Vụ phim 21 tỷ và chuyện làm phim “tử tế”

Những ngày qua, chuyện phim "Sống cùng lịch sử" được đầu tư đến 21 tỷ nhưng không bán được vé ngoài rạp lại khiến dư luận dậy sóng về chuyện làm phim lãng phí. Một lần nữa câu chuyện “phim nhà nước” lại trở thành đề tài nóng hổi.

Lao đao số phận “phim nhà nước”

Sở dĩ khán giả đặc biệt quan tâm đến Sống cùng lịch sử bởi lý do đơn giản, phim được đầu tư kinh phí quá cao, có thể gắn mác “triệu đô” nhưng lại không bán nổi vé ngoài rạp. Vô hình trung, nhiều người có chung quan điểm, bộ phim làm đơn thuần là để “đủ chỉ tiêu” còn chuyện phát hành, lời lỗ thế nào đã có nhà nước lo.

Thậm chí, nhiều người ngay khi nghe tên gọi của bộ phim đã ngán ngẩm lắc đầu và ngầm “quy chụp” rằng, tựa phim khô khan thế chắc chắn nội dung cũng chỉ mang tính tuyên truyền.

Vụ phim 21 tỷ và chuyện làm phim “tử tế” - 1

"Sống cùng lịch sử" là một trường hợp lãng phí của điện ảnh Việt.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân dù rất tự tin vào chất lượng bộ phim của mình nhưng cũng không tránh được sự cảm thán: “Tôi luôn luôn đảm bảo với người xem, nếu họ đã đến rạp và xem phim của tôi, chắc chắn được xem một tác phẩm nghiêm túc và ít nhất có một cái gì đó để nhớ. Còn chạy theo khán giả? - không ai đáp ứng được mọi đối tượng khán giả cả”.

Từ câu chuyện của Sống cùng lịch sử, phạm trù “phim nhà nước” lại được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí, nó còn được đẩy lên đến đỉnh điểm, nhất là trong bối cảnh phim tư nhân ngày càng thu hút khán giả, dù có kinh phí đầu tư thấp hơn nhiều. Một câu hỏi được đặt ra là, rất nhiều bộ phim nhà nước được sản xuất những năm qua số phận đã, sẽ đi đâu về đâu khi nó không thể tiếp cận khán giả vì con đường đến rạp còn rất xa vời.

Gần đây nhất, bộ phim Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn dù tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội từ 2012 nhưng đến nay mới ra rạp. Phim được công ty BHD phát hành vào đầu tháng 9 vừa qua cũng cùng chung số phận như nhiều bộ phim được “đặt hàng sản xuất” khác. Ngoài buổi công chiếu có khá đông khán giả đến rạp, hầu hết các suất chiếu của phim đều vắng khách.

Thực tế này được cả phía đạo diễn và nhà phát hành dự đoán trước. Chính đạo diễn Phi Tiến Sơn trong buổi ra mắt phim đã chia sẻ: “Tôi chỉ hy vọng khán giả khi xem phim thấy được một chút của mình ở trong đó như vậy đã là hạnh phúc lắm với những người làm phim như chúng tôi”.

Tuy nhiên, nếu nói Đam mê dở thuộc kiểu “thảm họa” có phần thiếu khách quan bởi dù còn những hạn chế về kỹ xảo, logic trong phim (có thể do chuyện bị cắt xén), trước hết phải thừa nhận đây là một bộ phim tử tế. Kịch bản phim đề cập đến vấn đề nóng trong xã hội đó là câu chuyện về bảo vệ môi trường sống quanh ta với dàn diễn viên khá đều tay.

“Đam mê hôm mình xem cả rạp có 5 người, 3 trẻ, 2 trung niên là nam giới. Phim chạy chữ trên màn hình đen mà họ vẫn ngồi bởi độ lắng và sức tải của phim” – độc giả Hoàng Linh Lan chia sẻ sau khi đến rạp coi Đam mê.

Vụ phim 21 tỷ và chuyện làm phim “tử tế” - 2

Một cảnh trong phim "Đam mê".

Độc giả này còn viện dẫn thêm một bằng chứng một bộ phim nhà nước khi được công chiếu. “Mình không bao giờ quên được cảm giác xúc động khi xem "Tâm hồn mẹ" cách đây hơn một năm tại Idecaf. Lúc phim kết thúc, toàn bộ khán giả, Tây có, ta có, đứng dậy vỗ tay vang rạp. Đứng như chôn chân, pháo tay thật dài dù không hề có bất cứ thành viên nào của đoàn phim ở đó”.

Từ câu chuyện của Sống cùng lịch sử, Đam mê hay Tâm hồn mẹ… đặt ra câu hỏi liệu chất lượng của các bộ phim nói trên có thật sự “khô khan” như nhiều bình luận đánh giá trên cộng đồng mạng hay chính vì tư tưởng “phim nhà nước” ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của khán giả khi đến rạp.

Dĩ nhiên, quyền quyết định, đánh giá mỗi tác phẩm phụ thuộc vào cảm nhận của từng người xem. Với đối tượng đến rạp chiếm một lượng lớn là khán giả trẻ, không dễ gì các phim nhà nước  chiếm được cảm tình. Thậm chí, với một bộ phim được đa phần giới chuyên môn và nhiều khán giả sau khi xem đánh giá cao như trường hợp của Những người viết huyền thoại (ra rạp đầu 2014) cũng không thể hút khách.

Có lẽ công thức “phim nhà nước = dở + khô khan?” sẽ còn là bài toán khó trả lời. Vì thế, chuyện đạo diễn Phi Tiến Sơn ấp ủ: “Chúng tôi đang cố gắng khắc phục những điều mà dòng phim hướng đến khán giả, phim thương mại gặp phải. Các phim giải trí hiện nay quá đơn giản, dễ hiểu, thông điệp đơn sơ. Người xem chỉ giải trí và xả stress thôi. Như thế có nghĩa là chúng ta đang làm hại khán giả. Ðiều đó là nguy hiểm” không phải việc một sớm, một chiều.

Vụ phim 21 tỷ và chuyện làm phim “tử tế” - 3

Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử".

Bài toán PR và thủ thuật “đánh tráo” số phận

Trong câu chuyện liên quan đến Sống cùng lịch sử, các ý kiến hầu hết đều xoáy quanh chủ đề phim được đầu tư kinh phí cao nhưng không có khán giả mua vé. Trong khi đó, những đánh giá về nội dung bộ phim hoặc mang tính chủ quan, hoặc khá mờ nhạt.

Vấn đề đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đặt ra liên quan đến câu chuyện PR với kinh phí vẻn vẹn 50 triệu đồng trong bối cảnh hiện tại càng đáng để suy nghĩ. Chính đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (phim Những người viết huyền thoại) cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi không nghĩ là phim chiến tranh thì kén khán giả! Mấy buổi chiếu ở Hà Nội và Sài Gòn vừa rồi, hiệu ứng khán giả trẻ rất tốt. Chẳng qua là các hãng phim nhà nước rất dở ở khâu phát hành”. Thực tế, bộ phim của anh cũng chỉ có kinh phí vài chục triệu để làm truyền thông.

Cái sự dở ở đây mà đạo diễn Thanh Vân hay Bùi Tuấn Dũng đề cập thì giới làm nghề hay truyền thông ai cũng biết. Hầu như các dự án phim nhà nước đều âm thầm làm, lặng lẽ ra rạp và chết từ từ. Ngay trước ngày phát hành với Sống cùng lịch sử, Mộ gió – phim đầu tiên đề cập trực tiếp đến những hoạt động của ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng không mấy người được biết đến.

Trường hợp của Sống cùng lịch sử, chỉ nói đến giới làm phim và các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không phải ai cũng biết đến dự án này. Nhiều người còn ngỡ ngàng khi phim ra rạp và bị “ném đá” dữ dội. Như vậy, có thể thấy thất bại đầu tiên của bộ phim rõ ràng nằm ở khâu PR. Dù gắn mác “phim triệu đô” nhưng nếu làm phim mà cứ như “đi đêm”, khó lòng tiếp cận được khán giả.

Vụ phim 21 tỷ và chuyện làm phim “tử tế” - 4

Cảnh trong phim "Những người viết huyền thoại".

Trong khi đó, nhìn vào thực tế sẽ thấy, hầu hết các phim tư nhân sản xuất quá trình thai nghén kịch bản, casting, quay phim và một thời gian dài làm hậu kỳ trước khi ra rạp đều có chiến lược PR đậm nét. Khoan hãy nói đến hay hoặc dở, sự tò mò của công chúng với mỗi dự án ít nhiều đủ để kéo được một bộ phận khán giả đến rạp.

Trường hợp gần đây nhất của Mất xác là một minh chứng. Dù sau khi xem xong phim đa phần ý khán giả không đồng tình với câu chuyện PR “dựa hơi” vụ thẩm mỹ viện Cát Tường và kiện tụng đạo diễn Victor Vũ nhưng phim vẫn thu lời. “Chiến thắng” này khiến ekip phim cũng bất ngờ vì ban đầu họ xác định “hòa là mừng”.

Nói về sản phẩm của mình, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân phải thừa nhận: “Nhưng điều cơ bản hơn là chúng tôi, các nghệ sĩ chỉ quen làm phim mà không biết cách đi bán sản phẩm. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng thay đổi trong chừng mực nào đó tư duy làm phim của mình, chứ không thể thay đổi từ tư duy làm phim sang tư duy bán hàng”. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng khẳng định: “Khó khăn lớn nhất là khâu quảng bá phát hành” chứ không phải là ở quá trình thực hiện phim.  

Thực tế cho thấy, hễ nói đến phim nhà nước, phim lịch sử đa phần khán giả đều ngại chọn lựa nếu phim không được PR hoặc có nhân tố nào hot để thu hút. Ngay cả trường hợp nhiều phim Việt dù dự thi các LHP phim quốc tế có giải về nước nhưng vẫn bị khán giả quay lưng. Bên cạnh đó, công tác phát hành nếu cứ giao trắng cho các hãng phim nhà nước hoặc phim chỉ được chiếu ở các rạp cũ vắng khách, hoặc chiếu miễn phí mang tính chất tuyên truyền. Từ những yếu tố cộng hưởng đó, không khó để nhìn ra kết cục với “phim nhà nước”.

Cảm nhận phim Việt 21 tỷ không bán được vé nào
Bạn nghĩ thế nào về việc làm phim lịch sử ở Việt Nam?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Duy ([Tên nguồn])
Phim 21 tỷ đồng ế khách Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN