSFSR và Hiến pháp Liên Xô."
Theo Văn phòng Tổng Công tố, quyền hạn của cơ quan như Xô viết tối cao không bao gồm việc ra quyết định chuyển giao một phần lãnh thổ RSFSR cho nước cộng hòa khác thuộc liên bang. Căn cứ vào luật cơ bản của Liên Xô, điều này thuộc thẩm quyền các cơ quan cao nhất trong chính quyền và nhà nước.
Bán đảo Crimea vẫn luôn là điểm nóng chính trị kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1991. Kiev trao quy chế tự trị cho Crimea, đồng thời ký các thỏa thuận cho Moscow thuê cảng Sevastopol - nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen. Thỏa thuận cho thuê giúp Nga tiếp cận quân sự ở Biển Đen.
Đến năm 2014, cách mạng Maidan nổ ra tại Ukraine. Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych năm đó bị lật đổ và phải chạy sang Nga. Thời điểm đó, Moscow nhận thấy có nguy cơ mất Sevastopol và toàn bộ Crimea vào tay NATO, nếu Ukraine ngả về phương Tây nhiều hơn. Trong năm đó, sau một cuộc trưng cầu dân ý, Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
---------------------
Với vị trí chiến lược của Crimea, Nga nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự và biến bán đảo này thành "hàng không mẫu hạm không thể chìm". Về quá trình này, mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ tới, đăng lúc 19h ngày 2/1.
Vào thế kỷ 18, bán đảo Crimea được "chuyển giao" từ đế chế Ottoman sang đế chế Nga trong một quá trình phức tạp.
Nguồn: [Link nguồn]