Bình luận: Dụng nhân
Nhìn màn trình diễn của U.19 Việt Nam, quả thực sẽ khiến những người có trách nhiệm trong đó có báo chí và dư luận phải đau đầu trong việc nghĩ cách nên đối xử như thế nào.
1. Trong cuốn tự truyện của mình, cầu thủ Ibrahimovic đã kể lại rằng hồi anh còn thi đấu ở Inter Milan dù là cầu thủ quan trọng nhất của đội bóng nhưng chưa bao giờ anh nhận được lời khen của HLV Jose Mourinho người mà anh thán phục và khẳng định là “bậc thầy về tâm lý”.
Trong phát biểu mới đây nhất về cách “dụng nhân” của mình khi những bất ổn diễn ra ở CLB Chelsea trong đó ngôi sao số 1 của đội bóng mùa giải trước là Mata không được xếp thi đấu, ông Mourinho đã lý giải: “Với những cầu thủ trẻ, tiềm năng, tôi luôn cố gắng động viên và dành lời khen cho họ, nhưng với những ngôi sao, tôi muốn họ hiểu rằng họ phải làm được nhiều hơn thế, Hazard hay Mata phải trình diễn ở đẳng cấp hàng đấu thế giới”.
Thế nên, không khó lý giải vì sao Mata đã trở lại và còn hoàn thiện hơn trước, trong khi Hazard, người trước đó gần như được mặc định 1 suất đá chính phải nhường chỗ cho những người khác chỉ sau một vài trận đấu không đạt yêu cầu.
Khen, thưởng hay trừng phạt thực sự là một nghệ thuật mà nếu không biết áp dụng đúng cách thì hiệu quả sẽ là khôn lường. Bản thân, Jose Mourinho cũng từng thất bại cũng trong cách “dụng nhân” của mình ở giai đoạn cuối với Real Madrid.
Cần giữ đôi chân trên mặt đất
2. Nhìn màn trình diễn của U.19 Việt Nam, quả thực sẽ khiến những người có trách nhiệm trong đó có báo chí và dư luận phải đau đầu trong việc nghĩ cách nên đối xử như thế nào. Những gì họ đã thể hiện là rất đáng khen, rất đáng nhận được những mỹ từ tán thưởng. Nhưng khen ngợi như thế nào để các cầu thủ thấy họ đang nhận được sự quan tâm mà tự hào hơn, có động lực để cống hiến tiếp chứ không phải là “bơm” các cầu thủ trở thành một quả bóng bay có thể xẹp lép bất cứ lúc nào.
Ở đây, nhắc lại cách đối xử của HLV Mourinho với các ngôi sao, đó là ông không bao giờ khen ngôi sao của mình trước mặt mà nói điều ấy với dư luận, đứng trước ngôi sao ấy, ông muốn họ hiểu những gì họ làm là điều đương nhiên và còn có thể hơn thế nữa. Cũng như thế, chúng ta phải quan tâm đến các cầu thủ U.19 Việt Nam bởi họ đáng được nhận như vậy, nhưng cũng cần cho các cầu thủ hiểu rằng những gì họ đang làm chỉ mới là số “0”, và là điều đương nhiên với số tiền đã bỏ ra để đầu tư, họ phải làm được nhiều hơn thế.
Ở tuổi 19, Văn Quyến, Công Vinh đã giành được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Ở tuổi 16, một lứa cầu thủ tài năng này đã gây chấn động ở giải Châu Á. Thế nhưng, lứa cầu thủ ấy đến nay chỉ mỗi Công Vinh, người duy nhất bị áp lực của dư luận chứ không dùng những mỹ từ ca ngợi như Văn Quyến lại đang ngày một khẳng định vị thế của mình.
Vì thế, trách nhiệm của người hâm mộ là thể hiện tình yêu của mình với các cầu thủ U.19 Việt Nam, điều đó không sai mà hoàn toàn đúng. Nhưng trách nhiệm của những người làm bóng đá, của truyền thông là làm sao để các cầu thủ thấy được mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Bóng đá Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào 1 thế hệ cầu thủ.