Không phải Đổng Trác hay Tào Tháo, đây mới là những người khiến nhà Hán diệt vong, thiên hạ đại loạn

Không phải Đổng Trác hay khởi nghĩa Khăn Vàng là nguyên nhân chân chính khiến thiên hạ thời bấy giờ rơi vào cảnh phân tranh. Trên thực tế, những người phải chịu trách nhiệm cho thế cục loạn lạc thời bấy giờ lại là 3 nhân vật ít ai ngờ tới.

Viên Thiệu liên minh thập bát lộ chư hầu chống Đổng Trác.

Thời kỳ Tam quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.

Không phải Đổng Trác hay Tào Tháo, đây mới là những người khiến nhà Hán diệt vong, thiên hạ đại loạn - 1

Tam quốc là một thời kỳ đẫm máu trong lịch sử Trung Quốc.

Mặc dù tương đối ngắn, thời kỳ lịch sử đầy hỗn loạn và chinh chiến này đã được tiểu thuyết hóa trong văn học và rất nổi tiếng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Nó được chuyển thể thành các vở kịch, tiểu thuyết, truyện dân gian, truyện dã sử cũng như trong phim ảnh, phim truyền hình nhiều tập và trò chơi điện tử. Nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, một tác phẩm hư cấu dựa phần lớn theo lịch sử. Ghi chép lịch sử chính thức của thời kỳ này là Tam quốc chí của Trần Thọ, với sự hiệu đính của Bùi Tùng Chi sau này.

Có nhiều người cho rằng, sự sụp đổ của triều đại nhà Hán vốn bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng của Trương Giác và loạn Đổng Trác. Tuy nhiên, những người thực sự đẩy thiên hạ vào cảnh đại loạn lại không phải là 2 nhân vật này.

Không phải Đổng Trác hay Tào Tháo, đây mới là những người khiến nhà Hán diệt vong, thiên hạ đại loạn - 2

Đổng Trác không hẳn là nguyên nhân thực sự khiến Hán triều suy vong. 

Lịch sử Hán triều từ khi mới khai quốc cho tới lúc suy vong đã có không ít lần lâm vào những đại nạn do hoạn quan can dự triều chính hoặc ngoại thích chuyên quyền.

Tới cuối thời Đông Hán, tình trạng này càng lúc càng trở nên nghiêm trọng. Cuộc đấu đá giữa những thế lực chuyên quyền đối lập nhau đã biến hoàng thất nhà Hán chỉ còn là những kẻ bù nhìn.

Triều chính đã rối ren, thiên hạ lại gặp thêm nạn thiên tai, dân chúng bị đẩy vào cảnh lầm than, khốn cùng.

Cũng chính vì lý do này mà khi Trương Giác vừa phất cờ khởi nghĩa đã được không ít bách tính ủng hộ, tạo được thanh thế vô cùng lớn.

Thế nhưng cuộc khởi nghĩa do tầng lớp nông dân lãnh đạo khi đó lại thiếu sức chiến đấu nên đã bị đàn áp, về cơ bản không tạo thành thương tổn quá sâu sắc đối với một Đại Hán đã có 4 thế kỷ cai trị.

Không phải Đổng Trác hay Tào Tháo, đây mới là những người khiến nhà Hán diệt vong, thiên hạ đại loạn - 3

Cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng cũng không phải là nhân tố chính khiến thiên hạ rơi vào cảnh đại loạn. (Ảnh minh họa).

Sau đó, Đổng Trác vào kinh gây họa, làm loạn triều chính.

Kẻ này mặc dù hám sắc, tàn bạo, nhưng quốc gia khi đó ít nhất vẫn duy trì các hoạt động bình thường, việc triều chính vẫn được giải quyết đều đặn, thế cục thiên hạ nhìn chung còn đang nằm trong phạm vi mà triều đình có thể khống chế.

Về sau, các chư hầu rục rịch khởi binh với danh nghĩa giúp Hoàng đế phạt Đổng Trác. Mặc dù mỗi người họ đều có tâm tư riêng, nhưng chí ít mục đích dấy quân trên danh nghĩa vẫn xuất phát từ lòng trung thành với Hán thất để khôi phục sự thống trị của triều đình Đại Hán.

Vì vậy, Đổng Trác hay Trương Giác hoặc các chư hầu vốn không phải là nguyên nhân chân chính gây ra cảnh loạn lạc.

Những người "đầu sỏ" đứng sau thế cục phân tranh thời bấy giờ thực chất là 3 nhân vật có tiếng vào cuối thời Đông Hán. Một trong số đó chính là Viên Thiệu xuất thân từ một danh môn vọng tộc với “bốn đời Tam công”.

Viên Thiệu - kẻ châm ngòi cho thế cục phân tranh

Không phải Đổng Trác hay Tào Tháo, đây mới là những người khiến nhà Hán diệt vong, thiên hạ đại loạn - 4

Viên Thiệu được coi là một trong những nhân vật "đầu sỏ" trong việc đẩy cơ nghiệp nhà Hán đến bên bờ diệt vong và tạo điều kiện cho chư hầu khắp nơi có cơ hội nổi dậy. (Ảnh minh họa).

Viên Thiệu mặc dù xuất thân từ một danh môn vọng tộc vào cuối thời nhà Hán nhưng lại không được công nhận là con trai trưởng vì ông vốn do một a hoàn sinh ra.

Chính xuất thân này đã khiến Viên Thiệu sở hữu địa vị không mấy có tiếng nói trong nhà chứ chưa bàn tới việc nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của dòng họ danh gia ấy.

Nhân vật này mặc dù bị người thời bấy giờ đánh giá là "không có thực lực gì đáng kể" nhưng lại sở hữu một dã tâm không hề nhỏ. Ý thức được xuất thân có phần thua kém của mình, Viên Thiệu từ sớm đã luôn muốn lôi kéo các sĩ tộc để leo lên địa vị cao hơn.

Lúc bấy giờ, thế lực của hoạn quan với các sĩ tộc từ sớm đã nảy sinh mâu thuẫn vô cùng gay gắt.

Đại tướng quân Hà Tiến vì mục đích chèn ép hoạn quan nên muốn mượn lực của giới sĩ tộc. Vừa nhìn ra điều ấy, Viên Thiệu đã nhanh chóng chớp ngay cơ hội đổi đời ngàn năm có một của mình.

Không phải Đổng Trác hay Tào Tháo, đây mới là những người khiến nhà Hán diệt vong, thiên hạ đại loạn - 5

Lợi dụng mâu thuẫn giữa sĩ tộc và hoạn quan, Viên Thiệu đã nảy ra một chủ ý tưởng là diệu kế nhưng hóa ra lại là hạ sách. (Ảnh minh họa).

Viên Thiệu hàng ngày vẫn thường xuyên giao thiệp với các gia đình sĩ tộc, thỉnh thoảng còn thu nhận một số nhân sĩ bị hoạn quan bức hại, cho nên ấn tượng của ông trong mắt Hà Tiến cũng rất tốt.

Sau này, Hà Tiến bổ nhiệm Viên Thiệu làm Tư lệ hiệu úy, nắm quyền rất lớn, thậm chí có thể trực tiếp trừng phạt hoạn quan.

Thế nhưng họ Viên này có dã tâm nhưng lại chẳng có gan, vì luôn sợ bị thế lực đối địch trả thù nên không dám tự tay động thủ.

Sau một hồi toan tính tới lui, Viên Thiệu liền nghĩ ra một chủ ý: Đó là triệu tập một số chư hầu ở vùng khác lãnh binh tiến quân, dùng uy thế của họ hù dọa Hà Thái hậu, từ đó diệt trừ hoạn quan.

Đề nghị này nhanh chóng được Hà Tiến tiếp nhận. Thế nhưng Tào Tháo bấy giờ vừa nghe xong đã cho rằng đó là một kế hoạch ngu ngốc, vì vậy nên âm thầm coi thường Viên Thiệu.

Tháng 8 năm 189, Hà Tiến theo ý kiến của Viên Thiệu, vào cung Trường Lạc gặp Hà thái hậu xin ý chỉ đề nghị giết hết các hoạn quan. Việc lộ ra, các hoạn quan chủ động ra tay trước, phục binh giết chết Hà Tiến.

Tin tức truyền ra, Viên Thiệu và Viên Thuật mang quân đánh vào hoàng cung giết các hoạn quan báo thù cho Hà Tiến. Quân Viên Thiệu chém giết một trận lớn trong cung, nhiều hoạn quan lương thiện và nhiều người không phải hoạn quan cũng bị giết lầm. Tổng số người bị giết là hơn 2000 người.

Anh em Hán Thiếu Đế trong lúc loạn lạc phải chạy ra ngoài. Đúng lúc đó Đổng Trác theo lệnh gọi của Hà Tiến vừa kéo quân tới kinh thành, đón được anh em vua Hán đưa về cung.

Viên Thiệu đang giữ chức Hổ bôn trung lang tướng có thế lực rất mạnh, nhiều vây cánh trong triều và vài vạn quân. Vào Lạc Dương, Đổng Trác muốn thao túng triều đình nhưng ban đầu còn e dè Viên Thiệu. Thủ hạ của Viên Thiệu có người khuyên ông nên trấn áp Đổng Trác ngay nhưng ông chần chừ chưa quyết. Lúc đó lực lượng trong tay Đổng Trác chỉ có 3000 quân. Trác nghĩ ra một kế để lừa Viên Thiệu. Đêm đêm Đổng Trác sai quân lính giả làm dân, sai họ ra khỏi thành; tới sáng hôm sau họ lại mặc áo lính, xếp thành đội ngũ, gióng trống phất cờ đi vào thành. Viên Thiệu thấy mỗi ngày Đổng Trác lại có vài ngàn quân vào thành, không hiểu nổi Đổng Trác có bao nhiêu binh mã, vì thế Viên Thiệu có ý sợ Đổng Trác.

Đổng Trác định phế Thiếu Đế để lập hoàng tử Lưu Hiệp, bèn mang việc đó ra bàn với Viên Thiệu tại nhà. Viên Thiệu là người cùng phe Hà Tiến – anh Hà thái hậu, mẹ của Thiếu Đế, vì vậy không đồng ý phế lập. Đổng Trác tỏ ý giận dữ vì sự chống đối của Viên Thiệu. Hai bên chưa ra mặt đánh nhau. Đổng Trác ngại vì mình mới vào kinh và nhà họ Viên có gia thế mạnh nhiều đời nên chưa hành động; còn Viên Thiệu cũng lo lắng vội đi khỏi phủ Đổng Trác rồi bỏ kinh thành trốn lên Ký châu thuộc Hà Bắc.

Đổng Trác treo giải thưởng lớn cho ai bắt được Viên Thiệu. Thị trung Chu Bí và Hiệu úy Ngũ Quỳnh có tình thân với họ Viên nên can Đổng Trác không nên truy bức ông mà nên trao cho một chức vụ để vỗ về. Đổng Trác nghe theo, bèn nhân danh vua Hán bổ nhiệm ông làm Thái thú Bột Hải, tước Khang hương hầu.

Tuy đã nhận được chức Thái thú Bột Hải nhưng Viên Thiệu vẫn không bằng lòng, muốn khởi binh chống Đổng Trác. Châu mục Ký Châu là Hàn Phức vừa được Đổng Trác bổ nhiệm, thấy kẻ sĩ nhiều người hướng về họ Viên, sợ sẽ bất lợi cho địa vị của mình, bèn sai người ngăn chặn ngoài cửa nhà Viên Thiệu không cho phát binh.

Nhưng đúng lúc đó Thái thú Đông quận (thuộc Duyện châu) là Kiều Mạo lại giả nhân danh Tam công trong triều là Tư đồ Dương Bưu, Tư không Tuân Sảng và Thái úy Hoàng Uyển, phát hịch kể tội Đổng Trác, kêu gọi mọi người hãy cứu thiên tử Hán Hiến Đế. Trước khí thế chống Đổng Trác mạnh mẽ ở Ký châu, Hàn Phức buộc phải để Viên Thiệu xuất binh và mang quân cùng hưởng ứng. mở đầu cho các cuộc chiến tranh sát phạt lẫn nhau của các chư hầu trên toàn lãnh thổ Trung Hoa.

Còn tiếp…

Viên Thiệu (154 - 202), tự Bản Sơ, là tướng lĩnh Đông Hán và quân phiệt thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Ông là một trong những thế lực quân phiệt hùng mạnh nhất thời Tam quốc, thống lĩnh Ký Châu, U Châu, Tịnh Châu, Thanh Châu, được gọi là Hà Sóc Tứ châu. Vào thời kì đầu Tam quốc, ông là đối thủ mạnh nhất của Tào Tháo, lúc đó chỉ làm chủ Duyện Châu, yếu thế hơn hẳn. Thế nhưng sau thất bại ở Trận Quan Độ, ông đã bị Tào Tháo đánh bại và cũng vì chiến thắng này mà Tào Tháo trở thành sứ quân hùng mạnh nhất bấy giờ.

Trong lịch sử, ông được mô tả tính tình nhu nhược, hay chần chừ không quyết đoán, không giỏi mưu lược. Bên cạnh đó, ông lại hay nghi kị những mưu sĩ của mình như Điền Phong, Hứa Du, nên dù thanh thế lớn nhưng vẫn thất bại trước một người trọng nhân tài và đa mưu như Tào Tháo.

Vì sao Tôn Quyền xứng đáng là hoàng đế thành công nhất thời Tam quốc?

Thời kỳ Tam quốc ở Trung Quốc đánh dấu sự xuất hiện của nhiều anh hùng kiệt xuất, nhưng không có mấy người sống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Tiệp ([Tên nguồn])
Tam Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN