Đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc khiến 3 cha con Tào Tháo “điên đảo” là ai?
Vẻ đẹp của Chân Mật được miêu tả vượt xa Điêu Thuyền, nhưng cuộc đời người phụ nữ này lại chịu không ít bi kịch.
Với vẻ đẹp sắc nước hương trời nhưng cuộc đời lại nhiều bi kịch, Chân Mật đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng nhất về bà là bộ phim Lạc thần của TVB, kể về cuộc tình của Chân hoàng hậu với Tào Thực. Trên sân khấu cũng có nhiều vở diễn về mỹ nhân này như Tào Thực dữ Chân Lạc, Lạc Thần, Kim lũ ca, Yến ca hành...
Xuất thân danh môn
Văn Chiêu Chân hoàng hậu sinh tháng 12 năm Quang Hòa thứ 5 (năm 182), tại huyện Vô Cực, Trung Sơn (nay là huyện Vô Cực, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Thân phụ của Chân thị là Chân Dật, sinh ra ba con trai và năm con gái. Các anh chị em của Chân thị đều được ghi chép rõ tên tuổi, nhưng không rõ vì sao lại không ghi Chân thị tên gì.
Chân Mật nổi tiếng với câu "Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Mật tiếu" (Chu Chỉ Hề vai Chân Mật trong Liên minh quân sư)
Cái tên “Chân Mật” hay “Chân Lạc” là do dân gian gọi bà theo thần thoại của bài thơ Lạc Thần phú của nhà thơ Tào Thực (192-232). Tào Thực dùng hình ảnh ẩn dụ của "Mật Phi - thần của Lạc Thủy" để nói về vẻ đẹp của nàng Chân Lạc.
Chân Mật nổi tiếng thông tuệ ngay từ khi còn nhỏ tuổi, bà thích đọc sách và đối xử nhân hậu với tất cả mọi người. Vào khoảng giữa thời Kiến An (196 - 220) của Hán Hiến Đế, Chân thị kết hôn với Viên Hy, con trai thứ của Viên Thiệu. Không bao lâu sau, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh bại trong trận chiến Quan Đô, nhà họ Viên chính thức sụp đổ.
Ba cha con Tào Tháo mê mệt
Với danh tiếng về sắc đẹp “Lạc Thần” của Chân Mật, từ lâu Tào Tháo đã chú ý đến mỹ nhân này. Khi thắng trận và tiêu diệt Viên gia, Tào Tháo đã tính bắt Chân Mật về làm thiếp thất dưới trướng của mình.
Tuy nhiên, Tào Tháo đã chậm một bước so với con trai của mình. Ngay sau khi công hạ Nghiệp Thành, Tào Phi, con trai Tào Tháo, đã nhanh chóng đưa 1000 binh mã xông vào Viên phủ, chiếm lấy người đẹp. Theo sử sách ghi lại, Tào Phi vào Viên phủ thì bắt gặp Chân Mật, vì quá say mê trước nhan sắc của nàng, Tào Phi lập tức cầu xin cha cho phép lấy người đẹp làm chính thê.
Vai Chân Mật trong bộ phim Tân Lạc Thần (2012) do Lý Y Hiểu đảm nhiệm
Tào Thực, con thứ của Tào Tháo cũng không thể “vượt qua ải mỹ nhân”. Tuy không dám ra mặt công khai mối si tình với Chân Mật, nhưng sau khi nàng qua đời, Tào thực đã làm bài thơ Lạc Thần phú để bày tỏ lòng mình. Nhiều ý kiến cho rằng Phục phi xinh đẹp tuyệt trần trong tác phẩm này được lấy từ hình tượng Chân Mật.
Cuộc đời bất hạnh
Số phận của nàng Chân Mật quả thực đúng với câu “hồng nhan bạc mệnh”, bởi lẽ mỹ nhân sống chưa đến 40 tuổi. Cuộc hôn nhân của Chân Mật với Tào Phi hạnh phúc chỉ trong vài năm đầu tiên, bà sinh cho Tào Phi một con trai và một con gái.
8 tháng sau khi lấy Tào Phi, Chân Mật đã sinh hạ con trai (sau chính là Ngụy Minh Đế Tào Duệ, kẻ khiến Tư Mã Ý rất e sợ và khâm phục), điều này khiến không ít người nghi ngờ đây không phải con ruột của Tào Phi, mà là hậu duệ nhà họ Viên.
Vẻ đẹp tuyệt sắc của Chân Mật qua gương mặt diễn viên trẻ Chu Chỉ Hề trong Liên minh quân sư
Thêm vào đó, sau khi lên ngôi vua, Tào Phi luôn được các mỹ nhân vây quanh, dần dần, ông xa cách người vợ chính thất Chân phu nhân, chuyển sang sủng ái Quý tần Quách Nữ vương. Có tin đồn rằng Chân Mật sinh lòng ghen tị, thậm chí sáng tác hẳn một bài thơ để phản đối nhà vua, nên đã khiến Hoàng đế tức giận và ban chết.
Nguyên nhân khác cho rằng Tào Phi quá giận giữ vì mối tư tình giữa vợ mình và em trai, ép Chân Mật phải tự sát. Mặt khác, có tin đồn rằng chính Hoàng đế đã giết Chân phu nhân chính là để bịt hết đầu mối việc Tào Duệ là con trai của Viên Hy.
Mối tình giữa Chân Mật và Tào Thực trong bộ phim Lạc Thần của TVB năm 2002
Không rõ chính xác nguyên nhân là gì, nhưng theo sách Hán Tấn xuân thu và Tư trị thông giám, sau khi chết, Chân phu nhân đã bị nhét đầy cám vào mồm, phủ tóc che khuất mặt nhằm khiến linh hồn bà không thể kêu oan, xuống Hoàng tuyền không thể nhìn mặt ai.
Mãi tới khi Tào Phi qua đời, con trai là Tào Duệ lên ngôi vua thì Chân thị mới được truy phong làm Văn Chiêu hoàng hậu, dùng lễ Tam sinh đến bái vọng và hiến tế lăng mộ của Chân hậu tại Nghiệp Thành.
Khác với hình tượng của một vị tướng "càng đánh càng thua" như trong Tam quốc diễn nghĩa, Tào Chân ngoài đời thực...