“Đêm cuối” của đời con gái
Trước khi đi lấy chồng, những cô gái trẻ không khỏi lo lắng khi phải rời xa gia đình để làm dâu nhà người.
Đám cưới là ngày thiêng liêng, đáng nhớ nhất của các cặp uyên ương. Họ đã phải vượt qua bao nhiêu thử thách, sóng gió trong cuộc sống để sánh bước bên nhau trong ngày cưới, trước sự chúc phúc của gia đình, bạn bè. Nhưng những câu chuyện bi, hài xung quanh chuyện cưới xin vẫn là những kỷ niệm không thê nào quên được của các cô dâu, chú rể mới.
Đêm cuối cùng, sau những bận rộn, tất bật chuẩn bị cho ngày cưới, là thời khắc các cô dâu chìm vào suy tư. Có lẽ, phải đến lúc đó, họ mới thực sự nghĩ về chuyện làm vợ, làm dâu, nghĩ về những con người xa lạ sẽ gọi là cha, là mẹ, là anh em, nghĩ về cuộc sống mới với những ràng buộc, lo toan mới… và nỗi xót xa, nhung nhớ khi phải rời tổ ấm đã gắn bó suốt bao năm trời.
Những cảm xúc trong đêm cuối ấy có lẽ họ chẳng bao giờ quên.
“À, thì ra ngày mai mình làm vợ”
Suốt 4 năm học Đại học, Tuyết (22 tuổi, Phú Thọ) đã quen với cuộc sống xa nhà. Đến trước ngày lên xe hoa về nhà chồng, Tuyết cũng nghĩ nó chỉ giống như một lần đi học, hai ba tuần thấy nhớ nhà lại chạy về với mẹ. Cho đến khi đi ngủ để ngày mai mặc áo cô dâu, Tuyết mới giật mình: “À thì ra ngày mai mình làm vợ”.
Ở tuổi 22, cô gái vẫn nghĩ lấy chồng là việc gì đó thật bình thường: “Người ta yêu nhau để làm gì? Cũng chỉ để cưới thôi”. Và Tuyết cũng vậy!
Cô và bạn trai đã kết thúc tình yêu đầu kéo dài 2 năm bằng một đám cưới ngay sau khi lấy được tấm bằng đại học. Là cô gái quê, may mắn lấy chồng thành phố, gia đình có điều kiện, chẳng phải lo lắng chuyện nhà cửa, kinh tế… Tuyết chỉ chú tâm đến việc chụp ảnh cưới sao cho đẹp, chọn váy cô dâu, làm tóc sao cho lộng lấy nhất khi bước lên xe hoa để xứng tầm dâu thành phố.
Sát ngày cưới, Tuyết cũng tất bật với bao công việc, từ dọn dẹp, trang trí nhà cửa đến chuẩn bị đồ dạc cho bản thân. Bởi vậy, mọi cảm xúc của một cô dâu sắp về nhà chồng dường như đổ dồn hết vào đêm cuối này. Tuyết nhớ ra, hình như từ trước đến giờ cô chưa hề nghĩ đến chuyện làm vợ, làm mẹ.
Tuyết tâm sự: “Cảm xúc khó tả đó mình chưa bao giờ có. Trước đây, mình coi chuyện lấy chồng là bình thường, nhưng lúc đó mình lại thấy nó thật hệ trọng. Tự nhiên mình nghĩ về người đàn ông sắp là chồng, nghĩ về những người xa lạ mình sắp gọi là bố mẹ, nghĩ về việc sinh con, việc phải làm chủ cuộc sống… Chưa bao giờ mình cảm thấy sợ hãi như thế”.
Tuyết nhớ lại những cảnh báo của bạn bè trước giờ vẫn phớt lờ: “Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”. Khi yêu thì họ ngọt ngào, nâng niu thế, giờ lấy được rồi biết đâu họ lại xem như mình là “osin cấp cao” trong nhà. Rồi cả chuyện chồng ngoại tình, đâu phải dễ để giữ được trái tim một chàng trai thành phố hào hoa như chồng sắp cưới của cô?
Nhưng điều khiến Tuyết lo lắng nhất là việc làm dâu nhà giàu. Mấy lần vào nhà người yêu chơi, Tuyết nhìn thấy những vật dụng hiện đại mà cô không biết cách sử dụng như thế nào. Tuyết sợ sự quê kệch, lóng ngóng, vụng về của mình sẽ khiến họ đánh giá, coi thường.
Rồi đến chuyện ứng xử với mẹ chồng chị dâu. Tính Tuyết vốn vô tư, ở nhà mẹ nói điều gì trái ý là cãi phăng phăng, giờ mà lỡ miệng cãi mẹ chồng thì to chuyện. Công việc Tuyết cũng chưa có, sẽ ra sao nếu cứ hàng ngày ở nhà cơm nước, giặt giũ, ăn bám nhà chồng?
Đêm cuối trước ngày lên xe hoa Tuyết thức trắng. Chưa bao giờ cô gái 22 tuổi cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi nghĩ về chuyện làm vợ, làm dâu.
Thương cha mẹ khi cất bước lấy chồng
Cũng lo lắng, hồi hộp, nhưng cảm xúc choán ngợp tâm thức Thủy (25 tuổi, Vĩnh Phúc) trong đêm cuối trước ngày lên xe hoa là nỗi nhớ thương cha mẹ.
Thủy là chị cả của một gia đình nghèo ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Được bố mẹ tần tảo nuôi ăn học, ra trường Thủy xin được chỗ làm ổn định với mức lương khá cao. Cứ mỗi tháng cô dành ra một khoản gửi về giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học.
Giờ đi lấy chồng, Thủy lo ai sẽ là người cấp khoản tiền ấy cho em mỗi tháng? Bố mẹ có tần tảo làm lụng quanh năm cũng không thể đủ tiền nuôi cả hai đứa em học đại học.
Lấy chồng rồi cô sẽ phải lo lắng cho gia đình chồng, lo ứng xử sao cho khéo léo rồi bận bịu với các mối quan hệ xã hội, gia đình khác. Chưa kể nhà chồng xa nhà bố mẹ đẻ hàng trăm cây số, biết bao giờ cô mới có dịp về thăm gia đình?
Lấy chồng xa nên ngày cưới, Thủy phải chuẩn bị quần áo đem theo luôn chứ không được về nhà “lại mặt” như những cô dâu khác. Đêm trước đó, Thủy tranh thủ từng phút để gần gũi, trò truyện và tâm sự với gia đình.
Đê m cuối trước khi lên xe hoa cất bước lấy chồng xa, Thủy thấy thương cha mẹ vô cùng! (Ảnh minh họa)
Thủy chia sẻ: “Đêm hôm đó, mẹ lần giở túi áo đưa cho mình một cây kim rồi dặn dò chuyện phòng the. Mình xúc động đến bật khóc vì dù bận rộn chuẩn bị đám cưới cả ngày nhưng mẹ vẫn nhớ đến những điều nhỏ như vậy"
Mẹ Thủy còn căn dặn: " Dù vợ chồng có cãi nhau, con có bực thế nào thì cũng hãy chia sẻ với bố mẹ một cách nhẹ nhàng chứ đừng gay gắt. Vì con có thể tha thứ cho chồng con chứ bố mẹ thì không thể tha thứ cho người làm khổ con gái mình. Rồi mối quan hệ giữa nhà ta với chàng rể lại sứt mẻ đi ít nhiều”.
Thủy vẫn nhớ, lúc nửa đêm tỉnh giấc, cô nghẹn lòng thấy mẹ ở trong buồng thút thít, bố ngồi trên bậc thềm thở dài, còn hai đứa em thì chăm chú tết hoa cưới cho chị. Nước mắt chực trào nhưng Thủy vẫn cố tỏ ra vui vẻ: “Con đi lấy chồng rồi lại về chứ có đi mất luôn đâu mà cả nhà khóc”.
Hơn lúc nào hết, cô thấu hiểu nỗi lòng cha mẹ khi có con gái sắp lấy chồng xa. Ngay mai Thủy lên xe hoa, đứa con dứt ruột nuôi nấng bao năm trời của họ trở thành dâu con nhà khác, bậc làm cha mẹ sao khỏi thấy hụt hẫng, xót lòng?
Đêm cuối cùng của “đời con gái” là những bộn bề suy nghĩ, bộn bề cảm xúc. Mấy ai ngon giấc trong những thời khắc trọng đại ấy?
Nhưng ngày mai, khi mặc áo cô dâu rạng rỡ bên chồng, họ lại quên hết mọi lo toan và trọn vẹn với niềm hạnh phúc mới. Chỉ có bậc làm cha mẹ dõi theo phía sau đang nén gạt đi giọt nước mắt vừa vui vừa hụt hẫng khi đứa con gái bên họ bao nhiêu năm nay về làm dâu nhà người.
Mời các bạn đón đọc kỳ hai "Ngượng ngùng nụ hôn trong ngày cưới" vào lúc 0h00 ngày 16/12/2014.