F1 - Ferrari: Hào quang & nỗi thất vọng (P3)
Schumacher là huyền thoại của đội đua Ferrari.
Lịch sử Ferrari ghi nhận nhiều tay lái tài ba vô địch thế giới và ngự trị trên tất cả là thành tích vô địch thế giới không tiền khoáng hậu của huyền thoại Schumacher. Nếu như trước đó, làng đua F1 từng vinh danh những tay đua tiền bối với 2 hoặc 3 lần vô địch thế giới thì với Schumi, ngôi sao được xem là sáng nhất trên bầu trời Thể thức 1. Và hẳn nhiên, màu đỏ của Scuderia Ferrari đã lung linh huyền ảo hơn hết với tay đua tài danh một thời.
Với truyền thống luôn là một đội đua hùng mạnh, luôn cạnh tranh gay gắt với những Williams, rồi McLaren, rồi Renault và luôn chiếm phần nhỉnh hơn bởi Ferrari luôn sở hữu chiếc xe mạnh mẽ và những tay đua hàng đầu. Trong lịch sử của mình, với Kimi Raikkonen, Michael Schumacher, Gilles Villieneuve, Niki Lauda… Ferrari luôn chiến thắng và trên đỉnh cao thế giới. Dĩ nhiên đó là ánh hào quang mà ban lãnh đạo đội đua lẫn giới hâm mộ toàn thế giới mong nó mãi lung linh và không bao giờ tắt.
Thời của niềm vui chiến thắng
Tuy nhiên, như chính qui luật vận động vốn có, không bước đi đồng nghĩa với sự tụt hậu. Dù biết trước sự thay đổi chắc chắn của môi trường F1 và Ferrari luôn có sự hậu thuẫn nào đó từ FIA như dư luận gắn kết, nhưng dường như Ferrari đã bị động trước thời cuộc mà đỉnh điểm là tuyên bố bỏ giải đấu năm 2009 với yêu sách không áp dụng khí động học. Tuy nhiên, cuối cùng Ferrari vẫn phải chấp nhận luật chơi và nhìn Brawn GP đăng quang với hiệu ứng khuyếch tán kép cùng khởi đầu mạnh mẽ của Red Bull cho kỷ nguyên khí động học.
Ferrari không thể vượt qua Red Bull trong 3 mùa trước
Dù các đội mạnh hiện thời cũng tỏ ra bối rối trong hoàn cảnh mới như McLaren, Renault… nhưng với một quá khứ lừng lẫy như Ferrari – người hâm mộ không dễ đón nhận thất bại của đội đua từ năm này qua năm khác. Trong sự kỳ vọng cao ngất và kết quả thực tại qua từng mùa giải, nỗi thất vọng luôn xâm chiếm tâm trí người hâm mộ và ngay chính ban lãnh đạo Ferrari. Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ý. Một tay lái điêu luyện hay một chiếc xe mạnh mẽ. Yếu tố nào sẽ được ưu tiên… Người hâm mộ có thể trả lời ngay được câu hỏi, tuy nhiên họ không phải là nhà quản lý đội đua và đôi khi họ để tình cảm nghiêng về tay đua yêu thích.
Những tay đua tài danh một thời như Lauda, Stewart, Senna, Prost… đã thường nói, cá nhân hay đội đua muốn vô địch cần sở hữu một chiếc xe nhanh nhất. Đó là điều kiện tiên quyết như chính những bậc tiền nhân khai sinh ra môn đua xe này; phải làm sao chứng minh được thương hiệu máy xe đó có công suất mạnh mẽ, đi quãng đường liên tục thật xa và có thời gian hoàn thành ngắn nhất. Và đơn giản như Enzo Ferrari – cha đẻ của đội đua – chiếc xe đua phải có máy mạnh và chạy nhanh nhất.
