Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi nào?

Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

1

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi gì?

Núi Rồng (Long Sơn)

Núi Chúa

Núi Thiên Sơn

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cột cờ đặt ở nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam, cách cực Bắc khoảng 3,3 km theo đường thẳng, cách huyện lỵ Đồng Văn 24 km, thành phố Hà Giang 154 km. Theo Cổng thông tin điện tử Hà Giang, cột cờ được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, nhưng kích thước nhỏ hơn. Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên gắn 8 mặt trống đồng. Cột cờ Lũng Cú có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ mới khánh thành ngày 25/9/2010, với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10 m) trong đó phần chân cột cao 20,25 m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8 m. Từ đỉnh núi Rồng, du khách có thể quan sát thấy đặc điểm phân lớp đơn nghiêng của các núi đá trầm tích hệ tầng Chang Pung, ngắm hai hồ nước được coi là hai mắt rồng - vết tích của hai hố sụt karst ở phía Đông và phía Tây. Đây là hai hồ nước hiếm hoi ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

2

Lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú có diện tích bao nhiêu m2?

52m2

53m2

54m2

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Thân cột cờ Lũng Cú có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột cờ Lũng Cú là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9 m và lá cờ đỏ sao vàng có chiều dài 9 m, chiều rộng 6 m, tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên đất nước Việt Nam.

3

Cao nguyên đá Đồng Văn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là gì?

Công viên đá toàn cầu

Công viên hóa thạch toàn cầu

Công viên địa chất toàn cầu

Trả lời đúng là đáp án C:

Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Ngày 3/10/2010, hồ sơ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn" được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây cũng là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng núi cực bắc của Việt Nam, có diện tích 2356,8 km² và độ cao trung bình 1.400 – 1.600 m. Cao nguyên có nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc khá lớn. Các thung lũng, sông, suối bị chia cắt nhiều. Nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400 - 600 triệu năm. Ở đây có mưa từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng thiếu nước vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4). Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi ở của khoảng 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam. Ngoài người H'Mông, Dao, Tày, Nùng còn có các dân tộc như La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô duy nhất sống tại đây.

4

Phiên chợ "độc nhất vô nhị" trên Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn tên là gì?

Chợ Phong Lưu Khâu Vai

Chợ Khâu Vai

Chợ tình duyên

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Chợ Phong Lưu Khâu Vai hay còn gọi là chợ tình Khâu Vai thuộc xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, diễn ra vào ngày 27/3 Âm lịch hàng năm. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang, chợ Phong lưu Khâu Vai (dân gian còn gọi tên khác là Háng Phúng Lìu) tồn tại cách nay trên 100 năm, với huyền thoại về chuyện tình của nàng Út - người dân tộc Giáy và chàng Ba - người dân tộc Nùng. Hai người bị ngăn cấm do những quan niệm khắt khe của dòng tộc. Khi tình yêu của họ bị phản đối quyết liệt, chàng Ba dắt nàng Út lên sườn núi Khâu Vai quyết tâm bảo vệ tình yêu. Điều đó đã khiến mâu thuẫn giữa hai tộc người trở nên gay gắt. Không cam tâm nhìn cảnh tang thương xảy ra với những người thân yêu, hai người đã gạt nước mắt chia tay, hẹn nhau hàng năm đúng ngày 27/3 Âm lịch sẽ tìm gặp tại núi Khâu Vai. Sau khi chàng Ba và nàng Út mất, người dân trong vùng đã xây miếu Ông, miếu Bà và từ năm 1919, tổ chức phiên chợ tình đúng ngày này. Tại phiên chợ này, nhiều đôi trai gái dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã nên duyên vợ chồng. Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo. Chợ không chỉ lưu giữ chuyện tình yêu đẹp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mà còn là không gian văn hóa sinh động, đặc sắc, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định về việc đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng chợ Phong Lưu Khâu Vai" vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

5

Con đèo nằm trong quần thể công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang) có tên gọi là gì?

Ô Quý Hồ

Pha Đin

Mã Pì Lèng

Mã Phục

Câu trả lời đúng là đáp án C:

Đèo Mã Pì Lèng nằm trong quần thể công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang), nơi được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Mã Pì Lèng là tên gọi theo tiếng H'Mông, dịch ra nghĩa đen là sống mũi ngựa, với hàm ý đây là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. Những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, chính phủ đã làm con đường mang tên Hạnh Phúc nối Hà Giang với hai huyện vùng cao là Mèo Vạc và Đồng Văn. Để làm con đường này, hàng chục nghìn nhân công từ các tỉnh khắp miền Bắc đã cùng tham gia. Riêng đoạn Mã Pì Lèng, do quá hiểm trở, nên khi đục từng cm đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng, mỗi ngày có vài chục dân công được làm lễ truy điệu sống rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống. Con đường hình thành vòng vèo quanh lưng núi, nơi có vực đá bên sông Nho Quế, hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á. Hẻm vực sông Nho Quế sâu khoảng 800 m, đứt gãy địa chất này được hình thành vào kỷ Kainozoi, cách đây khoảng 32 triệu năm đến 15 triệu năm theo cơ chế trượt bằng trái. Cách đây khoảng 5 triệu năm, đứt gãy hoạt động theo cơ chế trượt bằng phải, tạo nên hẻm vực hiện nay. Hiện nay, Mã Pì Lèng là điểm đến không thể thiếu khi tham quan công viên địa chất toàn cầu.

6

Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới thời vua nào?

Vua Gia Long

Vua Minh Mạng

Vua Tự Đức

Vua Hàm Nghi

Câu trả lời đúng là đáp án A:

Di tích cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội. Cột cờ được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: "Từ đời Lê về trước, kinh đô đều đặt ở đây, lại có tên là Thành Phụng Thiên ở trong thành Đại La. Thành lâu năm sụp đổ, đến đời Tây Sơn theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng. Bản triều đầu đời Gia Long lấy làm sở lỵ Bắc thành. Năm thứ 3, triều thần bàn rằng thể chế Tây Sơn không hợp quy củ, tâu xin sửa đổi. Năm thứ 4 sai quan đốc sức việc đắp thành và xây dựng kỳ đài". Kỳ đài thành Hà Nội được xây dựng vào năm thứ tư của triều Gia Long, tức là vào năm 1805 và hoàn thành vào năm 1812. Đây là một trong số ít công trình hiếm hoi của Hà Nội, thoát khỏi sự phá hủy do chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894-1897.

7

Cột cờ Hà Nội gồm mấy tầng?

Hai tầng

Ba tầng

Bốn tầng

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Cột cờ Hà Nội gồm 3 tầng, tầng một cao 3,2 m, tầng hai 3,7 m, tầng ba 5,1 m. Từ tầng một đến ba đều có cầu thang dẫn lên.

8

Cột cờ thành Hà Nội dưới triều vua Gia Long còn có chức năng gì?

Nơi vua uống trà ngắm cảnh

Vọng gác khu vực thành Thăng Long

Câu trả lời đúng là đáp án B:

Cột cờ Hà Nội cao hơn 33m, gồm ba tầng: đế, thân cột và vọng canh. Ở phần chân đế, mỗi cấp là một hình tứ diện vuông, thu nhỏ và cao dần từ dưới lên trên. Tại cấp thứ 3 có bố trí 4 cửa theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, trên mỗi cửa có biển đề tên: cửa đông là Nghinh Húc (đón sáng ban mai); cửa Tây là Hồi Quang (nhìn về hoàng hôn); cửa Nam là Hướng Ninh (trông theo ánh mặt trời), riêng cửa Bắc không thấy đề tên. Phần thân cột cờ là hình trụ tám cạnh, thu nhỏ dần từ dưới lên trên. Trong thân cột có 54 bậc thang xoáy chôn ốc lên đến tận đỉnh. Toàn thân cột cờ được soi sáng và thông hơi bằng 39 cửa nhỏ hình hoa thị và sáu cửa hình dẻ quạt. Đỉnh cột cờ (vọng canh) có cấu trúc như một gác lầu hình bát giác với 8 cửa sổ, mỗi cửa rộng 1m, trên có mái che. Dưới triều nhà Nguyễn, trong các dịp lễ Tết, cờ vàng của triều đình thường được treo trên đỉnh cột. Cột cờ còn là nơi vua quan xem duyệt quân ngũ, đấu võ. Đây cũng là vọng gác cho khu vực thành Thăng Long. Công trình này chỉ cách cửa thành phía nam - Đoan Môn khoảng 300 m, cách điện Kính Thiên 500 m và cách cửa Bắc chừng gần 1.000 m. Từ trên đỉnh của kỳ đài có thể quan sát cả vùng rộng lớn trong và ngoài khu hoàng thành.

Nếu bạn trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, hãy nhấn "Xem thêm kết quả"

Nguồn: [Link nguồn]

Cầu quay duy nhất ở Việt Nam nằm ở tỉnh thành nào?

Đây là cầu quay duy nhất ở Việt Nam, được thi công năm 1998-2000. Cầu có kiến trúc độc đáo, giúp giao thông đường bộ thuận tiện, không cản trở những con tàu biển trọng tải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Khám phá 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN