Trung Quốc lùng mua cả triệu đồng/kg, nhiều người đi kích điện ngày đêm lấy giun đất bán
Giá giun đất tăng lên đến cả triệu đồng/kg khiến các lò sấy giun “mọc ra” khắp các tỉnh thành, người dân thi nhau đi kích giun để bán.
Giun đất hay còn gọi là địa long (rồng đất), được ví như chiếc máy cày tự nhiên của người nông dân bởi chúng chui len lỏi trong lòng đất, giúp đất tơi xốp. Đồng thời, khi giun đất di chuyển, chất nhầy kết hợp với chất thải của chúng cung cấp chất dinh dưỡng cho đất.
Giun đất khô được thu mua với giá cả triệu đồng/kg.
Ở Trung Quốc, giun đất được coi là rồng đất, là dược liệu dùng trong y học cổ truyền. Vì vậy, nhiều năm gần đây, việc thu mua giun đất khô để bán cho thương lái Trung Quốc đã diễn ra ở nhiều địa phương của nước ta.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, bạn hàng phía Trung Quốc ồ ạt thu mua giun đất với giá cao hơn so với các năm trước đã khiến việc kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành ở nước ta.
Giun đất được mua bán rầm rộ trên khắp các tỉnh thành với giá từ 50-66 nghìn đồng/kg giun tươi.
Trên khắp các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội, giun đất được rao bán với giá từ 900 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg. Đồng thời, việc mua bán giun đất diễn ra công khai với hàng chục hội nhóm và hàng trăm bài viết mỗi ngày.
Anh Lâm Thanh Trường, một người chuyên mua bán các loại hàng hoá bán sang Trung Quốc cho biết, một số năm trước, giá giun đất khô chỉ khoảng 300-400 nghìn đồng/kg. Do vậy, giun đất tươi chỉ được mua với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg.
Năm nay, giá thu mua giun đất bỗng tăng lên gấp 2-3 lần nên nhiều người dân đã mua máy kích điện về kích giun để bán. Các lò sấy giun cũng “nở” lên khắp nơi. Riêng anh thì không làm mặt hàng này vì “hôi” và không bền.
Giun đất sau khi sấy khô có giá lên tới cả triệu đồng/kg.
Giun đất tươi được các lò sấy giun thu mua với giá từ 50-65 nghìn đồng/kg. Giun sau khi mua về, mổ bỏ nội tạng, sấy khô khô cũng được các đầu mối thu mua với giá từ 700-850 nghìn đồng/kg.
Với một bộ máy kích giun bằng điện, mỗi người có thể kích được từ 10-20kg giun đất tươi, bán với giá từ 50-55 nghìn đồng/kg, thu về cả triệu đồng/ngày.
Vì thu nhập từ việc kích giun đất bán không quá nặng nhọc lại có thu nhập cao nên “nạn” kích điện lấy giun bán đã trở nên phổ biến.
Từ việc mua bán giun đất lẫn mua bán các loại máy kích giun diễn ra rầm rộ trong thời gian gần đây.
Anh Chiến, trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, thời gian gần đây, giun đất được các thương lái về tận quê anh thu mua với giá từ 50-60 nghìn đồng/kg. Ngay cạnh xã cũng mọc lên lò sấy giun.
“Riêng làng tôi giờ có khoảng 20 bộ kích giun đất bằng điện. Hầu như ngày nào tôi cũng gặp họ kích giun ở bờ ruộng hoặc ven đường, đuổi không đi mà còn bị quát lại”, anh Chiến nói.
Chị Trang Hằng, trú tại xã Xuân Hoà (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng cho biết, tại xã mình cũng có nạn kích giun đất khoảng hơn một tháng nay.
“Hôm nào tôi đi làm về tầm 2 giờ sáng cũng gặp một vài người đi kích giun. Ban ngày nếu không cho kích thì họ chờ cho mọi người đi làm hết hoặc đêm tối để kích. Có nhà cho kích giun xong, cây cối bị chột, rụng hết cả lá”, chị Hằng cho biết.
Giá giun đất tăng cao nên nhiều người đi kích giun về bán. (Ảnh: Huyền Trang).
Tại Lào Cai, trên địa bàn huyện Bắc Hà và Si Ma Cai cũng xuất hiện tình trạng nhiều người đi kích giun đất để bán. Cùng với đó là hàng loạt cơ sở thu mua, sơ chế và sấy giun cũng xuất hiện.
Anh Cư Seo Sì, người làm thuê tại một lò sấy ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết, mỗi ngày, cơ sở anh đang làm thu mua được khoảng 400-500kg giun đất tươi. Thay vì mổ bằng tay, các lò sấy đã có máy mổ giun.
Sau khi mổ và sấy, cứ 10kg giun tươi sẽ được 1kg giun khô, bán với giá từ 700-850 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí thuê nhân công, máy móc, củi sấy, chủ lò sấy giun thu lãi hàng triệu đồng mỗi ngày.
Lò sấy giun cũng mọc nên "như nấm" vì giá giun đất tăng cao.
Tại Cao Phong (Hoà Bình), nạn kích giun đã khiến hàng loạt vườn cam đặc sản bị hư hại, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây ăn quả.
Ông Bùi Văn Toản, chủ một vườn cam tại Cao Phong cho biết, trước đây, ngày nào cũng có người đi qua vườn của ông để kích giun nhưng chưa manh động như bây giờ.
“Giờ họ không cần chủ vườn cho phép mà cứ xông thẳng vào vườn để kích giun. Nếu bị phát hiện, không ít kẻ sẵn sàng phản ứng, thậm chí chống trả, đe doạ lại cả chủ vườn”, ông Toản nói.
Nguyên nhân khiến nhiều người bất chấp tất cả để đi kích giun vì giun bán được giá cao. Trong khi đó, pháp luật chưa có chế tài nào xử lý việc kích giun mà chỉ dừng lại ở việc thu giữ máy kích điện hoặc phạt vì hành vi gây huỷ hoại môi trường.
Việc tận diệt giun đất bằng máy kích điện gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đất.
Ngày 1/8, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gửi công văn đến sở NN&PTNT các địa phương, đề nghị báo cáo để xem xét tình hình để tìm cách xử lý.
Cục Trồng trọt cũng để nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hoạt động trên (nếu có).
Đồng thời tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất.
Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Tinh dầu từ loài hoa này là một trong những loại đắt nhất thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]