Những tay đua vô địch
Tại trang chủ của Ferrari, những nhà vô địch – những tay lái cừ khôi nhất của Ferrari được vinh danh như một phần lịch sử của đội đua. Một lời khẳng định và nhắn gởi cho lớp kế cận tiếp nối.
Kimi Raikkonen (1979): Tay đua Phần Lan gia nhập Ferrari trong 3 mùa 2007-2009, đoạt chức vô địch mùa 2007. Tay đua được đánh giá rất cao và từng được xem là người kế thừa xứng đáng của Schumacher tại Ferrari. Sau khi đột ngột rời bỏ F1 năm 2009, Kimi vừa quay trở lại ở mùa 2012, đoạt hạng 3 tổng sắp với Lotus F1.
Huyền thoại Schumi
Michael Schumacher (1969): Tay đua Đức. Đoạt 5 chức vô địch trong 11 mùa giải đua với Ferrari. Hiện đã giải nghệ sau lần cuối cùng đua cho Mercedes GP mùa 2012. Huyền thoại của làng đua xe thể thao thế giới với 7 chức vô địch thế giới trong sự nghiệp.
Niki Lauda khi chưa bị tai nạn
Niki Lauda (1949): Tay đua Áo. 2 chức vô địch 1975, 1977 trong 4 năm với Ferrari. Tay đua con cưng của Ferrari thời kỳ đó. Ông được Enzo Ferrari xem như người thân gia đình. Đây cũng là thời kỳ rực rỡ của Ferrari với bộ đôi trẻ tuổi, tay đua Niki Lauda và nhà quản lý Luca Montezemolo, cả 2 hiện vẫn còn tham gia F1 với tư cách quản lý.
Jody Scheckter (1950): Tay đua Nam Phi vô địch thế giới cùng Ferrari năm 1979. Từ sau 2004, ông rời khỏi mọi hoạt động thể thao. Ông hiện sống ở Anh trong một nông trang lớn với công việc nghiên cứu và kinh doanh thực phẩm hữu cơ.
Alberto Ascari trong một chặng đua
Alberto Ascari (1938 – 1955): Tay đua người Ý duy nhất đoạt 2 chức vô địch thế giới với Ferrari năm 1952, 1953. Ông bị tai nạn và mất ngay tại đường đua Monza khi thử chiếc Ferrari 750 chỉ với bộ âu phục và nón bảo hiểm. Góc cua tốc độ cao đường đua này đã được đặt mang tên Variante Ascari để tưởng nhớ ông.
John Surtees (1934): Tay đua người Anh duy nhất trên thế giới vô địch thế giới trong cả 2 thể loại 4 bánh và 2 bánh. Ông đua cho nhiều đội danh tiếng thời đó như Lotus, Cooper, Honda, McLaren; vô địch thế giới cùng Ferrari năm 1964. Ông giải nghệ năm 1973 và hiện sống ở quê nhà.
Mike Hawthorn (1929 – 1959): Tay đua người Anh vô địch cùng Ferrari năm 1958. Ông mất khi mới 29 tuổi do một tai nạn xe hơi tại Luân Đôn và mang trong mình bệnh án suy thận có thể không qua khỏi trong ít năm.
Phil Hill (1927 – 2008): Tay đua người Mỹ vô địch thế giới năm 1961 trên chiếc Ferrari 156. Sau giải nghệ ông hợp tác kinh doanh xe cổ điển và bình luận viên cho kênh thể thao. Ông nghỉ làm việc hẳn khi mắc bệnh Parkinson và mất tại quê nhà California.
Juan Manuel Fangio (1911 – 1995): Tay đua Ác-hen-ti-na vô địch năm 1956. Ông mất do tuổi già tại quê hương. Là một tay đua tài danh tại Ác-hen-ti-na, gặt hái được nhiều thành tích cùng Ferrari, nhưng dường như không được Enzo Ferrari đánh giá cao do tính tình đố kỵ khó gần của tay đua này.
(còn tiếp)
Mời các bạn đón xem phần cuối vào 10h ngày16/2/2012