"Bậc thang tử thần" của Hitler, hình phạt khủng khiếp với những tù nhân cứng rắn nhất

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Được Đức Quốc xã mệnh danh là “máy nghiền xương”, Mauthausen là trại tập trung đi dễ khó về với các tù nhân của Hitler trong Thế chiến II. Những hình phạt như “Bậc thang tử thần” hay khu biệt giam như Khu 20 đã khiến không biết bao nhiêu tù nhân phải bỏ mạng.

Cảnh quay trong một bộ phim về trại tập trung Mauthausen. Ảnh: Netflix

Cảnh quay trong một bộ phim về trại tập trung Mauthausen. Ảnh: Netflix

"Bậc thang tử thần"

Tại trại tập trung Mauthausen của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, các tù nhân mà Hitler cho là "cứng đầu nhất" phải nếm trải mùi vị của "Bậc thang tử thần" - một hình phạt rất đáng sợ.

Cụ thể, tù nhân bị buộc phải leo 186 bậc thang trong khi vác theo khối đá granite nặng 50kg trong thời gian dài mà "không được nghỉ một giây". Khi kiệt sức, tù nhân ngã về phía sau, gây ra hiệu ứng domino đáng sợ cho các tù nhân bên dưới. Ngày nào cũng có tù nhân thiệt mạng ở "Bậc thang tử thần" của Mauthausen. 

Christian Bernadac, một cựu tù nhân của trại Mauthausen, từng chia sẻ năm 2017 rằng các bậc đá lởm chởm của "Bậc thang tử thần" khiến các tù nhân gặp khó khăn khi bước lên và bước xuống. 

"Một tù nhân chọn hòn đá nhỏ để vác đã bị bắn chết ngay lập tức. Mỗi người phải đi 8-10 lần mỗi ngày. Chúng tôi không được phép nghỉ một giây", ông Bernadac chia sẻ trên Daily Mail. 

Các tù nhân vác đá nặng đi trên "Bậc thang tử thần" năm 1942. Ảnh: Archiv der KZ

Các tù nhân vác đá nặng đi trên "Bậc thang tử thần" năm 1942. Ảnh: Archiv der KZ

Một cựu tù nhân khác cho biết, lính canh ở Mauthausen còn hỏi các tù nhân xem có muốn nghỉ ngơi một phút hay không. Nếu chấp thuận, tù nhân sẽ bị bắn tại chỗ.

Theo Daily Mail, đôi khi, lính canh Đức Quốc xã còn buộc những tù nhân vác đá chạy trên cầu thang tới khi kiệt sức. Những người còn trụ lại phải đứng xếp thành hàng ở rìa một vách đá. Mỗi tù nhân sẽ phải lựa chọn, hoặc bị bắn hoặc phải đẩy người đứng trước xuống dưới. Một số người không chịu nổi đã tự nhảy khỏi vách đá.

"Bậc thang tử thần" chỉ là một trong số nhiều hình thức tra tấn mà các tù nhân phải đối mặt tại Mauthausen - trại tập trung khắc nghiệt nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. 

"Máy nghiền xương"

Ngày 12/3/1938, Đức Quốc xã sáp nhập Áo. Hai tuần sau, August Eigruber - người đứng đầu vùng Thượng Áo, tuyên bố rằng chính quyền của ông ta sẽ xây dựng một trại tập trung. Địa điểm được chọn là thị trấn Mauthausen. Các đối thủ chính trị và nhóm người bị coi là "tội phạm" hoặc "chống đối" sẽ bị giam cầm ở đây và phải làm việc trong các mỏ đá granite.  

Ngày 8/8/1938, Đức Quốc xã chuyển những tù nhân đầu tiên tới đây từ trại tập trung Dachau. Trong giai đoạn này, các tù nhân chủ yếu là đàn ông Đức và Áo, phải tự dựng trại và làm việc trong mỏ đá. Cuộc sống hàng ngày của họ phải đối mặt với đói khổ và bạo lực. 

Tháng 12/1939, Đức Quốc xã ra lệnh xây dựng Gusen, trại tập trung thứ 2, cách thị trấn Mauthausen khoảng vài km. Gusen chính thức hoạt động vào tháng 5/1940. 

Sau khi Thế chiến II bùng nổ, nhiều tù nhân từ khắp châu Âu bị trục xuất đến Mauthausen. Trong giai đoạn này, Mauthausen và Gusen là 2 trại tập trung có điều kiện giam cầm khắc nghiệt nhất và tỷ lệ tử vong cao nhất. Biệt danh "máy nghiền xương" mà Đức Quốc xã đặt cho Mauthausen đủ để nói lên độ khắc nghiệt tại đây. 

Tù nhân tại trại tập trung Mauthausen. Ảnh: IWM EA

Tù nhân tại trại tập trung Mauthausen. Ảnh: IWM EA

Tù nhân bị ốm hoặc "vô giá trị" với Đức Quốc xã ở Mauthausen không có cơ hội sống sót lâu. Năm 1941, Đức Quốc xã xây dựng một phòng khí độc và các thiết bị khác ở trại Mauthausen để thực hiện các vụ giết người có hệ thống với số lượng lớn tù nhân ốm yếu, "vô giá trị". 

Đức Quốc xã phân biệt các tù nhân bằng các màu và chữ viết tắt. Có tù nhân là tội phạm, người chống đối xã hội, đối thủ chính trị, người di cư, người Do Thái...

Dấu hiệu nhận biết được in trên trang phục của các tù nhân. Đây cũng là thứ quyết định cơ hội sống sót của họ. Người bị đánh đấu là người Do Thái có cơ hội sống sót thấp nhất. Bằng cách phân loại tù nhân, Đức Quốc xã khuyến khích sự cạnh tranh giữa các nhóm tù nhân. 

Tính mạng của tù nhân trong trại Mauthausen thường xuyên bị đe dọa, cái chết hiện diện khắp nơi. Thiếu dinh dưỡng cộng với điều kiện lao động vất vả khiến các tù nhân gần như kiệt sức. Các phòng giam chật chội và tình trạng vệ sinh kém là nguồn cơn của bệnh truyền nhiễm. 

Quân Đức muốn ngăn tình trạng bệnh tật lây lan trong trại nhưng lại không muốn tốn kém về y tế. Chỉ một số tù nhân có đặc quyền được chăm sóc y tế đầy đủ. Số còn lại chủ yếu nhận được sự chăm sóc từ chính các tù nhân có kinh nghiệm hoặc từng là bác sĩ. 

Phần lớn tù nhân bị bệnh nặng đều được giữ trong cái gọi là khu vực đặc biệt, sau này được gọi là kho y tế. Họ không thể làm việc nên không nhận được bất kỳ sự chăm sóc y tế nào. Không những vậy, các tù nhân này còn trở thành "chuột bạch" thí nghiệm cho Đức Quốc xã, bị tiêm thuốc độc hoặc bị bỏ rơi đến chết. Thậm chí, một số tù nhân còn bị giảm khẩu phần ăn, xịt nước rồi cho nằm ngoài trời lạnh đến chết. 

Mùa xuân năm 1941, Đức Quốc xã bắt đầu chương trình Aktion 14f13, một chiến dịch giết người nhằm vào các tù nhân ốm yếu trong các trại tập trung. Các tù nhân được chuyển tới lâu đài Hartheim, bị giết bằng khí độc CO rồi đem đi hỏa táng. Đáng nói, Aktion 14f13 diễn ra dù Hitler vừa cho dừng Aktion T4 - chương trình "cưỡng tử" nhằm vào người khuyết tật. Khoảng 5.000 tù nhân từ 2 trại tập trung Mauthausen và Gusen, cùng với 3.000 tù nhân khác từ trại Dachau đã bị giết hại tại Hartheim như một phần của chương trình Aktion 14f13. 

Vượt ngục

Một khu xử tử ở trại tập trung Mauthausen và một tù nhân bị cắt cụt chân nhưng vẫn sống sót tới khi trại được giải phóng. Ảnh: Mauthausen

Một khu xử tử ở trại tập trung Mauthausen và một tù nhân bị cắt cụt chân nhưng vẫn sống sót tới khi trại được giải phóng. Ảnh: Mauthausen

Mùa xuân năm 1945, khoảng 2.000 - 5.000 tù nhân bị đưa đến trại tập trung Mauthausen với cái mác tù nhân "K". Đây chủ yếu là các sĩ quan của Liên Xô, những người cố gắng bỏ trốn ở các trại tập trung khác, hoặc các tù binh chính trị. Đức Quốc xã chuyển họ tới đây để xử tử. 

Trước tháng 2/1945, 350 tù nhân "K" đã bị xử tử. Phần lớn bị bỏ mặc cho đến chết ở Khu 20, nơi được xây dựng cách biệt với phần còn lại của trại tập trung Mauthausen với hàng rào dây thép gai và một bức tường đá. Các tù nhân ở đây phải ngủ trên sàn lạnh, được cho ít thức ăn nên không có nhiều cơ hội sống sót. 

Bị dồn tới bước đường cùng, 500 tù nhân "K" quyết định vượt ngục vào ngày 2/2/1945. Với đá cuội, bình chữa cháy, xà phòng và than đá, họ tấn công các tháp canh. Nhóm tù nhân này còn dùng chăn để vượt qua hàng rào thép gai tích điện. 

Một số người sớm gục ngã vì không còn đủ sức lực. Những người khác bị lính canh bắn chết. Hơn 400 người trốn được ra khỏi Khu 20. 

Những tù nhân "K" ốm yếu không bỏ trốn bị sát hại ngay đêm đó. Trong khi đó, lính canh mở một cuộc truy lùng quy mô lớn. Gần như toàn bộ trong số hơn 400 người bị bắt lại và giết ngay lập tức. 

Khi quân Đồng Minh tiếp cận Mauthausen vào tháng 4/1945, quân Đức Quốc xã tiêu hủy bằng chứng về tội ác tại trại tập trung này. Cuối Thế chiến II, Mauthausen trở thành điểm đến cho các cuộc sơ tán khỏi các trại tập trung gần chiến tuyến.  

Ngày 3/5/1945, thành viên cuối cùng của Đức Quốc xã trốn khỏi 2 trại Mauthausen và Gusen. Hai ngày sau, quân Mỹ đã giải phóng 40.000 tù nhân khỏi 2 trại này.  

Theo trang Mauthausen Memorial, có tổng cộng 190.000 tù nhân ở trại tập trung Mauthausen và các trại nhỏ của nó. Ít nhất, 90.000 người trong số này đã chết.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23
Một lá thư khiến Hitler gây ra cái chết của 300.000 người như thế nào?

Có thời điểm, nhiều gia đình có con và người thân khuyết tật rơi vào trạng thái hoang mang khi người thân bị đưa tới những địa điểm không xác định. Rồi một ngày, họ nhận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Những trại tập trung đáng sợ nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN