Nadal: Bài học khắc nghiệt của chú Toni (Kỳ 17)
Toni đã áp dụng kỷ luật thép với Rafa ngay từ khi còn nhỏ.
Câu chuyện: Chú Toni
Đây là câu chuyện nói về người chú và cũng là huấn luyện viên của Rafael Nadal, như một phụ lục bên lề của chương 2)
Nếu hỏi Toni Nadal về những lời cuối cùng ông nói với cậu cháu trước khi rời phòng thay đồ để bắt đầu trận chung kết Wimbledon 2008 thì ông sẽ tiết lộ: “Tôi nói với nó hãy chiến đấu tới cuối cùng và chịu đựng tất cả.” Nếu hỏi Toni tại sao Rafa có thể trở thành tay vợt số 1 thế giới, ông ấy sẽ trả lời: “Vì những thứ ấy ở trong đầu, cũng như thái độ của bạn, và hơn nữa, trong sự nhẫn nại chịu đựng của bạn nhiều hơn đối thủ.” Nếu hỏi Toni rằng ông sẽ nói gì với Nadal trong những ngày cơ thể của Rafa bất tuân lệnh và những cơn đau khủng khiếp khi thi đấu trên sân, ông ấy sẽ đáp lại: “Tôi nói với nó, ‘Nhìn xem, cháu chỉ có hai con đường để chọn: Tự bảo với mình thế là quá đủ và chúng ta đi về, hoặc chuẩn bị để chịu đau và bước tiếp. Sự lựa chọn chỉ là chịu đựng hay từ bỏ.’”
Toni dạy Rafa triết lý của người Spartan
“Sự chịu đựng” là từ mà Toni đã ghim chặt vào trong não bộ của Nadal từ khi còn rất nhỏ. Nó là thứ triết lý của người Spartan phổ biến trong cuộc sống trên hòn đảo này và cả đất nước, nơi nhiều người vẫn sống theo những nguyên lý cơ bản ở thời xưa. Toni là người Tây Ban Nha từng trải ngay từ khi còn rất trẻ, như thể ông là hậu duệ của Hernan Cortes, “conquistador” (người đi khai phá vùng đất ở Trung và Nam Mỹ) dẫn đầu hơn 100 người ở thế kỷ 16, đã đốt thuyền của mình để không ai bị cám dỗ muốn quay trở về nhà. Và sau khi vượt qua sự thiếu thốn đến cùng cực, bên cạnh sự chống trả quyết liệt của kẻ thù, họ đã đánh sập đế chế Aztec, khẳng định sự thống trị và mở rộng vùng đất cho Hoàng gia Tây Ban Nha.
Toni có dáng người đậm, da ngăm, có đôi chân khỏe khoắn, đúng với chất liệu của một “conquistador”. Sở hữu ánh mắt lạnh và kiên quyết, ông là mẫu người thẳng thắn mà chẳng bao giờ biết lấy lòng người xung quanh. Toni không phải là người quá khó chịu: Trong mắt mọi người trong gia đình ông là người hào phóng với ai hỏi mình một tấm vé xem trận đấu, hay không từ chối những phóng viên cần một bài phỏng vấn. Nhưng với những người thân nhất của Toni, ông là người có thể cáu gắt, thô lỗ và gây hấn với tất cả. Ông không phải là phần tử lạc loài trong gia đình vì định kiến với ai đó không phải là tính cách của đại gia đình mang họ Nadal. Như Carlos Costa, người hiểu rõ gia đình Nadal nhất đã kể: “Toni là sự khác biệt.” Ông ấy cục cằn hơn những người anh em và cũng ngang ngược hơn; ông ấy là người hay tỏ vẻ bề trên, bảo thủ và luôn luôn sẵn sàng tranh cãi.
