Cảm nhận phim Việt 21 tỷ không bán được vé nào
Cảnh nhạy cảm không được xử lý tinh tế và diễn viên diễn xuất thiếu cảm xúc.
Mới đây, thông tin bộ phim Sống cùng lịch sử không bán được dù chỉ một vé trong suốt 2 tuần trụ ở Rạp Kim Đồng, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội khiến nhiều người quan tâm.
Sống cùng lịch sử là bộ phim do Nhà nước đặt hàng cho Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Ngân sách dành cho bộ phim này là 1 triệu USD, tương đương 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, bộ phim triệu đô này đã thất bại tại phòng vé.
Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử"
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, một phần sự thất bại này là do ở công tác phát hành truyền thông. Phần khác cũng là do bộ phim chưa thật hấp dẫn với người xem và vẫn còn có những hạt sạn đáng tiếc.
Còn nhớ trong buổi ra mắt báo chí vào tháng 4/2014, trước lúc phim chiếu, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có hứa: "Anh chị nào xem phim xong mà không khóc, đảm bảo hoàn tiền vé". Tuy nhiên, ý muốn của nhà thơ lại không như mong đợi.
Bộ phim được quay đẹp, âm thanh hay, trẻ trung, hiện đại và có một số chi tiết thú vị... nhưng không mang lại cảm giác "hữu xạ tự nhiên hương". Khán giả xem xong vẫn còn lấn cấn với một số chi tiết trong phim.
Phim xoay quanh nhóm 3 bạn trẻ Tùng, Nga, Lâm đi phượt qua những địa danh năm xưa của chiến dịch Điện Biên Phủ. Quá khứ và hiện tại xen kẽ lẫn nhau. Những thanh niên đang sống giữa thủ đô, được trang bị đầy đủ iPad, iPhone... bỗng chốc đi vào trận đánh cách đây 60 năm. Với mỗi suy nghĩ của từng người về quá khứ, họ đã tham gia vào trận đánh theo kiểu của họ.
Mặc dù sử dụng thủ pháp động hiện (những người ở hiện tại được sống lại cùng quá khứ), để tiếp cận từ các bạn trẻ nhưng phim vẫn chưa đủ sức cuốn hút người xem.
Đầu tiên, về những cảnh nóng. Mở đầu phim là cảnh Nga khỏa thân trong nhà tắm khoe lưng trần gợi tình, Tùng đứng ngoài ngắm rồi hai người hôn nhau đắm đuối qua... cửa kính.
Một cảnh nhạy cảm đáng chú ý khác là cảnh tên lính da đen cưỡng hiếp cô gái dân tộc Thái và bị đạn pháo đánh sập căn nhà. Ống kính dừng lại khá lâu trước hình ảnh cô gái trần truồng, tênh hênh giữa đống đổ nát; xác tên lính nằm vắt ngang trên bụng cô. Hay gần cuối phim, cảnh cô nữ dân công quấn ngực, cắt tóc giả trai để được cầm súng đánh giặc đã lộ cả nhũ hoa.
Trong suốt bộ phim còn một số cảnh tương tự không phù hợp với một bộ phim lịch sử. "Đã thế, với những cảnh này, diễn viên lại đóng khiên cưỡng, không nghệ thuật, thiếu cảm xúc... gây khó chịu cho người xem", độc giả Lê Hương nhận xét bình luận dưới một bài viết về phim trên một trang báo mạng.
Đôi lúc bắt gặp những cảnh phim “không hiểu vì sao đạo diễn làm thế”.
Xem phim Sống cùng lịch sử đôi lúc bắt gặp những cảnh phim “không hiểu vì sao đạo diễn làm thế”. Đó là cảnh Tùng bỗng nổi cáu, hùng hổ ném chén rượu rồi xỉ vả người bạn đồng hành ngoại quốc khi cô nói về thân phận phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến ở vùng Tây Bắc dưới ách đô hộ của người Pháp.
Phần hóa trang trong phim cũng chưa kĩ lưỡng. Nói về thời chiến tranh nhưng các cô dân công, những anh chiến sĩ lại có kiểu tóc thời thượng, thậm chí nhuộm tóc vàng hoe. Chưa nói tới nhiều cảnh đang bom rơi đạn nổ khốc liệt, một vài nhân vật viên vẫn đi lại khá “hiên ngang”, thiếu xúc cảm chân thực.
Thêm vào đó, lời thoại của diễn viên như được đọc từ kịch bản khiến người xem cảm giác khô khan, không cảm xúc.
"Có lẽ vì cuộc chiến quá vĩ đại nên các nhà làm phim dường như đã quá tham lam khi đưa vào đây nhiều hình tượng mà bỏ qua việc xây dựng tính cách nhân vật. Điều này khiến một người từng xem "Sống cùng lịch sử" như tôi có cảm giác nghe kể chuyện nhiều hơn là cảm nhận", độc giả Lê Hương nhận xét thêm.
Xem xong phim nhiều khán giả thấy tiếc cho bộ phim triệu đô này. Khán giả Vũ Hằng (Tây Sơn, HN) sau khi được xem Sống cùng lịch sử trong sự kiện phim ra mắt báo chí cho biết: "Dàn diễn viên trẻ đẹp, âm nhạc hay, hình ảnh quay rất đẹp... Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong phim gượng gạo, như kiểu diễn kịch nên xem không ngọt chút nào. Ra khỏi rạp phim, tôi không còn nhớ gì về bộ phim cả."
"Tôi nghĩ điểm cộng duy nhất của cả bộ phim chính là bài hát tiếng Pháp LaVie en rose do Đồng Lan thể hiện. Đó là bài hát mà tôi xúc động nhất khi xem phim", bạn Thu Hà (Gia Lâm, HN) bình luận.
Anh Nguyễn Văn Hưng (Hoàng Cầu, HN) lại có ý kiến về tiêu đề phim: "Chỉ nghe tên phim Sống cùng lịch sử đã không muốn xem. Dù là phim lịch sử cũng không nhất thiết phải đặt tựa đề cứng nhắc, thiếu hấp dẫn như vậy".