Người Việt đâu phải không biết đá bóng!
Các cầu thủ trẻ của đội U19 Việt Nam, những người đã đánh bại U19 Australia một cách oanh liệt vào chiều qua, là sản phẩm của một lò đào tạo trứ danh mà “chi nhánh” của nó có mặt trên toàn thế giới, một hệ thống được sáng lập bởi cựu tuyển thủ Pháp Jean-Marc Guillou.
Học viện JMG có mặt ở cả Thái Lan, Bỉ, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Algeria, Ghana… Đó là nơi đã đào tạo ra anh em nhà Toure (Kolo và Yaya), Gervinho, và rất nhiều cầu thủ danh tiếng khác. Và bây giờ, là cái nôi cho những Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều, Trùm Tỉnh… cất cánh.
Các học viện tốt đều biết cách tạo ra cầu thủ giỏi theo triết lý của họ. Tại học viện La Masia, các cầu thủ được giáo dục về tinh thần đồng đội, và sự khiêm tốn. Hãy xem Lionel Messi: Anh là người Argentina, nhưng tính cách không khác là mấy so với những cầu thủ trước đây cũng trưởng thành từ La Masia, là Xavi, Iniesta, những người mà ngoài tài năng đá bóng, còn được đánh giá rất cao về sự chuyên nghiệp.
Học viện của Ajax Amsterdam đặt dấu ấn lên các cầu thủ bằng cách cho họ uống nước trong một cái cốc Ajax, ăn trên một cái đĩa đặc trưng của Ajax, và từ đó dạy họ thứ bóng đá của Ajax. Một môi trường rất nghiêm khắc và luôn đào thải, theo lời cựu tuyển thủ Hà Lan Frank De Boer.
JMG là một sản phẩm tuyệt vời của đào tạo cầu thủ: Dù học viện ấy có đặt bản doanh ở đâu đi chăng nữa, thì nó vẫn có thể đào tạo ra những cầu thủ giỏi theo ý nó, không cứ là một cậu bé Bờ Biển Ngà, Mali, Thái Lan, hay Việt Nam.
Được đào tạo bài bản, U19 Việt Nam đang gây tiếng vang lớn
Những học viện có uy tín trên thế giới đều là những trường bóng đá có thể truyền bá những giá trị nó tạo ra ở bất cứ đâu, và đội U19 của chúng ta là sản phẩm từ một hệ thống uy tín ấy. Nói vui thì giống như một hình thức “nhượng quyền thương hiệu”, những nơi áp dụng hệ thống ấy chẳng cần phải làm gì nhiều ngoài việc sao chép lại những gì đã được đúc rút và trăn trở hàng chục năm.
Một hệ thống tốt sẽ tạo ra con người tốt. Các em U19 Việt Nam không chỉ là một lứa cầu thủ tài năng, mà như chúng ta đã thấy, còn là những cầu thủ chơi bóng với tinh thần đẹp đẽ và cao thượng. Hãy nhớ là sau 10 trận tính từ giải U19 Đông Nam Á cho đến vòng loại U19 châu Á, các em chỉ mới phải nhận một thẻ vàng. Các em không đổ lỗi cho đối phương chơi xấu (dù thực tế là như thế) sau thất bại ở chung kết U19 Đông Nam Á trước Indonesia. Lối chơi và thái độ của các em với thể thao đều tuyệt vời.
Thế mới biết là người Việt Nam không hẳn không có tố chất bóng đá. Có ai đó đã từng ví von rằng nếu Văn Quyến lớn lên ở Brazil, thì anh có thể đã trở thành một cầu thủ có đẳng cấp thế giới. Có thể đó là sự thổi phồng, nhưng thực tế là đội U19 Việt Nam vừa giành chiến thắng trước U19 Australia, đội bóng đã từng đánh bại cả U19 Tây Ban Nha, một cường quốc bóng đá, bao gồm cả các đội tuyển trẻ.
Nhưng có bao nhiêu thế hệ đã bị bỏ qua vì một nền bóng đá thiếu oxy cho cầu thủ phát triển, bởi một nền thể thao thiếu sự chăm chút từ học đường? Có bao nhiêu thế hệ đã không được dạy cho những giá trị sống, trước khi được dạy đá bóng, để đủ bản lĩnh vào đời, chiến thắng những cám dỗ và tạo dựng sự nghiệp? Bao nhiêu sự nghiệp đã sớm tàn lụi vì không được chăm sóc đúng đắn về thể chất do kiến thức khoa học thể thao còn yếu?
U19 Việt Nam đã chứng minh rằng một khi được đào tạo theo tiêu chuẩn, cả về khoa học thể chất và nhân văn, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một lứa cầu thủ giỏi và biết cách chơi bóng đúng tinh thần thể thao. Đội U19 đại diện cho một quốc gia ấy lại không phải được tạo ra từ nền thể thao của quốc gia đó, nhưng ai cũng đã thấy rằng JMG đã nhân rộng những giá trị làm nên danh tiếng của nó tốt ra sao.
Vậy thì nếu người Việt hoàn toàn có thể chơi bóng tốt và mơ đến đẳng cấp thế giới khi được đào tạo nhờ một hệ thống nước ngoài, thì tại sao phần còn lại của bóng đá Việt Nam, trừ đội U19, vẫn không thoát khỏi những giấc mơ con ở Đông Nam Á?