Running forehand “sát thủ” như Djokovic

Running forehand hay nôm na là cú thuận tay vừa đánh vừa chạy là một trong những vũ khí giành winner của Nole.

1. Hãy chú ý điểm ở vai trái của Djokovic để thấy Nole mở vợt khá cao trước khi chuẩn bị cho cú đánh. Trước khi thực hiện running forehand, Nole đã thực hiện một bước chạy dài nên mọi động tác phải thực hiện rất nhanh. Khi đã đoán được đường đi của bóng, Djokovic ngay lập tức xoay người và “dán chặt” ánh mắt vào trái bóng gần như song song qua vai trái. Đồng thời đôi chân của Nole cũng quay theo hướng chạy tới bóng. Chú ý là Nole sử dụng cách cầm vợt số 3.5 (semi-western).

2. Duy trì tư thế gần như giống bước 1, Djokovic kéo vợt sâu và xoay vai hơn nữa để chuẩn bị cho cú đánh. Bạn có thể được hướng dẫn cách di chuyển những bước nhỏ (split step), kỹ thuật nền tảng của 99,99% các cú đánh, nhưng điều ấy chỉ lý tưởng với những tình huống bóng ở gần cơ thể. Còn khi phải bao sân với một pha điều bóng của đối phương, bạn nên chạy bước rộng hết mức có thể, nhưng vẫn phải giữ được tư thế chuẩn bị, như Nole đã làm. Đây là chìa khóa để tăng tốc độ đầu vợt nhưng vẫn luôn kiểm soát cú đánh.

Running forehand “sát thủ” như Djokovic - 1

Các bước 1, 2, 3, 4

3. Djokovic hạ đầu vợt và chùng gối thấp hơn nữa nhằm tận dụng sức bật từ những bước chạy. Động tác này gần giống như khi người ta chuẩn bị quất roi ngựa (ở đây là cây vợt). Chúng ta thường thấy các tay vợt thời hiện đại thường dùng thế chân mở (open stance) và bật khỏi mặt đất khi mở vợt. Nhưng ở đây sự khác biệt nằm ở cách chạy. Nole dùng thế chân đóng (closed stance), như thể không có thời gian để có thêm một động tác thừa khác, và đầu gối hạ thấp khi mở vợt để hấp thụ tác động khi chạy. Chỉ trong động tác mở vợt này, Djokovic đã kết hợp cả tốc độ và chuyển động.

4. Nole thậm chí còn hạ thấp gối hơn nữa khi mở vai và bắt đầu tăng tốc độ đầu vợt. Khi Nole bắt đầu nâng gia tốc vợt về phía trước, đầu gối vẫn rất thấp. Đặc biệt ngay cả khi đôi chân đang trong quá trình di chuyển tốc độ cao ở thời điểm này, phần trên cơ thể của Djokovic vẫn ở trạng thái ổn định xuyên suốt quá trình mở vợt. Vai bắt đầu mở và chuôi vợt (butt cap) hướng thẳng về trái bóng đang bay tới.

Cú running forehand dọc dây của Nole trong trận CK Australian Open 2012

5. Khi tiếp xúc bóng, Djokovic không chỉ đánh vào bóng mà còn hấp thụ lực từ cú đánh của đối thủ và toàn bộ năng lượng ở thời điểm này sẽ bung ra. Nole chạm bóng ở phần trước cơ thể, do đó kết nối được cả lực đánh phát ra tới trái bóng. Vai của Djokovic lúc này phần lớn hướng về phía lưới nhưng chân và hông vẫn không có nhiều sự thay đổi so với trước. Điểm tiếp xúc bóng như thế là hoàn hảo để Nole tạo sự cân bằng và vững chắc khi chạm bóng.

6. Khi bóng rời vợt, Djokovic bắt đầu hạ thấp gối hơn nữa như một “chiếc phanh” để hãm đà chuyển động và xoay người về phía lưới. Điều đó giúp Nole không bị mất cân bằng khi thực hiện running forehand. Tay phải cầm vợt xoa nhẹ và xoay nhiều hơn một chút hướng tới phía trước, đó là lúc Djokovic tăng thêm độ topspin (đưa bóng xoáy sâu về cuối sân và nảy cao) khiến cho đối thủ đứng ở vạch baseline bên kia sân gặp khó khăn.

Running forehand “sát thủ” như Djokovic - 2

Các bước 5, 6, 7, 8

7. Nhìn Djokovic giống như đang ngồi ở thời điểm này nếu ta đặt một chiếc ghế ở phía sau. Ở giai đoạn vợt theo bóng (follows through), như thể Nole đang dùng vợt “quấn” một vòng quanh đầu thay vì vòng qua vai trái giống những kỹ thuật cơ bản khác. Đó là vì Djokovic đã thực hiện cú running forehand ở thế chân đóng và bây giờ Nole mới chuẩn bị cho bước kết thúc cú đánh.

8. Chỉ cần một chuyển động bằng việc đưa chân phải lên và đồng thời xoay hông đã đưa Djokovic trở lại vị trí sẵn sàng cho cú đánh tiếp theo. Cánh tay trái không cầm vợt bây giờ là cán cân quan trọng để giúp Nola không bị quá nghiêng người và mất cân bằng về một bên. Từ đó đẩy cơ thể trở lại phía trung tâm của sân đấu.

Cú running forehand của Djokovic ở thời điểm hiện tại đã được nâng tầm và có mức “sát thương” cao hơn nhiều. Đặc biệt khi Nole sở hữu kỹ thuật “trượt băng” và “hãm phanh” khi thực hiện cú đánh không chỉ trên mặt sân đất nện (phù hợp với động tác này) mà còn cả trên mặt sân cứng. Điều này càng giúp cho running forehand của Nole mang tính đa dạng, có thể tấn công ở thế chủ động và phản công ở thế bị động với những cú đánh bất ngờ giành winner ngay cả khi bị dồn ép về hai góc sân.

Cú running forehand chéo sân của Nole trong trận BK US Open 2011

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Dạy tennis kèm video Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN