Nadal: “Gót chân Achilles” của Rafa (Kỳ 46)

Rafa sẽ phải sống chung với chấn thương trong cả sự nghiệp.

Tôi giành tới 11 chức vô địch trong mùa giải 2005, cũng bằng với số danh hiệu của Federer, và tôi nhảy vọt lên số 2 thế giới. Tôi đã tạo dựng được tên tuổi ở Tây Ban Nha và cảm thấy mình đã sẵn sàng để chơi thứ tennis ở đẳng cấp mới. Mùa giải 2006 phía trước hứa hẹn thật êm đẹp. Hoặc đó là suy nghĩ chủ quan của riêng tôi. Nhưng sau giải Madrid, tai họa đã xảy ra. Tôi gặp vấn đề ở chân, giống như chấn thương đã khiến tôi bỏ lỡ mùa đất nện năm 2004. Nhưng lần này nghiêm trọng hơn, và có thể nói là một trong những chấn thương đáng sợ nhất trong sự nghiệp của tôi. Trong trận chung kết giải Madrid với Ljubicic vào ngày 17/10/2005, tôi đã cảm thấy bứt rứt khó chịu trong cả trận. Tôi không nghĩ chuyện đó quá quan trọng vào lúc ấy và tôi đã quen với cảm giác thi đấu cùng cơn đau và tiếp tục chiến đấu. Ngay cả khi cơn đau đã bắt đầu nhiều hơn vào buổi đêm nhưng tôi vẫn không hề lo lắng. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường sau một trận đấu kéo dài 5 set và mọi chuyện rồi sẽ qua.

Nhưng sáng hôm sau thức dậy và thấy bàn chân sưng hơn hôm qua rất nhiều. Đến nỗi khi tôi bước xuống giường và không thể đứng vững trên đôi chân. Đến đi lại còn khập khiễng, tôi rút lui khỏi giải đấu ở Thụy Sỹ và đáp máy bay về thẳng nhà để gặp bác sỹ Angel Cotorro. Ông ấy không thấy bất cứ điều gì quá nghiêm trọng, những cơn đau như vậy sẽ qua. Thế là đủ, vài ngày sau tôi đã cảm thấy khá hơn và lại di chuyển nửa vòng trái đất tới Thượng Hải để tham dự giải đấu cuối cùng trong năm, Masters Cup 2005. Nhưng ngay trong ngày tập luyện đầu tiên, cơn đau lại ấp tới và tôi đành phải rút lui khỏi giải đấu. Lại trở về nhà và nghỉ ngơi hẳn 2 tuần, tôi không thể thực hiện bất cứ bài tập nào. Rồi tôi lại thử tập lại, nhưng chỉ đến ngày thứ hai là những cơn đau buốt trở lại và tôi tưởng tượng viễn cảnh bi đát, tôi không thể tiếp tục thi đấu được nữa.

Nadal: “Gót chân Achilles” của Rafa (Kỳ 46) - 1

Sự nghiệp của Nadal thường bị gián đoạn bởi những chấn thương

Tôi đặt cược cuộc sống của mình với bác sỹ Cotorro. Ông là bác sỹ của tôi trước đây, bây giờ vẫn vậy, và ngay cả tôi có như thế nào, ông ấy vẫn là bác sỹ của tôi cho tới ngày tôi giải nghệ. Nhưng chính ông cũng không thể đưa ra chẩn đoán về chấn thương này, hoặc bất cứ lời khuyên nào khác ngoài việc nói tôi nên nghỉ ngơi. Vì vậy tôi chỉ biết làm theo, tiếp tục chờ đợi hai tuần nữa. Hết tháng 11, rồi kéo dài sang tháng 12. Tôi bắt đầu bất an, vì đến bác sỹ đã nỗ lực hết sức mà cũng chưa tìm ra được cách chữa trị. Chân tôi vẫn sưng lên và ngày càng đau đớn. Vì vậy sau đó theo đề nghị của chú Miguel Angel, chúng tôi tìm tới một chuyên gia điều trị chấn thương chân của đội bóng FC Barcelona.

Sau những xét nghiệm cộng hưởng, vị chuyên gia ấy cũng phải thừa nhận rằng với tất cả kinh nghiệm, ông cũng bó tay trước chấn thương này. Hy vọng cuối cùng của tôi là tới Madrid, gặp một tiến sỹ chuyên chữa trị về xương chân để giúp tôi có thể hồi phục. Tôi đi cùng cha, chú Toni, Joan Forcades, Juan Antonio Martorel và chuyên gia vật lý trị liệu Titin. Cái chân trái của tôi, hay đúng hơn là cái xương nhỏ trong chân ấy, bỗng nhiên trở thành nỗi đau không chỉ của tôi mà còn cả gia đình. Vào giữa tháng 12/2005, hai tháng sau trận đấu với Ljubicic, chúng tôi có mặt tại phòng khám của bác sỹ ở thủ đô Madrid, người cuối cùng có thể giải quyết chấn thương này cho tôi. Đáng lẽ tôi cần phải có một niềm tin lạc quan, nhưng khi đó mọi thứ là không thể. Tôi cảm thấy đang rơi vào một hố đen tăm tối nhất trong cuộc đời mình.

Nadal: “Gót chân Achilles” của Rafa (Kỳ 46) - 2

Đã có lúc Rafa đối diện với nguy cơ sớm giã từ sự nghiệp

Đó là dị tật bẩm sinh, rất hiếm gặp ở bàn chân, thậm chí hiếm hơn ở nam giới so với phụ nữ. Đây là đề tài tiến sỹ của vị chuyên gia ở Madrid và ông phát hiện ra một chiếc xương hình chiếc thuyền ở chân nằm trên mu bàn chân. Dị tật này có thể cảm thấy như thể một vết chai cứng ở chân khi còn bé và khi trưởng thành sẽ cảm nhận sự đau đớn ngày càng rõ, đặc biệt khó tránh khỏi với những tay vợt chuyên nghiệp phải liên tục di chuyển. Nguy hiểm hơn là nếu với tay vợt có lối chơi thiên về thể lực như tôi thì càng dễ gặp chấn thương, nếu để chân phải hoạt động cường độ cao khi xương chưa có đủ thời gian bình phục. Hậu quả là cái xương ấy ngày càng biến dạng và bắt đầu sưng to, điều từng xảy ra cách đây hơn một năm. Tôi đã tự phục hồi từ đó, và chủ quan khi không nghĩ bây giờ mọi thứ lại trở nên phức tạp đến vậy.

Cái xương bình thường ấy, bộ phận cơ thể mà tôi thậm chí chẳng biết hình thù thế nào, hóa ra lại là một phiên bản “gót chân Achilles” của riêng tôi. Đó là điểm dễ tổn thương nhất và có thể phá hủy tôi bất cứ lúc nào. Sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, bác sỹ đã đưa ra quyết định của ông. Không giấu giếm, ông nói rằng có thể tôi sẽ không bao giờ chơi quần vợt đỉnh cao được nữa. Tôi có thể phải treo vợt ở tuổi 19, từ bỏ môn thể thao mà tôi đã đặt cả cuộc đời mình vào đó. Tôi gục xuống và khóc, cả gia đình cũng vậy…

Sự nghiệp của Nadal sẽ ra sao sau khi phát hiện chấn thương hiếm gặp này, mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 19h thứ Sáu 15/11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN