HA.GL-Arsenal JMG: Gieo mầm hy vọng (Bài 1)
Từ ngày 6 đến 22/12/2012, theo lời mời của vị HLV khả kính Arsene Wenger, 4 “tiểu pháo thủ” của học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG, gồm Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường và Trần Hữu Đông Triều sẽ lên đường sang London để tập luyện chung với đội U18 Arsenal.
Chưa biết kết quả chuyến đi này, nhưng dẫu sao đây là tin vui mang dấu ấn lịch sử đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam vừa thất bại ngay ở vòng bảng AFF Cup 2012. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu loạt bài về các cầu thủ của HA.GL-Arsenal JMG.
* Vườn cổ tích dưới chân núi Hàm Rồng
Ở Cao Nguyên Pleiku, đỉnh núi Hàm Rồng được ví như nóc nhà của phố Núi, cao 1.028m so mặt nước biển. Hàm Rồng hiểu nôm na là miệng của rồng, gốc tích huyền thoại là miệng núi lửa. Nhìn từ xa, ngọn núi này có hình thang cân, nằm cách trung tâm phố Núi Pleiku khoảng 10km. Ngày nay ngọn núi này trở thành một phần trong biểu tượng lô-gô của tỉnh Gia Lai.
Đi thêm khoảng 2km về hướng Nam là đại bản doanh của CLB HA.GL nằm ngay chân núi Hàm Rồng, với diện tích trên 10 héc ta, lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng cao su. Mùa này cây cao su đang thay lá, thế nên khung cảnh nơi đây đẹp, lãng mạn chẳng khác gì ở Bắc Âu, trở thành điểm hẹn lí tưởng của các đôi uyên ương đến chụp hình cho ngày cưới… Và trong cánh rừng cao su ấy, các cầu thủ trẻ của Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG đang miệt mài theo đuổi giấc mơ vươn tầm thế giới của ông bầu Đoàn Nguyên Đức và chính các cầu thủ nhí này.
BHL vui mừng khi đội nhà ghi bàn thắng
* Phát kiến độc của bầu Đức
Cách đây 6 năm về trước, trong chuyến công cán đến thủ đô Băngkok ở xứ Chùa Vàng, ông Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi với cái tên thân mật là bầu Đức (Ba Đức), được cựu danh thủ số một Đông Nam Á, Kiatisak (“Zico Thái”) đưa đi thăm học viện bóng đá JMG Thái Lan.
Ngồi trên khán đài suốt gần một buổi, đôi mắt ông Đức như bị dán dính vào đôi chân và quả bóng được các cầu thủ nhí ở đây điều khiển. Các cầu thủ ở đây đưa ông Đức đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mặc dù các em chỉ mới 12-13 tuổi, nhưng đã có thể vừa chạy khắp sân, vừa dùng đầu, cổ, vai, ngực, chân tâng bóng, nhưng bóng không hề chạm mặt sân. Thậm chí có em vừa tâng bóng, vừa nhảy hip hop, thay quần áo mà bóng không hề hấn gì…
Ngưỡng mộ trước tài năng đặc biệt này, ông Đức đã ra tiền để mời cầu thủ được mệnh danh là “thần đồng bóng đá Thái Lan”, người đã từng được đọ sức với danh thủ David Beckham, sang Pleiku biểu diễn cho bà con phố Núi xem.
Sau một thời gian vắt óc tính toán, bầu Đức đã tâm sự: “Ở tầm đội tuyển quốc gia, lúc bấy giờ đội tuyển Thái Lan là số 1 Đông Nam Á, mỗi lần chúng ta đụng phải họ, chẳng khác gì lấy trứng chọi đá. Bây giờ đã thua, tương lai còn thua xa hơn nữa, khi lứa cầu thủ được mệnh danh là thần đồng bóng đá Thái Lan từ học viện ở đây trưởng thành…”.
Xem người lại ngẫm đến ta, từ đây lòng tự ái dân tộc trong bầu Đức nổi lên, ông nói tiếp: “Cái gì người Thái làm được thì chúng ta cũng có thể làm được, thậm chí chúng ta còn làm tốt hơn họ”. Ngay lập tức ông bay sang London, bắt tay, “kết nghĩa huynh đệ” với giáo sư Arsene Wenger và CLB Arsenal, kí vào biên bản trở thành đối tác chiến lược lâu dài.
Một thành viên trong CLB HA.GL nhớ lại, lúc đầu phía bạn tỏ ra dè dặt, vì họ nghĩ đó chẳng qua “thấy người sang bắt quàng làm họ” mà thôi, chứ không tin một CLB ở Việt Nam lại dám làm ăn lớn, chơi sòng phẳng với đội bóng lừng danh thế giới, Arsenal.
Để thuyết phục phía Arsenal, ông Đức đã cử đội 1 của HA.GL sang London tập huấn, bỏ ra hàng triệu USD đặt bảng quảng cáo trên SVĐ Emirates với dòng chữ: Hoàng Anh-Gia Lai-Việt Nam, sau đó cắt cử tuyển thủ Mỹ gốc Việt, Lee Nguyễn và Thonglao sang tập huấn chung với các chàng pháo thủ thành London…
Nước chảy đá mòn, sau khi đã làm hài lòng phía bạn, bầu Đức xúc tiến ngay tuyển sinh khóa đầu và xây dựng học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG vào năm 2007.
Các cầu thủ nhí học viện tập bơi sau giờ đá bóng
* Học viện bóng đá “3 trong 1”
Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG được khởi công xây dựng và khánh thành vào năm 2007, nằm bên cạnh CLB HA.GL, thuộc Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng.
Trong khuôn viên đại bản doanh của đội bóng phố Núi hiện có 6 sân tập, 1 sân cát, 2 bể bơi, 2 nhà ăn, phòng tập thể lực, 12 khối nhà được xây theo kiểu Thái… Tất cả giống như khu resort, tiêu chuẩn 4-5 sao.
Có thể nói rằng, học viện này được thành lập theo mô hình “3 trong 1”, góp gạo nấu cơm chung từ 3 phía, tổng kinh phí đầu tư ban đầu lên tới 4,5 triệu USD. Trong đó CLB HA.GL lo về cơ sở vật chất, cơm ăn nước uống, mọi thứ sinh hoạt trong suốt quá trình đào tạo; phía Arsenal góp phần giải quyết đầu ra; còn JMG là tên viết tắt của cựu tuyển thủ Pháp Jean-Marc Guillou, người sáng lập ra học viện JMG toàn cầu, phía JMG đảm trách khâu tuyển chọn đầu vào và huấn luyện suốt 7 năm của mỗi khóa đào tạo. HLV trưởng hiện nay của học viện là chàng rể người Pháp Guillaume Graechen lấy vợ Việt Nam.
Nghĩa vụ đi đôi với quyền lợi. Theo qui định, cứ mỗi lứa sau khi tốt nghiệp ra lò, CLB Arsenal được quyền chọn 1 cầu thủ tốt nhất. Số còn lại, bên nào muốn lấy phải chi tiền cho 2 đối tác còn lại. Khi các cầu thủ được CLB nào đó nhận quyền chuyển nhượng, phía gia đình của các em được hưởng 10% tổng giá trị.
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài học viện HA.GL-Arsenal JMG ra còn có học viện JMG Thái Lan. Học viện Thái Lan ra đời sớm hơn học viện ở Việt Nam gần 2 năm, nhưng đến nay phía bạn đã “dẹp tiệm” vì không đáp ứng đủ kinh phí hoạt động. Số cầu thủ người châu Phi đã trở về nước, các cầu thủ Thái Lan được biên chế vào một số CLB thi đấu ở Thai League…
Các cầu thủ nhí tranh thủ ghi hình đồng đội thi đấu
* Khó nhọc “luyện công”, mong ngày hái quả
Đến nay học viện HA.GL-Arsenal JMG đang đào tạo 2 khóa, mỗi khóa 7 năm. Khóa 1 (từ 2007-2014), khóa 2 (2009-2016) với tổng cộng 27 học viên. Trong đó khóa 1 hiện tại có 18 em, khóa 2 là 9 em.
Tôn chỉ mục đích xuyên suốt từ đầu của học viện HA.GL-Arsenal JMG ghi rõ ngay ở hai khối đá granit được gọt giũa cẩn thận, làm thành 2 chiếc giày siêu bự nằm ngay cổng vào của học viện: “Vì tương lai bóng đá Việt Nam”.
Mục đích trước mắt của học viện là xuất khẩu cầu thủ sang thi đấu ở một số giải bóng đá nhà nghề danh giá ở châu Âu, như Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Đức, Pháp…, sau đó đến các CLB châu Á, số còn lại khoác áo các CLB trong nước.
Người xưa có câu gieo gì gặt nấy và học viện bóng đá muốn có sản phẩm tốt nhất thì những người trong cuộc buộc phải tuyển chọn gắt gao, đầu tư tốt nhất…
Ở khóa 1 và khóa 2, trung bình 1 cầu thủ vào được học viện đều phải trải qua các cuộc tuyển chọn hết sức cam go, tỉ lệ “chọi” rất cao (1 chọi 1.000). Vị chi, trong tổng số 27 viên ngọc thô đang có mặt tại đây, các chuyên gia người Pháp phải sàng lọc từ khoảng 27.000 thí sinh từ khắp mọi miền đất nước.
Với số các học viên lọt vào vòng chung kết nhưng không được tuyển chọn vào học viện, bầu Đức “tiếc của” đành hứng trọn số còn lại, cũng xây nhà, làm sân bãi, thuê chuyên gia huấn luyện bài bản cũng như ai. Lớp này gọi là đội U.17 HA.GL, số lượng lên tới 30 cầu thủ do HLV Đinh Hồng Vinh dẫn dắt, đang thi đấu ở giải hạng Ba toàn quốc.
Sau khi có mặt tại “vườn cổ tích”, các cầu thủ được cưng như trứng, chăm bẵm như em bé, đúng nghĩa “những gì tốt đẹp nhất dành cho cầu thủ học viện”… 7 năm ở trong lò luyện, học viện HA.GL-Arsenal JMG được chăm lo mọi thứ từ A-Z cho cầu thủ, gia đình các em không phải băn khoăn bất cứ thứ gì.
Về chế độ dinh dưỡng, cầu thủ ở đây ăn uống theo thực đơn của bác sĩ lên hàng tuần một cách khoa học. Mỗi ngày họ ăn 4 bữa: sáng, trưa, tối, khuya. Ngoài ăn, học viện đặc biệt chú trọng đến việc uống sữa để bổ sung thêm dinh dưỡng, hỗ trợ phát triển chiều cao cho các em. Mỗi ngày, 1 “pháo thủ nhí” uống hết 5 hộp sữa, tương đương 1 lít, mỗi tháng 30 lít. Trong 5 năm qua, mỗi học viên đã uống hết gần 2 ngàn lít sữa. Một con số khổng lồ đối với người Việt Nam…
Còn chuyện học, bầu Đức xây sẵn một ngôi trường nằm bên cạnh, thuê hẳn giáo viên từ phố Núi về dạy văn hóa cho các em. Ngoài học văn hóa, để chuẩn bị hành trang cho các em ra nước ngoài thi đấu, buổi tối các cầu thủ còn được học tiếng Anh, tiếng Pháp… nhờ đó hiện nay các em có thể giao tiếp khá tốt với người ngoại quốc bằng hai thứ tiếng này mà không cần sự trợ giúp từ phiên dịch. Vì vậy, trong chuyến sang London sắp tới, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường và Trần Hữu Đông Triều tự độc lập tác chiến, mà không cần người lớn dìu dắt…
Khi được hỏi, mỗi năm học viện bỏ ra bao nhiêu tiền để trang trải cho các em, ông Huỳnh Mau, Giám đốc Điều hành CLB HA.GL, đã nhẩm tính: “Áng chừng 1 tỉ đồng/em/năm. Cho đến khi ra lò, 27 cầu thủ tại đây nướng hết gần 200 tỷ đồng của bầu Đức…”.
Thế mới biết ông Đoàn Nguyên Đức không chỉ là người chịu chơi, chịu chi, đi trước thiên hạ mà còn có tầm nhìn xa trông rộng… Chẳng cần đi đâu cho xa, các vị ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vào Hàm Rồng học cách làm đào tạo bóng đá trẻ của bầu Đức cũng đã nhìn thấy được lắm điều hay…
* HA.GL-Arsenal JMG: Gieo mầm hy vọng (Bài 2) sẽ giới thiệu 4 “tiểu tướng” của đội trẻ phố Núi Pleiku. Mời các bạn đón đọc vào lúc 7h sáng ngày thứ Ba 4/12/2012