Nadal: Đòn tra tấn tinh thần (Kỳ 19)

Toni Nadal đã biến cậu cháu Rafa trở thành một tay vợt sắt đá.

Những tác động của Toni để dập tắt sự tự mãn và vị kỷ của người cháu không khiến ông ngó lơ phẩm chất bẩm sinh của Rafa, hay làm lu mờ ảnh hưởng của cha mẹ lên cậu cháu. “Tôi không nghĩ nó sẽ thay đổi tệ đi so với ý chí của riêng nó,” Toni thừa nhận. “Bởi vì cha mẹ mới là những người dạy dỗ nó theo cách của họ không giống như tôi, mà còn vì nó là chính nó chứ không phải ai khác. Nó luôn luôn biết vâng lời, đó là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh, vì như thế nó mới cho thấy nó hiểu người lớn biết nhiều hơn nó thế nào và nó tôn trọng những kinh nghiệm của những người lớn tuổi. Vì vậy tôi nghĩ những gì chúng tôi đã cùng nhau làm trong thời gian qua là những thứ tốt nhất. Nhưng tôi chỉ thực hiện sứ mệnh là khuyến khích những điều đó kéo dài hơn mà thôi. Khi tôi nhìn thấy tiềm năng của nó, tôi đã nghĩ, ngoài khả năng trở thành một tay vợt, nó sẽ là mẫu người như thế nào mà tôi muốn nhìn thấy trên sân? Ai cũng có cá tính của mình nhưng không phải là sự phô trương. Tôi không thích những kẻ kiêu ngạo với tính khí thất thường và có nhiều người như thế trong thế giới quần vợt. Đó là lý do vì sao tôi đã cấm nó không được phép ném vợt xuống sân trong trận đấu, vì sao tôi luôn luôn nhấn mạnh sự quan trọng của “khuôn mặt” khi thi đấu, bình tĩnh và nghiêm trang, không tức giận hay kích động, vì sao tôi luôn nói phải thi đấu với tinh thần thượng võ và lịch thiệp với cả đối thủ, ngay cả khi thắng hay bại.”

Nadal: Đòn tra tấn tinh thần (Kỳ 19) - 1

Chú Toni không bao giờ cho phép Nadal được ném vợt xuống sân

Tôn trọng người khác, không phân biệt họ có thể là ai và họ có thể làm gì, là điểm khởi đầu của tất cả mọi thứ, Toni nói như vậy. “Không thể chấp nhận với những con người có mọi thứ trong cuộc sống lại có quyền cư xử thiếu đúng đắn với người khác. Không, bạn càng ở đẳng cấp cao, bạn càng phải có nhiệm vụ tôn trọng người khác. Tôi ghét phải thấy cháu trai của mình thay đổi theo cách khác, như nổi cơn tam bành trên sân, hay thể hiện sự lỗ mãng với đối thủ, trước sự chứng kiến của cả thế giới qua truyền hình. Hay vì bất cứ lý do gì, cư xử bất lịch sự với trọng tài và người hâm mộ. Tôi luôn luôn nói và bố mẹ của nó cũng vậy, làm một con người tốt còn quan trọng hơn là một tay vợt giỏi.”

Toni cũng là một con người đủ tình cảm để nhận ra rằng nhiều khi ông có thể đã đi quá xa theo một chiều hướng khác với cháu trai của mình. Sự khắc nghiệt với Nadal khi luyện tập là chiến lược nằm trong ý thức và sự tính toán. Giống như lúc nào ông cũng làm giảm giá trị những thành công mà cậu cháu trai đã sớm có được. Nếu Rafa có những cú thuận tay xuất sắc trong cả trận đấu, tốt thôi, vẫn có nhiều việc phải làm với cú trái tay. Nếu Rafa liên tiếp thực hiện những cú đánh tốt về cuối sân, ok, nhưng còn những cú vô lê? Nếu Rafa vô địch giải đấu, nó đâu phải to tát, mà bên cạnh đó, những cú giao bóng thế nào? “Cháu chưa giành được cái gì hết,” Toni sẽ nói vậy, “Chúng ta cần nhiều hơn, nhiều hơn nữa!”

Những người còn lại trong gia đình nhìn vào đó với sự sửng sốt, như mẹ của Rafa, thi thoảng xen lẫn cơn tức giận. Cha của Rafa, ông Sebastian, bày tỏ sự nghi ngại. Chú Rafael đôi khi tự hỏi liệu Toni có đối xử quá tàn nhẫn với đứa cháu. Cha đỡ đầu và là cậu của Rafa, Juan, còn thẳng thắn nói những gì Toni đã làm chẳng khác gì “tra tấn tinh thần”.

Những Toni vẫn khắc nghiệt với Rafa vì ông biết nó chịu đựng được và cuối cùng sẽ cứng cỏi hơn. Toni sẽ không áp dụng cùng một quy tắc như vậy, như ông đã nhấn mạnh, với một đứa trẻ yếu đuối. Nghĩa là có lẽ ông có thể chấm dứt sự nghi hoặc và phản đối từ những thành viên trong gia đình. Chỉ có một người không nghi ngờ Toni là Miguel Angel, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Ông cũng là người đi theo những nguyên tắc “sức chịu đựng”, tôn kính điều ấy như người anh Toni. Miguel Angel nói rằng sự thành công của những vận động viên thể thao ưu tú phụ thuộc vào khả năng “chịu đựng”, thậm chí cả sự thưởng thức mùi đau khổ như thế nào.

Nadal: Đòn tra tấn tinh thần (Kỳ 19) - 2

Đòn "tra tấn tinh thần" của Toni đã giúp Nadal vững vàng như hiện tại

“Nó có nghĩa là học cách chấp nhận nếu bạn phải luyện tập trong hai giờ, bạn phải tập hai giờ; nếu bạn phải tập luyện năm giờ, thì phải là năm giờ; nếu bạn phải tập đi tập lại một bài tập 50 nghìn lần, bạn phải làm như vậy. Đó là sự ngăn cách giữa nhà vô địch với những người chỉ đơn thuần là tài năng. Và tất cả những thứ ấy đều liên quan trực tiếp tới tâm lý của người chiến thắng, giống như bạn đang thể hiện sức chịu đựng, cái đầu của bạn cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Những thứ mà bạn nhận như món quà, trừ khi họ mang tới với những thứ đính kèm tình cảm đặc biệt, thì bạn chẳng có giá trị gì hết, trong khi những gì bạn có được bằng nỗ lực của riêng mình, thì bạn có giá trị hơn nhiều. Càng nỗ lực, giá trị càng lớn.”

Lập luận này đã thuyết phục những thành viên trong gia đình ít nhất ở điểm mà không ai, ngay cả mẹ của Rafa, đương đầu với Toni và nói ông nên bớt gay gắt với cậu con trai của bà. Tất cả hiểu rằng có thể hàng giờ đồng hồ Toni luôn tỏ ra khắt khe, nhưng có một thực tế là ông và Rafa không thể sống trong vinh quang của quần vợt nếu không có nhau.

Những người thân có thể càu nhàu nhưng Toni cứ làm công việc của mình, tôn trọng chủ quyền thế giới của riêng ông, một chế độ Spartan không cho phép sự rên rỉ ở bất cứ đâu, nơi mà những chiến binh trẻ phải đặt trong tất cả thử thách và thiếu thốn mà không bao giờ chấp nhận sự bào chữa, trừ khi mọi thứ phải là chính đáng. Luôn luôn là lỗi của Rafa. Nếu Rafa mất một game bởi vì có chuyện gì xảy ra làm nứt khung cây vợt, Toni không muốn biết; nếu Rafa chơi tồi vì cây vợt không được căng dây chuẩn và trái bóng quá tệ, Toni vẫn không có cảm xúc. Nếu Rafa ốm, nếu đầu gối đau, nếu Rafa có một ngày buồn chán ở trường: Chẳng có gì liên quan tới công việc của Toni. Rafa phải cười toe toét và chịu đựng.

Kết thúc chương 2, Nadal sẽ kể về giấc mơ dang dở với trái bóng tròn để theo đuổi trái banh nỉ trong chương 3. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Sáu 10/5.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN