Đi đám cưới ngồi nhầm mâm, đút nhầm phong bì
Đút nhầm phong bì, không được đón tiếp, bị đùn đẩy sang mâm cỗ nhà trai ngồi... là những tình huống dở khóc dở cười xảy ra ở tiệc cưới.
Đám cưới là ngày thiêng liêng, đáng nhớ nhất của các cặp uyên ương. Họ đã phải vượt qua bao nhiêu thử thách, sóng gió trong cuộc sống để sánh bước bên nhau trong ngày cưới, trước sự chúc phúc của gia đình, bạn bè. Nhưng những câu chuyện bi, hài xung quanh chuyện cưới xin vẫn là những kỷ niệm không thê nào quên được của các cô dâu, chú rể mới. |
Tổ chức đám cưới tại nhà hàng là sự lựa chọn của nhiều gia đình có “hỷ”. Dịch vụ trọn gói mang đến tiện lợi về mặt thời gian, cô dâu, chú rể cùng gia đình không mất nhiều công sức, cũng như không phải nhờ vả anh em họ hàng giúp đỡ làm cỗ.
Không gian sạch đẹp, lộng lẫy đầy đủ hoa, bánh, rượu, tiệc… giúp lễ cưới thêm phần trang trọng.
Tuy vậy, tổ chức tại nhà hàng đôi khi khiến lễ cưới trở nên “nhạt”, khó gây ấn tượng. Cách bài trí quá rạch ròi, lộ liễu khiến lễ cưới mất đi sự ấm cúng, thân mật. Và các vị khách cũng gặp không ít tình huống dở khóc, dở cười khi dự những đám cưới “sang trọng” nhưng có phần thiếu “thân thiện”.
Tiện lợi, sang trọng là lý do nhiều cặp đôi chọn nhà hàng là nơi tổ chức lễ cưới...(Ảnh minh họa)
Từ ngồi nhầm chỗ…
Tổ chức lễ cưới tại nhà hàng, tiệc của nhà trai và nhà gái được phân rạch ròi thành hai bên. Trên mỗi bàn tiệc có tờ giấy ghi rõ gia đình cô dâu, chú rể. Thùng phong bì cũng được chia đôi, đặt hai bên trước lối ra vào.
Tại lễ cưới, bất cứ hành động nào của quan khách cũng được “hướng dẫn” cẩn thận, từ việc ngồi đúng vị trí cho đến việc bỏ phong bì vào đúng thùng. Vị khách nào “lỡ” ngồi nhầm sẽ được nhẹ nhàng mời ngồi vào chỗ đúng. Điều này khiến họ cảm thấy mất tự nhiên khi đi dự đám cưới của người thân, đồng nghiệp hay người anh em/chị em thân tình của mình,
Nếu đám cưới nào cũng có người hướng dẫn cặn kẽ thì chắc chắn nhiều vị khách đã không phải rơi vào những tình huống éo le, dở khóc, dở cười.
Bạn Ngọc Thủy (25 tuổi, cán bộ tư pháp) kể lại: “Hôm đó, chúng mình đi đám cưới hai đứa bạn đồng nghiệp cùng cơ quan. Vì là khách của cả cô dâu và chú rể nên sau khi đút phong bì vào hòm, chúng mình chạy đến ngồi vào bàn ghi dòng chữ 'nhà gái'. Lát sau có người đến hỏi là khách của bên nào và khi biết là khách của cả hai thì người thân nhà gái nói nhỏ: “Bên nhà gái đặt ít bàn hơn nên vui lòng sang mẫm cỗ nhà trai. Sang bên nhà trai thì chúng mình cũng nhận được lời đề nghị như vậy. Thế là đứng lơ ngơ giữa tiệc cưới. Mãi sau có cô dâu can thiệp, chúng mình mới được ngồi vào bàn phía trong cùng”.
... nhưng đó là lý do khiến nhiều quan khách rơi vào tình huống éo le (Ảnh minh họa)
Nguyễn Nam (27 tuổi, nhân viên kinh doanh) còn kém may mắn hơn. Anh ngậm ngùi: “Hôm đó mình và nhóm bạn đến lễ cưới muộn 10 phút, nhìn quanh không còn ghế nào trống. Người nhà cô dâu chạy ra nói nhỏ rằng thông cảm vì “quá tải”. Thế là chúng mình chúc mừng, gửi phong bì rồi ngậm ngùi ra về”.
Không chỉ ngồi nhầm chỗ, không có chỗ ngồi mà còn có những vị khách không được hướng dẫn đành bất lực đứng lơ ngơ giữa lễ cưới, lạc lõng và xa lạ.
