Cách Hamas sử dụng hệ thống hầm ngầm "biến hóa" chưa từng thấy gây khó cho Israel
Đôi khi, bên bị tấn công không biết đối thủ ở đâu. Thậm chí, đồng đội bị bắt cóc cũng mất dấu chỉ trong vài phút.
Hamas tung video quay cảnh các tay súng tấn công từ các đường hầm ở Gaza. Nguồn: The Times
Một sự kiện bất ngờ đã xảy ra vào lúc tờ mờ sáng một ngày mùa hè tháng 6/2006 trên đất Israel. Các tay súng Hamas không biết từ đâu bỗng dưng xuất hiện đằng sau tuyến phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gần cửa khẩu Kerem Shalom, miền nam nước này.
Nhóm tay súng có vũ trang tấn công một tháp canh, một xe bọc thép chở quân và một xe tăng của IDF. Cuộc tấn công được hỗ trợ bởi hỏa lực từ súng cối và tên lửa chống tăng của Hamas ở phía Dải Gaza.
Các tay súng Hamas trên lãnh thổ Israel bắn tên lửa chống tăng về phía một xe tăng của IDF. Tên lửa trúng vào phần sau của xe tăng ở khoảng cách gần. Tiếp đó, các tay súng Hamas ném lựu đạn vào trong xe, khiến 2 trong số 3 binh sĩ bên trong thiệt mạng.
Gilad Shalit, binh sĩ còn lại, bị thương và bị Hamas bắt cóc vào khoảng 5h sáng. Chưa đầy 6 phút sau, IDF mất dấu binh sĩ này.
Khi binh sĩ Israel còn chưa biết phải tìm kiếm Shalit theo hướng nào, các tay súng Hamas đã sử dụng đường hầm dài 300m, được đào trong nhiều tháng, để trốn thoát nhanh chóng cùng con tin. Cũng nhờ chính đường hầm này, các tay súng Hamas mới dễ dàng tới lãnh thổ Israel mà không bị phát hiện.
Gilad Shalit. Ảnh: Al Jazeera
Trước đây, các đường hầm phục vụ mục đích phi kinh tế thường được đào dưới doanh trại đối phương để đặt thuốc nổ. Nhưng sự việc binh sĩ Shalit bị bắt cóc cho thấy một cách sử dụng khác của đường hầm ở Trung Đông: Bắt cóc và tấn công trực tiếp đối phương.
Hamas đã thành lập một đơn vị đặc biệt, có tên là Nuhba, để thực hiện mục đích trên. Việc sử dụng hầm ngầm theo cách mới, kết hợp với tác động chiến lược của việc bắt giữ một binh sĩ Israel ngay trên lãnh thổ nước này, được cho là mang lại ý nghĩa quan trọng với Hamas.
Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra vào ngày 25/6/2006 này, chính sách của Israel về đường hầm của Hamas về cơ bản không thay đổi. Vụ binh sĩ Shalit được cho là do Israel thiếu sự phòng bị. Giới chức Israel vẫn cho rằng các đường hầm xuyên biên giới chỉ là phương tiện để thực hiện các vụ tấn công lẻ tẻ, không phải mối đe dọa chiến lược.
Hamas xây nhiều hầm ngầm vươn sang lãnh thổ Israel. Ảnh: Getty
Cuộc chiến Lebanon (Liban) lần 2 năm 2006, đã chứng minh phạm vi của mối đe dọa từ hệ thống hầm ngầm.
Trước xung đột, lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã xây dựng hệ thống các boongke, đường hầm và nhà trú ẩn được liên kết với nhau bởi một hệ thống giao tiếp và kho chứa đầy thực phẩm, nước uống, đạn dược.
Khi cuộc chiến nổ ra, các tay súng Hezbollah có thể tự tái cung cấp các nhu yếu phẩm, đạn dược mà vẫn tránh được bom đạn của đối phương. Ngoài ra, các tay súng Hezbollah còn có thể tấn công quân đội Israel từ nhiều hướng bất ngờ nhờ hệ thống hầm ngầm.
Sau cuộc chiến Lebanon lần 2 vào tháng 7/2006, Israel bắt đầu nỗ lực đối phó với hệ thống hầm ngầm của Hamas bằng cách xây dựng một cơ sở huấn luyện chiến đấu dưới hầm ngầm, đào tạo các đơn vị chiến đấu ở khu vực biên giới phía nam Israel.
Cơ sở huấn luyện này chuẩn bị cho binh sĩ sẵn sàng cho các cuộc đối đầu sau đó. Hai năm sau, một cuộc giao tranh xảy ra giữa quân đội Israel và Hamas. Trong một chiến dịch nhỏ mang tên "Double Challenge" (Tạm dịch: Thách thức nhân đôi), binh sĩ Israel đã đột kích vào Gaza để phá hủy một hệ thống đường hầm xuyên biên giới của Hamas.
Ngày 27/12/2008, IDF mở chiến dịch phá hủy các đường hầm của Hamas ở biên giới Gaza - Ai Cập. Trong ngày thứ 2 của chiến dịch, quân đội Israel đã phá hủy 40 đường hầm cũng như nhà của các nhân vật cấp cao của Hamas.
Trong các chiến dịch, IDF sớm nhận thấy việc không kích không hiệu quả vì các tay súng Hamas sẽ rút lui xuống các đường hầm ngay khi Israel không kích. Chỉ có chiến dịch trên bộ mới có thể phát hiện và phá hủy các đường hầm bên dưới Dải Gaza. Nhưng cái giá phải trả sẽ là thương vong nhiều hơn cho hai bên và thậm chí cho cả dân thường, vì các đường hầm ở nơi đông dân cư.
Rocket được cất giấu trong một đường hầm của Hamas. Ảnh: Topwar
Ngoài mục đích sử dụng để bắt cóc và tấn công trực tiếp đối phương, các đường hầm còn được sử dụng như một tuyến đường để buôn bán vũ khí, thuốc nổ hay thậm chí cả buôn người ở Trung Đông.
Từ đầu những năm 2000, binh sĩ IDF hiện diện ở Dải Gaza và thường bị các tay súng Hamas tấn công bất ngờ bằng hệ thống đường hầm có bẫy mìn. IDF đã thành lập "các nhóm đường hầm", lực lượng chuyên làm nhiệm vụ xác định các điểm thoát hiểm, bịt hoặc phá hủy các đường hầm của Hamas.
Khi căng thẳng giữa người Palestine và người Israel ngày càng gia tăng cộng với việc Israel đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza năm 2005, bản chất của các đường hầm bắt đầu thay đổi. Chúng được sử dụng như một tuyến đường để buôn bán vũ khí, thuốc nổ hay thậm chí cả buôn người.
Ngoài ra, trang tin tổng hợp See Infra còn cho rằng, với việc đào các hệ thống đường hầm bên dưới biên giới Gaza - Ai Cập và biên giới Gaza - Israel, Hamas đã khiến hầm ngầm trở thành mối đe dọa mới.
Việc sử dụng hầm ngầm trong chiến tranh của thế kỷ 21 thường thấy ở khu vực nông thôn như các vùng núi ở Afghanistan hay Mali. Nhưng các đường hầm từ Dải Gaza hướng về Israel có sự khác biệt khi chúng được đào gần các khu vực đô thị, nơi có dân cư đông đúc, và có mục đích sử dụng khác với các đường hầm mà Hamas đào ở biên giới Dải Gaza - Ai Cập. Các đường hầm từ Gaza đến Israel được cho là để phục vụ mục đích bắt cóc hay thực hiện các vụ tấn công vào Israel.
Một số hầm ngầm vượt biên giới sang lãnh thổ Israel.
Việc các đường hầm được bố trí bên dưới khu dân cư gây ra rất nhiều khó khăn cho quân đội Israel. Điều này vẫn đúng trong cuộc xung đột Israel - Hamas bùng nổ từ đầu tháng 10 năm nay.
Ngày 12/12, IDF hứng chịu tổn thất lớn nhất kể từ khi mở các chiến dịch vào Dải Gaza. Lữ đoàn Golani, đơn vị bộ binh hoạt động ở khu dân cư Shejaiya, phía đông Dải Gaza, bị các tay súng Hamas phục kích khiến ít nhất 9 quân nhân thiệt mạng. Trong một tuyên bố ngày 13/12, IDF mô tả, các tay súng Hamas xuất hiện ở một tòa chung cư đã "ném thuốc nổ rồi nã đạn về phía các binh sĩ Israel".
CNN dẫn lời Israel Ziv, tướng IDF đã nghỉ hưu, nói rằng, vụ phục kích xảy ra tại một khu vực đông dân cư. "Tác chiến và loại bỏ Hamas khỏi khu vực này là cực kỳ rủi ro. Công việc này đòi hỏi lòng dũng cảm và quyết tâm cao", ông Ziv nói. "Sau khi đội bộ binh đầu tiên trúng mìn và hỏa lực của Hamas. Các đội bộ binh khác đã lao tới ứng cứu. Sự vội vàng đó là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất lớn".
Binh sĩ Israel được cho là gặp nhiều khó khăn khi giao tranh với Hamas ở khu vực đô thị. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Hamas trong tháng 12 đã chia sẻ trên mạng xã hội một số video quay cảnh, các tay súng len lỏi qua các tòa nhà trong thành phố để bắn tên lửa chống tăng vào các xe bọc thép của IDF.
Trong một video khác vào ngày 5/12, ống kính máy quay hướng từ phía một đường hầm chĩa về phía một doanh trại của quân đội Israel ở Dải Gaza. Hamas sau đó tuyên bố, doanh trại này hứng chịu vụ nổ do các tay súng gắn thuốc nổ ở đường hầm bên dưới.
Đầu tháng 11, Hamas công bố video quay cảnh các tay súng xông ra từ một hầm ngầm bí mật, sử dụng vũ khí tấn công xe tăng Israel. Khoảng cách từ vị trí của hai tay súng Hamas tới xe tăng là tương đối gần vì có thể dễ dàng quan sát xe tăng bằng mắt thường. Theo video, xe tăng Israel bốc cháy sau đòn tấn công chính xác.
Video: Khoảnh khắc quân Hamas xông ra từ hầm ngầm, bắn cháy xe tăng Israel. Nguồn: Al Jazeera
Để đối phó, IDF cần tìm kiếm và phá hủy các hệ thống hầm ngầm của Hamas, nhưng gặp không ít khó khăn.
Yaacov Amidror, thiếu tướng Israel đã về hưu, ngày 15/12 nói rằng: "Quân đội Israel vẫn chưa tìm ra giải pháp triệt để đối phó các đường hầm của Hamas, một mạng lưới đã được mở rộng đáng kể trong thập kỷ qua".
Theo Financial Times, hệ thống đường hầm của Hamas ở Gaza được cho là lớn hơn mạng lưới tàu điện ngầm ở thủ đô London của Anh. Cuối tháng 10, hãng Reuters dẫn các nguồn tin an ninh cho hay, hệ thống đường hầm này có thể dài hàng trăm km và sâu hàng chục mét.
"Có cả một thành phố ngầm ở độ sâu 40-50 mét tại Dải Gaza. Ở đó có các boongke, trụ sở và kho chứa. Đồng thời, chúng được kết nối với hơn một nghìn vị trí phóng rocket", Amir Avivi, phó tư lệnh sư đoàn Gaza của Israel được giao nhiệm vụ đối phó hệ thống đường hầm của Hamas, nói hôm 27/10. Các nguồn tin khác ước tính, độ sâu của thành phố ngầm này có thể xuống tới 80m. Đến nay, Israel đã lên kế hoạch và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để phá hủy các đường hầm ở Gaza.
Binh sĩ Israel đi bên trong một đường hầm lớn của Hamas mà quân đội nước này mới phát hiện ngày 15/12/2023. Ảnh: Getty
Phương pháp được áp dụng thường thấy nhất là cho nổ hầm. Muốn phương pháp này thành công, IDF cần phải xác định vị trí và chiều dài của hầm, để đặt chất nổ dọc theo đường hầm đó.
Một phương pháp khác được nhắc tới là bơm nước biển vào các đường hầm. Một chuyên gia cho biết, phương pháp này có nhược điểm là không thể xác định lượng nước cần phải bơm vào vì còn phụ thuộc vào kích thước hầm và khả năng hấp thụ nước của đất. Ngoài ra, việc Hamas được cho là vẫn đang giữ các con tin dưới hầm cũng khiến biện pháp này khó khả thi.
Một biện pháp khác được tính đến là việc đào các đường hầm để chặn hệ thống hầm ngầm của Hamas. Tuy nhiên, với quy mô rộng lớn của hệ thống hầm ngầm Hamas, biện pháp này cần nhiều thời gian và tiền bạc.
Tóm lại, các đường hầm của Hamas thể hiện sự "biến hóa" theo hướng sử dụng hầm ngầm xuyên biên giới như một phần của chiến lược dài hạn nhằm hạn chế ưu thế công nghệ và tiềm lực quân sự của Israel. Phần lớn những đường hầm này do con người tạo nên, rất phức tạp và ở dưới các khu vực được cho là đông dân cư. Điều này khiến quân đội Israel gặp nhiều khó khăn. Dần dần, Hamas được cho là sẽ đánh giá đầy đủ tính linh hoạt của các hệ thống đường hầm để phục vụ nhiều mục đích khác nhau từ liên lạc, bắt cóc, buôn bán vũ khí cho đến thực hiện các vụ tấn công.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi hứng chịu thương vong lớn từ trận đánh và chứng kiến cách phản ứng của lính Nhật, giới chức Mỹ đã cân nhắc về việc có tấn công đất liền Nhật Bản và sử dụng...