Crimea từng trở thành một phần của đế chế Nga như thế nào?

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Vào thế kỷ 18, bán đảo Crimea được "chuyển giao" từ đế chế Ottoman sang đế chế Nga trong một quá trình phức tạp. 

Ở phía bắc, Crimea bị đế chế Ottoman vây hãm. Ảnh: Irina Baranova

Ở phía bắc, Crimea bị đế chế Ottoman vây hãm. Ảnh: Irina Baranova

Từng thuộc Nga, sau đó chính thức chuyển giao cho Ukraine rồi lại sáp nhập vào Nga, bán đảo Crimea với lịch sử phức tạp chưa bao giờ tách rời khỏi mối quan hệ với Nga. Sự ảnh hưởng chồng chéo từ quá khứ đến hiện tại của Moscow với Crimea, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, khiến bán đảo này trở thành điểm nóng chính trị đáng chú ý trên thế giới. Loạt bài lần này sẽ nhìn lại quan hệ phức tạp giữa Nga và bán đảo Crimea từ trước tới nay.

Crimea quan trọng ra sao với các đế chế tham vọng?

Tiền thân của bán đảo Crimea là hãn quốc Crimea. Hãn quốc này từng là một phần của hãn quốc Kim Trướng - một hãn quốc Hồi giáo gốc Mông Cổ, bao gồm các vùng lãnh thổ ngày nay thuộc Nga, Ukraine, Moldova, Kazakhstan, và phía bắc dãy núi Kavkaz. Sau khi hãn quốc Kim Trướng sụp đổ vì xung đột nội bộ, hãn quốc Crimea được thành lập năm 1441. 

Mùa hè năm 1475, đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được một số cảng biển quan trọng của Crimea, trong khi hãn quốc Crimea trở thành một "nước chư hầu" của đế chế này. Trong 3 thế kỷ tiếp theo, Biển Đen được xem là "hồ nội địa" của người Thổ Nhĩ Kỳ vì bao quanh nó là lãnh thổ của đế chế Ottoman và các nhà nước hoặc vùng lãnh thổ "chư hầu". 

Từ cuối thế kỷ 15, những người du mục Tatar của hãn quốc Crimea đi bắt người, cướp phá các vùng đất của lãnh thổ Sa quốc Moscow (Nga ngày nay), gây cản trở lớn cho thương mại và nông nghiệp ở miền nam nước này. Các cuộc cướp phá có mục đích là bắt nô lệ rồi đem bán sang Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ước tính, tổng số nô lệ bị bán qua các khu chợ ở Crimea vào khoảng 3 triệu người, theo trang Rosinka. 

Vào thế kỷ 16, Sa quốc Moscow bắt đầu mở rộng lãnh thổ sau khi hãn quốc Kim Trướng sụp đổ. Sau khi chinh phục hãn quốc Kazan và hãn quốc Astrakhan, người Nga bắt đầu tiến xa hơn về phía nam.

Cùng thời gian này, đế chế Ottoman chuyển sang phòng thủ chiến lược, với các hoạt động chính là xây dựng các pháo đài ở cửa sông, tạo ra vùng đệm Wild Field - vùng thảo nguyên Pontic của Ukraine, phía bắc Biển Đen và biển Azov, cũng như phía nam và phía đông Ukraine. Ngoài ra, người Ottoman còn chuyển vũ khí tới hỗ trợ hãn quốc Crimea. 

Vào đầu thế kỷ 18, đế quốc Nga (cách gọi thay đổi) nhận thấy rằng, để phát triển hơn nữa, cần phải tiếp cận Biển Đen - nơi mà đế chế Ottoman đang kiểm soát. Muốn làm được điều đó, Nga phải có được hãn quốc Crimea vì đây được xem là vùng đất quan trọng, đảm bảo sự thống trị ở phía bắc Biển Đen. 

Cuộc tranh giành với người Thổ Nhĩ Kỳ

Trong giai đoạn 1736-1737, đế quốc Nga đưa quân tới Crimea. Nhưng họ không thể duy trì các đường tiếp viện vì lãnh thổ Nga quá xa, bị ngăn cách với Crimea bởi vùng đệm Wild Field. Các cuộc tấn công Crimea đều thất bại. 

Tới những thập niên 1760 và 1770, khả năng tiếp viện của người Nga mới hiệu quả sau khi Novorossiya - một tỉnh mới của đế quốc Nga - được thành lập năm 1764. 

Với việc nguồn tiếp viện được chuyển tới Novorossiya, khả năng tiến đánh Crimea thành công của quân đội đế quốc Nga trở nên thực tế hơn trước rất nhiều.  

Trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ (1768 - 1774), Crimea được cho là mục tiêu chính của Nga. Đến năm 1771, cộng đồng người du mục Tatar từ chối chiến đấu cho đế chế Ottoman. Vì vậy, đế chế này không có đủ lực lượng để bảo vệ Crimea. Mùa hè năm 1771, quân đội đế quốc Nga do tướng Vasily Dolgorukov dẫn đầu, đánh chiếm Crimea trong 16 ngày. 

Hãn Selim III Giray - một người Thổ Nhĩ Kỳ chỉ huy phòng thủ ở Crimea - phải bỏ chạy tới Constantinople (đế chế Ottoman). 

Năm 1772, Người Crimea chọn Sahib II Giray là hãn (thủ lĩnh) của họ. Sahib II Giray tuyên bố hãn quốc Crimea là một nhà nước độc lập dưới sự bảo hộ của Nga. Tuy nhiên, đế chế Ottoman không công nhận điều này. Chiến tranh tiếp diễn nhưng đế chế Ottoman không thể lật ngược tình thế. 

Ảnh minh họa: Carlo Bossoli

Ảnh minh họa: Carlo Bossoli

Ngày 15/7/1774, hiệp ước hòa bình Kyuchuk-Kaynardzhi được ký kết, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Nga - Thổ. Hiệp ước này cũng chính thức chấm dứt sự thống trị của đế chế Ottoman ở Crimea. Hãn quốc Crimea tuyên bố độc lập khỏi đế chế Ottoman. Một số cảng biển quan trọng của Crimea, từng bị đế chế Ottoman chiếm, được trả lại cho hãn quốc Crimea. 

Các pháo đài Kerch và Yenikale thuộc kiểm soát của Nga, chặn lối ra từ Azov tới Biển Đen. Eo biển Kerch cũng thuộc về Nga và có tầm quan trọng với việc thông thương ở phía nam nước này. 

Nhiệm vụ lịch sử tiếp cận Biển Đen của Nga được giải quyết một nửa. 

Tuy nhiên, tình hình ở Crimea vẫn còn bất ổn và phức tạp. Đế chế Ottoman dù đã công nhận độc lập của Crimea, nhưng lại rục rịch chuẩn bị cho cuộc chiến mới. 

Quốc vương Ottoman vẫn giữ quyền lực tôn giáo trong tay và có thể phế hoặc lập hãn mới ở Crimea, theo điều khoản trong hiệp ước ký với Nga. Điều này gây một số áp lực lên hãn quốc Crimea. Thực tế, người Tatar ở Crimea vẫn chia thành 2 phe: Một theo Nga, một theo Ottoman. Các cuộc đụng độ giữa 2 phe này tạo thành những trận chiến thực sự. 

Đầu năm 1774, nhóm thân Ottoman đưa Devlet Giray lên làm Hãn. Điều này được quốc vương Ottoman chấp thuận dù đã công nhận độc lập của hãn quốc Crimea. 

Tháng 7/1774, quân Ottoman dưới sự chỉ đạo của Devlet Giray đổ bộ lên Alushta - khu vực ở bờ biển phía nam Crimea. Quân Nga đã nhanh chóng chặn đứng quân Ottoman tại đây. Tuy nhiên, Sahib II Giray vẫn rời Crimea. 

Tháng 11/1776, với lý do quân Ottoman không rời Crimea theo hiệp ước Kyuchuk-Kaynardzhi, quân Nga do Trung tướng Alexander Prozorovsky dẫn đầu tiến vào Crimea và không gặp bất cứ sự kháng cự nào. 

Người Nga chỉ định Şahin Giray - người cùng trong họ Giray với Devlet Giray - làm hãn mới của Crimea. Prozorovsky đàm phán với Devlet Giray nhưng không thành. Devlet Giray thậm chí còn đề nghị quốc vương Ottoman hủy hiệp ước Kyuchuk-Kaynardzhi, nhưng người Ottoman không làm vậy. 

Devlet Giray tập trung quân tấn công phe thân Nga. Moscow phải cử trung tướng Alexander Suvorov tới trấn áp các cuộc bạo loạn năm 1778. 

Sau các sắc lệnh từ hoàng thân Grigoriy Potemkin, trung tướng Suvorov vừa giám sát việc tái định cư người Cơ Đốc giáo từ Crimea tới đất liền Nga, đồng thời ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm lực lượng ở Crimea. 

Tới năm 1779, hầu hết quân đội Nga rút khỏi Crimea. Tuy nhiên những người ủng hộ đế chế Ottoman vẫn tiếp tục kích động các cuộc nổi dậy ở Crimea. Hãn Şahin Giray đã trấn áp các cuộc nổi dậy này.

Đế quốc Nga chính thức sáp nhập hãn quốc Crimea như thế nào?

Ảnh minh họa: RBTH

Ảnh minh họa: RBTH

Để “chặn đường người Ottoman” và đảm bảo sự hiện diện của Đế chế Nga ở Biển Đen, năm 1782, hoàng thân Grigoriy Potemkin trình Nữ hoàng Catherine đại đế đề xuất sáp nhập Crimea vào Nga. Nữ hoàng đã chấp thuận và ban hành Tuyên bố chính thức sáp nhập Crimea ngày 19/4/1783.

Trên đường mang bản Tuyên bố tới Crimea, hoàng thân Potemkin bất ngờ nhận được tin hãn Şahin Giray thoái vị. Ngày 9/7/1783, hoàng thân Potemkin chính thức công bố Tuyên bố của Catherine Đại đế ở Crimea. Sau đó, các đại diện của tầng lớp quý tộc Tatar và tầng lớp bình dân đã thề trung thành với Nga.

Đầu năm 1784, đế chế Ottoman miễn cưỡng chấp nhận Crimea là vùng thuộc Nga. 

Sau khi thông tin về việc sáp nhập được lan truyền, chỉ có Pháp là gửi thông báo phản đối. Đáp lại, các nhà ngoại giao Nga nói rằng Moscow không phản đối việc Paris sáp nhập hòn đảo Corsica ở Địa Trung Hải và kỳ vọng Pháp làm điều tương tự với Nga.

Catherine Đại đế cũng nhắc nhở Pháp rằng, việc sáp nhập Crimea nhằm hạ nhiệt tình hình biên giới Nga-Ottoman. 

Năm 1784, hoàng thân Potemkin chọn Sevastopol là thủ phủ mới của Crimea và thành lập chính quyền tại đây. Dân số Crimea khi đó giảm đáng kể do phần lớn người Hồi giáo bỏ chạy sang đế chế Ottoman.

Hoàng thân Potemkin nhắc nhở quân đội Nga đồn trú ở Crimea phải hành xử tôn trọng với người Tatar. Các gia đình quý tộc Tartar được coi trọng như quý tộc Nga, có nhiều đặc quyền. 

Kể từ năm 1780, dân số Crimea bắt đầu phục hồi do sự phát triển kinh tế của khu vực này thu hút sự di cư của người Nga ở đất liền. 

----------------------

Ở thế kỷ 18, đế chế Nga dưới thời Catherine Đại đế đánh bại đế chế Ottoman ở Crimea. Năm 1783, đế chế Nga sáp nhập Crimea. Sau nhiều năm thuộc quyền sở hữu của Nga, bán đảo Crimea bất ngờ được chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954. Bài kỳ tới, đăng lúc 19h ngày 1/1 sẽ viết về quá trình này. Mời độc giả đón đọc!

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất
Vụ phục kích khiến Liên Xô - Trung Quốc sẵn sàng chĩa tên lửa hạt nhân vào nhau

Binh sĩ Liên Xô rơi vào bẫy phục kích của lính Trung Quốc ở một hòn đảo, khiến nhiều người thiệt mạng. Căng thẳng đôi bên từ đó leo thang tới mức suýt chút nữa đẩy thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Bán đảo Crimea và những thăng trầm lịch sử với Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN