Luyện “gà” ở trời Âu
Bầu Đức đang sướng với lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG nên không ngại đổ tiền tấn cho các cầu thủ này học tiếp thành tài.
Ông vì cái chung nên sẵn sàng xin (Arsenal) và chi cả cho các cầu thủ ở những lò bóng đá khác tham gia trong thành phần U-19 đi tập huấn châu Âu vào đầu năm 2014.
Cái cách ông quyết rất nhanh và dứt khoát bởi ông bỏ tiền túi. Điều này khác rất xa với cách quyết của những người được trao quyền điều hành bóng đá “công” muốn quyết gì thì cứ đi lòng vòng theo kiểu đi nhiều thì rơi rớt nhiều.
Nghe chuyện này lại nhớ đến lời tâm sự của những nhà tổ chức giải bóng đá quốc tế BTV Cup (Cúp Truyền hình Bình Dương) than thở rằng họ bỏ tiền túi để tổ chức giải quốc tế, tạo sân chơi cho U-23 Việt Nam tập huấn, đồng thời cũng là giúp VFF “trả nợ” nhà tài trợ… thế mà thủ tục cứ bị “hành” đủ thứ.
Cũng chuyện này, nghĩ đến kiểu luyện “gà” cho U-23 Việt Nam cũng ở trời Âu vào tháng trước mới thấy có sự khác biệt lớn về mục đích đi và hướng đi. Một chuyến Hungary đổi gió cho U-23 Việt Nam đá toàn đội phong trào làng nhàng và thắng dễ còn hơn cả sét tennis với kinh phí đội lên rất cao cùng bản báo cáo thu hoạch rất tốt nhưng “người thật, việc thật” lại hiểu chuyện “bật qua, đá lại” của những người chọn điểm và tiêu tiền không phải của mình.
Bầu Đức tiếp tục dốc tiền đầu tư cho U19 Việt Nam
Bầu Đức bỏ tiền túi nên quyết nhanh và quyết đúng bởi “của đau con xót” nhưng quan trọng là mục đích đạt được phải là lứa cầu thủ chơi ra trò. Ngược lại thì rất nhiều người làm bóng đá “công” lại thích quyết lòng vòng và cứ thích vẽ thủ tục để mỗi nơi, mỗi trạm rơi rụng lại một tý.
Bầu Đức không phải là người của liên đoàn nhưng lại bỏ rất nhiều tiền cho bóng đá, trong khi nhiều người ở liên đoàn lại chẳng bỏ gì mà lại làm ra rất nhiều từ bóng đá.
Nghịch lý ấy cũng là câu trả lời vì sao bóng đá “công” thì chậm phát triển còn bóng đá “tư” thì lên rất nhanh với bộ máy rất gọn mà chẳng cần bàn tay của các tiến sĩ bóng đá “ngâm” cứu.