Nadal & "nghi lễ" trước trận quyết đấu (Kỳ 4)

Nadal có bí mật gì trước trận đấu quan trọng như CK Wimbledon 2008?

Nếu trò chuyện vui vẻ hoặc nói về bóng đá với Federer ở phòng thay đồ, như thể chúng tôi đang đứng trước một trận biểu diễn, có thể anh ấy sẽ ngay lập tức hiểu theo ý nghĩa đấy là tín hiệu của sự lo lắng. Thay vào đó, chúng tôi tỏ ra lịch sự với nhau bằng những cái bắt tay, rồi gật đầu cùng những nụ cười nhẹ, sau đó bước tới căn tủ của mỗi người. Có thể chỉ cách nhau 10 bước chân nhưng cả hai gần như giả vờ kiểu như không có ai ở đó ngoài mình. Thực sự việc tôi ở phòng thay đồ hay không thì cũng không quan trọng, vì tôi vẫn đang đóng chặt những ý nghĩ của mình trong đầu và lập trình tự động những gì sẽ diễn ra sắp tới.

45 phút trước khi trận chung kết bắt đầu, tôi tắm nước lạnh. Một cảm giác tê cóng. Tôi vẫn làm thế trước mỗi trận đấu. Nó giống như là bước đầu tiên trong nghi lễ bắt đầu trận đấu của tôi. Trong làn nước lạnh, tôi như nhập vào một không gian nơi mà tôi cảm thấy tràn đầy sức mạnh và sung mãn. Tôi đã là con người khác, một kẻ hưng phấn hơn bao giờ hết. Tôi đang “tập trung cao độ”, mà theo những nhà tâm lý học thể thao mô tả là trạng thái bản năng tự nhiên nhất, như thể cá gặp nước. Không còn gì khác tồn tại ngoài trận đấu phía trước.

Nadal & "nghi lễ" trước trận quyết đấu (Kỳ 4) - 1

Trong suy nghĩ của Nadal chỉ có trận đấu phía trước

Đó là điều gì thực sự tốt, vì tiếp đó tôi không phải là gì khác, ngoài việc để mọi thứ trở lại như bình thường. Tôi xuống tầng dưới để bác sỹ tiêm một liều giảm đau vào bàn chân trái. Nó đã sưng và phồng rộp từ trận đấu vòng 3 và cần phải làm dứt những cơn đau, nếu không nó sẽ trầm trọng hơn đến nỗi tôi không thể thi đấu được.

Rồi tôi trở lại phòng thay đồ một lần nữa, tiếp tục những nghi lễ quen thuộc của mình. Bây giờ là lúc tôi chìm đắm trong âm nhạc để tiếp tục sự tập trung và loại bỏ mọi thứ xung quanh tôi. Titin băng bó chân trái, còn tôi bắt đầu quấn cán cho những cây vợt, tổng cộng là 6 cái tôi sẽ mang vào sân. Luôn luôn là như vậy. Cán vợt màu đen và tôi bắt đấu quấn quanh bằng dải băng màu trắng, cứ thế một vòng theo đường chéo quanh cán. Tôi không nghĩ gì khi ấy, mà hành động một cách vô thức theo cảm tính.

Tiếp đến tôi nằm lên bàn mát-xa để Titin tiếp tục băng chân trái một vòng nữa ngay dưới đầu gối. Tôi vẫn hơi đau và những vết băng sẽ giúp tôi giảm bớt sự đau đớn nếu nó xuất hiện.

Chơi thể thao là một điều tốt cho sức khỏe với những người bình thường nhưng không tốt cho những vận động viên chuyên nghiệp. Nó đẩy con người tới những giới hạn đỉnh điểm mà không phải ai cũng có thể trang bị những kỹ năng xử lý tốt nhất. Đó là lý do vì sao mọi vận động viên chuyên nghiệp đều phải trải qua những chấn thương hoặc chấm dứt dự nghiệp vì nó. Đã có những khoảnh khắc trong sự nghiệp tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục thi đấu ở đẳng cấp cao nhất hay không? Tôi đã chơi với sự đau đớn trong nhiều thời điểm với ý nghĩ ai cũng có lúc như thế. Có lẽ chỉ trừ Federer. Tôi luôn phải thích ứng với những cơn đau cơ bắp lặp đi lặp lại do môn quần vợt mang lại nhưng anh ấy thì dường như sinh ra để chơi tennis. Cơ thể của Federer, hay DNA của anh ấy gần như là hoàn hảo để thích nghi với tennis và “miễn dịch” với những chấn thương, trong khi chúng tôi luôn phải chịu đựng những cơn đau để thi đấu.

Người ta bảo Federer không tập nặng như tôi. Tôi không biết đó phải là sự thật hay sự suy đoán. Nhưng ngay cả các môn thể thao khác cũng như vậy, chúng ta phải học cách sống chung với đau đớn, với những game đấu kéo dài, bởi vì bàn chân, vai hay đôi chân sẽ gửi thông điệp tới bộ não bảo rằng hãy ngừng lại. Đó là lý do vì sao tôi luôn phải băng bó kỹ trước mỗi trận đấu, như một phần nghi lễ trong sự chuẩn bị của tôi.

Nadal & "nghi lễ" trước trận quyết đấu (Kỳ 4) - 2

Nadal từ lâu luôn thi đấu trong tình trạng chấn thương ở chân trái

Sau khi Titin kết thúc công việc với cái đầu gối, tôi đứng dậy mặc quần áo, ra bồn rửa mặt và xối nước vào tóc và bắt đầu buộc băng đô. Đó là một hành động vô thức khác mà không phải suy nghĩ, nhưng tôi làm thật chậm, cẩn thận, buộc thật chặt và để điểm nút ở phía sau đầu. Nó giúp ngăn mái tóc lòa xòa vào mắt tôi nhưng cũng là một phần trong “nghi thức” không thể thay đổi, giống như tắm nước lạnh, để tôi mài giũa cảm giác trước khi bước vào trận chiến.

Để đến gần lúc phải bước ra sân. Adrenaline lại tuôn chảy tràn ngập các dây thần kinh. Tôi hít sâu và thở ra như một cách để bùng nổ giải phóng năng lượng trong cơ thể. Nhưng tôi vẫn ngồi yên để Titin băng nốt những ngón tay trái, tay cầm vợt của tôi, một cách mau lẹ và im lặng trong lúc tôi vẫn đang quấn nốt cán vợt. Không có gì về vấn đề thẩm mỹ ở đây. Đơn giản nếu không băng ngón tay, da sẽ căng ra và mọng nước trong suốt cả trận đấu.

Tôi đứng dậy và bắt đầu khởi động, một cách “bạo lực” để kích hoạt ngòi nổ trong cơ thể - như cách ví von của Titin. Còn Toni vẫn đứng ở gần đấy nhìn tôi và không nói gì nhiều. Tôi không biết liệu Federer có nhìn mình hay không. Tôi chỉ biết rằng anh ấy không bận rộn như tôi trước mỗi trận đấu. Tôi thì bật lên bật xuống, thực hiện bước chạy ngắn trong căn phòng có chiều dài hình như không quá 6m. Cứ mỗi đoạn tôi lại dừng lại để xoay cổ, vai, cổ tay và cuối xuống uống cong đầu gối. Cứ thế bật, chạy nhiều lần như vậy như thể tôi đang ở trong phòng tập thể dục ở nhà. Những lúc ấy tôi vẫn giữ tai nghe để tiếp tục chìm đắm trong những giai điệu. Sau đó tôi đi vệ sinh (có một bí mật, đó là tôi đi vệ sinh rất nhiều trước trận đấu, như thể dây thần kinh chi phối, đến 5 hoặc 6 lần trong vòng một giờ). Sau đó tôi trở lại, khởi động cánh tay và vai thêm nhiều lần nữa.

Toni ra hiệu và tôi bỏ tai nghe. Ông cho biết sẽ có một cơn mưa làm trì hoãn trận đấu nhưng không quá 15 phút theo dự báo. Tôi không bối rối vì đã sẵn sàng cho điều này. Mưa cũng có tác động tương tự tới Federer giống như tôi và không việc gì phải mất phương hướng. Tôi ngồi xuống và kiểm tra vợt, cảm nhận độ cân bằng, trọng lượng, rồi chỉnh lại đôi tất, kiểm tra kỹ cả độ dài trên ống chân có đều nhau hay không. Toni cúi xuống và nhắc nhở: “Đừng đánh mất tập trung vào chiến thuật. Hãy làm những gì cháu phải làm.” Tôi nghe nhưng thực tế chả nghe thấy gì cả. Tôi biết vào lúc này tôi phải làm gì.

(còn tiếp…)

Nadal đã bước vào trận đấu với Federer như thế nào? Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 15h thứ Sáu 15/3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN