Người La Mã dùng hầm ngầm "xuất quỷ nhập thần", khiến đối thủ điêu đứng thế nào?
Người La Mã được xem là bậc thầy về vây hãm và tấn công thành trì. Chỉ riêng việc sử dụng hầm ngầm đã giúp quân La Mã giành lợi thế quyết định trong các cuộc vây hãm.
Binh đoàn La Mã trong một trận chiến. Ảnh: Rocheap
Các chiến lược gia quân sự thường đề cập đến chiến tranh với 3 mặt trận: Trên bộ, trên biển và trên không. Mặt trận thứ tư, ít được nhắc đến, nhưng gần đây bất ngờ gây chú ý trong cuộc xung đột Israel - Hamas. Đó chính là dưới lòng đất (tác chiến hầm ngầm). Dù không được chú ý như những mặt trận còn lại, nhưng tác chiến hầm ngầm được cho là đã nhiều lần mang lại hiệu quả quyết định trong suốt lịch sử xung đột của nhân loại. Loạt bài này phần nào tìm hiểu về loại hình tác chiến này qua các thời kỳ. |
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (tổ chức tư vấn có trụ sở ở Mỹ), các đường hầm chủ yếu được sử dụng như một phương thức tiếp cận và đe dọa các vị trí phòng thủ kiên cố. Người La Mã đã làm rất tốt điều này.
Người La Mã được xem là bậc thầy về vây hãm và tấn công thành trì. Với sự kết hợp giữa năng lực quân sự và kỹ thuật, họ là những chuyên gia trong việc xây dựng các chốt phong tỏa và tìm cách phá hủy hoặc vượt qua hệ thống phòng thủ kiên cố của đối thủ. Theo trang War History Online, chỉ riêng việc tận dụng các đường hầm đã giúp người La Mã giành được lợi thế trong các cuộc vây hãm theo 3 cách.
Tranh mô tả các chiến binh La Mã trong một lần đào hầm. Ảnh: Warfare History Network
Cách thứ nhất là xâm nhập. Việc quân đội La Mã sử dụng các đường hầm được ghi nhận trong cuộc vây hãm Fidenae vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên (TCN).
Theo sử gia La Mã Titus Livius, Fidenae - thuộc địa của Rome khi đó - công khai nổi dậy chống người La Mã dưới thời vua Tullus Hostilius. Vị vua này sau đó triệu hồi các tướng lĩnh và quân đội hùng mạnh cùng hành quân tới thị trấn Fidenae, đánh bại quân nổi dậy.
Dù các tài liệu về cuộc vây hãm Fidenae có nhiều điểm khó xác minh giữa sự thật với các yếu tố hư cấu, nhưng câu chuyện về việc người La Mã đào hầm để binh lính có thể xâm nhập vào thị trấn Fidenae hoàn toàn có cơ sở khi đất ở khu vực xung quanh Fidenae rất dễ đào.
Ngoài ra, về sau này, người ta phát hiện có nhiều căn phòng nhỏ và hang động ở gần đó. Khi tấn công Fidenae (một địa điểm không xa thành Rome của người La Mã), người La Mã dễ dàng gửi bất kỳ thứ gì mà binh lính của họ cần cho việc đào hầm.
Nhưng việc đào hầm để xâm nhập vào thị trấn của đối thủ được cho là một công việc mạo hiểm. Một đường hầm chỉ cung cấp lối đi hẹp xuyên qua tuyến phòng thủ của đối phương. Khi vào bên trong, binh lính La Mã dễ rơi vào tình trạng bị cô lập. Nếu bên ngoài không tấn công đồng loạt, những binh lính xâm nhập vào bên trong sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Tuy mạo hiểm, việc sử dụng đường hầm để xâm nhập vẫn được xem là một chiến thuật thành công, đặc biệt là trong những lần đầu được người La Mã sử dụng.
Một ví dụ điển hình là cuộc vây hãm thành Veii vào năm 396 TCN của người La Mã. Thành Veii khi đó thuộc quyền kiểm soát của người Etruscan. Marcus Furius Camillus, lãnh đạo quân La Mã, năm đó chia lính đào hầm thành 4 nhóm, làm việc theo ca 6 tiếng, đào bất kể ngày đêm nhằm hoàn thành các đường hầm sớm nhất có thể.
Một nhóm sẽ đào về phía trung tâm của thành Veii, trong khi một nhóm thay nhau mang đất đổ đi nơi khác, tránh bị lộ việc đào hầm. Khi hai nhóm này thấm mệt, hai nhóm còn lại sẽ thay ca.
Khi các đường hầm hoàn thành, binh lính La Mã âm thầm xâm nhập vào trung tâm của thành Veii, rồi bất ngờ tấn công đối phương và nhanh chóng chiếm được thành.
Chiến binh La Mã được xem là bậc thầy về vây hãm và tấn công thành trì. Ảnh minh họa: History Skills
Cách thứ hai là phá tường phòng thủ. Thị trấn Fidenae cũng là "nạn nhân" của việc người La Mã sử dụng đường hầm để phá tường phòng thủ.
Đây là một hình thức phá hoại xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Thời Trung Cổ, quân của bên vây hãm sẽ đào bên dưới các bức tường của một thị trấn hoặc thành trì, rồi dùng gỗ chống đỡ. Sau đó, họ đốt các thanh gỗ để làm sập đoạn tường đó.
Người La Mã đã áp dụng cách này để phá tường phòng thủ ở thị trấn Fidenae trong cuộc vây hãm (436-435 TCN). Biết rằng đối phương có thể sẽ cố gắng đối phó việc đào hầm, quân La Mã dưới sự chỉ đạo của tướng Quintus Servilius đã phát động một loạt cuộc tấn công vào thị trấn từ mọi hướng, gây mất tập trung cho đối phương.
Trong khi đó, nhóm lính La Mã khác tiếp tục đào hầm, bắt đầu từ hướng ít được phòng thủ nhất của thị trấn. Theo sử gia La Mã Titus Livius, khi đường hầm được hoàn thành, quân La Mã âm thầm tiến vào thị trấn, bắt giữ quân lính đối phương. Kết thúc trận đánh, người La Mã giành chiến thắng nhờ hầm ngầm mà không bị thương vong nặng nề.
Trang War History Online đã chỉ ra ưu điểm và nhược điểm của chiến thuật trên. Về ưu điểm, chiến thuật đó giúp gây bất ngờ cho đối phương. Nhưng nhược điểm là khi chiếm được thị trấn hoặc thành trì, bên chiến thắng sẽ phải xây dựng lại hệ thống tường phòng thủ.
Đoạn dốc nối (ramp) và một số công cụ hỗ trợ tấn công thành trì của người La Mã. Ảnh: War History Online
Cách thứ 3 là tấn công gián tiếp. Khi tấn công một thành trì, việc đào hầm đắp đất cũng có thể hỗ trợ các hoạt động khác, ngoài xâm nhập và phá tường.
Một trong những công cụ để vượt tường thành phổ biến nhất của quân La Mã là đoạn dốc nối (the ramp). Binh lính La Mã sẽ đắp đất đá hoặc gỗ để xây các sườn dốc áp sát tường phòng thủ của đối phương. Một khi hoàn thành, các đoạn dốc nối này có thể mở đường cho quân đội vượt qua tường thành của đối phương.
Đối phương có thể phá các đoạn dốc nối bằng chính cách mà quân La Mã hay làm, đó là đào hầm. Những đường hầm này được đào từ bên trong thị trấn, hướng đến bên dưới các đoạn dốc nối. Sau đó, họ dùng các thanh gỗ để chống đỡ trước khi đốt chúng khiến đoạn dốc nối bị sập. Để đối phó, người La Mã cho đào thêm nhiều đường hầm khác, nhằm chặn đường hầm của đối phương. Quân La Mã sau đó tấn công kẻ thù trong không gian hẹp ở dưới hầm.
Trong cuộc vây hãm pháo đài Uxellodunum năm 50 TCN, người La Mã còn sử dụng hầm ngầm để làm điều ít ai ngờ tới. Julius Caesar, tướng La Mã khi đó, đã chỉ đạo đào đường hầm tới nguồn cung cấp nước cho pháo đài Uxellodunum. Sau đó, chuyển hướng nguồn nước cũng như bố trí quân bắn phá gần khu vực mà người trong pháo đài Uxellodunum có thể xuống lấy nước.
Pháo đài Uxellodunum đột ngột mất nguồn cung cấp nước. Những người phòng thủ tỏ ra hoang mang vì không có nước và cho rằng các vị thần "quay lưng" với họ. Quân La Mã sau đó dễ dàng chiếm được pháo đài này.
Các đối thủ của người La Mã biết về sự nguy hiểm của các đường hầm. Họ đã thử nhiều cách để phá hủy đường hầm hoặc vô hiệu hóa người đào hầm.
Muốn phá hủy các đường hầm phải phát hiện được chúng. Một phương pháp dùng để phát hiện quân La Mã có đào hầm hay không là đặt những chiếc trống dọc theo tuyến phòng thủ và liên tục theo dõi để phát hiện ra những rung động do việc đào hầm gây ra. Một phương pháp khác là đặt các bát nước trên các đỉnh tường phòng thủ.
Bằng các phương pháp trên, quân phòng thủ có thể phát hiện, thậm chí phán đoán được tiến độ xây đường hầm của người La Mã. Từ đó, chủ động tìm cách đối phó.
Thay vì thụ động ngồi chờ, quân phòng thủ có thể đào các đường hầm chặn đầu đường hầm của quân La Mã. Sau đó, một cuộc tấn công bất ngờ sẽ diễn ra trong bóng tối. Quân phòng thủ sẽ tìm mọi cách để triệt hạ binh sĩ La Mã và đánh sập đường hầm.
Ngoài ra, quân phòng thủ còn có thể làm ngập các đường hầm, dùng khói hun hoặc thả các loài động vật hoang dã để tiêu diệt quân La Mã trong hầm.
Theo trang Imperium Romanum, trong cuộc chiến tranh Mithridate lần 3 (73-63 TCN) giữa La Mã và xứ Pontus, quân La Mã do tướng Lucius Licinius Lucullus chỉ huy đã tiến đến Pontus và bao vây thành phố Themyscira của xứ này.
Theo Appian, một sử gia Hy Lạp, quân lính ở thành phố Themyscira đã có biện pháp đối phó đặc biệt với các đường hầm của quân La Mã. Cụ thể, họ đào những rãnh riêng chặn đầu các đường hầm của người La Mã rồi thả vào đó gấu và ong. Biện pháp này đủ hiệu quả để ngăn cản người La Mã trong thời gian đầu nhưng sau cùng, quân La Mã vẫn chiếm được thành phố.
Trong một số trận đánh với quân La Mã, người Ba Tư đốt lưu huỳnh để tạo ra nhiều khói trong các đường hầm, khiến người La Mã chết ngạt.
------------------------
Hầm ngầm thời xưa chủ yếu được sử dụng để phá lớp phòng thủ trong các thị trấn, pháo đài của đối phương. Nhưng trong Thế chiến II, hầm ngầm còn được sử dụng với mục đích khác, gây hoang mang và thương vong lớn. Mời đọc giả đón đọc bài kỳ tới, đăng ngày 17/12 để cùng tìm hiểu về cách dùng hầm ngầm trong một trận đánh đẫm máu thời Thế chiến II.
Sau khi hứng chịu thương vong lớn từ trận đánh và chứng kiến cách phản ứng của lính Nhật, giới chức Mỹ đã cân nhắc về việc có tấn công đất liền Nhật Bản và sử dụng...
Nguồn: [Link nguồn]