Nhưng Toni không phải quá cứng nhắc như thế, hay tự nghĩ mình là một “conquistador”, giống như những gì thể hiện ra bên ngoài. Có nhiều phương tiện truyền thông thể thao nhận định rằng Rafa sẽ chả là gì nếu không có Toni. Nhưng hãy nghĩ tới một vế trái ngược: Toni không là gì nếu thiếu Rafa. Tuy nhiên sự thật lại nằm ở giữa. Toni và Rafa là bộ đôi phụ thuộc lẫn nhau để bổ sung những điểm mạnh và điểm yếu. Họ mạnh mẽ hơn nếu kết hợp cùng nhau thay vì tách ra riêng lẻ. Toni từng có giấc mơ trở thành một nhà vô địch tennis. Ông từng thi đấu xuất sắc khi còn trẻ và là một trong những tay vợt xuất sắc nhất ở Mallorca. Ông cũng từng là tay chơi bóng bàn cừ khôi trên hòn đảo cũng như là người chơi cờ vua danh tiếng ở thị trấn. Ông có tài năng bẩm sinh nhưng khi trở thành tay vợt chuyên nghiệp và rời nhà để chinh phục cả Tây Ban Nha, Toni mới phát hiện ra rằng, khi trở thành một tay vợt theo đuổi lối chơi an toàn và ổn định, ông lại đánh mất những cú đánh sát thủ. Đó là thứ đặc biệt mà ông thuấn nhuần khi còn trẻ cho tới lúc chuyển sang công tác huấn luyện.
Toni mang phong cách của “conquistador”
Những cậu bé mà ông dạy dỗ bên cạnh cậu cháu của mình nhớ lại, trong khi những huấn luyện viên khác đề cao sự cần thiết kiểm soát trái bóng thì Toni nhấn mạnh vào việc luôn luôn trau dồi những cú đánh để giành chiến thắng. Toni thường trích dẫn vì dụ về huyền thoại môn golf Jack Nicklaus từng nói trong một video huấn luyện cho các tay golf trẻ rằng: “Đầu tiên hãy đánh bóng thật xa. Sau đó hẵng nghĩ làm thế nào để đưa bóng vào lỗ.” Toni đã ăn sâu bài học này vào trái tim. Lời khuyên của ông dành cho cậu cháu trai, ngay từ buổi đầu tiên khi Rafa mới 4 tuổi: “Đầu tiên hãy đánh trái bóng mạnh nhất có thể, sau đó mới nghĩ tới chuyện kiểm soát nó.”
Và sau đó Toni bắt đầu tạo ra những thử thách để xây dựng một tay vợt có tinh thần được bọc bằng thép. Ông bắt đầu, cũng như tiếp tục, bằng việc đối xử với cháu trai của mình một cách khắc nghiệt hơn so với những đứa trẻ khác, trong khi đòi hỏi nó không được có một lời kêu ca phàn nàn. Những người bạn từng học với Nadal hồi tưởng lại, khi Toni gầm lên với cậu ấy như một mệnh lệnh, bắt Rafa đứng ở đằng sau và nhặt bóng, sau đó ở lại sau buổi tập để quét sạch sân đấu, cậu ấy sẽ cúi đầu và làm theo tất cả những gì Toni nói.
Khi cả hai tập luyện với nhau và mặt trời còn chiếu sáng nửa mặt sân, cũng là lúc mà Toni sẽ nói Rafa bắt đầu thi đấu. Nếu vào thời điểm đầu tiên của bài tập họ đánh những đường bóng tốt với những cú đánh chuẩn, thì Toni bất thần tạo ra những tình huống xấu, một trái bóng nảy lạ thường, hoặc một cú đánh nặng, hay một cú bóng siết như không nảy lên. Nếu cậu cháu phàn nàn, Toni sẽ mắng: “Quả bóng có thể hạng 3 nhưng cháu chỉ đáng hạng tư.”
Tàn nhẫn hay vị tha, như Toni đã làm, ông sẽ chơi một trận với Rafa theo luật ai đến trước 20 điểm sẽ thắng. Toni sẽ cho phép đứa trẻ này sẽ vui mừng khi nó chạm tới 19 điểm và sau đó ông mới đánh bại nó ngay lập tức, phá hoại ngày cháu trai của ông tưởng như đã có thể mở hộp quà chiến thắng để thưởng thức. Những cú đòn đánh vào tinh thần ấy và kỷ luật không ngừng khắc nghiệt của Toni chỉ gửi tới Nadal một bài học lớn: Dạy cậu bé phải chịu đựng!
Câu chuyện của Nadal về chú Toni sẽ tiếp tục ở phần sau. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Sáu 3/5.