Vị vua nào thích làm tiền, ngang nhiên cho mua quan bán chức?

Sự kiện: Quiz

Để có tiền thỏa sức ăn chơi, vị vua này đã trở thành vị vua duy nhất của triều Lý công nhiên cho mua quan bán tước; tệ tham nhũng, hối lộ trong những năm cuối ở ngôi của ông diễn ra tràn lan.

1

Vị vua nào thích làm tiền, ngang nhiên cho mua quan bán chức?

Lý Cao Tông

Lê Thánh Tông

Quang Trung

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát hay Lý Long Cán, là con trai thứ sáu của Lý Anh Tông, mẹ là Thục phi Đỗ Thụy Châu. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ (1173). Để có tiền thỏa sức ăn chơi, Lý Cao Tông đã trở thành vị vua duy nhất của triều Lý công nhiên cho mua quan bán tước; tệ tham nhũng, hối lộ trong những năm cuối ở ngôi của ông diễn ra tràn lan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:"Vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục…". Còn sách Đại Việt sử lược cho biết: "Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Hai người nào mà tranh nhau ruộng đất, sản vật, hễ một người đem dâng nạp rồi thì vua chẳng hỏi tình lý phải trái thế nào đều tịch thu sung công cả. Vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán". Sử chép: "Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém" (Đại Việt sử ký toàn thư). Chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến dân, sử chép rằng vào năm Bính Dần (1206) trong nước mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi khiến người chết rất nhiều còn vua thì vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài cung nhiều việc nhiễu nhương vẫn không để tâm lo lắng.

2

Ông là vị vua đầu tiên nào của nước ta viết chiếu nhận lỗi với dân?

Đúng

Sai

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Lý Cao Tông, vị vua thứ 7 của triều đại nhà Lý, được xem là vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam viết chiếu nhận lỗi với dân, song khi ấy đã là những năm cuối đời của ông vua này. Ngoài ông, một số vị thiên tử cũng “dũng cảm” nhận lỗi với bề tôi khi thấy mình sai. Chẳng hạn, vua Lê Thánh Tông từng nhận sai khi bị Quốc tử Tế tửu giám kiêm Văn minh điện Đại học sĩ là Nguyễn Bá Ký thẳng thắn dâng sớ về việc vua làm văn chỉ chuộng lối học phù hoa, vô dụng mà không chú ý kinh, sử. Hay vua Quang Trung trước đơn “kiện” của dân làng Văn Chương về việc Văn miếu Thăng Long bị đốt cháy, bia đá bị đạp đổ ngổn ngang cũng từng thẳng thắn nhận trách nhiệm và hứa sẽ sửa chữa lại.

3

Ông viết chiếu nhận lỗi gì?

Vì để mất nước

Vì thua trận

Vì để giặc cướp, dân chúng đói kém

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Dưới thời Lý Cao Tông, triều chính suy yếu trầm trọng, loạn lạc nổi lên khắp nơi do người đứng đầu triều đình chơi bời vô độ, hành chính không rõ ràng, “giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm”. Sách Việt sử lược ghi vua “rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự”. Mỗi khi có vụ kiện tụng, vua thường lợi dụng, vì thế “kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán. Giặc cướp nổi lên như ong”. Đến mùa thu, tháng 8 năm Đinh Mão (1207), vua Lý Cao Tông thấy giặc cướp nổi lên như ong bèn hối lại lỗi xưa, nhân đó hạ chiếu nhận lỗi, bài chiếu viết rằng: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi, cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại”.

4

Vị quan nào khiến vua ăn chay, nghỉ chầu khi ông mất?

Lý Anh Tông

Tô Hiến Thành

Trần Trung Tá

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Tô Hiến Thành (1102 – 1179) làm quan đại thần phụ chính qua hai triều vua là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Sau khi vua Lý Anh Tông mất, vua Lý Cao Tông kế vị, Tô Hiến Thành được giao quyền phụ chính, một lòng phò ấu chúa. Sách Đại Việt sử lược ghi tháng 6 năm 1179, Tô Hiến Thành mất, vua Lý Cao Tông thương tiếc cho nghỉ chầu triều 7 ngày, ăn chay 3 ngày.

5

Vị vua nào ăn chơi nhất lịch sử Việt, mở sòng bạc ngay tại hoàng cung?

Trần Thái Tông

Trần Nhân Tông

Trần Dụ Tông

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Trần Dụ Tông là vị vua thứ 11 của nhà Trần. Sau khi vua Trần Hiển Tông mất sớm, Trần Dụ Tông được thượng hoàng Trần Minh Tông đưa lên làm vua năm 1336. Trong giai đoạn đầu có Thượng hoàng Minh Tông triều chính ổn định, nhưng khi vua cha mất, tự mình nhiếp chính, Trần Dụ Tông lao vào những cuộc ăn chơi trác táng. Dù luật pháp triều Trần nghiêm cấm việc đánh bạc, nhưng Trần Dụ Tông vẫn ngang nhiên mở sòng bạc ngay tại hoàng cung để cùng các đại thần chơi trò đỏ - đen, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết lại. Khi ấy một sứ giả Phương Bắc phải lắc đầu về thói ăn chơi của vua Trần Dụ Tông, "hoàng đế nước chúng tôi cũng khó sánh kịp". Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 10 năm Qúy Mão (1363), Trần Dụ Tông sai người "đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung, xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ, nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi".

6

Vua Trần Dụ Tông ở ngôi được bao nhiêu năm?

27 năm

28 năm

29 năm

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Bản thân nghiện rượu nên vua Trần Dụ Tông cũng thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được ông thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo uống dối được trăm thăng rượu, Dụ Tông tin là thật, nên ban thưởng cho y. Quan gia thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo quan gia khiến triều đình rối nát. Bên ngoài xảy ra mất mùa trong nhiều năm. Vua Trần Dụ Tông vì ăn chơi vô độ, nên sức khỏe ngày càng suy kiệt. Ông mất vào năm Kỷ Dậu 1369, hưởng dương được đúng 33 tuổi, tổng cộng ở ngôi được 28 năm.

7

Vị vua nào sau đây phá nát cơ đồ vì háo sắc?

Mạc Mậu Hợp

Mạc Hiến Tông

Mạc Tuyên Tông

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Mạc Mậu Hợp (1560 – 1592) là vị vua thứ 5 của nhà Mạc thời Nam Bắc triều trong lịch sử Việt Nam. Khi lên ngôi ông mới được 2 tuổi, việc triều chính do hai ông chú là Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá. Khi trưởng thành, Mạc Mậu Hợp trở thành một vị vua sống xa hoa, trụy lạc, kiêu ngạo, không quan tâm chuyện triều chính, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần. Thế và lực của nhà Mạc dưới thời Mạc Mậu Hợp ngày càng sa sút. Đặc biệt, chính thói hoang dâm, hiếu sắc của Mạc Mậu Hợp đã đẩy cơ nghiệp của nhà Mạc đến chỗ suy vong. Để thỏa mãn dục vọng của mình, Mạc Mậu Hợp đã không ngần ngại “mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân”. Do thích vợ của viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê, ông đã lên kế hoạch giết danh tướng này để cướp vợ. Kế hoạch bị đổ bể khiến Bùi Văn Khuê đem quân quay sang quy phục vua Lê và chúa Trịnh Tùng. Theo gương Bùi Văn Khuê, hơn 10 tướng nhà Mạc cũng bỏ Mạc Hậu Hợp để chạy sang phe Lê – Trịnh. Điều này khiến quân Mạc suy yếu nghiêm trọng và bị quân Trịnh Tùng đánh tan tác sau đó không lâu. Mạc Mậu Hợp phải bỏ kinh thành trốn chạy nhưng không thoát, cuối cùng đã bị Trịnh Tùng treo sống 3 ngày rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, sau đó đem đóng đinh vào 2 con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày. Vương triều Mạc đã chấm dứt cùng với cái chết của Mạc Mậu Hợp.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Vị vua này là người trọng khoa cử, trong suốt mấy chục năm trị vì, ông đã mở nhiều khoa thi. Thế nhưng, lối sống của nhà vua khá buông tuồng, không giống người trọng đạo Nho.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Quiz Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN