Sự thật hình tượng Quan Vũ thời Tam quốc

Sự kiện: Tam Quốc
XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 5118Kỳ mới nhất

Quan Vũ là danh tướng thời Tam quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, nhưng trên thực tế, con người ông liệu có đúng như Tam quốc diễn nghĩa khắc họa?.

Sự thật hình tượng Quan Vũ thời Tam quốc - 1

Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố. Ảnh minh họa.

Theo trang mạng Qulishi, Quan Vũ (160-219), tự Vân Trường, là người ở Vận Thành, Sơn Tây ngày nay. Ông là danh tướng cuối thời Đông Hán, được vào nhóm "ngũ hổ tướng" của Thục Hán.

Sức chiến đấu của Quan Vũ lớn đến mức nhiều người gọi ông là “chiến thần”. Hình tượng Quan Vũ được văn hóa dân gian Trung Quốc mô tả "nghiêm nghị, vũ dũng tuyệt luân".

Bên cạnh việc được nhiều triều đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, Quan Vân Trường là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo Trung Quốc phong làm thần linh. Ở thời hiện đại, Quan Vũ được biết đến bởi sự dũng cảm và trung thành.

Sự thống trị trong tín ngưỡng dân gian

Các học giả Trung Quốc đánh giá, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với người đời sau. Nhiều đời Hoàng đế Trung Quốc coi ông là biểu tượng của lòng trung quân và tinh thần “vì nước quên thân”, trái ngược với Tào Tháo.

Sự sùng bái của người Trung Quốc đối với Quan Vũ được đẩy lên mức cao nhất vào thời nhà Thanh. Khi đó, Quan Vũ trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo, trở thành Võ thánh.

Ở chừng mực nhất định, Quan Vũ có thể đứng ngang hàng với ông tổ Nho Giáo là Khổng Tử.

Trong tín ngưỡng Phật giáo, Quan Vũ được xưng là Già Lam thần. Truyền thuyết Trung Quốc kể lại rằng, người sáng lập ra thiền phái Thiên Đài, Trí Giả đại sư từng “nhập định” ở núi Ngọc Tuyền, Kinh Châu.

Tại đây, ông nghe được tiếng gọi của Quan Vũ: “Trả đầu cho ta”. Trí Giả đại sư đáp lại, "Ngài qua năm cửa trảm sáu tướng, giết người vô số, vậy ai trả đầu cho bọn họ?".

Sự thật hình tượng Quan Vũ thời Tam quốc - 2

Quan Vũ được mệnh danh là Võ Thánh.

Quan Vũ cảm thấy hổ thẹn mà nghe lời giảng giải Phật pháp, trở thành đệ tử nhà Phật. Ông thề nguyện làm Hộ pháp cho Phật giáo. Sau này, Quan Vân Trường trở thành Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà bồ tát là hai đại Hộ pháp của Phật giáo.

Trong các ngôi chùa thờ Phật, Già Lam là Hữu hộ pháp, Vi Đà là Tả hộ pháp.

Trong khi đó, tín ngưỡng Đạo giáo Trung Quốc ngày nay chủ yếu thờ phụng Quan Công như Thần Tài.

Ông được phong “Quan thánh Đế quân”, trở thành vị thần "trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ". Theo học giả Trung Quốc, việc Quan đế được gọi là Thần Tài xuất phát từ hình tượng trung nghĩa của ông trong tín ngưỡng dân gian.

Thương nhân Trung Quốc nhiều thế hệ cho rằng, Quan Vân Trường sinh thời rất giỏi về quản lý tài chính, phát minh ra "nhật thanh bạ" ghi lại nguồn, thu, chi rõ ràng.

Người đời sau coi ông là "kỳ tài kế toán", nên phong làm "thần thương nghiệp". Quan Vũ có những phẩm chất được giới thương nhân coi trọng như nghĩa khí và sự trung thực.

Bên cạnh đó, được đánh giá một trong những "chiến thần" thời Tam quốc, người xưa tương truyền rằng, bên nào thờ Quan Vũ, được ông “trợ giúp”, ắt sẽ giành chiến thắng.

Giải mã hình tượng Quan Vũ

Ngày nay, các học giả Trung Quốc đã phần nào đánh giá lại vai trò và tầm ảnh hưởng của Quan Vũ thời Tam quốc.

Việc Quan Vũ là một dũng tướng là điều mà không cần phải bàn cãi. Những nhà nghiên cứu Tam Quốc diễn nghĩa đã tổng kết, Quan Vân Trường lập nhiều công trạng, chém được tổng cộng 17 tướng địch ngoài mặt trận.

Sự thật hình tượng Quan Vũ thời Tam quốc - 3

Quan Vũ là vị tướng dũng mãnh nhưng kiêu căng, tự phụ.

Đặc biệt là điển tích "qua 5 ải chém 6 tướng" khi tìm đường thoát khỏi đất của quân Tào để về với Lưu Bị.

Nhưng ông luôn phải xếp sau Lữ Bố trong danh sách “Tam quốc chiến thần”. Ngoài ra, Quan Vũ cũng không hoàn toàn vượt trội so với các tướng lĩnh khác cùng thời về võ nghệ và sức mạnh. 

Trong lần kịch chiến với Bàng Đức ở trận Phàn Thành năm 219, hai bên đánh nhau 300 hợp bất phân thắng bại. Trên thực tế, so với danh tiếng của Quan Vũ, Bàng Đức chỉ là một tướng tầm thường. Cục diện chỉ thay đổi khi Quan Vũ dùng kế xả nước vào thành, bắt được và chém đầu Bàng Đức khi thuyền chìm.

Hơn nữa, so tài với một trong 5 “ngũ hổ tướng” là Hoàng Trung, Quan Vũ không thể giành chiến thắng. Sau này, Lưu Bị và chính Quan Vũ phải thuyết phục nhiều lần, Hoàng Trung mới thuận đi theo.

Thời điểm trước khi có Gia Cát Lượng xuất hiện phò tá Lưu Bị, Quan Vũ cùng các tướng khác dù chiến đấu dũng mãnh nhưng thua nhiều hơn thắng.

Vị tướng muốn nổi danh thiên hạ còn phải thông thạo sách lược, chiến lược. Xét vè chiến thuật, Quan Vũ đánh thắng Vu Cấm, Bàng Đức, Tào Nhân phe Tào Ngụy nhưng lại để cho Lã Mông đánh úp dẫn đến đại bại.

Quan Vũ không hiểu được các sách lược để thống nhất thiên hạ như “hoà Ngô, cự Tào” của Gia Cát Lượng.

Việc để mất Kinh Châu là trận thua nặng nề nhất, khiến cho sách lược “Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng phá sản. Sức chiến đấu của quân Thục suy yếu rõ rệt kể từ đó.

Như vậy, một số học giả Trung Quốc nhận định, Quan Vũ chưa thể đạt đến tầm “trí dũng song toàn” chứ chưa nói đến “văn võ song toàn”.

Sự thật hình tượng Quan Vũ thời Tam quốc - 4

Quan Vân Trường chém đầu Nhan Lương. Ảnh minh họa.

Xét về đức, Quan Vũ không thể bị mua chuộc bằng tiền bạc, quyền lực hay những lời đe dọa cũng không thể khuất phục được. Nhưng ở thời Tam quốc, những nhân vật có đức tính trung nghĩa, khẳng khái, trung thực, dũng cảm như vậy không hề hiếm.

Việc Quan Vũ xuất hiện nổi bật, ấn tượng hơn một phần là nhờ vào ngòi bút của La Quán Trung, tác giả tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Đa số các học giả Trung Quốc sau này phê phán Quan Vũ vì tính kiêu căng, ngạo mạn. Năm 214, nghe tin Mã Siêu nổi tiếng võ nghệ cao cường mới hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Quan Vũ ngay lập tức muốn rời Kinh Châu đi so tài cao thấp.

Gia Cát Lượng phải lựa lời, viết thư lấy lòng Quan Vũ: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài”.

So tài bất phân thắng bại với Hoàng Trung nhưng Quan Vũ không chấp nhận vị tướng này cùng hàng “ngũ hổ tướng” với mình. Quan Vũ đưa ra lý do rằng, Hoàng Trung chỉ là “tên lính già”, không phải anh em thân hoặc thân hữu như Trương Phi, Triệu Vân, không dòng dõi nhà tướng như Mã Siêu.

Đến khi Phí Y phải lựa lời khuyên Quan Vũ nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới miễn cưỡng nhận làm Tiền tướng quân.

Sự thật hình tượng Quan Vũ thời Tam quốc - 5

Quan Vũ được "nâng tầm" thành bậc thánh nhân trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Ngoài ra, việc Quan Vũ nhận Quan Bình làm con nuôi thì không sao, đến khi Lưu Bị nhận Lưu Phong làm con nuôi thì ông lại tỏ ra không bằng lòng. Về sau khi Quan Vân Trường lâm nguy, phải cầu cứu Lưu Phong, Phong toan đi ngay nhưng vì có người gièm pha, “ông ta (Quan Vũ) có coi ông là cháu đâu”, nên mới tiếp tục án binh bất động.

Xét về cách đối nhân xử thế, Quan Vũ không thể sánh bằng các danh tướng khác của nhà Thục Hán như Triệu Vân, Trương Liêu… Quan hệ của Quan Vũ với các tướng dưới quyền cũng không mấy êm đẹp. My Phương và Phó Sĩ Nhân từ lâu đã bất mãn với Quan Vũ nhưng ông vẫn giao cho trấn giữ nơi hiểm yếu đề phòng quân Ngô.

Sau này, My Phương và Phó Sĩ Nhân đầu hàng Đông Ngô, dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền.

Việc người đời sau tôn sùng Quan Vũ được phỏng đoán là trải qua một giai đoạn dài của nền phong kiến Trung Quốc trọng Nho giáo. Đến thời La Quán Trung, tác giả tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đã “nâng tầm” Quan Vân Trường lên ngang với bậc thánh nhân, bằng những điển tích, những sự kiện không có thật trong lịch sử.

Sử gia Trần Thọ, tác giả cuốn Tam quốc chí có những đánh giá công bằng về Quan Vũ và được người đời sau ghi nhận: “Quan Vũ… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào công… có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ lại tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.

______________

Đón đọc bài tiếp theo vào sáng 27.2.2017: Vì sao Quan Vũ bình thản nhận lấy cái chết cay đắng?

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 5118Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tam Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN