Nadal: Golf, Tiger Woods & ý chí sắt đá (Kỳ 30)
Rafa thích môn golf và đặc biệt hâm mộ huyền thoại sống Tiger Woods.
Tôi thi thoảng xem Federer thi đấu trong những đoạn video rồi sửng sốt với những gì anh ấy thể hiện, và cũng ngạc nhiên về việc tôi có thể đánh bại anh ấy. Chú Toni và tôi xem rất nhiều video tennis, đặc biệt là những trận đấu của tôi, cả những chiến thắng và thất bại. Mọi người thường cố gắng học hỏi từ những trận thua, nhưng tôi cũng học trong cả những trận thắng. Bạn nên nhớ rằng chiến thắng trong tennis chỉ là nhờ hiệu suất thi đấu, đó là lý do vì sao không có sự công bằng về toán học trong trò chơi này. Nó không giống như bóng rổ, nơi đội chiến thắng luôn là đội tích lũy nhiều điểm số nhất. Trong quần vợt kết quả sẽ ít thay đổi khi tay vợt đó chơi tốt hơn cả trận, hơn là giành những điểm số ở thời điểm quan trọng. Đấy là nguyên nhân vì sao quần vợt là môn thể thao phụ thuộc vào tâm lý như vậy. Nó cũng là lý giải tại sao bạn không nên cho phép cảm giác chiến thắng xâm chiếm trong đầu. Ở thời điểm ấy, dĩ nhiên bạn đang trong tâm trạng phấn khích, nhưng sau này khi bạn xem lại chiến thắng của mình, bạn thường nhận ra – thi thoảng là cái rùng mình – làm thế nào có lúc mình đã cận kề thất bại. Và sau đó bạn phải phân tích tại sao: Vì mình mất tập trung hay vì có những điểm yếu mà mình phải cải thiện, hay vì cả hai?
Nadal hơn những tay vợt khác về ý chí thi đấu
Thêm một điều nữa, tôi xem lại những trận đấu của mình một cách cẩn thận và bình thản, với sự đánh giá cao và tôn trọng những kỹ năng của đối thủ, xem họ tung ra những cú ghi điểm tuyệt vời như thế nào. Tôi phải học cách chấp nhận mất điểm số cho đối thủ với sự cam chịu không phải bàn cãi. Một số tay vợt tỏ ra giận dữ và tuyệt vọng khi phải nhận những cú ace hay trở thành nạn nhân của những cú passing không thể chống đỡ. Đó là cách tự hủy hoại bản thân. Và nó thật điên rồ, vì có nghĩa là bạn huyễn hoặc rằng mình có khả năng, theo một quan niệm trong thế giới quần vợt, là chinh phục đối thủ từ đầu đến cuối trận đấu. Nếu bạn để cho đối thủ tự tin hơn, nếu bạn chấp nhận anh ta sẽ thực hiện những cú đánh mà mình không thể làm gì cả, nếu bạn hóa thành khán giả trong một thời điểm nào của trận đấu và hào phóng chấp nhận đó là một khoảnh khắc tuyệt vời của trận đấu, bạn sẽ giữ được bình tĩnh và trạng thái cân bằng. Đó là cách bạn tự giảm áp lực cho mình. Trong đầu của bạn, bạn ca ngợi họ; ở bên ngoài, bạn rũ sạch cảm xúc; và bắt đầu điểm số tiếp theo, không cần biết vị thần tennis đang chống lại mình hay hôm nay là một ngày khốn khổ, nhưng có khả năng trong khoảng thời gian tiếp theo, bạn sẽ là người chiến thắng.
Cuối cùng bạn sẽ hiểu ra những sự khác biệt giữa những tay vợt trong tốp đầu là không đáng kể, luyện tập không là gì và những trận đấu giữa chúng tôi chỉ được quyết định bằng vài điểm số. Khi tôi nói và cả chú Toni cũng từng nói, nguyên nhân chính vì sao tôi thành công với sự khiêm nhường của mình, tôi không nghĩ nó là điều ngớ ngẩn, hay một cách PR cho bản thân, hay vì tôi đang cố tỏ ra mình là một người giữ được sự cân bằng, như một cá nhân có lý trí sắt đá. Hiểu được tầm quan trọng của sự khiêm nhường là hiểu được tầm quan trọng của trạng thái tập trung cao nhất khi thi đấu và biết rằng bạn không thể bước ra sân đấu mà chiến thắng chỉ với tài năng Chúa ban tặng.
Tôi không thoải mái khi nói về bản thân trong sự so sánh với những tay vợt khác, nhưng tôi nghĩ có lẽ về khía cạnh tinh thần, tôi đã phát triển một điều gì đó thực sự mạnh mẽ. Không thể nói rằng tôi không sợ hãi, hay tôi không có sự lo lắng nào khi bắt đầu mùa giải. Tôi cũng như vậy – chính xác là như thế vì tôi biết không có sự khác biệt nhiều giữa hai tay vợt với nhau. Nhưng tôi nghĩ mình có khả năng chấp nhận khó khăn và vượt qua chúng tốt hơn so với những đối thủ.
Nadal thích golf và cả tính cách của tay golf huyền thoại Tiger Woods
Có lẽ đó là lý do vì sao tôi rất thích môn golf vì đó là trò chơi rèn luyện tinh thần đầy mà tôi áp dụng vào tennis để giữ bình tĩnh dưới những áp lực. Bạn cần có tài năng, rõ ràng như vậy, và cả sự luyện tập miệt mài, nhưng điều quyết định trong golf đó là không để cho một cú đánh tồi ảnh hưởng đến phần trò chơi còn lại của bạn. Nếu có một vận động viên nào mà tôi ngưỡng mộ ngoài môn tennis, thì đó là Tiger Woods. Khi anh ấy có phong độ cao nhất, tôi nhìn anh ấy như hình ảnh mà tôi muốn mình như vậy. Tôi thích nhìn cách anh ấy chiến thắng khi thi đấu và tôi thích tính cách ấy, cách mà anh ấy đối mặt với những khoảnh khắc khó khăn khi trận đấu trong ranh giới giữa thắng và thua.
Tiger có thể thực hiện một cú đánh tệ hại và giận dữ với chính bản thân, nhưng ở cú đánh sau đó anh ấy đã lại trở lại sự quyết đoán và tập trung của mình. Anh ấy luôn làm những điều phải làm khi áp lực tới và gần như không bao giờ quyết định sai lầm. Bằng chứng là thực tế Tiger chưa bao giờ thất bại ở một giải đấu mà anh ấy đứng ở đầu bảng xếp hạng ở vòng đấu cuối cùng. Để làm được điều đó, bạn phải rất xuất sắc, nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Bạn phải phán đoán khi nào rủi ro sẽ tới và khi nào phải đứng vững, bạn phải chấp nhận những sai lầm của mình và nắm bắt cơ hội đến với mình, lúc lựa chọn một cú đánh này hay một cú đánh khác. Tôi chưa bao giờ có một thần tượng trong bất kỳ môn thể thao nào, kể cả bóng đá. Khi tôi là một đứa trẻ, tôi khâm phục tay vợt đồng hương sinh ra ở Mallorca, Carlos Moya, nhưng không bao giờ ngưỡng mộ một cách mù quáng như những người hâm mộ cuồng nhiệt. Đó không phải là bản chất của tôi, văn hóa trong tôi, hay là cách tôi được dạy dỗ. Nhưng nếu được lựa chọn một thần tượng của mình thì chắc chắn đó là Tiger Woods. Không phải vì cú swing đẳng cấp của anh ấy, hay cách anh ấy đánh trái bóng như thế nào, mà là sự bình tĩnh, quyết tâm và thái độ thi đấu của anh ấy. Tôi yêu những điều đó.
Nadal coi tennis cũng như một công việc bên cạnh sự đam mê. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 17h thứ Sáu 21/6.