U19 VN: Những cú đạp ấy đã là gì đâu
Chúng ta phải cám ơn đội U19 Việt Nam với thành tích vào CK giải U19 ĐNA.
Chúng ta phải cám ơn đội U19 Việt Nam với thành tích vào chung kết giải vô địch U19 Đông Nam Á. Nhìn các cầu thủ trẻ thi đấu, người ta tạm quên đi những chuyện đáng buồn của bóng đá Việt Nam suốt một năm qua. Nhưng càng yêu quý, lại càng lo cho các em.
U19 Việt Nam đã thất bại trong một trận đấu mà chủ nhà cho thấy vì sao họ là quê hương của một môn võ. Những màn vào bóng như kiểu “triệt hạ” làm cho người xem cảm tưởng có đến 10 Pepe trên sân (thủ môn không đạp, không tính). Nhưng chúng ta không phải Barca nên không quây trọng tài để tạo áp lực. Ta âm thầm chịu đựng và rời sân với thân thể đầy thương tích.
Người hâm mộ Việt Nam lôi vị trọng tài Thái Lan ấy ra làm bia đỡ đạn. Chỉ một cô gái đi phượt ra sách thôi mà dân ta đã “ném đá” đến mức có thể xây được cả Vạn Lý Trường Thành, nói gì đến chuyện anh trọng tài nước bạn dám thổi ép mình. Ta so sánh vị trọng tài nọ với ông trọng tài Moreno thổi trận Hàn Quốc - Italia tại World Cup 2002 năm nào và gọi ông là "quỷ dữ", sớm muộn gì mà lâm vào cảnh ngộ như Moreno mà thôi.
U19 VN đã chơi quả cảm trước Indonesia
Ta tìm đến những trang Facebook của đội Indonesia mà tuôn ra những từ ngữ hết sức khó nghe. Rồi ta quay về vỗ về những cầu thủ đã làm rạng danh nước nhà, dù đấy chỉ là giải đấu trẻ. Nhưng câu hỏi đặt ra: rồi sao nữa sau màn chào hàng của U19 Việt Nam?
Trước U19, U16 và cả U14 Việt Nam cũng từng tạo ra những phấn khích tột cùng cho người hâm mộ. Rồi Việt Nam có vô địch SEA Games không? Bóng đá Việt Nam có vươn ra khỏi lũy tre làng chưa? Chúng ta vẫn cứ hay lầm tưởng một bước tiến nhỏ chút xíu với một bước chuyển mình. Phải tỉnh táo để tránh rơi vào cảnh "hy vọng thật nhiều thất vọng rồi cũng thật nhiều" như trước. Đó là chưa kể những sự khen ngợi quá đà dễ làm cho các cầu thủ Việt Nam dễ ỉ lại, sớm bệnh ngôi sao.
Những lời khen ấy thiết nghĩ còn nguy hiểm hơn cả những cú đạp của các cầu thủ Indonesia. Thay vì tung hô họ lên mây xanh, chi bằng hãy nhắc nhở các em là chặng đường phía trước hãy còn dài lắm. Đừng để những kinh nghiệm quý báu này trở nên uổng phí mà trở thành những bài học để các cầu thủ trẻ U19 trưởng thành, cứng cáp hơn trong tương lai. Họ hãy chuẩn bị tinh thần cho những gian nan phía trước: lỡ có đá trong nước thì giải V-League có nguy cơ tan vỡ nếu như các đội cứ thay phiên nhau bỏ giải. Ở đó có rất nhiều "trọng tài Thái Lan" thường xuyên mắc những sai lầm nghiêm trọng và thường xuyên bị dọa đánh.
Cần giữ được sự tỉnh táo
Ở đó có không chỉ một mà rất nhiều đội kiểu như U19 Indonesia, những người đã hình thành nên cả một "văn hóa chặt chém". Đội Indonesia kia có là gì nếu so với đội bóng miền Trung nổi tiếng “chém đinh chặt sắt”. Có người bảo đá với họ thì đừng mang ống đồng mà nên mặc... áo giáp. Những cú đạp mà U19 Việt Nam nhận từ Indonesia đã là gì đâu?
Chưa hết, những cám dỗ luôn chực chờ. Những trận đấu chưa đá mà ai cũng biết kết quả, những nghi án bán độ, nỗi lo “cá lớn nuốt cá bé”, “ma cũ ức hiếp ma mới”, bao nhiêu tiêu cực khiến cho V-League mang tai mang tiếng suốt một thời gian dài, đến nỗi nó vang xa đến... châu Âu, được Mourinho mang vào những cuộc họp báo. (Ví dụ nhé: "Trận Real - Sevilla xấu xí quá, tôi thà xem bóng đá Việt Nam còn hơn").
Cuối cùng, đạp giò dễ né, “ném đá” khó lường. Những con người đã đưa các cầu thủ U19 Việt Nam lên đỉnh cao tâng bốc rồi có thể sẽ quay sang “ném đá” em không thương tiếc nếu các em phạm sai lầm, không có một sự dung thứ nào. Những em bé vừa tỏa sáng tại Giọng hát Việt nhí bị mắng là chảnh, ham tiền bỏ học, hôn hít lung tung. Một cô gái thích đi du lịch bị “phanh phui dối trá”, một ông nhạc sĩ lên tiếng bình luận về nhạc Việt... tất cả đều đã nếm mùi “ném đá hội đồng”. Chính các em U19 cũng phải chuẩn bị tinh thần nếm mùi “ném đá” nếu họ lỡ bước ở cuộc chơi nào đó.
Những cú đạp của đội bạn, thiết nghĩ, có là gì đâu?!.