Người lớn cay cú
Thông tin VFF sẽ kiến nghị vấn đề trọng tài người Thái Lan lên AFF khiến dư luận có những ý kiến tranh luận trái chiều.
Một luồng thì cho rằng các cầu thủ trẻ chúng ta chịu áp lực lớn lại còn phải chấp nhận sự bất công nên phải cho họ biết. Trong số đó cũng có luồng tức tối khi cho rằng ông phó chủ tịch AFF phụ trách về công tác trọng tài AFF là người Việt Nam lại ngồi ở ghế điều hành, thế mà trận chung kết lại để trọng tài của AFF ép đội bóng của ta như thế. Những người chín chắn hơn lại cho rằng bóng đá lại là bóng đá ở vùng trũng thì phải chấp nhận những chèn ép đó. Vả lại đây cũng là điều kiện để các cầu thủ còn rất ngây thơ của chúng ta “lì” hơn và chín chắn hơn khi bước ra trường đời khác với trường học rất nhiều.
Cá nhân tôi ủng hộ vế sau tức cho rằng VFF chẳng cần phải kiến nghị làm gì bởi hơn ai hết VFF càng phải hiểu được cuộc chơi ở vùng trũng này nó như thế nào. Sâu xa hơn, nhìn lại một số giải đấu tổ chức trên sân nhà của ta kể cả giải trẻ lẫn cấp U-23 hay đội tuyển thì ít nhiều ta cũng từng được hưởng lợi từ trọng tài cơ mà.
Bóng đá vùng trũng khó tiến vì những tư tưởng cứ đan xen như thế và trong thời điểm này thì nên học cách chấp nhận hơn là đổ hết cho trọng tài, cho ban tổ chức.
Hãy cứ để các em buồn vì thất bại và vui với những gì mình làm được thay vì gieo cho các em sự cay cú và đổ hết cho trọng tài, cho ban tổ chức. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Cứ cùng vui và hy vọng với lớp trẻ khi chính các em cho rằng các em chưa thắng và chưa vô địch vì thiếu may mắn, thiếu chính xác trong các cơ hội. Điều đấy giúp các em và giúp cả bóng đá Việt Nam nhẹ nhàng hơn là “nâng quan điểm” rằng chúng ta bị đánh cắp một cái cúp.
Nên nhớ khi bầu Đức kết hợp với Arsenal để đào tạo lứa cầu thủ này thì họ không nhắm đến mục tiêu đoạt cúp Đông Nam Á mà là những sân chơi cao hơn, lớn hơn tại các đấu trường lớn.
Những nhà làm bóng đá khi khiển trách các cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ thì hay chê họ cay cú, thế thì đừng cay cú với chiếc cúp vàng của lứa U-19 này nữa khi bản thân các em chỉ tiếc vì chưa làm được chứ không cay cú. Nhìn vào thái độ đấy, phong cách đấy cùng một cái cúp fair play sẽ thấy tươi mát hơn và vui hơn là phải la làng lên cho Đông Nam Á biết là đáng lẽ các cầu thủ U-19 chúng ta mới là nhà vô địch.
Trẻ ngoan do cách dạy của người lớn và trẻ hư cũng do người lớn, thế thì đừng để các em từ những người hùng rất sạch và rất dễ thương trong một trận chung kết giàu cảm xúc bị lây lan cái cảm xúc đấy và mang thái độ bực tức ấy vào.
Tôi còn nhớ các HLV ngày trước khi dẫn các cầu thủ trẻ đi thi đấu giao hữu đã rỉ tai ban tổ chức và trọng tài là bắt chặt đội mình hơn để các em nhỏ rèn ý chí và rèn cả sức chịu đựng. Điều đấy sau này rất ít khi thấy ở những nhà dẫn dắt trẻ và ngược lại là sự cay cú của thầy lan sang trò dễ làm hỏng một lớp trẻ.
Bóng đá khác trường đời ở chỗ đôi khi phải chấp nhận sự bất công và phải đối diện với nó để chuyển hóa những khó khăn ấy thành sức mạnh nhằm đi đến đích: Chiến thắng.
Thế nên cứ xem giải U-19 này và cả trận chung kết là những bài học ở trường đời mà lần đầu các em chơi một giải đấu nghiêm túc thay cho những trận giao hữu, những giải kiểu Festival.
Thôi thì người lớn đừng cay cú, đừng bắt các em từ chơi bóng thành chiến đấu nữa mà hãy cứ vui với các em vì đã làm được.
Các em đã làm những điều mà cả Đông Nam Á phải thán phục về lối chơi, về cách chơi và trên hết là phong cách chơi thu phục lòng người. Và chắc chắn tương lai các em vẫn còn dài nếu tiếp tục đi đúng hướng và giữ được chất trong sáng đấy.
Thế thì có cần phải kiến nghị về một chiến thắng bị đánh cắp?