… đến đút … nhầm phòng bì
Câu chuyện tiền mừng vốn là chuyện tế nhị nhưng cũng không tránh khỏi những tình huống bi hài khi đám cưới được tổ chức tại nhà hàng. Chủ nhân đám hỷ thì mệt mỏi bởi việc quản lý thùng phong bì còn những vị khách đen đủi thì tự biến mình thành kẻ “thộn”.
Nếu hai bên gia đình tuyên bố “Tiền mừng được bao nhiêu cho hết dâu, rể làm vốn” thì quá khỏe bởi, lúc đó chỉ có một thùng đựng phong bì. Nhưng nếu tiền nhà nào về nhà nấy thì sẽ có nhiều cái mệt cho cả gia chủ lẫn quan khách.
Mỗi thùng phong bì đều có ghi rõ nhà trai, nhà gái nhưng vì sợ hỷ sự bối rối nên gia đình nào cũng phải cử người hướng dẫn khách bỏ tiền đúng chỗ. Những khi khách đông, để tránh việc bên nào đó “mất tiền” do khách bỏ nhầm thì đến cả thông gia lẫn dâu, rể cũng phải can thiệp.
Nhiều vị khách rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì bỏ nhầm phong bì (Ảnh minh họa)
Bạn Hoàng Anh (24 tuổi, Hà Nội, nhân viên kế toán) tâm sự: “Hai bên gia đình bị mất tập trung khi tay thì bắt khách, còn mắt lại để ý đến thùng phong bì. Hoặc có người phải xuýt xoa tiếc nuối khi thấy khách nhà mình bỏ tiền vào hòm của nhà khác”.
Sự “nhầm nhọt” khi đút phong bì cũng khiến nhiều quan khách đau đầu. Hoàng Anh kể lại, trong một lần đi dự lễ cưới ở nhà hàng, cậu từng chứng kiến một ông cụ đòi lấy phong bì ra khỏi hòm. Thì ra trước đó, vì mắt mờ không nhìn rõ thùng nhà trai, nhà gái nên cụ bỏ nhầm. Đến khi ngồi vào bàn nghe mọi người hỏi cụ mới biết.
Những chiếc thùng phong bì được thiết kế tế nhị, rõ ràng nhưng cũng có không ít người bỏ tiền nhầm vị trí (Ảnh minh họa)
Trường hợp của anh Kiên còn bi hài hơn. Anh kể: “Tôi không phải đút nhầm phong bì cho nhà trai hay nhà gái mà là bỏ nhầm phong bì vào thùng nhà người khác cũng tổ chức lễ cưới ở địa điểm đó. Lần ấy là đi đám cưới con trai sếp. Vì muốn thể hiện tình cảm nên mình để phong bì hẳn 2 triệu”.
Anh cho biết thêm: "Đám cưới con sếp tổ chức ở nhà hàng 3 tầng, cả nhà hàng tổ chức một lúc 6 đám. Mà tôi thì chỉ biết tên con sếp chứ chẳng biết mặt mũi nó ngang dọc thế nào. Hơn nữa lại đi muộn hẳn 30 phút nên không còn ai ở ngoài tiếp đón. Bước vào tầng 1, nhìn qua qua cái ảnh cưới, thấy mặt chú rể hao hao sếp mình, tôi đút tọt cái phong bì vào cái thùng hình trái tim. Bước vào phòng nhìn quanh một lúc, chẳng thấy ai quen tôi mới tá hỏa thì ra mình nhầm. Chạy ra định xin lại cái phong bì thì cái thùng đã đi đâu mất. Thế là tiu ngỉu vét nốt 500 nghìn còn lại trong túi bỏ vào phong bì, chạy đi tìm đám cưới”.
Ngày cưới không chỉ là ngày trọng đại của cô dâu, chú rể mà còn là niềm vui của người thân, bạn bè, những người tham dự… Tuy nhiên, đôi khi chỉ vì cách bài trí, sắp đặt, tổ chức thiếu tinh tế mà đám cưới mất đi sự ấm cúng và nhiều vị khách còn bị đẩy vào những tình huống trớ trêu.
----------------------
Chuyện ngồi "nhầm" mâm, đút nhầm phong bì là chuyện bi hài của các vị khách đến tham dự lễ cưới. Nhưng chuyện kiểm kê phong bì trong đêm tân hôn cũng xảy ra không ít câu chuyện dở khóc dở cười. Mời các bạn hãy đón đọc phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 19/12/2014.