Nadal: Sự đối nghịch với Federer (Kỳ 6)
Nadal và Federer là hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược tại Wimbledon 2008.
Câu chuyện: “Clark Kent và Superman”
(Đây là câu chuyện nói về Nadal xung quanh trận chung kết Wimbledon 2008, như một phụ lục bên lề của chương 1)
Nadal bước vào sân Trung tâm chuẩn bị cho trận chung kết Wimbledon 2008 như thể một chiến binh, với đôi mắt nghiêm khắc có sát khí và đôi tay nắm chặt cây vợt giống như cầm chiếc rìu của người Viking. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy một sự tương phản rõ rệt so với Federer: Một bên là tay vợt trẻ với chiếc áo đấu cộc tay và cái quần kiểu cướp biển, một bên là tay vợt từng trải trong bộ cánh màu kem, với áo len chạm nổi chỉ vàng và chiếc sơ mi mang phong cách của Fred Perry (tay vợt huyền thoại của Vương quốc Anh, người gần nhất giành Wimbledon năm 1936). Một bên là tay vợt trông có vẻ lép vế với dáng dấp đường phố, một bên là tay vợt trông tinh tế và như ở một đẳng cấp cao hơn.
Nadal và Federer là hai hình ảnh trái ngược nhau về phong cách
Nếu như Nadal với những bắp tay cuồn cuộn, là hình ảnh của một kẻ có sức mạnh hung bạo, thì Federer mềm mại và uyển chuyển hơn nhiều ở tuổi cận kề 27, như mang dòng dõi quý tộc tự nhiên. Nếu như Nadal, tay vợt vừa mới bước sang tuổi 22, trầm lặng như một “sát thủ” thì Federer là một nhà quý tộc tản bộ vẫy chào với đám đông, giống như anh ấy sở hữu cả Wimbledon và đang đón chào những vị khách tới dự bữa tiệc trong khu vườn của mình.
Federer bình thản giống một người đãng trí và kiêu kỳ trong cả thời gian khởi động trước trận chung kết giống như không hề nghĩ rằng đây là trận quyết đấu của những gã khổng lồ. Nadal gầm vang như sấm giống một anh hùng hành động trong trò chơi PlayStation. Anh đánh cú thuận tay như đang nã đạn từ một khẩu súng trường, nhắm bắn từ khẩu súng tưởng tượng, mắt chăm chú hướng tới mục tiêu và bóp cò. Còn Federer – cái tên theo tiếng Đức cổ là “bút lông ngỗng” – không bộc lộ cảm xúc nào hay căng thẳng như một cỗ máy. Anh ấy thả lỏng một cách tự nhiên. Nadal (cái tên nghĩa là “Giáng sinh” theo tiếng Catalan hay của người dân sống ở Mallorca, có phần hoa mỹ hơn “bút lông ngỗng”) là mẫu người mạnh mẽ, như hầu hết những vận động viên thể thao hiện đại; Federer thuộc tuýp người cổ điển trong thập niên 1920 khi tennis là trò tiêu khiển và là bài tập luyện tinh thần sau bữa trà chiều.
Đó là những gì mà cả thế giới nhìn thấy. Federer hẳn đã thấy tiếng gầm gừ của đối thủ trẻ tuổi, người đang đe dọa sẽ tiếm ngôi vương của mình, ngăn cản kỷ lục 6 lần liên tiếp vô địch Wimbledon và thay thế vị trí số 1 mà Federer đã nắm giữ 4 năm qua. Sự tác động của Nadal tới Federer ở trong phòng thay đồ trước trận đấu giống như một cách “dằn mặt” đối thủ, hay nói cách khác, theo quan điểm của Francis Roig, huấn luyện viên thứ hai của Nadal, “Federer phải nhận ra anh ta sẽ phải giải quyết một hòn đá tảng. Lúc Nadal đứng dậy từ bàn mát-xa, sau khi Maymo quấn xong băng, cậu ấy làm cho đối thủ lo lắng,” Roig nói, “Chỉ một hành động đơn giản như quấn cán vợt cũng có cảm giác đáng sợ; đôi mắt nhìn xa xăm như thể không có gì xung quanh cậu ấy. Sau đó bất thình lình cậu ấy thở sâu và bắt đầu thực hiện những cú nhảy lên xuống như không biết thực tế đối thủ chỉ cách vài bước trong căn phòng và Nadal nói vang: “Vamos! Vamos!” (Tiến lên! Tiến lên).”
Nadal luôn khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải thận trọng
Có một cái gì đó hung tợn dữ dằn trong đấy. Các tay vợt khác có thể có những suy nghĩ của riêng mình nhưng anh ta sẽ không thể thoát được cái tư tưởng thận trọng thoáng qua lặp đi lặp lại trong ý nghĩ, “Ôi Chúa ơi! Đó là Nadal, người luôn chiến đấu giành từng điểm như thể đó là điểm cuối cùng. Hôm nay mình phải ở phong độ cao nhất và phải có một ngày để đời. Nếu không thắng, đây có khi là cơ hội cuối cùng.”
Những gì diễn ra trước mắt Roig có thể được miêu tả như một sự cách biệt giữa Nadal - tay vợt thi đấu “với một thứ gì đó mà chỉ có nhà vô địch thực sự mới có” so với Nadal ở ngoài đời. “Bạn cần biết một phần trong cậu ấy cũng tồn tại những lo lắng sợ hãi. Cậu ấy cũng như bất cứ người bình thường nào trên đời này, rất đứng đắn và tốt bụng, và không biết chắc lúc nào có thể điều khiển được những mối lo âu thường trực trong người, nhưng bạn đã thấy anh ấy ở trong phòng thay đồ và đột nhiên trở thành một kẻ bất khả chiến bại.”
Nhưng gia đình của Rafael không biết điều đó từ phòng thay đồ cho tới khi bước lên trên sân Trung tâm, rằng cậu ấy là một kẻ đi chinh phục hay một võ sỹ giác đấu với cây rìu trên tay, càng không phải là một chú bò tót hăng máu muốn chọc thủng con mồi. Họ lo sợ cho cậu ấy. Họ biết cậu ấy xuất chúng và cũng biết cậu ấy can đảm như thế nào, trong khi họ không được phép để lộ những cảm giác bất an về cậu ấy, nhưng những gì diễn ra hiện tại ngay trước khi trận quyết đấu bắt đầu, là một cảm giác mong manh đến gai người.
“Đội hình” của Nadal gồm những ai, họ đã hỗ trợ cho Rafa như thế nào? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Sáu 22/3.