Vớt loại côn trùng chui lên từ lòng đất bán nửa triệu/kg, thương lái tranh nhau mua

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

“Năm ngoái, hết tháng 9 âm lịch là anh em tôi thu về được hơn 1 tỷ đồng rồi. Năm nay mất mùa, cả tháng vớt được có 3 buổi, mới được hơn 100 triệu đồng, thương lái đứng sẵn trên bờ chờ mua với giá 650.000 đồng/kg mà không đủ bán”.

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Tùng, trú tại xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà (Hải Dương) về vụ rươi năm nay.

Theo anh Tùng, gia đình anh có 30 mẫu ruộng rươi do 3 anh em quản lý. Vào vụ rươi năm trước, 3 anh em nhà anh thu về được hơn 1 tỷ đồng.

“Năm ngoái, chỉ trong tháng 9 âm lịch, 3 anh em tôi thu được hơn 2 tấn rươi, bán được hơn 1 tỷ đồng. Năm nay giá cao nhưng lại mất mùa, hết tháng 9 rồi mới thu được khoảng 2 tạ, bán được hơn 100 triệu đồng”, anh Tùng nói.

Rươi thường nổi vào buổi tối nên người dân chong đèn đi vớt và được thương lái thu mua tại bờ.

Rươi thường nổi vào buổi tối nên người dân chong đèn đi vớt và được thương lái thu mua tại bờ.

Người dân tại đây cũng có nhiều câu ca dao nói về thời điểm rươi xuất hiện trong năm, như: “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, hay là câu “bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”, ý chỉ rằng, rươi nổi nhiều nhất vào ngày 20/09 đến ngày 05/10 âm lịch.

Theo anh Tùng, mùa rươi chính vụ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Các tháng còn lại là rươi trái vụ, may mắn thì thấy rươi nổi lên nhưng có rất ít. Riêng năm nay, do thời tiết thay đổi, mưa cả tháng nên rươi xuất hiện không nhiều như năm trước.

“Suốt cả tháng 9 năm nay, rươi chỉ xuất hiện đúng 3 ngày. Nhà tôi thu được gần 60kg, bán được hơn 30 triệu đồng. Cả 3 gia đình hơn 30 mẫu ruộng mới thu được 2 tạ, mới được 1/10 sản lượng năm ngoái. Rươi có ít nên giá cũng cao hơn các năm trước. Vớt được đến đâu thương lái cân ngay tại bờ với giá 650.000 đồng/kg”, anh Tùng nói.

Mỗi kg rươi có giá từ 500-650.000 đồng nhưng thương lái tranh nhau mua.

Mỗi kg rươi có giá từ 500-650.000 đồng nhưng thương lái tranh nhau mua.

Cũng sở hữu hơn 7 mẫu ruộng rươi lại Tứ Xuyên, Tứ Kỳ (Hải Dương), chị Nguyễn Thị Biên cho biết, nhà chị nuôi rươi được hơn 10 năm nay. Năm rươi được mùa nhất gia đình chị thu được khoảng gần 2 tấn, giá dao động từ 400-600.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, năm nay mất mùa nên giá rươi cao hơn hẳn mọi năm. “Năm nay nước tháng 9 rươi chưa nổi mấy nên có ít, nhà tôi thu được khoảng 3-4 tạ, bán với giá 600.000 đồng/kg”, chị Biên cho hay.

Theo chị Biên, ngày trước, khi rươi nổi lên, nhà nào vớt được bao nhiêu thì vớt chứ không chia ruộng như bây giờ. Càng ngày, giá trị con rươi càng cao nên nhà nào có ruộng thì nhà ấy be bờ, chia luồng, cải tạo đất, làm hệ thống thủy lợi để tạo môi trường tốt nhất cho rươi phát triển.

Nhờ có diện tích ruộng rươi mà nhiều gia đình thu được cả tỷ đồng/vụ.

Nhờ có diện tích ruộng rươi mà nhiều gia đình thu được cả tỷ đồng/vụ.

Rươi sinh sống quanh năm dưới lớp bùn dày bằng nguồn phù sa và sinh vật phù du vùng nước lợ. Đến mùa sinh sản, rươi nổi lên mặt nước, người dân dựa vào con nước, đắp bờ chặn để thu vớt rươi rồi bán đi khắp cả nước.

Một số hộ gia đình đắp bờ, xây cống, cải tạo môi trường sống sạch sẽ sau khi thu hoạch lúa để rươi phát triển tự nhiên nhất. Với những vụ được mùa có thể thu hoạch được hàng tấn rươi.

Rươi thường theo con nước lên xuống của thủy triều. Vì vậy, người dân phải canh nước, tháo cống rồi dùng lưới chặn để bắt rươi dễ dàng hơn. Nhiều gia đình phải dậy từ nửa đêm, canh lấy nước triều cường vào đầm nhà mình để rươi chui dưới lòng đất lên. Đến khi trời sáng, phải tháo nước để thu hoạch rươi theo dòng chảy.

Rươi sau khi được thu hoạch sẽ được thương lái cân ngay tại bờ và vận chuyển đi trong đêm. Nhờ loại côn trùng sinh ra từ đất này mà nhiều hộ nông dân đã trở nên khấm khá và có của ăn của để.

Giá cao nhưng rươi khai thác được không đủ cung cấp cho thương lái.

Giá cao nhưng rươi khai thác được không đủ cung cấp cho thương lái.

Theo các nhà khoa học, rươi thuộc họ giun nhiều tơ. Môi trường sinh sống của chúng thường là các khu vực nước lợ hoặc khu vực tiếp giáp giữa môi trường nước lợ và nước ngọt.

Ở nước ta, rươi thường có nhiều ở một số địa phương vùng trũng, có diện tích đất ngập úng, đặc biệt là vùng Kinh Môn, Thanh Hà, Tứ Kỳ của Hải Dương.

Cứ vào độ tháng 9, tháng 10 hàng năm, những con rươi nhìn như con giun uốn lượn nổi lên từng đàn lúc nhúc cũng là lúc người dân ở đây tiến hành thu hoạch rươi. Thương lái từ khắp nơi cũng đổ về mua bán tấp nập để xuất bán đi Trung Quốc hoặc cung cấp cho các nhà hàng ở các thành phố lớn.

Từ rươi, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn đặc sắc và thơm ngon khó tả. Theo các chuyên gia, giá trị dinh dưỡng của rươi hoàn toàn không thua kém gì thịt bê non, với mỗi 100g rươi thì có đến 12.4g protid, 4.4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo. Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…

Nguồn: [Link nguồn]

Giá rau đắt ngang thịt lợn, nông dân và thương lái đều không vui: Tại sao?

Đối với người nông dân một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, khi rau tăng gấp 2-3 lần, đáng ra...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN