Chuyện HAGL-Arsenal JMG: Các “thần đồng” luyện công như thế nào?
So với 6 năm về trước, những viên ngọc của học viện HAGL-Arsenal JMG đã khác xa một trời một vực...
Những mẩu chuyện thú vị
Học viên Lương Xuân Trường là một ví dụ điển hình. Năm 2007, khi nghe thông tin học viện HAGL-Arsenal JMG tổ chức tuyển sinh tại Thái Nguyên. Vốn đam mê với quả bóng tròn, Trường “lén” bố mẹ vượt cả trăm cây số sang tham gia ứng tuyển, chỉ với hy vọng kiếm được bộ quần áo mặc làm kỉ niệm để khoe với bạn bè. Nhưng không ngờ Trường đậu thật, và đậu với thứ hạng rất cao.
Ngày đầu mới đặt chân vào học viện, Xuân Trường chỉ cao 1m42. Nhưng 6 năm sau, cầu thủ này cao nhất khóa, 1m75. Không những vậy, cầu thủ này cầm bóng rất tốt, có lối chơi thông minh y hệt như cựu tuyển thủ Pháp Zidane, nên các thầy đặt cho biệt danh Trường “Zidane”.
Không những vậy, nhờ có chế độ tập luyện và ăn uống, sinh hoạt hợp lý nên hiện nay chiều cao trung bình của các cầu thủ học viện 1,7m (độ tuổi từ 15-18). Tại đây, mỗi ngày các học viên được ăn 5 bữa: sáng, lỡ sáng, trưa, chiều và tối. Còn chè, chuối, trái cây, ya-ua… ăn theo tùy thích. Riêng sữa là bắt buộc. Mỗi ngày một học viên phải uống 5 hộp sữa, tương đương 1 lít…
Cầu thủ Học viện tại CLB Arsenal
Con đường trở thành học viên của học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG của Nguyễn Công Phượng quê ở Nghệ An cũng đáng để nói. Lúc các chuyên gia người Pháp ra tuyển sinh tại TP.Vinh, do bận làm việc đồng áng cùng bố mẹ nên Phượng đành phải bỏ “tua”. Một tháng sau cầu thủ này khăn gói cùng bố vượt 900 cây số vào Pleiku dự tuyển. Trong bài test 1 chọi 1, cầu thủ này khiến mọi người tròn xoe mắt nhìn, khi Phượng làm động tác giả qua người cái rẹc trước đối thủ, sau đó dẫn bóng đến trước cầu môn. Còn dư thời gian, cầu thủ này làm động tác “bò húc”. Bằng cách nằm sấp, dùng đấu ngoáy đưa bóng vào khung thành.
Ngạc nhiên trước kỹ thuật điều khiển quả bóng đến mức điêu luyện và tính láu cá, tinh nghịch dễ thương của tài năng đến từ xứ Nghệ, khiến HLV người Pháp Guillaume Graechane không ngừng chép miệng khen lấy khen để và khẳng định: Trong tương lai không xa Công Phượng sẽ trở thành một trong những tài năng thực thụ của bóng đá Việt Nam.
Trong số 35 thành viên của học viện, chỉ duy nhất Ksor Úc là người dân tộc thiểu số. Úc là người Jrai ở tại làng Pleikuroh (TP.Pleiku). Nhiều người nghĩ, Úc đậu vào học viện là nhờ “cơ cấu” mà được. Nhưng kì thực, Úc là một tài năng hiếm có. Hiện nay cầu thủ này có thể tâng 4.000 chạm bằng cả hai chân. Vừa tâng vừa chạy cự ly 100m chỉ trong vòng 22 giây… Úc không chỉ là một nghệ sĩ sân cỏ, mà còn là nghệ sĩ sân khấu.
Mỗi dịp đến hội hè, Úc vừa đóng vai trò MC, hoạt náo viên vừa kiêm luôn diễn viên múa hát, nhảy hit hop rất rành điệu. Úc hát, Nguyễn Quang Huy (quê Bình Thuận) đàn organ đã trở thành cặp bài trùng không thể thiếu trong các buổi lễ hội của học viện HAGL-Arsenal JMG…
Xứng đáng là nơi chọn mặt gửi… kim cương
Ngay từ khi mới thành lập học viện HAGL-Arsenal JMG đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước. Tuy nhiên trong thời buổi mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con thì việc gửi “cậu ấm, cô chiêu” xa gia đình ngay từ lúc 11-12 tuổi đó là chuyện vô cùng khó. Chẳng khác gì đi chọn mặt gửi kim cương.
Thấu hiểu điều này, từ những ngày đầu các cầu thủ nhí từ khắp cả nước về Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng dự vòng chung kết, học viện mời cả bố, mẹ thậm chí cả anh chị em của thí sinh vào ăn ở miễn phí tại đây. Chứng kiến sự đón tiếp ân cần, chế độ ăn uống, sinh hoạt y như “ăn cỗ”, tất cả các phụ huynh đều hài lòng.
Anh Nguyễn Công Bảy (Bố của Nguyễn Công Phượng) cho biết: “Hai năm đầu, vì nhớ con mỗi năm tôi vào thăm cháu 2 lần. Lần nào cũng được học viện tiếp đãi, chăm lo chu đáo giúp tôi rất yên tâm. Hiện nay khi mà cháu đã thích nghi hoàn toàn với môi trường sống ở đây, mỗi tuần tôi gọi điện hỏi thăm một lần. Thỉnh thoảng có chuyện gì đột xuất, các thầy ở học viện chủ động gọi điện cho vợ chồng tôi. Con tôi được vào học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, có thể nói hơn cả trúng số độc đắc. Giải sử nếu sau này không thành công trong sự nghiệp đá bóng, thì cháu cũng có trong tay tấm bằng 12, đọc thông nói thạo tiếng Anh và Pháp có thể sống bằng nghề khác cũng chẳng sao…”.
Cầu thủ học viện tại Paris
Để giúp cho các học viên vừa toàn tâm toàn ý với chuyện học văn hóa, học nghề và chuyện gia đình, học viện quy ước, mỗi tuần chỉ cho các em dùng điện thoại, sử dụng internet liên lạc với gia đình trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Mỗi học kì, học viện sẽ gửi sổ liên lạc, thông báo kết quả học văn hóa và chuyên môn bóng đá về từng gia đình. Bất cứ lúc nào, phụ huynh cũng có thể gọi điện cho các thầy để hỏi thăm sức khỏe của con em mình. Ngược lại, lúc nào có chuyện đột xuất, các huấn luyện viên đều gọi thông báo tường tận cho từng gia đình.
HLV Dương Minh Ninh tâm sự: “Làm bóng đá trẻ có phần thiệt thòi và có những khó khăn riêng. Làm cái gì, nói bất cứ điều gì cũng phải suy trước tính sau, uốn lưỡi 7 lần mới nói. Tôi coi các cháu như con, các cháu coi tôi như người cha. Bởi vậy trước các học viên, người thầy phải mực thước, chỉn chu như vậy các cháu mới ngoan, học giỏi. Nếu không làm được đó, sau này khi học viên trưởng thành, dù có tài mà đạo đức kém cũng trở thành vô dụng…”.
Ngọc thô ngày càng phát sáng
Có dịp nhìn lại hình ảnh 6 năm về trước, cùng một con người đó đến bây giờ đã khác xa một trời một vực. Lúc mới nhập học, chiều cao trung bình của các học viên khóa 1 chỉ mới 1m40, bây giờ đã là 1m70 và sẽ còn cao hơn nữa.
Ban đầu, em nào tâng bóng nhiều nhất cũng chỉ 200-300 chạm, nhưng bây giờ phổ biến 2.000 – 4.000 chạm. Nói chung tâng bóng mệt nghỉ. Ngày mới vào trường, Quang Huy chỉ tâng được 200 chạm, bây giờ em có thể tâng lên tới 4.500 chạm. Trước đây, Ksor Úc tâng bóng trong vòng 15 phút coi như ná thở, hiện nay cầu thủ này có thể vừa tâng bóng vừa chạy khắp mặt sân, vừa tâng bóng vừa thay quần áo và vừa nhảy hip hóp rất sành điệu…
Hiện nay các học viên khó 1, 2 đã được mang giày tập luyện và thi đấu. Hàng tháng, học viện đều lên kế hoạch thi đấu nội bộ, giao hữu với các đội các tuyến ở CLB HAGL, với các đội bạn. Hàng năm học viện HAGL-Arsenal JMG đều mời các học viện nước bạn hoặc cử đội bóng của mình sang thi đấu tập huấn ở nước ngoài.
Trong năm vừa qua, học viện HAGL-Arsenal JMG đã mời cầu thủ học viện Ai Cập, Thái Lan, Bỉ sang tổ chức festival ngay tại Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng. Mặc dù khách mời có rất nhiều cầu thủ đến từ châu Phi, với thể hình và thể lực vượt trội, tuy nhiên cầu thủ học viện HAGL với 100% cầu thủ Việt Nam vẫn thi đấu ngang ngửa với phía bạn.
HLV trưởng học viện HAGL-Arsenal JMG Guillaume Graechane nói: “Mặc dù thể hình và thể lực cầu thủ của chúng tôi còn phần thua thiệt hơn các học viện khác, nhưng bù lại, lối chơi cầu thủ Việt Nam rất thông minh, khéo léo nên hầu như không có ranh giới về mặt bằng chuyên môn giữa học viện chúng tôi với các nước bạn. Thực tế đã chứng minh, trên thế giới có khá nhiều cầu thủ nhỏ con nhưng họ đã đi vào huyền thoại của bóng đá thế giới, chẳng hạn như Maradona, Messi…”.
Theo kế hoạch, kể từ năm 2014, bầu Đức sẽ cho các “tiểu pháo thủ” sang Arsenal tập huấn 6 tháng/năm, nhằm mục đích nhắm đến chiếc Cúp vàng SEA Games 28, 29…
Bên cạnh đó việc học văn hóa của các cầu thủ cũng rất được coi trọng. Cách đây một năm, học viện đã xây dựng hẳn một trường học văn hóa cho các học viên. Trước đây để học được con chữ, cầu thủ phải di chuyển quãng đường tới 6km, nhưng bây giờ chỉ cần cuốc bộ trong vài phút là tới nơi. Kết thúc năm học 2012-2013, tất cả học viên đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trở lên. Xuất sắc nhất trong số đó là Nguyễn Tuấn Anh và Phạm Thành Nam.
Ngoài ra, buổi tối các em còn được dạy thêm tiếng Pháp và Anh. Hiện nay các cầu thủ học viện đã có thể giao tiếp tương đối tốt cùng lúc hai loại ngoại ngữ này mà không cần phiên dịch…
“Trước khi trở thành cầu thủ đá bóng giỏi, các cháu phải là học trò ngoan và giỏi về văn hóa. Nói một cách biện chứng, nếu các cháu học văn hóa giỏi, đạo đức ngoan thì đường bóng cũng sắc sảo, chính xác, vô tư và hiệu quả hơn. Khi tốt nghiệp ra lò, mỗi một cầu thủ học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, trước hết phải là một công dân tốt cho xã hội”, ông Huỳnh Mau (GĐĐH CLB HAGL) cho biết.