Nadal & nỗi đau tại Wimbledon (Kỳ 1)

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 564Kỳ mới nhất

Thất bại trước Federer tại Wimbledon năm 2007 đã khiến Nadal thực sự sụp đổ.

“Rafael Nadal – Vua đất nện”, cái tên sẽ đi vào huyền thoại với bao câu chuyện về ý chí và sự nỗ lực tột cùng để trở thành một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử làng banh nỉ. Bắt đầu từ hôm nay 1/3, Thể thao 24h.com.vn sẽ giới thiệu lần lượt những câu chuyện trong hậu trường sự nghiệp của Nadal, được chính Rafa và tác giả John Carlin hoàn thành trong cuốn tự truyện “Rafa – My story”.

Hãy đón đọc loạt bài về Rafael Nadal, chỉ có trên 24h.com.vn, vào lúc 17h thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần.

CHƯƠNG 1: Sự tĩnh mịch trên sân Trung tâm

Không gian tĩnh lặng, đó là thứ sẽ tấn công bạn khi bạn chơi trên sân Trung tâm tại Wimbledon. Mặt sân mềm khiến trái bóng nảy lên xuống gần như không tiếng động, bạn tung bóng để chuẩn bị giao bóng, rồi đánh vào bóng và chỉ nghe thấy tiếng vang trong cú đánh của mình. Và tất cả những cú đánh sau đó chỉ là âm thanh “păng, păng, păng…” (tiếng động khi bóng chạm vợt - 24h). Mặt cỏ được cắt tỉa, một bề dày lịch sử, những sân đấu cổ kính, những tay vợt luôn diện đồ trắng, những khán giả tôn kính, một truyền thống lâu đời – không có bất cứ biển quảng cáo nào trên sân – tất cả như biến bạn trở thành một con người ở thế giới khác.

Nadal & nỗi đau tại Wimbledon (Kỳ 1) - 1

Nadal luôn mơ một ngày đăng quang tại Wimbledon

Những xúc cảm ấy có lợi cho tôi, khi sự im lặng như trong thánh đường ở sân Trung tâm luôn phù hợp để tôi chơi thứ tennis của chính mình. Vì cuộc đấu khó khăn nhất của tôi trong những trận tennis là dập tắt mọi âm thanh trong đầu, đóng lại tất cả những suy nghĩ để tập trung vào trận đấu mà mình đang chơi. Nếu tôi mắc sai lầm ở một điểm số, hãy quên nó đi, và nhanh chóng nghĩ tới chiến thắng, để ngay lập tức vượt qua được cảm giác ấy.

Sự tĩnh mịch trên sân Trung tâm chỉ bị phá vỡ khi kết thúc một điểm số, nếu đó là một pha ăn điểm đẹp mắt – vì khán giả ở Wimbledon có thể cho biết sự khác nhau giữa hai điểm số - bằng tiếng nói ồn ã, tiếng vỗ tay, tiếng reo hò và họ gọi cả tên bạn. Tôi có thể nghe tất cả nhưng như thể là từ ai đó ở rất xa. Tôi không để ý tới 15.000 người có mặt trên sân đấu và theo dõi nhất cử nhất động của đối thủ và cả tôi thi đấu. Tôi quá tập trung đến nỗi không còn cảm xúc với tất cả, như lúc tôi suy nghĩ trong trận chung kết Wimbledon 2008 với Roger Federer. Một trận đấu để đời và có hàng triệu người trên khắp thế giới xem tôi thi đấu.

Nadal & nỗi đau tại Wimbledon (Kỳ 1) - 2

Rafa đã khóc khi thua Federer tại chung kết Wimbledon 2007

Tôi đã luôn có giấc mơ được chơi ở Wimbledon. Chú Toni, người sẽ là huấn luyện viên cả sự nghiệp của tôi, nhắc đi nhắc lại rằng đây là giải đấu danh giá nhất so với mọi sự kiện khác. Khi 14 tuổi, tôi luôn chia sẻ với bạn bè hình ảnh trong tâm khảm sẽ được chơi ở đó trong một ngày và giành chiến thắng. Cho dù đến trước năm 2008, tôi đã thua Federer hai lần liên tiếp trong các trận chung kết trước đấy.

Thất bại năm 2006 không quá thất vọng. Tôi bước ra sân khi đó với cảm giác dễ chịu và khoan khoái, khi vừa mới bước qua tuổi 20 mà đã làm được điều này. Federer thắng tôi dễ dàng (6–0, 7–6(7–5), 6–7(2–7), 6–3), dễ hơn nhiều so với suy nghĩ của tôi. Nhưng trận thua năm 2007, trong trận đấu 5 set (7–6(9–7), 4–6, 7–6(7–3), 2–6, 6–2), làm tôi đau đớn đến cùng cực. Tôi biết tôi có thể làm tốt hơn, đó không phải là vì khả năng thực sự của tôi hay phong độ trong trận đấu ấy khiến tôi thua trận, tất cả là vì những suy nghĩ trong đầu. Tôi đã rớt nước mắt khi thua cuộc và khóc như mưa suốt nửa giờ đồng hồ trong phòng thay đồ.

Trận chung kết Wimbledon 2007 giữa Federer và Nadal

Đó là những giọt nước mắt hòa quyện của thất vọng và sự dằn vặt bản thân. Thất bại luôn luôn đau đớn, nhưng tồi tệ hơn khi bạn có cơ hội chiến thắng và vứt bỏ tất cả. Chính tôi đã tự thua hơn là bị Federer đánh bại, chính tôi đã khiến mình gục ngã và tôi ghét điều đó. Chính tôi đã tự sa sút tinh thần, tự cho phép mình bị phân tâm và tự ý thay đổi lối chơi trong trận đấu. Đó là sự ngu xuẩn không cần thiết! Rõ ràng đó chính xác là những thứ bạn không được phép làm trong những trận đấu lớn.

Nadal & nỗi đau tại Wimbledon (Kỳ 1) - 3

Chú Toni đã dìu dắt Nadal từ khi mới cầm vợt

Chú Toni, vị huấn luyện viên nghiêm khắc nhất, luôn là người cuối cùng trên thế giới này an ủi tôi; thậm chí ông còn chỉ trích ngay cả khi tôi giành chiến thắng. Đó là liều thuốc để làm tan nỗi thất vọng trong tôi, khi ông từ bỏ sự sắt đá thường ngày mà nói với tôi chẳng có lý do gì phải khóc vì còn nhiều những giải Wimbledon và những trận chung kết nữa. Tôi nói ông không hiểu mình, vì có thể đây là lần cuối cùng tôi có cơ hội giành chức vô địch. Tôi rất, rất ý thức sâu sắc rằng tuổi đời của những vận động viên chuyên nghiệp ngắn ngủi thế nào và tôi không thể chịu đựng được cái ý nghĩ đã lãng phí những cơ hội và không thể làm lại. Tôi biết mình sẽ không thể hạnh phúc khi sự nghiệp kết thúc và tôi phải làm điều đó vĩ đại khi nó đang diễn ra. Vì những khoảnh khắc vinh quang ấy, lý do để tôi đã phải luyện tập cật lực, nhưng khi đã gần đến được vạch đích, tôi đã bỏ đi một cơ hội lớn trong năm 2007. Tôi đã để lỡ thời khắc mà có lẽ không bao giờ trở lại, vì 2 hay 3 điểm số mà đáng lẽ nếu tôi tập trung hơn, mọi thứ đã khác. Bước ngoặt trong tennis đôi khi chỉ là những điểm số nhỏ nhất. Tôi đã để thua set 5 với tỷ số 2-6 nhưng nếu tôi bình tĩnh và sáng suốt hơn ở thời điểm bị dẫn 2-4, thậm chí 2-5, khi đã nắm giữ tới 4 cơ hội để bẻ game anh ấy giao bóng, giống như những gì tôi đã làm trước đó. Hoặc nếu tôi bước vào set 5 cũng giống như set 1 và không nghĩ đây là set cuối, tôi đã có thể chiến thắng.

Chú Toni không thể làm giảm bớt nỗi đau của tôi. Nhưng ông đã nói đúng, một cơ hội khác lại đến với tôi, chỉ một năm sau. Tôi đã kiên quyết lấy bài học thất bại 12 tháng trước, để bất cứ điều gì cũng không được để làm ảnh hưởng tới suy nghĩ trong đầu mình. Bộ não bên phải của tôi chứa đựng niềm tin, lan tỏa tất cả những dây thần kinh, rằng tôi sẽ chiến thắng.

(còn tiếp...)

Nadal đã chuẩn bị như thế nào cho trận chung kết Wimbledon 2008 với Federer? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Hai 4/3.

Nhân vật trong tự truyện của Nadal

Gia đình

Rafael Nadal: Tay vợt, biệt danh là Rafa, “Vua đất nện” (King Clay)

Sebastian Nadal: Cha của Rafa

Ana Maria Parera: Mẹ của Rafa

Maribel Nadal: Em gái Rafa

Toni Nadal: Chú và là huấn luyện viên của Rafa

Miguel Angel Nadal: Chú của Rafa, cựu cầu thủ của đội bóng Barcelona

Marilen Nadal: Dì và là mẹ đỡ đầu của Rafa

Don Rafael Nadal: Ông nội của Rafa

Pedro Parera: Ông ngoại của Rafa

Juan Parera: Cậu và là cha đỡ đầu của Rafa

Thành viên trong đội ngũ huấn luyện

Carlos Costa: Đại diện của Rafa

Rafael Maymo: Chịu trách nhiệm vật lý trị liệu của Rafa, có biệt danh Titin

Benito Perez Barbadillo: Đại diện truyền thông của Rafa

Joan Forcades: Huấn luyện viên thể lực của Rafa

Francis Roig: Huấn luyện viên thứ hai của Rafa sau ông Toni

Jordi Robert: Bạn thân của Rafa xử lý các công việc liên quan đến Nike, có biệt danh Tuts

Angel Ruiz Cotorro: Bác sỹ của Rafa

Jofre Porta: Huấn luyện viên của Rafa khi còn trẻ

Bạn bè

Maria Francisca Perello: Bạn gái của Rafa, có biệt danh là Xisco

Carlos Moya: Cựu tay vợt số 1 thế giới đồng hương Tây Ban Nha

Tomeu Salva: Người bạn của Rafa khi còn nhỏ

Miguel Angel Muna: Bạn thân thuở lọt lòng của Rafa

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 564Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN